backup og meta

Tìm hiểu nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh và cách kiểm soát hiệu quả

Tìm hiểu nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh và cách kiểm soát hiệu quả

Tăng cân khi mang thai là điều bình thường vì em bé của bạn đang lớn lên mỗi ngày. Thế nhưng, mức tăng này cần nằm trong giới hạn được khuyến nghị để đảm bảo không gia tăng nguy cơ dẫn đến những biến chứng trong thai kỳ. Trong trường hợp mẹ bầu tăng cân quá nhanh, quá nhiều thì điều này có thể gây lo lắng. Nhiều chị em thắc mắc nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh là do đâu? Phải làm sao để kiểm soát cân nặng hiệu quả?

Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giải đáp những thông tin xoay quanh vấn đề mẹ bầu tăng cân như thế nào là “chuẩn”? Tại sao mẹ tăng cân nhanh và nên làm thế nào? Tuy nhiên, việc tìm hiểu thông tin thôi là chưa đủ. Điều quan trọng hơn là mẹ bầu cần đảm bảo lịch khám thai đầy đủ để được bác sĩ theo dõi, kiểm tra sức khỏe và mức tăng cân theo từng giai đoạn thai kỳ. Điều này sẽ giúp các vấn đề của mẹ bầu (nếu có) được bác sĩ xử lý kịp thời trước khi sinh nở.

Mức tăng cân được khuyến nghị trong thai kỳ là bao nhiêu?

Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh, chắc hẳn nhiều mẹ cũng thắc mắc mức tăng cân lành mạnh trong thai kỳ là bao nhiêu. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, mức tăng cân phù hợp trung bình cho phụ nữ Việt Nam khoảng 10-12kg (nếu bà mẹ có BMI bình thường trước đó). 

Trong đó, các mẹ thường tăng từ khoảng 1 đến 2 kg trong tam cá nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, một số mẹ có thể không tăng cân trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thậm chí là cân nặng có xu hướng giảm nhẹ, đặc biệt là những mẹ ốm nghén nặng. Trong các giai đoạn còn lại của thai kỳ thì mỗi tuần mẹ sẽ tăng khoảng 0.5 kg cho đến khi sinh nở.

Chi tiết mức tăng cân được khuyến nghị đối với mẹ mang thai một em bé

Mức tăng cân được khuyến nghị trong thai kỳ được xác định dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn trước khi mang thai. Cụ thể như sau:

  • Chỉ số BMI dưới 18.5 được xem là nhẹ cân. Trong trường hợp này, mẹ bầu được khuyến khích tăng từ 12.5 đến 18 kg.
  • Chỉ số BMI từ 18.5 đến 24.9 được xem là cân nặng bình thường. Mẹ bầu có cân nặng nằm trong mức này được khuyến khích tăng từ 11.5 đến 16 kg.
  • Chỉ số BMI từ 25 đến 29.9 được xem là thừa cân. Mẹ bầu thừa cân được khuyến nghị tăng từ 7 đến 11.5 kg hoặc ít hơn, tùy thuộc vào cân nặng trước khi mang thai.
  • Chỉ số BMI trên 30 được phân loại là béo phì. Trong trường hợp này, mức tăng cân lành mạnh là từ 5 đến 9 kg.

Chi tiết mức tăng cân được khuyến nghị đối với mẹ mang thai đôi trở lên

nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh

Đối với mẹ mang thai từ 2 em bé trở lên, mức tăng cân có thể cao hơn. Tương tự như trên, các mức tăng cân lành mạnh đối với mẹ mang thai đôi cũng được xác định dựa trên chỉ số BMI trước khi mang thai, cụ thể:

  • Chỉ số BMI từ 18.5 đến 24.9: Mẹ mang thai đôi nên tăng từ 17 đến 25 kg
  • Chỉ số BMI từ 25 đến 29.9: Mẹ mang thai đôi nên tăng từ 14 đến 23 kg
  • Chỉ số BMI từ 30 trở lên: Mẹ mang thai đôi chỉ nên tăng từ 11 đến 19 kg.

Tuy nhiên, các con số trên đây chỉ mang tính chất tham khảo dựa trên công bố của CDC Hoa Kỳ dành cho đối tượng phụ nữ mang thai người Âu – Mỹ, thể trạng có phần to lớn hơn đại đa số người Việt Nam. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mức tăng cân phù hợp trung bình cho phụ nữ nước ta khoảng 10-12 kg (nếu trước đó mẹ bầu có BMI trong mức bình thường), tiêu chuẩn sẽ thay đổi tùy thuộc tình trạng sức khoẻ, thể trạng, tầm vóc của mỗi người, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết chính xác nhất. 

Tìm hiểu các yếu tố khiến mẹ tăng cân trong thai kỳ

Trước khi “điều tra” những nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh, mẹ cần hiểu rõ các yếu tố bình thường dẫn đến sự tăng cân trong thai kỳ. Thực chất, việc tăng cân lành mạnh khi mang thai liên quan chủ yếu đến em bé của bạn chứ không phải do mỡ thừa. Giả sử mẹ bầu tăng 16 kg, bạn cần hiểu là số cân nặng này thường đến từ các yếu tố sau cộng lại:

  • Em bé: nặng khoảng 3.5 kg
  • Nhau thai: 1 đến 1.5 kg
  • Mô vú: 1 đến 1.5 kg
  • Nguồn cung cấp máu: Khoảng 2 kg
  • Dự trữ chất béo: 2.5 đến 4 kg
  • Tăng trưởng tử cung: 1 đến 2.5 kg.

Nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh và những biến chứng thai kỳ có thể xảy ra

Mặc dù có những khuyến nghị về mức tăng cân lành mạnh khi mang thai nhưng trên thực tế và qua các nghiên cứu cho thấy không ít mẹ bầu tăng cân quá nhanh và tăng cân nhiều.

Nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh là gì?

nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh

Nhìn chung, việc tăng cân nhanh hay chậm, nhiều hay ít có thể tùy thuộc vào tình trạng cơ thể của mỗi mẹ bầu. Tuy nhiên, nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh cũng có thể liên quan đến một số vấn đề khác, chẳng hạn như:

  • Có những mẹ quan niệm khi có thai là phải ăn cho hai người nên thường ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể. Thế nhưng, nếu ăn quá nhiều nhưng lại ít vận động thể chất thì đây có thể là nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh.
  • Mặt khác, nếu mẹ đã hoặc đang dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật… hoặc mắc một số bệnh như suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang… thì có thể góp phần gây tăng cân nhiều khi mang thai.

Mẹ bầu tăng cân nhiều, tăng cân nhanh có thể gặp những biến chứng thai kỳ nào?

Có nhiều nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh, có thể khác nhau đối với từng trường hợp mà bài viết không đề cập hết. Tuy nhiên, nhìn chung thì đây được xem là một vấn đề tiêu cực trong thai kỳ. Tình trạng tăng cân nhanh và tăng cân quá nhiều trong thai kỳ thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, làm tăng những nguy cơ như:

  • Mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
  • Tiền sản giật
  • Tăng huyết áp thai kỳ 
  • Thai to
  • Mắc chứng ngưng thở khi ngủ
  • Khó thở, mệt mỏi và tăng tiết mồ hôi
  • Mẹ tăng cân nhanh, vượt quá mức khuyến nghị thường dễ gặp các biến chứng khi sinh, khó sinh thường và tăng nguy cơ sinh mổ
  • Mẹ tăng cân nhiều trong thai kỳ thường khó giảm cân sau sinh hơn so với mẹ tăng cân ở mức hợp lý
  • Tình trạng mẹ bầu tăng cân nhanh và tăng cân nhiều cũng có thể ảnh hưởng đến em bé. Ngoài rủi ro từ các biến chứng khi sinh, trẻ được sinh ra từ bà mẹ thừa cân thường có nguy cơ béo phì sau khi chào đời.

Làm sao để kiểm soát cân nặng hiệu quả khi mang thai?

Ngoại trừ nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh liên quan đến bệnh lý thì nguyên nhân phổ biến hơn thường do ăn uống và lối sống. Vì vậy, trong hầu hết trường hợp thì mẹ vẫn có thể kiểm soát cân nặng trong thai kỳ bằng một số giải pháp sau:

nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng

Mẹ nên ưu tiên bổ sung rau củ, trái cây, ngũ cốc, sữa ít béo… Hạn chế dung nạp đường và chất béo. Trong đó, mẹ nên tránh những món ăn vặt như khoai tây chiên, kẹo, bánh ngọt, bánh quy, kem, nước ngọt,… và cắt giảm chất béo từ dầu ăn và mỡ, nước thịt, nước sốt, phô mai… Nếu mẹ gặp khó khăn trong việc xây dựng chế độ ăn uống trong thai kỳ thì nên nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Theo dõi quá trình tăng cân ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ

Việc theo dõi sự thay đổi về cân nặng trong thai kỳ ngay từ những tuần đầu có thể giúp mẹ kiểm soát sự tăng cân dễ dàng hơn. Mẹ cần lưu ý rằng mỗi lần mang thai đều khác nhau và số cân tăng theo mỗi tuần cũng khác nhau. Do đó, việc có sự chuẩn bị, theo dõi từ sớm sẽ giúp mẹ tăng cân trong phạm vi “chuẩn” và an toàn cho thai kỳ.

Tập thể dục thường xuyên

Việc ăn nhiều nhưng ít vận động là một trong những nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh thường gặp nhất. Do đó, việc vận động thường xuyên trong thai kỳ là rất quan trọng. Mẹ bầu thường được khuyến nghị nên dành khoảng 150 phút mỗi tuần để tập thể dục. Có khá nhiều bài tập an toàn khi mang thai giúp mẹ kiểm soát cân nặng hiệu quả, bao gồm đi bộ, bơi lội, đạp xe tại chỗ, yoga…

Trên thực tế, một số mẹ đã thừa cân trước khi mang thai, một số mẹ lại tăng cân quá nhanh khi mang thai. Dù là trường hợp nào, mẹ cũng không nên cố gắng giảm cân hoặc ăn kiêng trong thai kỳ. Cách tốt nhất là mẹ nên duy trì ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục. Nếu chị em vẫn lo lắng, thắc mắc về các nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh hoặc các biến chứng có thể xảy ra, bạn nên khám thai đầy đủ và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hướng dẫn quốc gia Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú

https://file.medinet.gov.vn//Data/soytehcm/suckhoesinhsan/Attachments/2017_8/ddphunucothai_48201712.pdf Ngày truy cập 01/6/2022

Excess Weight and Weight Gain During Pregnancy

https://www.lifespan.org/centers-services/multidisciplinary-obstetric-medicine-service-moms/pregnancy-weight-gain Truy cập ngày 22/05/2022

Managing your weight gain during pregnancy

https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000603.htm Truy cập ngày 22/05/2022

Weight gain guidelines

https://www.newcastle.edu.au/hippocampus/story/2020/weight-gain-in-pregnancy#:~:text=Gaining%20too%20much%20weight%20in,term%20and%20in%20the%20future. Truy cập ngày 22/05/2022

Weight Gain During Pregnancy: How Much Is Too Much?

https://health.clevelandclinic.org/weight-gain-during-pregnancy-how-much-is-too-much/ Truy cập ngày 22/05/2022

Weight Gain During Pregnancy

https://www.cdc.gov/reproductivehealth/maternalinfanthealth/pregnancy-weight-gain.htm Truy cập ngày 22/05/2022

Phiên bản hiện tại

05/06/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Cận cảnh dấu hiệu chuyển phôi thành công theo từng ngày

Thực đơn giảm cân sau sinh: Vừa nhanh gầy vừa lợi sữa


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 05/06/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo