Khi mang thai, cấu trúc tử cung sẽ diễn ra một số thay đổi nhất định cả về mặt hình dạng lẫn kích thước, để thích ứng với sự phát triển của phôi thai và quá trình sinh nở trong tương lai. Vậy cấu trúc tử cung khi mang thai sẽ thay đổi như thế nào trong quá trình mang thai?
Trong bài viết này, HelloBacsi sẽ giúp bạn hiểu tổng quan hơn về cấu trúc tử cung, các hình dạng của tử cung và sự thay đổi cấu trúc của tử cung khi mang thai. Mời bạn đọc đến cuối bài viết nhé!
Tử cung thay đổi như thế nào khi phụ nữ mang thai?
Trong quá trình mang thai, tử cung đóng vai trò như một chiếc tổ nhỏ để thai nhi phát triển an toàn. Sự phát triển của thai nhi sẽ lớn dần theo từng tuần, thậm chí là từng ngày, khi đó kích thước tử cung cũng sẽ thay đổi để thích ứng với quá trình phát triển này. Chính vì vậy mà trong quá trình mang thai kích thước tử cung sẽ lớn dần theo sự phát triển của thai nhi.
[embed-health-tool-due-date]
Kích thước của tử cung thay đổi như thế nào khi mang thai?
Tử cung của phụ nữ trưởng thành khi chưa mang thai có kích thước tương tự quả chanh hoặc quả lê nhỏ, nằm gọn trong vùng chậu và có trọng lượng khoảng 50–70 gram, và khi mang thai sẽ bắt đầu thay đổi.
Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ – American Pregnancy, các chuyên gia cho biết, trong thời kỳ mang thai, độ dài cổ tử cung sẽ tăng lên. Đồng thời, cổ tử cung sẽ dày hơn theo sự thay đổi trọng lượng của thai nhi.
Giai đoạn 3 tháng đầu
Giai đoạn 3 tháng đầu (tuần đầu tiên – tuần 12): Thời gian đầu mới mang thai, kích thước thai nhi vẫn còn nhỏ nên vẫn vừa vặn nằm trong khung xương chậu. Cho đến khoảng tuần thứ 12 của thai kỳ, thai nhi bắt đầu lớn dần nên tử cung cũng tăng dần kích thước lên, kích cỡ khoảng bằng quả cam hoặc quả bưởi nhỏ. Tử cung vẫn bình thường và chưa có sự thay đổi đáng kể.
Giai đoạn 3 tháng giữa
Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ (tuần 13 – 27): Trong giai đoạn này, kích thước tử cung cũng sẽ tăng dần để luôn phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Lúc này kích thước tử cung có thể đã tăng gấp đôi so với ban đầu; kích cỡ có thể so sánh với một quả đu đủ. Chiều cao đáy tử cung (tính bằng cm) thường tương ứng với số tuần tuổi thai, cộng trừ 2 cm.
Lúc này, tử cung đã không còn nằm gọn trong vùng chậu mà bắt đầu dịch chuyển lên vùng bụng. Sự lớn lên của tử cung trong tam cá nguyệt thứ hai cũng gây áp lực lên các cơ quan xung quanh, có thể dẫn đến những cơn đau nhẹ và làm rốn của bạn nhô ra.
Giai đoạn 3 tháng cuối
Giai đoạn 3 tháng cuối (từ tuần 28 trở đi): Trong những tuần cuối thai kỳ, tử cung sẽ tăng kích thước đến mức cực đại. Cho đến khi đủ tháng, phần đáy tử cung sẽ di chuyển từ vùng mu lên đến khung xương sườn. Khi đến giai đoạn chuyển dạ, thai nhi sẽ bắt đầu xoay và đi xuống thấp hơn ở vùng khung chậu để sẵn sàng cho quá trình sinh nở.
Sau khi sinh con
Sau khi sinh, tử cung trải qua quá trình “co hồi” để trở về kích thước ban đầu. Quá trình này, gọi là sự co hồi tử cung, thường mất khoảng 4- 8 tuần. Trong khoảng thời gian này, bạn sẽ bắt gặp những cơn co tử cung nhẹ trước khi trở lại với vị trí và kích thước ban đầu.

Hình dáng tử cung bình thường khi mang thai
Dưới đây là các hình dáng của tử cung bình thường khi mang thai
Tử cung ngả sau (Retroverted Uterus)
Tử cung ngả sau hay còn gọi là tử cung nghiêng hoặc tử cung lật ngược, xảy ra khi tử cung nghiêng về phía sau và hướng về cột sống thay vì hướng về phía bụng như bình thường. Đây là hình dáng tử cung phổ biến, trung bình cứ khoảng 5 phụ nữ sẽ có 1 trường hợp.
Tử cung ngả sau có thể là bẩm sinh hoặc do sự thay đổi cấu trúc theo thời gian, hoặc do một số nguyên nhân sau:
- Suy yếu dây chằng vùng chậu: Thường xảy ra trong giai đoạn mãn kinh, khi các dây chằng vùng chậu yếu đi, khiến tử cung có xu hướng nghiêng về phía sau.
- Mô sẹo hoặc kết dính trong vùng chậu: Các tổn thương hoặc bệnh lý có thể giữ tử cung ở tư thế ngả sau, bao gồm: lạc nội mạc tử cung, nhễm trùng tử cung hoặc ống dẫn trứng, ảnh hưởng do phẫu thuật vùng chậu…
Tử cung ngả trước (Anteflexed Uterus)
Tử cung ngả trước là khi tử cung nghiêng về phía trước tại vị trí cổ tử cung. Khoảng 70-75% phụ nữ có tử cung ngả trước. Đây là tư thế điển hình và được xem là bình thường của tử cung. Trong tư thế này, phần trên của tử cung hướng về phía xương mu và cổ tử cung hướng về phía trực tràng.
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, tử cung ngả trước có thể nghiêng nhiều hơn bình thường, gây áp lực lên vùng chậu và dẫn đến khó chịu khi quan hệ tình dục hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
Hình dáng tử cung bất thường khi mang thai
Dưới đây là các hình dáng tử cung bất thường khi mang thai:
Tử cung hai sừng (Bicornuate uterus)
Tử cung hai sừng, hay còn gọi là tử cung hình trái tim, là một bất thường bẩm sinh xảy ra khi tử cung bị chia thành hai ngăn do sự hợp nhất không hoàn toàn của các ống Mullerian trong quá trình phát triển bào thai. Tử cung hai sừng chiếm khoảng 0,4% trong dân số nói chung (ít gặp).
- Tử cung bắt đầu phát triển khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ. Từ tuần thứ 10 đến tuần thứ 20 của thai kỳ, hai ống Mullerian thường hợp nhất để tạo thành tử cung và cổ tử cung
- Tuy nhiên, trong trường hợp tử cung hai sừng, phần trên của các ống Mullerian không hợp nhất hoàn toàn, dẫn đến hình dạng tử cung bị chia đôi, giống hình trái tim.
Tử cung đôi (uterus didelphys)
Tử cung đôi hay còn gọi là tử cung kép, là một tình trạng hiếm gặp. Tử cung đôi gồm hai khoang tử cung tách biệt nhau và nhỏ hơn so với khoang của tử cung của người bình thường. Mỗi tử cung có một ống dẫn trứng và một buồng trứng riêng biệt. Thay vì có hình dạng quả lê ngược như tử cung thông thường, hai tử cung này có hình dạng giống hai quả chuối.
- Bình thường, tử cung được hình thành từ hai ống Mullerian trong giai đoạn bào thai.
- Khi các ống này không hợp nhất để tạo thành một tử cung duy nhất, mỗi ống sẽ phát triển thành một tử cung riêng biệt.
Tử cung có vách ngăn (Separate Uterus)
Một tử cung bình thường có hình dáng như một quả lê úp ngược và chỉ có một khoảng rỗng duy nhất. Tuy nhiên, ở tử cung có vách ngăn, một màng ngăn (septum) chạy dọc từ phần trên của tử cung xuống, vách ngăn này hoạt động như một rào cản, làm chia tử cung thành hai khoang.

Câu hỏi thường gặp
Cấu trúc tử cung ngả sau khi mang thai có sao không?
Theo thông tin từ Better Health Channel, tình trạng tử cung ngã sau là bình thường và không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu có vấn đề xảy ra có thể là có liên quan đến bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, đồng thời kéo theo các tình trạng như đau khi quan hệ và đau bụng kinh dữ dội.
Cấu trúc tử cung ngả trước khi mang thai có sao không?
Cấu trúc tử cung khi mang thai ngã trước, theo thông tin từ Health Cleveland Clinic, tử cung ngã trước được coi là hình dáng tử cung bình thường và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Trừ một số trường hợp tử cung ngã trước với độ nghiêng mạnh sẽ ảnh hưởng đôi chút đến đời sống tình dục của phụ nữ.
Kết luận
Tóm lại, cấu trúc tử cung khi mang thai sẽ có thay đổi về kích thước và hình dáng khi mang thai, và mức độ thay đổi sẽ khác nhau đôi chút ở từng cá nhân. Hy vọng nội dung bài viết đã giúp bạn hiểu được rõ hơn về cấu trúc tử cung khi mang thai cũng như đã biết thêm những hình dáng khác thường của tử cung.