Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là tình trạng khá phổ biến và hầu hết các trường hợp đều vô hại. Thế nhưng, liệu bà bầu bị đau mắt đỏ có sao không? Có gây nguy hiểm cho thai nhi hay không?
Tất tần tật những thắc mắc xoay quanh tình trạng bà bầu bị đau mắt đỏ sẽ được giải đáp trong bài viết bên dưới, mời bạn cùng theo dõi!
Bà bầu bị đau mắt đỏ có sao không?
Mang thai là khoảng thời gian sức đề kháng suy yếu và không được sử dụng thuốc nhiều nên mẹ bầu có nguy cơ bị đau mắt đỏ cao hơn. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, tình trạng đau mắt đỏ ở bà bầu không quá khác biệt so với đau mắt đỏ ở người bình thường. Tình trạng viêm thường tồn tại trong khoảng 1 tuần và tự biến mất. Tuy nhiên, bệnh có thể gây khó chịu cho các mẹ bầu.
Bà bầu nếu bị đau mắt đó có thể gặp phải các triệu chứng thông thường như lòng trắng mắt bị đỏ, cộm mắt, ngứa mắt, kích ứng mắt, sưng đau mắt, chảy nhiều ghèn, nhạy cảm với ánh sáng… Triệu chứng đau mắt đỏ ở bà bầu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Do nhiễm virus
Thông thường, vi rút gây ra phản ứng viêm ở kết mạc sẽ ảnh hưởng đến cả hai mắt cùng một lúc và dẫn đến một số triệu chứng như:
- Gây đỏ và ngứa mắt
- Mắt rất đỏ nhưng không có dịch chảy ra hoặc chỉ chảy một ít dịch
- Ghèn kết vảy khi vừa ngủ dậy
Do nhiễm khuẩn
Đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn xảy ra khi đeo kính áp tròng không đúng cách hoặc chạm tay vào mắt sau khi tiếp xúc với các vi khuẩn như: Staphylococcus, Haemophilus, Influenzae. Vậy bà bầu bị đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn có sao không? Dưới đây là các triệu chứng bạn có thể gặp phải:
- Mắt bị đỏ
- Ghèn đóng vảy ở mắt, cả ngày lẫn đêm
- Mí mắt có thể bị sưng
- Viêm kết mạc do vi khuẩn có thể đi kèm với một số bệnh khác như cảm lạnh, đau họng hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Do dị ứng
Những tình trạng dị ứng như dị ứng theo mùa, dị ứng với bụi, nấm mốc hay lông thú cưng có thể gây viêm mắt và đỏ mắt. Tuy nhiên, triệu chứng do dị ứng gây ra thường không quá nghiêm trọng, mắt có thể cảm thấy hơi ngứa, cộm xốn hoặc chảy nước mắt nhẹ trong thời gian ngắn.
Do môi trường
Môi trường cũng có thể trở thành nguồn gốc gây bệnh đau mắt đỏ khi mang thai. Bởi vì gió và cát khi tiếp xúc với mắt có thể dẫn đến phản ứng viêm hoặc làm tổn thương mắt, từ đó khiến mẹ bầu bị viêm kết mạc.
Ngoài ra, khi mẹ bầu dụi mắt hoặc va chạm mạnh ở mắt có thể gây chấn thương, trầy xước và viêm mắt. Đây cũng là cơ hội để các vi khuẩn, virus xâm nhập và làm nhiễm trùng mắt.
Bà bầu bị đau mắt đỏ sử dụng thuốc có sao không?
Tình trạng đau mắt đỏ khi mang thai thường không gây nguy hiểm và có thể được điều trị bằng những loại thuốc sử dụng được trong thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu hãy tham khảo ý kiến bác sĩ sản phụ khoa trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé nhé.
Thuốc nhỏ mắt
Thuốc nhỏ mắt kháng sinh có thể giúp loại bỏ nhiễm trùng và đẩy nhanh thời gian hồi phục lại bình thường chỉ sau vài ngày sử dụng. Một số loại thuốc nhỏ mắt kháng sinh được nghiên cứu chứng minh an toàn trong thai kỳ như tobramycin, erythromycin hay ofloxacin.
Nước mắt nhân tạo
Nhiều người lo lắng không biết việc sử dụng thuốc cho bà bầu bị đau mắt đỏ có sao không và thường rất e dè khi dùng. Lúc này, bạn có thể sử dụng thử nước mắt nhân tạo. Thành phần của nước mắt nhân tạo thường là những giọt dưỡng ẩm nên khá an toàn để sử dụng trong thai kỳ. Đây là liệu pháp giúp giảm viêm và một số triệu chứng do viêm kết mạc gây ra. Không những vậy, nước mắt nhân tạo cũng thường được sử dụng khi mắt bị khô, ngứa hoặc kích ứng.
Một lưu ý nhỏ dành cho mẹ bầu: Bạn nên sử dụng loại nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản vì các thành phần này có thể làm cho các triệu chứng viêm thêm nghiêm trọng.
Thuốc không kê đơn
Nếu tình trạng viêm kết mạc chuyển biến xấu, gây sưng và đau dữ dội, bà bầu bị đau mắt đỏ có thể sử dụng một liều lượng nhỏ paracetamol để giảm đau. Mặt khác, một vài loại thuốc kháng histamin cũng có thể giúp giảm đau mắt đỏ do dị ứng và được chứng minh an toàn để sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Tuy nhiên, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và em bé trong bụng.
Chữa đau mắt đỏ cho bà bầu mà không dùng thuốc được không?
Một số phương pháp có thể giúp thuyên giảm các triệu chứng đau mắt đỏ khi mang thai và đẩy nhanh thời gian hồi phục, nhưng không thể điều trị dứt điểm bệnh. Bạn có thể tham khảo một số cách chữa đau mắt đỏ cho bà bầu tại nhà an toàn sau:
- Chườm ấm hoặc chườm mát: Phương pháp này có thể làm giảm bớt sự khó chịu do đau mắt đỏ gây ra
- Làm sạch: Sử dụng miếng bông ẩm để loại bỏ những chất nhầy hoặc dịch đóng vảy ở mí mắt nhằm giảm kích ứng và ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không đeo kính áp tròng: Nếu có thói quan đeo kính áp tròng, bạn hãy ngừng sử dụng cho đến khi tình trạng viêm được điều trị dứt điểm
- Chườm túi trà xanh: Đắp túi trà xanh ướt lên mắt có thể làm giảm viêm nhờ các chất chống oxy hóa có trong trà
Mẹ bầu nên làm gì để phòng ngừa đau mắt đỏ?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa đau mắt đỏ là giữ vệ sinh tay và không chạm tay vào mắt khi chưa rửa tay bằng xà phòng, vì bụi bẩn và vi khuẩn dính trên tay có thể gây viêm nhiễm cho mắt. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên thực hiện một số biện pháp sau để phòng ngừa đau mắt đỏ như:
- Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác như khăn tắm, ga, giường
- Đeo kính mát khi ra ngoài hoặc làm việc trong môi trường bụi bẩn
- Sử dụng kính áp tròng đúng theo hướng dẫn
- Thường xuyên rửa mắt bằng nước sạch và lau khô bằng khăn mềm, sạch.
- Một số trường hợp đau mắt đỏ có thể lây lan nên mẹ bầu hãy hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh
Đau mắt đỏ khi mang thai thường mang đến nhiều phiền toái cho mẹ bầu nhưng hầu như không nghiêm trọng và sẽ cải thiện khi được điều trị. Hi vọng bài viết này đã giúp mẹ bầu trả lời được câu hỏi “Bà bầu bị đau mắt đỏ có sao không?’ và bớt lo lắng, an tâm điều trị khi mắc bệnh để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé.
[embed-health-tool-due-date]