Việc mẹ bầu bị cúm khi mang thai có thể gây rủi ro cho mẹ lẫn thai nhi nếu không được điều trị hoặc ngăn ngừa. Hơn nữa, bà bầu bị cúm 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thường có xu hướng mắc bệnh nặng và gia tăng nguy cơ tử vong do cúm cao hơn.
Cúm là căn bệnh dễ lây. Virus cúm sẽ phát tán qua không khí hoặc các bề mặt chung (tay nắm cửa, mặt bàn – ghế, đồ dùng…) khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc trò chuyện. Vì vậy, việc chủng ngừa cúm mùa trước khi mang thai hoặc trong thai kỳ là điều rất quan trọng. Nếu bạn đang lo lắng khi bị cúm ở tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba thì có thể tham khảo những thông tin sau để biết cách xử lý phù hợp nhé!
Triệu chứng khi bà bầu bị cúm 3 tháng giữa
Quá trình mang thai sẽ khiến hệ thống miễn dịch, tim và phổi của mẹ có sự thay đổi. Việc hệ thống miễn dịch bị ức chế một cách tự nhiên để không nhầm lẫn bào thai là vật gây hại có thể khiến mẹ bầu dễ nhiễm cúm hơn. Các triệu chứng khi bà bầu bị cúm 3 tháng giữa cũng tương tự như các trường hợp nhiễm cúm, cảm cúm hoặc nhiễm vi rút đường hô hấp khác, bao gồm:
- Ho, khó thở
- Sốt, ớn lạnh
- Nhức đầu
- Đau cơ, nhức mỏi cơ thể
- Viêm họng
- Sổ mũi
- Mệt mỏi, chán ăn.
Bệnh cúm thường diễn tiến nhanh chóng. Sốt và hầu hết các triệu chứng khác có thể kéo dài 1 tuần hoặc lâu hơn.
Bệnh cúm gây hại cho thai kỳ của bạn như thế nào?
Nếu bị cúm trong thai kỳ, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng do cúm nghiêm trọng hơn so với người không mang thai. Đặc biệt là khi bà bầu bị cúm 3 tháng giữa và 3 tháng cuối sẽ có nhiều nguy cơ chuyển dạ sinh non, sinh trẻ nhẹ cân. Sốt do cúm cũng có thể liên quan đến một số dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
Vì sao bà bầu bị cúm 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối có xu hướng nghiêm trọng?
Khi bạn mang thai, hệ thống miễn dịch của bạn không còn phản ứng nhanh với bệnh tật như trước khi mang thai. Nguyên nhân là vì cơ thể bạn hiểu được mang thai là bình thường nên sẽ làm giảm khả năng miễn dịch một cách tự nhiên để tiếp nhận em bé đang phát triển. Thế nhưng, mặt trái của điều này là mẹ bầu sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn, chẳng hạn như nhiễm virus cúm.
Bệnh cúm có thể gây rủi ro cho thai kỳ, đặc biệt có xu hướng nghiêm trọng hơn đối với bà bầu bị cảm cúm 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối. Nguyên nhân là vì tử cung ngày càng lớn sẽ chèn ép và gây áp lực lên phổi. Điều này khiến dung tích phổi giảm đi nhưng vẫn phải làm việc nhiều hơn dẫn đến tình trạng khó thở. Bên cạnh đó, sự thay đổi của hệ miễn dịch, tăng nhịp tim, tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu cho bạn và thai nhi cũng là những yếu tố khiến mẹ bầu dễ bị cúm nặng trong thai kỳ.
Điều trị cúm khi mang thai như thế nào?
Nếu phát hiện những triệu chứng cúm khi mang thai kể cả khi đã chủng ngừa thì mẹ bầu cần đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể kê đơn cho mẹ một số loại thuốc kháng virus phù hợp để điều trị cúm. Việc dùng thuốc sẽ giúp mẹ bầu thuyên giảm các triệu chứng và cảm thấy dễ chịu hơn.
Thuốc kháng virus sẽ có hiệu quả tốt nhất nếu mẹ dùng thuốc trong vòng 2 ngày kể từ khi có các triệu chứng. Điều trị cúm kịp thời bằng thuốc có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi. Sau đây là 3 loại thuốc được FDA Hoa Kỳ phê duyệt để điều trị cúm cho phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con:
- Oseltamivir (tên thuốc là Tamiflu): Đây là thuốc có dạng viên nang, có thể được dùng để phòng cúm nếu bạn đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh nhưng không thay thế cho vaccine.
- Zanamivir (tên thuốc là Relenza): Đây là thuốc mà khi dùng bạn sẽ hít bằng miệng. Do đó, thuốc không được khuyến khích cho những người có vấn đề hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn.
- Peramivir (tên thuốc là Rapivab): Đây là thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch nhưng không thay thế cho vaccine cúm.
Nếu bị sốt và đau nhức, mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc acetaminophen. Bên cạnh việc dùng thuốc, mẹ cũng cần nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước. Mặc dù mẹ có thể cảm thấy chán ăn nhưng cố gắng đừng bỏ bữa quá nhiều. Thay vào đó, mẹ có thể ăn theo từng bữa nhỏ để dễ hấp thu, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể và em bé.
Bà bầu bị cúm 3 tháng giữa: Khi nào cần nhập viện khẩn cấp?
Bà bầu bị cúm thường có xu hướng dễ tiến triển nặng và gặp nguy hiểm. Nếu có những triệu chứng sau đây, mẹ cần nhập viện khẩn cấp:
- Cảm thấy em bé ít hoặc không cử động
- Sốt cao không hạ nhiệt sau khi dùng acetaminophen (thuốc Tylenol)
- Đau hoặc cảm thấy áp lực ở ngực, bụng
- Chóng mặt đột ngột hoặc cảm thấy rối loạn
- Khó thở, thở gấp
- Co giật
- Không đi tiểu
- Nôn mửa dữ dội hoặc nôn liên tục
- Triệu chứng cúm thuyên giảm nhưng sau đó mẹ lại bị sốt hoặc ho nặng hơn.
Có thể nói, mắc cúm khi mang thai thường dễ dẫn đến nhiều rủi ro và biến chứng, đặc biệt là đối với bà bầu bị cúm khi mang thai 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối. Vì vậy, cách tốt nhất là mẹ nên chủng ngừa cúm trước khi mang thai hoặc cũng có thể tiêm phòng cúm trong thai kỳ. Chủng ngừa cúm mùa khi mang thai là an toàn và có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời.
Có thể bạn quan tâm: Mẹ bị cảm có nên cho con bú? Nên dùng thuốc trị cảm cúm nào?
[embed-health-tool-due-date]