Tình trạng vỡ ối non hiếm khi xảy ra nhưng lại là biến chứng thai kỳ nguy hiểm, có nguy cơ khiến mẹ bầu sinh non cũng như gặp phải các tình trạng nguy hiểm khác.
Có nhiều nguyên nhân gây ra vỡ ối non mà mẹ bầu cần chú ý. Để hiểu rõ hơn về biến chứng này, mẹ có thể tiếp tục theo dõi những thông tin Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết sau nhé!
Vỡ ối non là gì?
Vỡ ối non là một biến chứng thai kỳ. Khi gặp phải tình trạng này, túi ối bao quanh em bé sẽ bị vỡ trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Một khi túi ối vỡ ra, mẹ bầu có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và tăng nguy cơ sinh non.
Vỡ ối non xảy ra trong khoảng 8 – 10% tất cả trường hợp mang thai và là nguyên nhân của 1/4 trong tổng số các ca sinh non.
Nguyên nhân gây vỡ ối non
Tình trạng vỡ ối non xảy ra khi thai kỳ bước vào giai đoạn kết thúc có thể xuất phát từ sự suy yếu tự nhiên của màng ối hoặc lực co bóp của tử cung. Trước thời điểm này, vỡ nối non thường là do nhiễm trùng trong tử cung kèm theo một số yếu tố liên quan khác, chẳng hạn như:
- Không được chăm sóc đầy đủ và đúng cách trước sinh
- Nhiễm trùng đường âm đạo, chẳng hạn như nhiễm nấm chlamydia và bệnh lậu
- Tiền căn sinh non
- Chảy máu âm đạo
- Hút thuốc lá trong thời gian mang thai…
Đôi khi, vỡ ối non xảy ra nhưng không rõ nguyên nhân.
Vì sao tình trạng vỡ ối non lại gây nguy hiểm cho mẹ và bé?
Vỡ ối non là một biến chứng phức tạp. Mẹ bầu có nguy cơ sinh non đáng kể trong vòng một vài ngày sau khi vỡ màng ối.
Một nguy cơ lớn khác của vỡ ối non là các mô nhau thai có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Điều này gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.
Dấu hiệu ối vỡ sớm
Triệu chứng của vỡ ối ở mỗi phụ nữ mang thai sẽ khác nhau nhưng có thể kể đến:
- Âm đạo bất ngờ chảy dịch
- Cảm giác ẩm ướt ở đồ lót
Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phương pháp chẩn đoán mẹ bầu bị vỡ ối non
Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ thích hợp để nhìn vào bên trong âm đạo cũng như tìm kiếm dịch rỉ từ cổ tử cung. Ngoài ra, những xét nghiệm cần thiết khác có thể bao gồm:
- Kiểm tra độ cân bằng pH: Mức độ cân bằng pH của nước ối khác với dịch âm đạo và nước tiểu. Bác sĩ sẽ dùng giấy quỳ (1 loại giấy nhận dạng độ pH) để kiểm tra về vấn đề này
- Nhìn vào kính hiển vi: Khi nước ối khô, nó có hoa văn giống cây dương xỉ
Bạn cũng có thể được đề nghị siêu âm để kiểm tra mức nước ối bao quanh em bé.
Điều trị vỡ ối non
Khi có dấu hiệu vỡ ối non, mẹ cần sớm đi khám để được điều trị. Quá trình điều trị cho tình trạng này sẽ phụ thuộc vào triệu chứng và sức khỏe tổng thể của mẹ bầu cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
1. Nhập viện và nghỉ ngơi tại giường
Khi nhập viện, bác sĩ sẽ có cơ hội được theo dõi sát sao sức khỏe thai phụ và chú ý đến các vấn đề như:
- Dấu hiệu chuyển dạ hoặc các cơn gò
- Cử động, nhịp tim của thai nhi
- Dấu hiệu của nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt hoặc đau. Nhịp tim của thai nhi cũng có thể tăng lên vì điều này.
2. Thuốc
Mẹ bầu có thể sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc:
- Corticosteroid: Loại thuốc này có thể giúp kích thích trưởng thành phổi thai, từ đó giúp làm giảm nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sinh non.
- Kháng sinh: có tác dụng phòng ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng. Nếu thời gian vỡ ối kéo dài, bác sĩ sẽ kê kháng sinh cho bạn.
- Các loại thuốc sản khoa: Chúng được sử dụng để ngăn chặn chuyển dạ sinh non.
3. Khởi phát chuyển dạ
Tùy tình trạng của mẹ hoặc bé hoặc cả hai, bác sĩ có thể sẽ phải cho mẹ bầu dùng thuốc khởi phát chuyển dạ sớm. Điều này sẽ được cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Biến chứng của vỡ ối non
Tình trạng vỡ ối non có thể khiến mẹ bầu và thai nhi phải đối mặt với các vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe như:
- Sinh non: Vỡ ối non là nguyên nhân của 1/4 tổng các ca sinh non.
- Nhiễm trùng nước ối và nhiễm trùng màng ối
- Nhau thai bong non
- Suy hô hấp ở trẻ sinh non
- Giảm sản phổi thai nhi
- Các vấn đề với dây rốn
- Rủi ro khi sinh mổ.
Có thể ngăn ngừa tình trạng vỡ ối non được không?
Hiện không có biện pháp nào có thể giúp mẹ bầu ngăn ngừa tình trạng vỡ ối non. Tuy nhiên, bạn vẫn nên duy trì lối sống lành mạnh, chăm sóc bản thân kỹ càng trong suốt thai kỳ. Nếu bạn nghiện thuốc lá, hãy trình bày để bác sĩ giúp bạn từ bỏ.
Có thể bạn quan tâm: Vỡ nước ối bao lâu thì sinh? Những tình huống nguy hiểm cần lường trước
[embed-health-tool-due-date]