Mang thai có thể mang đến những thay đổi diệu kỳ đối với cơ thể phụ nữ. Thế nhưng, một số thay đổi có thể khiến bạn kém tự tin hơn, chẳng hạn như tình trạng bà bầu bị hôi miệng.
Hôi miệng khi mang thai có thể là một phản ứng phụ của thai kỳ và chỉ xảy ra tạm thời. Mặc dù vậy, hơi thở có mùi cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác liên quan đến lối sống, thói quen vệ sinh răng miệng kém hoặc cảnh báo một vấn đề sức khỏe nào đó. Để tìm hiểu chi tiết hơn, bạn hãy tham khảo bài viết sau của Hello Bacsi nhé!
Điểm mặt 10 nguyên nhân khiến bà bầu bị hôi miệng trong thai kỳ
Hôi miệng là tình trạng có mùi khó chịu phát ra từ khoang miệng hoặc từ xoang mũi và hầu họng. Nhiều bà bầu bị hôi miệng thường do các nguyên nhân phổ biến sau đây:
1. Thay đổi nội tiết tố góp phần gây hôi miệng khi mang thai
Thay đổi nội tiết tố (hormone) là yếu tố giúp thai kỳ của bạn phát triển bình thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, sự dao động hormone có thể dẫn đến một số vấn đề không mong muốn, chẳng hạn như tăng nguy cơ viêm nướu, sâu răng, khô miệng, ốm nghén… Đây là những tình trạng có thể góp phần gây hôi miệng trong thai kỳ và có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố.
2. Ốm nghén khiến bà bầu bị hôi miệng
Nhiều mẹ bầu không tránh khỏi buồn nôn và nôn mửa khi mang thai. Do đó, mùi hôi miệng có thể đến từ chất nôn còn sót trong khoang miệng. Hơn nữa, việc nôn mửa thường xuyên do ốm nghén còn tạo ra môi trường axit trong miệng và sau đó quá trình khử khoáng sẽ xảy ra. Khi lớp men răng bị mài mòn do axit dạ dày, điều này dễ dẫn đến sâu răng và gây hôi miệng.
3. Mất nước, khô miệng khi mang thai
Mẹ bầu thường có nguy cơ mất nước cao hơn những người khác do nôn mửa nhiều và đi tiểu nhiều. Chính vì vậy, nếu mẹ bầu không uống đủ nước, điều này có thể dẫn đến mất nước, gây khô miệng và tích tụ mảng bám thức ăn, từ đó dẫn đến hơi thở có mùi hôi.
4. Vệ sinh răng miệng kém khi mang thai khiến hơi thở có mùi
Khi mang thai, nhiều mẹ bầu có thể thèm ăn ngọt, ăn chua,… và cũng có thể ăn vặt vào ban đêm nhưng không vệ sinh răng miệng cẩn thận. Điều này cũng có thể dẫn đến hôi miệng khi mang thai.
Có thể bạn quan tâm
5. Tiêu hóa chậm và tình trạng hôi miệng
Sự thay đổi nội tiết tố cùng với sự tăng kích thước của tử cung có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Nhiều mẹ có thể không tránh khỏi tình trạng tiêu hóa chậm, gây trào ngược axit dạ dày, ợ nóng, ợ chua dẫn đến hôi miệng. Thêm vào đó, trào ngược axit dạ dày cũng có thể dẫn đến bào mòn men răng, tăng nguy cơ sâu răng khiến mẹ bầu bị hôi miệng.
6. Bà bầu bị hôi miệng do tưa miệng
Tưa miệng còn được biết đến là tưa lưỡi, nấm lưỡi hoặc nấm miệng. Đây là tên gọi chỉ tình trạng nhiễm trùng miệng do sự phát triển quá mức của nấm Candida. Khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ bầu bị suy yếu có thể tạo điều kiện để nấm phát triển và gây ra bệnh tưa miệng, khiến khoang miệng có mùi khó chịu.
7. Bà bầu bị hôi miệng do chế độ ăn uống
Một số gia vị, thực phẩm như tỏi, hành, cà phê… thường làm tăng nguy cơ hôi miệng cũng như khiến hơi thở có mùi. Do vậy, nếu mẹ gia tăng những thực phẩm này trong chế độ ăn uống thì thường không tránh khỏi tình trạng hôi miệng.
8. Giảm lưu lượng nước bọt
Nước bọt có vai trò làm sạch răng miệng tự nhiên và giữ ẩm cho khoang miệng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu phát hiện ra rằng lưu lượng nước bọt tiết ra có thể giảm đi khi mang thai. Vì vậy, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị hôi miệng.
9. Bà bầu bị hôi miệng do thiếu canxi
Em bé trong bụng hấp thụ canxi từ cơ thể mẹ. Do đó, nếu mẹ bầu không được bổ sung đủ lượng canxi cần thiết có thể góp phần gây ra tình trạng răng yếu, dễ sâu răng và từ đó dẫn đến hôi miệng.
10. Hôi miệng khi mang thai cảnh báo các vấn đề sức khỏe
Khi mang thai, nhiều mẹ cảm thấy như bản thân luôn bị cảm nhẹ, viêm mũi hoặc viêm xoang. Điều này là do lưu lượng máu trong cơ thể tăng lên và ảnh hưởng đến các mạch máu trong mũi. Triệu chứng đặc trưng nhất của tình trạng này là mẹ bầu thường chảy nước mũi, nghẹt mũi, có đờm trong cổ họng hoặc đôi khi là chảy máu cam.
Trong đó, việc thường xuyên chảy nước mũi hoặc có đờm cũng có thể khiến bạn bị nhiễm trùng tai mũi họng hoặc viêm xoang. Ngoài ra, nghẹt mũi cũng có thể buộc mẹ bầu phải thở bằng miệng, từ đó gây khô miệng. Những vấn đề này đều có thể dẫn đến hôi miệng nặng hơn khi mang thai.
Một số vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, bệnh gan, bệnh nội tiết, các rối loạn chuyển hóa… cũng góp phần gây hôi miệng nên mẹ cần lưu ý thêm nhé!
Có thể bạn quan tâm
Hôi miệng khi mang thai thường đi kèm những triệu chứng gì?
Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, tình trạng bà bầu bị hôi miệng có thể đi kèm một số triệu chứng khác bao gồm:
- Ợ nóng
- Đau họng
- Nghẹt mũi
- Hắt hơi
- Ho
- Ngủ ngáy (do ngưng thở khi ngủ)
- Khô miệng
- Nướu đỏ, sưng mềm, chảy máu nướu
- Có vị khó chịu trong miệng, chẳng hạn như đắng miệng, chua miệng hoặc có vị kim loại.
Mách bạn cách giảm hôi miệng khi mang thai
Hôi miệng có thể gây khó chịu và khiến bạn kém tự tin nhưng tình trạng này thường không nguy hiểm. Vì vậy, bà bầu bị hôi miệng hiếm khi cần được chăm sóc y tế. Thay vào đó, mẹ có thể áp dụng một số cách sau đây để cải thiện vấn đề tại nhà:
Chú ý vấn đề chăm sóc răng miệng hàng ngày
Chăm sóc răng miệng hàng ngày là điều rất quan trọng dù bạn mang thai hoặc không. Do đó, mẹ đừng bỏ qua một số nguyên tắc quan trọng sau đây:
- Đánh răng 2 lần mỗi ngày vì đây là bước cơ bản để giữ răng miệng của bạn sạch sẽ, khỏe mạnh
- Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ hiệu quả mảng bám thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng
- Đừng quên làm sạch lưỡi vì đây cũng là nơi “cư ngụ” của vi khuẩn gây hôi miệng
- Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc dùng nước súc miệng không cồn giúp giảm hôi miệng. Việc dùng nước súc miệng tuy không gây hại cho thai kỳ nhưng mẹ vẫn nên thận trọng và hỏi thêm ý kiến bác sĩ nếu cần thiết. Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn như mẹ bầu bị viêm nướu, chảy máu nướu thường xuyên… thì nên đến gặp nha sĩ để được điều trị tốt nhất nhé!
Có thể bạn quan tâm
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống
Trên thực tế, việc thay đổi lối sống như uống nhiều nước mỗi ngày và ăn uống lành mạnh, cân bằng, chia nhiều bữa nhỏ… thường sẽ giúp làm dịu tình trạng hôi miệng. Hơn nữa, điều này cũng mang đến lợi ích đối với sức khỏe tổng thể cho mẹ và bé.
Đối với việc ăn uống, mẹ cũng lưu ý thêm là tránh ăn các thực phẩm gây mùi, caffeine nên ăn thực phẩm giàu chất xơ để cải thiện hệ tiêu hóa và chú ý bổ sung đủ canxi cần thiết. Ngoài ra, mẹ cũng có thể chọn cách nhai kẹo cao su không đường để giảm hôi miệng và tăng tiết nước bọt.
Điều trị sổ mũi bằng cách phương pháp chăm sóc cơ bản
Nếu mẹ bầu thường xuyên bị nghẹt mũi, sổ mũi và nghi ngờ rằng tình trạng này dẫn đến hôi miệng thì bạn nên chú ý đến việc rửa mũi hoặc dùng thuốc xịt mũi phù hợp. Điều này nhằm giúp làm loãng chất nhầy, thông mũi hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng máy tạo độ ẩm cho không khí để giúp giữ ẩm cho mũi tốt hơn.
Bà bầu bị hôi miệng – Khi nào nên đi khám?
Các chuyên gia luôn khuyến nghị rằng bạn nên đi nha sĩ định kỳ dù mang thai hoặc không. Thêm vào đó, đối với mẹ bầu bị hôi miệng, việc đi khám có thể cần thiết trong những trường hợp sau đây:
- Bà bầu bị hôi miệng tái phát dù chăm sóc răng miệng đầy đủ, cẩn thận
- Mẹ bị chảy máu nướu răng, nghiêm trọng hơn là có mủ chảy ra từ răng nướu
- Mẹ phát hiện có răng bị lung lay
- Đau răng hoặc đau nướu
- Có cảm giác nóng rát trong miệng.
Nếu có thể, cách tốt nhất là mẹ bầu nên sắp xếp một cuộc hẹn với nha sĩ trước khi mang thai hoặc trong những ngày đầu của thai kỳ để thảo luận về vấn đề răng nướu cũng như cách chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Trên thực tế, tình trạng bà bầu bị hôi miệng thường không gây rủi ro. Thế nhưng, đôi khi tình trạng hôi miệng nghiêm trọng hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường có thể đáng lo ngại nên mẹ cần sớm đi khám nhé!
[embed-health-tool-due-date]