backup og meta

Cholesterol cao khi mang thai liệu có nguy hiểm?

Cholesterol cao khi mang thai liệu có nguy hiểm?

Việc có thai sẽ khiến các mẹ phải luôn cân nhắc các lựa chọn của mình xem đó có thực sự tốt cho cả bạn và đứa con đang lớn lên từng ngày trong bụng hay không. Một tình trạng cũng thường gặp ở các bà bầu là cholesterol trong máu cao khi mang thai. Liệu rằng nó có liên quan gì đến chế độ ăn uống hay không? Có cách nào để khắc phục tình trạng đó?

Nồng độ cholesterol tăng tự nhiên tại một số điểm nhất định trong thai kỳ để giúp cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi đang phát triển. Điều này cũng đúng ngay cả ở những phụ nữ có mức cholesterol “bình thường” trước khi mang thai. Đối với những phụ nữ đã có tình trạng cholesterol cao khi mang thai thì mức độ đó có thể tăng cao hơn nữa.

May mắn thay, chúng ta vẫn có những cách để quản lý lượng cholesterol trong suốt thời kỳ mang thai để giúp đảm bảo rằng cả mẹ và bé khỏe mạnh nhất có thể.

Cholesterol cao khi mang thai hay còn gọi là tình trạng máu nhiễm mỡ

Cholesterol là một hợp chất thiết yếu được tìm thấy ở hầu hết các mô cơ thể. Nó có vai trò quan trọng cho sự hình thành màng tế bào, vitamin D cũng như một vài loại hormone. Bản chất của cholesterol là không tan trong nước nên nó không tự di chuyển được trong cơ thể mà phải nhờ vào các hạt lipoprotein.

Khi ở mức nồng độ cao, cholesterol có thể hình thành các mảng bám trong thành động mạch của tim khiến bạn có nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ cao hơn. Để kiểm tra cholesterol thông thường, người ta sẽ xác định dựa trên cholesterol toàn phần bao gồm HDL, LDL và triglyceride.

HDL (Lipoprotein tỷ trọng cao) còn được biết đến với tên gọi là “cholesterol tốt” bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng xơ vữa động mạch. Ngược lại với nó là LDL (Lipoprotein tỷ trọng thấp) hay “cholesterol xấu” gây tăng các nguy cơ bệnh tim mạch. Triglyceride là một dạng chất béo được tìm thấy trong máu và được cơ thể sử dụng để tạo năng lượng.

Ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo làm tăng mức LDL trong máu. Tình trạng này còn được gọi là tăng cholesterol máu hay tăng lipid máu. Mức LDL quá cao hoặc HDL quá thấp sẽ dẫn đến chất béo tích tụ trong các mạch máu, ngăn máu lưu thông tốt qua động mạch. Dưới đây là các giá trị báo hiệu cơ thể bạn đang có mức cholesterol cao:

  • LDL: lớn hơn 160 mg/dL
  • HLD: dưới 40 mg/dL
  • Triglyceride: lớn hơn 150 mg/dL
  • Cholesterol toàn phần: lớn hơn 200 mg/dL.

Nguyên nhân dẫn đến cholesterol tăng cao khi mang thai

cholesterol cao khi mang thai thực phẩm giàu cholesterol 1068794051

Các nghiên cứu đã chứng minh một người bình thường khi mang thai cũng có mức cholesterol cao trong máu bao gồm cả LDL và HDL. Mức cholesterol có thể tăng lên tới 25 đến 50% trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.

Nguyên nhân khiến bà bầu bị mỡ trong máu cao có thể giải thích là cholesterol vô cùng cần thiết cho việc hình thành cũng như đóng vai trò trong chức năng của các hormone steroid như estrogen và progesterone, 2 loại hormone này rất quan trọng để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.

Cholesterol còn cần cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi, giúp hình thành nên não bộ, các chi cũng như sự phát triển của tế bào. Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu khoa học của mẹ, tiêu thụ quá nhiều dầu mỡ, thực phẩm có hàm lượng cao cholesterol cũng là nguyên nhân làm tăng lượng cholesterol cao khi mang thai.

Mối nguy hiểm của việc cholesterol cao khi mang thai

Nhiều biến chứng có thể kể đến nếu mẹ bầu có nồng độ cholesterol cao khi mang thai như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, viêm gan, xơ gan, ung thư gan, sỏi mật…

Không chỉ vậy, một thông tin nữa chính là tình trạng máu nhiễm mỡ có tính di truyền. Thế nên, khi phụ nữ mang thai mắc bệnh này trong thời kỳ mang thai thì tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh cũng rất lớn.

Hơn nữa, khi mang thai, người mẹ không thể sử dụng thuốc điều trị do thuốc có thể gây tác dụng phụ nặng nề lên cả mẹ lẫn bé. Vì vậy, bệnh trạng sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn và người mẹ cần có sự theo dõi kiểm tra gắt gao để đảm bảo an toàn.

Khi nào mẹ bầu nên lo lắng?

Cholesterol cao khi mang thai thông thường không gây ra triệu chứng nên cách duy nhất để phát hiện là phải thực hiện các xét nghiệm máu. Nếu kết quả cho ra nồng độ cholesterol máu vượt mức 200 mg/dL thì các mẹ cũng không nên quá lo lắng vì còn cần căn cứ vào các thành phần cholesterol khác để kết luận nữa.

Để tầm soát hiệu quả, việc khuyến thích thai phụ làm xét nghiệm thường xuyên khi mang thai là rất cần thiết. Trường hợp nếu như bạn đang có HDL cao và LDL ở mức bình thường thì hãy an tâm rằng cơ thể bạn đã có cholesterol tốt bảo vệ nên không cần quá lo lắng.

Ngược lại, nếu LDL cao thì bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ cũng như thay đổi thói quen sinh hoạt của mình để cải thiện.

Vấn đề tăng cholesterol đã được giải thích ở trên cũng có thể là hiện tượng bình thường khi mang thai và chỉ số này sẽ về lại mức bình thường sau khoảng bốn đến sáu tuần sau sinh.

Nếu bạn bị cholesterol cao ngay cả trước khi mang thai, hãy liên hệ với bác sĩ. Bởi vì một số loại thuốc hạ cholesterol có thể không được khuyến nghị trong thai kỳ, bác sĩ sẽ thay đổi thuốc của bạn hoặc đưa ra những lời khuyên nhằm giúp bạn có thể kiểm soát cholesterol hiệu quả.

Một số biện pháp giúp bạn hạn chế cholesterol xấu

cholesterol cao khi mang thai tập thể dục 1394724503

Cholesterol cao khi mang thai có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nguy hiểm ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Để hạn chế điều đó, mẹ có thể điều chỉnh lại chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt của mình bằng việc áp dụng các lời khuyên đơn giản sau đây:

  • Trong vấn đề ăn uống, mẹ nên lựa chọn những thực phẩm chứa cholesterol thấp như các loại rau xanh, nấm, bí đỏ hoặc là các sản phẩm như lạc, đậu, thịt nạc…
  • Các loại hoa quả được khuyến khích dùng nhiều vì đối với trường hợp bà bầu bị mỡ trong máu cao, việc ăn nhiều, đặc biệt là các loại trái cây ít ngọt như cam, bưởi, mận, táo, ổi… sẽ làm tăng lượng chất xơ cho cơ thể bạn. Bản chất những chất xơ trong các loại hoa quả này thuộc dạng chất xơ hòa tan, khi ăn nhiều sẽ làm giảm chất béo cũng như cholesterol mà cơ thể hấp thu. Không những thế, chúng còn giúp ích nhiều trong vấn đề tiêu hóangăn ngừa táo bón khi mang thai.
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thức ăn có nhiều chất béo no như mỡ động vật hoặc sữa, vì chúng dễ làm bạn bị tắc động mạch. Bạn có thể dùng sữa, nhưng lưu ý chọn loại mà hàm lượng chất béo chỉ vào khoảng 1 – 2%. Khi nấu ăn, các mẹ có thể chọn sử dụng các loại dầu như dầu đậu nành, olive, hướng dương để thay cho loại dầu ăn thông thường.
  • Mẹ bầu cũng không nên ăn quá 255g thịt đỏ như thịt trâu, bò, cừu… mỗi tuần vì chúng có nhiều cholesterol. Thay vào đó, hãy sử dụng các loại thịt nạc hay thịt gia cầm đã bỏ da. Cá cũng có thể là thực phẩm thay thế tuyệt vời với hàm lượng cao omega – 3 giúp bảo vệ tim mạch. Một số loại cá mà chúng ta có thể lựa chọn như cá trích, cá hồi, cá thu, cá ngừ…
  • Bên cạnh việc thay đổi trong chế độ ăn uống, các bà mẹ tương lai cũng có thể hạn chế tình trạng cholesterol cao khi mang thai bằng cách tập thể dục thường xuyên. Các hoạt động nhẹ như đi bộ hoặc đạp xe hay yoga cũng rất hiệu quả để giúp giảm thiểu cholesterol xấu.

Để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và nói không với tình trạng cholesterol máu cao khi mang thai, các bà mẹ cần giữ cho mình một lối sống khỏe, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện ra bệnh và có phương án điều trị thích hợp.

Minh Phú/HELLO BACSI

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Symptoms of High Cholesterol

https://www.healthline.com/health/high-cholesterol-symptoms

Ngày truy cập 24/02/2021

How to Manage Your Cholesterol Levels During Pregnancy

https://www.healthline.com/health/pregnancy/manage-cholesterol-levels-during-pregnancy

Ngày truy cập 24/02/2021

Alternative Treatments for High Cholesterol

https://www.webmd.com/cholesterol-management/high-cholesterol-alternative-therapies#1

Ngày truy cập 21/02/2021

Phiên bản hiện tại

24/02/2021

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Phú


Bài viết liên quan

Bà bầu bị tiêu chảy: Mọi điều cần biết trong từng tam cá nguyệt

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 24/02/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo