backup og meta

Mẹ bầu thiếu sắt có ảnh hưởng gì không? Xem ngay để kịp thời điều trị!

Mẹ bầu thiếu sắt có ảnh hưởng gì không? Xem ngay để kịp thời điều trị!

Trong suốt quá trình mang thai, sắt là một trong những khoáng chất quan trọng mà mẹ bầu được khuyến khích bổ sung ngay từ những ngày đầu của thai kỳ. Thế nhưng, tại sao mẹ bầu lại cần bổ sung sắt? Mẹ bầu bị thiếu sắt có ảnh hưởng gì không?

Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn giải đáp những băn khoăn kể trên cũng như cung cấp thêm một số thông tin về cách điều trị và phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ bầu. Bạn hãy dành vài phút xem tiếp những chia sẻ bên dưới nhé! 

Mẹ bầu thiếu sắt có ảnh hưởng gì không?

Sắt là khoáng chất được tìm thấy ở nhiều protein và enzyme giúp giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Hầu hết sắt trong cơ thể còn “hiện diện” ở hemoglobin, một loại protein có trong tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy đến các mô và cơ quan trong cơ thể [5]. 

Trong cơ thể con người, sắt thường được dự trữ ở dạng ferritin và hemosiderin trong gan, lá lách, tủy, tá tràng, cơ xương và một số cơ quan trong cơ thể [8]. Ở giai đoạn đầu, thiếu sắt có thể bắt đầu từ việc số lượng sắt dự trữ trong các “kho” của cơ thể bị suy giảm. Dần dần, lượng sắt dự trữ này bắt đầu cạn kiệt, lượng sắt hấp thụ không bù đắp được cho lượng sắt sử dụng và việc thiếu hụt này gây hạn chế trong việc tạo ra tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Đến một lúc nào đó, lượng sắt thiếu hụt quá lớn, lượng tế bào hồng cầu đạt tiêu chuẩn được tạo ra thấp hơn mức bình thường thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt [9], [11].

Do đó, với băn khoăn mẹ bầu thiếu sắt có ảnh hưởng gì không thì câu trả lời là “có”. Mẹ bầu thiếu sắt diễn tiến đến một mức độ nghiêm trọng có thể gây thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt nếu không được can thiệp thì không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến kết cục xấu của thai kỳ còn ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

  • Đối với mẹ: Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt có thể khiến mẹ bị mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt. Nếu thiếu máu nặng thì có thể bị ngất, dẫn đến té ngã. Thiếu máu cũng làm tăng nguy mắc các biến chứng sản khoa như sảy thai, sinh non, nhiễm trùng hậu sản, băng huyết sau sinh. Không những vậy, thiếu máu do thiếu sắt còn có liên quan đến trầm cảm sau sinh [3], [7]. 
  • Đối với bé: Mẹ bị thiếu sắt khi mang thai có thể khiến bé có cân nặng thấp, bị thiếu máu trong 3 tháng đầu đời, các vấn đề về phát triển tâm thần [2]. Một vài nghiên cứu cũng cho thấy thiếu máu do thiếu sắt làm tăng nguy cơ bé tử vong trước hoặc ngay sau khi sinh [3].

Mẹ bầu là đối tượng có nguy cơ thiếu sắt cao do khi mang thai, thể tích máu của cơ thể sẽ tăng lên 30 – 50% để đáp ứng nhu cầu của thai nhi và nhau thai [1], [6]. Do đó, trong thai kỳ, mẹ bầu cần được cung cấp sắt nhiều hơn so với bình thường để đáp ứng nhu cầu thay đổi theo từng giai đoạn mang thai cùng sự lớn lên hàng ngày của con. Nhu cầu sắt của mỗi giai đoạn mang thai sẽ có sự khác nhau. Theo đó, lượng sắt mẹ bầu cần bổ sung sẽ tăng dần, đặc biệt trong 03 tháng cuối thai kỳ để chuẩn bị cho việc sinh nở [10].

Mẹ bầu bị thiếu máu do thiếu sắt phải làm sao?

Bà bầu thiếu sắt có nguy hiểm không

Việc chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm máu. Thông thường, ngưỡng để chẩn đoán thiếu máu thai kỳ là khi có nồng độ hemoglobin trong máu thấp hơn 11g/dL ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba; thấp hơn 10,5g/dL ở tam cá nguyệt thứ hai [5].

Nếu được chẩn đoán thiếu máu, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc giúp bổ sung sắt dạng viên uống hoặc dạng lỏng để dùng mỗi ngày. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc bạn bị thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng, bạn có thể được khuyên nên đi khám bác sĩ chuyên về huyết học và có thể được điều trị bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch [2]. 

Khi sử dụng các loại thuốc bổ sung sắt, bạn có thể dùng chung với các loại thức uống giàu vitamin C, chẳng hạn như nước cam bởi những vitamin C có thể giúp cơ thể tăng hấp thụ sắt. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ để kho dự trữ sắt trong cơ thể phục hồi hoàn toàn, tránh tái phát và để lại các hậu quả về sau. 

Với mẹ bầu, việc tuân thủ điều trị có thể gặp khó khăn do các loại thuốc bổ sung sắt có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau bụng, táo bón khiến mẹ khó chịu và dễ bỏ dở việc điều trị  [2]. Do đó, để hạn chế điều này, bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ về việc dùng viên uống bổ sung sắt có cơ chế phóng thích kéo dài để mang lại độ hấp thu tối đa và hạn chế gặp phải các tác dụng phụ.

  • Phóng thích đúng mục tiêu: Phóng thích sắt trong khu vực hấp thu tối đa từ tá tràng đến hỗng tràng. Điều này giúp tối ưu hóa khả năng hấp thu thuốc vào cơ thể. 
  • Phóng thích có kiểm soát, không phóng thích ồ ạt trong ống tiêu hóa để hạn chế kích ứng niêm mạc dạ dày – ruột, cải thiện một số tác dụng phụ như táo bón, nôn, buồn nôn.

Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ cũng sẽ khuyên mẹ bầu nên thêm các thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn như: [2]

  • Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu và thịt lợn
  • Các loại đậu như đậu, đậu Hà Lan và đậu lăng
  • Các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoong, rau mùi tây…
  • Các loại hạt như hạt hướng dương hoặc hạt vừng…
  • Các loại cá
  • Ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như gạo lứt
  • Các loại quả hạch như hạnh nhân, quả phỉ…
  • Các loại trái cây và rau củ có chứa vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ chất sắt như kiwi, cam, bông cải xanh…

Ngoài ra, bạn cũng nên tránh uống trà và cà phê (kể cả loại không chứa caffein), đặc biệt là trong bữa ăn vì điều này có thể ngăn cản quá trình hấp thụ sắt vào cơ thể [2]. 

Qua bài viết, hi vọng bạn đọc đã nắm được câu trả lời cho vấn đề mẹ bầu thiếu sắt có ảnh hưởng gì không. Việc bổ sung sắt đúng đủ trong thai kỳ vô cùng quan trọng vì có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và bé sau này. Do đó, mẹ hãy lưu ý bổ sung khoáng chất này ngay từ những ngày đầu mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh và một bé cưng kháu khỉnh nhé.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. How to Treat Iron Deficiency During Pregnancy https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/treat-iron-deficiency-naturally-pregnancy/ Ngày truy cập: 11/12/2022

2. Anaemia and pregnancy https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-complications/anaemia-and-pregnancy Ngày truy cập: 11/12/2022

3. Iron deficiency anemia during pregnancy: Prevention tips https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/anemia-during-pregnancy/art-20114455 Ngày truy cập: 11/12/2022

4. Guidelines for the Use of Iron Supplements to Prevent and Treat Iron Deficiency Anemia https://apps.who.int/nutrition/publications/micronutrients/guidelines_for_Iron_supplementation.pdf?ua=1 Ngày truy cập: 11/12/2022

5. Pregnancy and birth: Do all pregnant women need to take iron supplements? https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279574/ Ngày truy cập: 11/12/2022

6. Iron https://ods.od.nih.gov/factsheets/Iron-HealthProfessional/#:~:text=Frequently%20used%20forms%20of%20iron,sulfate%20%5B3%2C27%5D. Ngày truy cập: 11/12/2022

7. Bổ sung sắt cho bà bầu đúng và đủ theo từng giai đoạn mang thai https://syt.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/6CWBO9WiZqsQ/content/bo-sung-sat-cho-ba-bau-ung-va-u-theo-tung-giai-oan-mang-thai?inheritRedirect=false Ngày truy cập: 11/12/2022

8. METABOLISM OF IRON STORES https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4345694/ Ngày truy cập: 11/12/2022

9. Anemia https://kidshealth.org/en/teens/anemia.html Ngày truy cập: 11/12/2022

10. Iron requirements in pregnancy and strategies to meet them https://academic.oup.com/ajcn/article/72/1/257S/4729643 Ngày truy cập: 11/12/2022

11. UK guidelines on the management of iron deficiency in Pregnancy https://b-s-h.org.uk/media/2891/uk_guidelines_iron_deficiency_in_pregnancy.pdf Ngày truy cập: 11/12/2022

Phiên bản hiện tại

27/12/2022

Tác giả: Thảo Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Viên uống bổ sung sắt dạng phóng thích kéo dài có lợi ích gì?

Vì sao bác sĩ khuyên mẹ sau sinh vẫn cần bổ sung sắt?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Thảo Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/12/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo