backup og meta

Bà bầu bị đau vai gáy phải làm sao? Lời khuyên về giảm đau an toàn

Bà bầu bị đau vai gáy phải làm sao? Lời khuyên về giảm đau an toàn

Quá trình mang thai khiến cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi để thích ứng với sự phát triển của thai nhi trong tử cung. Chính vì vậy, mẹ bầu thường không tránh khỏi nhiều triệu chứng khó chịu, chẳng hạn như tình trạng đau vai gáy khi mang thai. Nếu bạn băn khoăn vấn đề “bà bầu bị đau vai gáy phải làm sao?’ thì có thể tham khảo bài viết sau của Hello Bacsi.

Bà bầu bị đau vai gáy là một phần bình thường của thai kỳ và thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu của một số biến chứng thai kỳ cần được quan tâm. Do đó, mẹ bầu nên lưu ý và chủ động đi khám nếu cảm thấy lo lắng hoặc có triệu chứng bất thường nhé!

Nguyên nhân phổ biến gây đau vai gáy khi mang thai

Hiện tượng đau vai gáy có thể xảy ra vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ và hầu hết trường hợp là bình thường. Mẹ bầu bị đau vai gáy là tình trạng phổ biến, thường do một số nguyên nhân sau đây:

  • Ảnh hưởng từ hormone relaxin: Hormone này cần thiết cho sự thay đổi khi mang thai vì có thể giúp làm giãn cơ, các mô liên kết và dây chằng trong cơ thể. Trong tam cá nguyệt thứ ba, relaxin tiếp tục nắm giữ vai trò này để các khớp xương chậu của mẹ bầu được nới lỏng và mở ra nhằm chuẩn bị cho việc chuyển dạ sinh con. Tuy nhiên, các khớp khác trong cơ thể cũng được nới lỏng bao gồm cả khớp vai và điều này gây ra tình trạng đau nhức vai gáy khi mang thai.
  • Tư thế ngủ: Mẹ bầu thường có xu hướng ngủ nghiêng, , đặc biệt là nghiêng bên trái để đảm bảo máu lưu thông đến thai nhi tốt hơn. Tuy nhiên nếu nằm giữ nguyên một tư thế ngủ này có thể gây ra tình trạng co thắt cơ vùng vai gáy gây đau.
  • Ảnh hưởng bất lợi từ các tư thế sinh hoạt hàng ngày: Khi bụng bầu ngày càng to hơn thì cân nặng cũng tăng lên và hình dáng cơ thể của mẹ sẽ thay đổi. Điều này gây ảnh hưởng đến cách mẹ bầu đứng, ngồi hoặc thậm chí là đi lại nên có thể gây ra các cơn đau ở bả vai, vùng gáy và lưng.
  • Đau vai gáy do sự thay đổi của cột sống khi mang thai: Nghiên cứu cho thấy cột sống của mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ ba mất đi đường cong sinh lý và trông giống hình chữ “S” ở tư thế nhìn ngang. Thay đổi này gây ra tình trang đau nhức cột sống vùng lưng, cổ và có thể làm ảnh hưởng đến cơ lưng và vai, từ đó dẫn đến tình trạng đau vai gáy và nhức mỏi khi mang thai.

Các nguyên nhân nghiêm trọng gây đau vai gáy khi mang thai

bà bầu bị đau vai gáy phải làm sao

Có thể nói, “bà bầu bị đau vai gáy phải làm sao?’ là vấn đề được nhiều chị em bầu bí quan tâm. Bởi ngoài triệu chứng gây khó chịu mệt mỏi, thì theo các chuyên gia sức khỏe, trong một số trường hợp việc bà bầu bị đau vai gáy có thể liên quan đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng xảy ra theo từng giai đoạn thai kỳ mà phụ nữ mang thai cần chú ý:

1. Tam cá nguyệt thứ nhất

Trong giai đoạn đầu khoảng tuần 4 đến 12 của thai kỳ, việc xuất hiện cơn đau đột ngột ở vùng đầu vai có thể là dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung. Đây là tình trạng mà trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài buồng tử cung, thường là ở ống dẫn trứng. Nguyên nhân gây đau vai khi mang thai ngoài tử cung là do sự chảy máu trong ổ bụng (khi khối thai bị vỡ) gây kích thích dây thần kinh chi phối cơ hoành (cơ hô hấp chính nằm bên dưới phổi). Cơn đau bắt nguồn từ cơ hoành nhưng tín hiệu này có thể truyền đến vai và gây cảm giác đau. Tuy nhiên khi có dấu hiệu này không phải là một dấu hiệu thường gặp, đặc trưng, hơn nữa sẽ đi kèm các triệu chứng cấp cứu khác: ra máu âm đạo, đau bụng vùng chậu (từ âm ỉ đến dữ dội khi vỡ), choáng, sốc…

2. Tam cá nguyệt thứ hai và tam cá nguyệt thứ ba

Sỏi mật thường gặp là sỏi cholesterol do sự hình thành các viên sỏi trong túi mật khi dư thừa cholesterol và axit mật. Trong thai kỳ, ở những tam cá nguyệt sau, mẹ bầu có thể bị sỏi mật trong một số trường hợp hiếm gặp. Nguyên nhân là do sự tăng sản xuất estrogen có thể dẫn đến mức cholesterol cao hơn. Nếu nghiêm trọng, sỏi mật có thể gây ra một số triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, đau dữ dội ở vùng bụng trên bên phải, đau vùng lưng giữa hai bả vai…

Ngoài ra, tình trạng đau vai trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba cũng có thể là một trong những triệu chứng của tiền sản giật. Đây là một biến chứng nguy hiểm, xảy ra khi huyết áp và lượng protein trong nước tiểu của mẹ bầu tăng cao. Các triệu chứng của tiền sản giật bao gồm nhức đầu, nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng, sưng tay và mặt (phù nề), đau ở vùng bụng trên (thường ở bên phải), buồn nôn, ói mửa, khó thở, hụt hơi…

Bà bầu bị đau vai gáy phải làm sao, có được dùng thuốc giảm đau hay không?

1. Bà bầu bị đau vai gáy phải làm sao?

bà bầu bị đau vai gáy phải làm sao

Như trên đã đề cập, tình trạng đau vai gáy có thể khiến mẹ bầu khó chịu nhưng thường không nguy hiểm. Đối với hầu hết trường hợp, bạn có thể xoa dịu cơn đau ở vai bằng một số giải pháp như:

  • Thực hiện các bài tập giãn cơ hoặc bài tập thư giãn trị liệu như yoga, bấm huyệt
  • Thực hiện massage (xoa bóp) những vùng hay nhức mỏi, bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của người có chuyên môn về massage để đảm bảo hiệu quả hơn
  • Tắm nước ấm để thư giãn nhưng cần tránh nước quá nóng, tránh phòng xông hơi
  • Chườm ấm hoặc chườm lạnh vùng bị đau, nhức mỏi
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, mẹ nên dùng thêm gối hỗ trợ dành cho bà bầu để ngủ ngon hơn và ngăn ngừa đau mỏi toàn thân
  • Cố gắng duy trì các tư thế đứng, ngồi đúng cách và có lợi cho sức khỏe. Hạn chế các hoạt động gắng sức, tránh khiêng vác nặng, tránh đứng một chỗ quá lâu
  • Tập thể dục nhẹ nhàng, ăn uống lành mạnh, cắt giảm gia vị (đường, muối) trong thức ăn, tránh các món chiên rán chứa dầu mỡ… sẽ giúp thai kỳ khỏe mạnh hơn và giúp mẹ kiểm soát tốt một số biến chứng như sỏi mật hoặc tiền sản giật.

2. Bà bầu bị đau vai gáy có được dùng thuốc giảm đau hay không?

Đối với vấn đề bà bầu bị đau vai gáy phải làm sao? Có được dùng thuốc giảm đau không? Thông thường, cách tốt nhất là mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc để đảm bảo an toàn. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn như đau vai gáy dữ dội, cảm giác đau không thuyên giảm hoặc bạn nhận thấy các triệu chứng bất thường thì cần nhanh chóng đến bệnh viện. Tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân cụ thể gây đau như thai ngoài tử cung, sỏi mật hoặc tiền sản giật thì bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đôi khi, mẹ bầu cần được phẫu thuật khẩn cấp nếu nguyên nhân đau vai gáy là do mang thai ngoài tử cung.

Đau vai gáy khi mang thai là tình trạng phổ biến và thường là không phải dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ vẫn không nên chủ quan vì cơn đau này vẫn có thể là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng. Đó là lý do mà mẹ bầu cần chủ động tìm hiểu về nguyên nhân và nên áp dụng một số lời khuyên thích hợp, giúp giải quyết được vấn đề bà bầu bị đau vai gáy phải làm sao cũng như xác định được khi nào thì cần đi khám để tránh rủi ro trong thai kỳ nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Are the Causes of Shoulder Pain During Pregnancy?

https://www.healthline.com/health/pregnancy/shoulder-pain-pregnancy?utm_source=ReadNext Truy cập ngày 20/07/2023

Is Shoulder Pain a Sign of Pregnancy?

https://www.buzzrx.com/blog/is-shoulder-pain-a-sign-of-pregnancy Truy cập ngày 20/07/2023

Preeclampsia

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17952-preeclampsia#:~:text=Preeclampsia%20is%20a%20serious%20blood,the%2020th%20week%20of%20pregnancy. Truy cập ngày 20/07/2023

Ectopic pregnancy

https://www.nhs.uk/conditions/ectopic-pregnancy/symptoms/ Truy cập ngày 20/07/2023

A Guide to Gallstones During Pregnancy

https://www.jeffersonhealth.org/your-health/living-well/a-guide-to-gallstones-during-pregnancy Truy cập ngày 20/07/2023

Phiên bản hiện tại

24/07/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nước tiểu có mùi hôi khi mang thai có đáng lo? Mẹ nên làm thế nào?

7 cách làm dịu cơn đau lưng khi mang thai


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Sản - Phụ khoa · Phòng khám phụ sản Cảm Xúc


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 24/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo