backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Vì sao cần bổ sung sắt cho bà bầu? Bổ sung sắt qua chế độ ăn liệu đã đủ?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Thảo Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/12/2022

    Vì sao cần bổ sung sắt cho bà bầu? Bổ sung sắt qua chế độ ăn liệu đã đủ?

    Vì sao cần bổ sung sắt cho bà bầu? Bổ sung bao nhiêu sắt khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh? Đây là những băn khoăn rất thường gặp ở phụ nữ mang thai và nếu bạn cũng là một trong số đó, hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp bài viết dưới đây nhé!

    Sắt là 1 khoáng chất được tìm thấy trong nhiều protein và enzyme giúp giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Hầu hết sắt trong cơ thể được tìm thấy ở hemoglobin, một protein có trong tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Nếu không có đủ sắt, lượng hemoglobin trong máu sẽ giảm và gây ra thiếu máu. Tình trạng này cũng sẽ dẫn đến việc giảm cung cấp oxy cho tế bào và các cơ quan [6]. 

    Vì sao cần bổ sung sắt cho bà bầu?

    vì sao cần bổ sung sắt cho bà bầu

    Sắt là một trong những khoáng chất quan trọng mà bà bầu cần lưu ý bổ sung để có một thai kỳ khỏe mạnh. Nguyên nhân là do khi mang thai, nhu cầu máu của mẹ bầu tăng lên hơn 50% so với bình thường [7]. Nếu cơ thể dự trữ sắt không đủ, nồng độ hemoglobin trong máu sẽ giảm. Và nếu không bổ sung kịp thời khiến nồng độ hemoglobin giảm đến một mức nào đó (như dưới 11g/dl ở tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thứ ba; dưới 10,5g/dl ở tam cá nguyệt thứ hai) thì sẽ ở mức được gọi là thiếu máu [6]. 

    Bà bầu bị thiếu máu do thiếu sắt là một trong những vấn đề phổ biến. Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời khiến tình trạng thiếu máu trở nên nghiêm trọng, mẹ và bé có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng như [9]:

    • Đối với mẹ: Dễ sảy thai, tiền sản giật, sinh non, tăng huyết áp thai kỳ, nhau tiền đạo, nhau bong non, băng huyết, nhiễm trùng hậu sản, suy thai.
    • Đối với con: Thai nhi sinh ra có nguy cơ bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai. Ngoài ra, bé cũng dễ mắc các bệnh sơ sinh hơn so với các em bé khác có mẹ không bị thiếu máu.

    Thông thường, nếu chỉ bị thiếu máu do thiếu sắt nhẹ, mẹ bầu có thể không có triệu chứng rõ ràng. Nếu có thì các triệu chứng cũng tương tự với các triệu chứng khi mang thai nhưng chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi…. Do đó, dù có hay không có triệu chứng thì bạn vẫn nên thực hiện xét nghiệm máu khi đi khám định kỳ [1]. Đồng thời, lưu ý bổ sung sắt trong thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để để dự phòng thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai. 

    Mẹ bầu cần bổ sung bao nhiêu sắt? Liệu chế độ ăn hàng ngày có đáp ứng đủ sắt cho thai kỳ?

    bổ sung bao nhiêu sắt khi mang thai: dùng viên uống bổ sung

    Theo khuyến cáo Tổ chức y tế thế giới, phụ nữ mang thai nên bổ sung từ 30 – 60mg sắt và 400mcg axit folic mỗi ngày [2]. Để bổ sung sắt, mẹ bầu có thể thêm các thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn. 

    Có hai dạng sắt trong thực phẩm gồm sắt có nguồn gốc động vật (sắt heme) và sắt có nguồn gốc thực vật (sắt không heme) [7]. Trong đó, sắt có nguồn gốc động vật được hấp thu tốt hơn và chuyển hoá dễ hơn so với sắt có nguồn gốc từ thực vật [6]. 

    • Sắt có nguồn gốc động vật gồm các loại thịt, cá và một số nguồn protein động vật khác. Chẳng hạn, trong 100g thịt bò nạc chứa khoảng 2,1 mg sắt, thịt heo chứa khoảng 0,8mg sắt, thịt gà chứa khoảng 0,4 mg sắt; 2 quả trứng chứa 2 mg sắt…[10]
    • Sắt có nguồn gốc thực vật như rau xanh, ngũ cốc, đậu lăng, đậu thận, bông cải xanh… Để hấp thu sắt từ thực vật tốt hơn, mẹ bầu có thể dùng thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C như trái cây, ớt chuông, súp lơ…[4].

    Nếu như bình thường, phụ nữ không mang thai trong độ tuổi từ 19 đến 50 chỉ cần bổ sung 14,8mg sắt thì lượng sắt cần bổ sung cho phụ nữ mang thai sẽ tăng lên gấp 2-3 lần [8]. Nếu bà bầu chỉ bổ sung sắt qua chế độ ăn thì có thể không đáp ứng đủ lượng sắt mà cơ thể cần bởi trung bình cơ thể chỉ hấp thu khoảng 10% sắt trong thức ăn [10]. Do đó, để bổ sung đủ sắt, ngoài việc thêm thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn thì mẹ bầu cần dùng thêm viên uống bổ sung sắt. 

    Theo khuyến cáo của WHO, lần đầu tiên phát hiện có thai, bạn nên uống ngay viên sắt mỗi ngày, uống kéo dài tới sau khi sinh một tháng. Khi bổ sung sắt bằng viên uống, liều lượng cần bổ sung sẽ phụ thuộc vào lượng dự trữ sắt của mẹ vào giai đoạn đầu thai kỳ cũng như lượng sắt hàng ngày mẹ đã hấp thu thông qua thực phẩm [3]. Trong quá trình thăm khám, bạn cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để xác định nhu cầu sắt chính xác của bản thân cũng như được hướng dẫn liều dùng và viên uống phù hợp.

    Lưu ý khi bổ sung viên sắt trong quá trình mang thai

    Trong quá trình bổ sung sắt khi mang thai, để tăng cường hiệu quả hấp thu, bạn cần lưu ý một số điều sau [9]:

    • Hạn chế những thức ăn gây ức chế khả năng hấp thu sắt như thực phẩm chứa phytate (chẳng hạn như các loại đậu, các loại hạt, lúa mì…), thực phẩm chứa tannin (chẳng hạn như trà đen, trà xanh, cà phê…)
    • Tránh dùng chung thuốc bổ sung sắt và canxi hoặc thuốc chồng loét dạ dày vì sẽ làm giảm khả năng hấp thu. Nếu muốn sử dụng các loại thuốc trên và sắt, bạn nên uống cách nhau ít nhất 2 giờ.
    • Phụ nữ có thai trước khi uống thuốc sắt cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về liều dùng theo đúng nhu cầu của cơ thể.
    • Viên uống bổ sung sắt có thể gây các triệu chứng khó chịu như táo bón, buồn nôn. Để tránh tình trạng này, bạn nên uống thuốc vào một giờ cố định, ăn thêm rau và uống nhiều nước.
    • Một số loại thực phẩm giàu sắt nhưng lại không nên sử dụng hoặc phải sử dụng đúng cách trong thai kỳ. Do đó, mẹ cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia về việc sử dụng các thực phẩm giàu sắt phù hợp.

    Bên cạnh đó, để tránh gặp phải các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn và tăng khả năng hấp thụ sắt, bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ về việc dùng các loại viên uống bổ sung sắt có cơ chế phóng thích đặc biệt, mang lại độ hấp thu tối đa. Cơ chế này sẽ giúp phóng thích sắt đúng mục tiêu tại khu vực hấp thu tối đa (tá tràng đến hỗng tràng) và phóng thích có kiểm soát, tránh phóng thích ào ạt trong ống tiêu hóa để hạn chế kích ứng niêm mạc dạ dày – ruột, giảm một số tác dụng phụ khi dùng thuốc như táo bón, nôn, buồn nôn. Từ đó, mang lại hiệu quả hấp thu tốt, tăng tính dung nạp cho bà bầu. Hiện các viên uống này cũng được kết hợp thêm axit folic, 1 dưỡng chất cũng rất quan trọng thai kỳ, giúp ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh như thai vô sọ, nứt đốt sống [5].

    Trên đây là những thông tin về thắc mắc vì sao cần bổ sung sắt cho bà bầu và lượng sắt cần bổ sung khi mang thai là đủ. Theo đó, tùy theo nhu cầu về lượng sắt cần thiết của mỗi mẹ bầu dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại, chế độ ăn uống mà sẽ có các khuyến nghị điều chỉnh khác nhau. Nếu dùng viên uống bổ sung sắt, mẹ bầu cũng có thể tham khảo thêm ý kiến về loại có cơ chế phóng thích kéo dài vừa hạn chế tác dụng phụ tiêu hóa vừa tăng độ dung nạp cho cơ thể.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Văn Thuận

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


    Tác giả: Thảo Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/12/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo