backup og meta

Hướng dẫn: Mẹ bị viêm gan B làm sao để con không bị?

Hướng dẫn: Mẹ bị viêm gan B làm sao để con không bị?

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Mẹ bầu mắc bệnh viêm gan B có thể lây truyền cho thai nhi. Do đó, nhiều phụ nữ rất lo lắng khi phát hiện bản thân bị viêm gan B lúc đang mang thai. Họ cũng tìm hiểu nhiều cách để giải tỏa thắc mắc mẹ bị viêm gan B làm sao để con không bị?

Trong bài viết này, HelloBacsi sẽ giải thích chi tiết hơn về quá trình lây nhiễm bệnh viêm gan B từ mẹ sang con, đồng thời giải đáp thắc mắc ‘mẹ bị viêm gan B làm sao để con không bị’; Cách giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B ở trẻ là gì?

Tổng quan về bệnh viêm gan B

Bệnh viêm gan B là gì? Viêm gan B (hepatitis B) là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mức độ cấp tính (ngắn hạn và nghiêm trọng) hoặc mạn tính (dài hạn).

Bệnh làm suy giảm chức năng gan, tăng nguy cơ mắc bệnh xơ gan, suy gan, gan nhiễm mỡ hay thậm chí là ung thư gan. Do đó, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Virus HBV gây bệnh viêm gan B xâm nhập vào cơ thể qua 3 con đường là: Đường máu, đường tình dục (dịch âm đạo và tinh dịch) và từ mẹ truyền sang con (chu sinh).

Triệu chứng viêm gan B ở phụ nữ mang thai

Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm gan B cấp tính (acute hepatitis B) bao  gồm:

Viêm gan cấp tính cũng có thể gây ra những triệu chứng nặng hơn, bao gồm:

  • Vàng da
  • Vàng tròng trắng mắt
  • Buồn nôn
  • Chán ăn… 

Với bệnh viêm gan B mạn tính (chronic hepatitis B), các triệu chứng có thể không rõ ràng, ít xuất hiện, cho đến khi bệnh đã tiến triển nặng. 

Viêm gan B có lây từ mẹ sang con không?

Câu trả lời là viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền bệnh viêm gan B từ mẹ sang con cũng có sự chênh lệch tùy theo từng trường hợp.

Kết quả nghiên cứu về ‘Nhiễm virus viêm gan B trong thai kỳ: Phản ứng miễn dịch, diễn biến và kết quả thai kỳ’ đăng tải trên Pubmed cho biết, ở từng thời điểm phát hiện bệnh trong khi mang thai cũng làm thay đổi tỷ lệ lây truyền bệnh viêm gan B từ mẹ sang con; cụ thể là:

  • Nhiễm bệnh ở giai đoạn sớm (3 tháng đầu thai kỳ), tỷ lệ lây truyền sang con là 10%
  • Nhiễm bệnh ở giai đoạn 3 tháng cuối và gần sinh tỷ lệ lây truyền sang con là 60%.
  • Mẹ mang thai được chẩn đoán là mắc viêm gan B mạn tính, tỷ lệ lây truyền sang con là hơn 90%.

Vậy nếu mẹ bị viêm B làm sao để con không bị nhiễm? Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây để tìm hiểu!

Mẹ bị viêm gan B làm sao để con không bị?

Theo Học viện Sản phụ khoa Hoa Kỳ – ACOG, trong vòng 12 – 24 giờ sau khi sinh, em bé sẽ được bác sĩ thực hiện tiêm vắc xin viêm gan B cùng huyết thanh kháng viêm gan B mũi đầu tiên (hay còn gọi là HBIG) để phòng bệnh viêm gan B từ mẹ. Nếu bỏ lỡ thời điểm này thì nguy cơ trẻ mắc bệnh viêm gan B từ mẹ là rất cao.

  • Nếu được tiêm đúng vaccine đúng thời điểm, khả năng phòng ngừa viêm gan B ở trẻ là rất tốt, hơn 90% trẻ được bảo vệ khỏi nhiễm trùng viêm gan B.
  • Sau liều đầu tiên, liều thứ 2 thường được tiêm khi trẻ được 1 – 2 tháng tuổi.
  • Liều cuối cùng được tiêm trong khoảng từ 6 – 18 tháng hoặc thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. 
Viêm gan B không lây truyền qua sữa mẹ. Nhưng trong nhiều trường hợp, núm vú của mẹ bị nứt và chảy máu, trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh trong quá trình bú mẹ vì tiếp xúc với máu. 
Mẹ bị viêm gan B làm sao để con không bị?
Mẹ bị viêm gan B làm sao để con không bị? Sau khi sinh trong vòng 24 giờ, trẻ sẽ được tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh viêm gan B lây truyền từ mẹ.

Phụ nữ cần làm gì để giảm nguy cơ lây viêm gan B cho trẻ?

Nếu được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B, bạn hãy chủ động thực hiện theo các điều sau: 

Điều trị trước khi mang thai

Chủ động thăm khám và điều trị viêm gan B trước khi mang thai là phương án tốt nhất để không lây truyền sang con. Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ biết khi nào nồng độ virus HBV đã ở mức an toàn và khi nào là thời điểm thích hợp để mẹ có thể mang thai mà không lây bệnh cho thai nhi.

Viêm gan B có chữa được không?

Theo Tổ chức Y tế thế giới – WHO 
  • Không có cách điều trị cụ thể cho bệnh viêm gan cấp tính. Các phương pháp chữa bệnh đều tập trung vào mục tiêu giảm nhẹ triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Viêm gan mãn tính có thể điều trị bằng thuốc, bao gồm tenofovir hoặc entecavir nhưng cần thực hiện cả đời.
  • Điều trị viêm gan sớm có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh xơ gan, giảm nguy cơ biến chứng ung thư gan.

Kiểm tra và điều trị trong thai kỳ

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn bị nhiễm virus viêm gan B, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm để biết chức năng gan của bạn có khỏe mạnh hay không; tình trạng viêm gan B của bạn ở trạng thái ngủ hay hoạt động, và tải lượng virus là bao nhiêu.

Đối với mẹ bầu mắc viêm gan B vào tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ, bác sĩ có thể chỉ định tiêm globulin miễn dịch khoảng 3 lần vào mỗi tháng. Các mũi tiêm này có mục đích giảm nồng độ virus và hạn chế sự lây nhiễm virus từ mẹ sang bé trong tử cung khi quá trình chuyển dạ bắt đầu.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần ăn uống đủ chất, khoa học, tập các bài tập dành cho bà bầu ở mức nhẹ nhàng, nghỉ ngơi thường xuyên để tăng cường sức khỏe.

Xây dựng đời sống tình dục an toàn

Ngoài những cách trên, để giảm nguy cơ lây truyền bệnh viêm gan B từ mẹ sang con, mẹ cần có một đời sống tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ nếu chưa có ý định mang thai; không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như: Đồ chơi tình dục, xỏ khuyên…

Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể hoặc các bề mặt của đồ vật có nguy cơ bị nhiễm virus.

Theo khuyến nghị của Quỹ Viêm gan B – Hepatitis B Foundation: ‘Tất cả phụ nữ mang thai cần thực hiện xét nghiệm viêm gan B. Việc này rất quan trọng vì nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của thế hệ tiếp theo. Thời điểm lý tưởng để xét nghiệm viêm gan B khi đang mang thai là càng sớm càng tốt’.

Câu hỏi thường gặp

Phụ nữ bị viêm gan B có mang thai được không?

Phụ nữ bị viêm gan B có thể mang thai và sinh con bình thường. Tuy nhiên, mẹ cần thăm khám ở chuyên khoa truyền nhiễm, làm các xét nghiệm đánh giá trạng thái của viêm gan B và định lượng tải lượng virus nếu viêm gan B đang ở trạng thái hoạt động. Nếu tải lượng virus cao, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để ngăn ngừa việc lây truyền từ mẹ sang bé trong quá trình mang thai. Đối với trẻ sau khi sinh trong 24 giờ đầu tiên bắt buộc phải được tiêm vắc xin viêm gan B cùng huyết thanh kháng viêm gan B mũi đầu tiên (HBIG).

Chồng bị viêm gan B có sinh con được không?

Câu trả lời có! Để đảm bảo an toàn, bạn cần được tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B tối thiểu 3 liều trước khi quan hệ tình dục. Đồng thời, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, để biết cách sống chung với người mắc bệnh viêm gan B.

Mẹ bị viêm gan B làm sao để con không bị?
Nếu có thai sau khi quan hệ với người bị viêm gan B (chồng/bạn tình), mẹ làm sao để con không bị? Để đảm bảo không lây truyền từ mẹ sang con, mẹ cần đi xét nghiệm và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ

Kết luận

Tóm lại, mẹ bị viêm gan B làm sao để con không bị? Cách tốt nhất là luôn xét nghiệm trước khi có thai hoặc càng sớm càng tốt khi phát hiện có thai. Tiêm vaccine cho con trong vòng 24h tính từ lúc sinh ra. Đồng thời, mẹ bầu cũng cần xây dựng một sức khỏe tốt bằng cách ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi phù hợp.

Những nội dung cùng chủ đề với thắc mắc ‘mẹ bị viêm gan B làm sao để con không bị’, bạn có thể đọc thêm:

Chuyên mục ‘Chuẩn bị mang thai’ chia sẻ những nội dung để mẹ có sự chuẩn bị thật chu đáo trước khi mang thai, hiểu các vấn đề có thể xảy ra trong quá trình mang thai và một số bí quyết để cải thiện cơ hội thụ thai.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hepatitis B
https://www.who.int/en/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-b
Truy cập ngày: 18.07.2024

Hepatitis B | Johns Hopkins Medicine
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hepatitis/hepatitis-b
Truy cập ngày: 18.07.2024

Hepatitis B Virus Infection in Pregnancy: Immunological Response, Natural Course and Pregnancy Outcomes – PMC
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8267880/
Truy cập ngày: 18.07.2024

Viral Hepatitis in Pregnancy | ACOG
https://www.acog.org/womens-health/faqs/viral-hepatitis-in-pregnancy
Truy cập ngày: 18.07.2024

Pregnancy and Hepatitis B
https://www.hepb.org/treatment-and-management/pregnancy-and-hbv/
Truy cập ngày: 18.07.2024

Hepatitis B
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-b
Truy cập ngày: 18.07.2024

Phiên bản hiện tại

09/08/2024

Tác giả: Phong Huỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Các mốc khám thai quan trọng 3 tháng giữa và những lưu ý mẹ bầu cần nhớ

Chán ăn khi mang thai: Nguyên nhân, cách khắc phục và lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 09/08/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo