Sự gia tăng số ca mắc bệnh tay chân miệng trong thời gian gần đây khiến không ít người lo lắng liệu bệnh tay chân miệng có lây cho bà bầu không, có ảnh hưởng đến thai kỳ hay không?
Khi mang thai, sức đề kháng của bà bầu trở nên yếu hơn bình thường. Mẹ bầu cần tránh xa các tác nhân gây bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi. Thế nhưng, nếu chẳng may trong gia đình có trẻ bị tay chân miệng hoặc phụ nữ mang thai tiếp xúc với trẻ mắc bệnh này thì liệu bệnh tay chân miệng có lây cho bà bầu không, có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Nếu bạn đang có những thắc mắc tương tự, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do các loại virus thuộc họ Enterovirus gây ra, điển hình là Coxsackievirus A16, Coxsackievirus A6, Enterovirus 71. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ và thường gây sốt, nổi mụn nước ở miệng, tay, chân…
Ở người lớn, bệnh tay chân miệng ít phổ biến hơn do những đối tượng này thường có kháng thể từ những lần nhiễm virus trước đó và hệ miễn dịch đã hoàn thiện để có thể chống lại tác nhân gây bệnh.
Giải đáp: Bệnh tay chân miệng có lây cho bà bầu không?
Tay chân miệng thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, qua đường hô hấp, đường phân-miệng. Bệnh lây lan nhanh chóng và đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em. Vậy, liệu bệnh tay chân miệng có lây cho bà bầu không? Câu trả lời là “Có”.
Nếu phụ nữ mang thai tiếp xúc với người mắc bệnh tay chân miệng, virus từ người bệnh có thể truyền sang mẹ bầu. Lúc này, với sức đề kháng yếu trong quá trình mang thai, mẹ bầu có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh tay chân miệng, bao gồm sốt, nổi mụn nước, mệt mỏi, chán ăn… Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp, phụ nữ mang thai bị nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng nhưng không có bất kỳ dấu hiệu gì.
Bệnh tay chân miệng lây cho bà bầu có nguy hiểm không?
Như vậy là bạn đã biết được câu trả lời cho vấn đề “Bệnh tay chân miệng có lây cho bà bầu không?”. Tiếp theo đây, cùng tìm hiểu bà bầu bị chân tay miệng có sao không? Bệnh chân tay miệng có ảnh hưởng tới bà bầu hay thai nhi không?
Thực tế, hầu hết các bệnh nhiễm trùng khi mang thai đều gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không gây triệu chứng bệnh cho người mẹ. Hiện nay, chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy mẹ bầu nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng có thể gây ra những hậu quả bất lợi cho thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh.
Mặc dù vậy, mẹ bầu nên tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai mắc bệnh tay chân miệng. Nguyên nhân là vì:
- Bà bầu bị tay chân miệng có thể bị sốt. Việc thân nhiệt tăng cao trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể dẫn đến sảy thai, mặc dù trường hợp này rất hiếm.
- Mẹ bầu bị bệnh tay chân miệng ngay trước khi sinh có thể truyền virus cho trẻ sơ sinh. Điều này khiến trẻ sinh ra đã bị bệnh tay chân miệng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bé sơ sinh bị tay chân miệng ở mức độ nặng, dẫn đến nhiễm trùng ở nhiều cơ quan, bao gồm cả gan và tim, có thể tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng.
Bà bầu bị tay chân miệng phải làm sao?
Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn băn khoăn về bệnh tay chân miệng có lây cho bà bầu không. Vậy, nếu chẳng may phụ nữ mang thai tiếp xúc gần với người mắc bệnh và nghi ngờ bản thân có những triệu chứng của bệnh tay chân miệng thì phải làm sao?
Trong trường hợp này, mẹ bầu nên đến cơ sở y tế uy tín khám ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mặc dù các biến chứng do bệnh tay chân miệng thường hiếm gặp, nhưng tiền sử bệnh của mẹ bầu và thời gian mang thai có thể ảnh hưởng đến tình trạng và tiến triển của bệnh.
Khi đi khám tại các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu xác định tình trạng nhiễm trùng và đề xuất phương pháp chữa trị, chăm sóc phù hợp. Hầu hết người bệnh tay chân miệng sẽ khỏi bệnh trong khoảng từ 7 đến 10 ngày và thường không cần can thiệp y tế mà chỉ cần áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng cách và chữa trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại nhà để giảm bớt các triệu chứng.
Phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho bà bầu
Khi đã hiểu rõ bệnh tay chân miệng có lây cho bà bầu không, chị em bầu bí cần “bỏ túi” các biện pháp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi. Các biện pháp phòng ngừa thường là:
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, khi tay bị bẩn, sau khi thay tã lót hoặc quần áo bẩn cho bé hoặc sau khi tiếp xúc với người nghi ngờ bị nhiễm bệnh
- Mọi thành viên trong gia đình cần tuân thủ việc không dùng chung ly, dụng cụ ăn uống, đồ dùng cá nhân như khăn, bàn chải đánh răng, quần áo, giày, vớ…
- Giặt kỹ quần áo bẩn và phơi nắng hoặc sấy khô
- Cố gắng tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các bề mặt hay tiếp xúc và vật dụng nhiễm khuẩn
- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn có được câu trả lời cho vấn đề bệnh tay chân miệng có lây cho bà bầu không, từ đó có phương pháp phòng ngừa và chăm sóc phù hợp cho mẹ bầu.
[embed-health-tool-due-date]