Ngôi thai thuận là ngôi thai nằm ở vị trí thuận lợi nhất cho quá trình chuyển dạ và sinh con. Thế nhưng, làm thế nào để nhận biết dấu hiệu ngôi thai thuận để mẹ an tâm vượt cạn?
Ngôi thai (hay tư thế của thai nhi so với cổ tử cung) là điều khiến nhiều mẹ bầu băn khoăn trong những tháng cuối của thai kỳ bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hình thức sinh nở. Ngôi thai có 3 dạng chính là ngôi đầu hay ngôi thai thuận, ngôi ngang và ngôi mông. Trong đó ngôi đầu là ngôi thai thuận lợi nhất, giúp mẹ vượt cạn dễ dàng, còn ngôi ngang và ngôi mông lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến bạn phải sinh mổ.
Ngôi thai thuận là gì? Ngôi thai thuận ở tuần bao nhiêu?
Ngôi thai thuận là gì hoặc ngôi thai xuôi là gì là vấn đề nhiều mẹ quan tâm khi sắp tới ngày sinh nở. Thực chất, ngôi thai thuận còn có một số tên gọi khác như ngôi đầu hoặc ngôi chỏm trước. Đây là tư thế mà đầu thai nhi hướng về phía dưới âm hộ, gáy quay về phía bụng và mông sẽ hướng về phía ngực của mẹ bầu. Đây được xem là tư thế “lý tưởng” nhất để sinh thường bởi ở tư thế này, khi chuyển dạ:
- Đầu của thai nhi sẽ đi vào phần rộng nhất của khung xương chậu, giúp bé dễ dàng trượt xuống dưới xương mu và khỏi âm hộ đầu tiên, tay, chân sẽ xuôi về phía sau.
- Thai nhi sẽ gây áp lực lên cổ tử cung và kích thích các hormone cần thiết hỗ trợ cho quá trình chuyển dạ.
Dựa vào hướng mặt của bé, ngôi thai thuận được phân thành 2 dạng là:
- Bé quay đầu xuống và mặt hướng về phía lưng của mẹ bầu: Khoảng 95% trường hợp ngôi đầu thuộc dạng này và đây là vị trí thuận lợi nhất cho việc sinh nở.
- Bé quay đầu xuống nhưng hướng mặt về phía bụng mẹ bầu: Ngôi thai này sẽ khiến cho việc sinh nở gặp khó khăn hơn do bé dễ bị kẹt. Khoảng 5% trường hợp ngôi thai thuận thuộc dạng này.
Còn nếu dựa vào mức độ ngửa và cúi đầu của thai nhi, ngôi thai thuận sẽ được chia thành 4 dạng:
- Ngôi chỏm: Ngôi có đầu cúi tốt nhất, phần chỏm nằm ngay eo trên
- Ngôi mặt: Mặt bé ngửa hết mức, mặt bé sẽ nằm ngay eo trên
- Ngôi trán: Đầu không cúi, không ngửa, trán nằm ngay eo trên
- Ngôi thóp trước: Khá giống với ngôi trán nhưng phần thóp sẽ nằm ngay eo trên.
Bước vào tam cá nguyệt thứ 3, thai nhi sẽ bắt đầu quay đầu để chuẩn bị cho hành trình chào đời. Mỗi thai nhi sẽ có những thời điểm quay đầu khác nhau. Ở tuần thứ 28, khoảng 25% trường hợp bé sẽ ở ngôi mông nhưng gần đến ngày dự sinh, con số này sẽ giảm xuống chỉ khoảng 3-4%.
Đa phần, khoảng thời gian mà bạn có thể nhận biết các dấu hiệu hiệu ngôi thai thuận là từ tuần 32 đến 36 của thai kỳ. Bác sĩ cũng sẽ bắt đầu kiểm tra vị trí của bé ở tuần 34 đến tuần 36.
Có thể bạn quan tâm: Ngôi thai đầu: Vì sao đây là ngôi sinh tốt nhất và làm sao để nhận biết?
Dấu hiệu ngôi thai thuận “chuẩn” giúp mẹ nhận biết chính xác
Sẽ có không dấu hiệu bên ngoài nào cho thấy việc bé đã quay đầu và ở ngôi thuận hay chưa. Để nhận biết dấu hiệu ngôi thai thuận, bạn sẽ phải sờ và cảm nhận các bộ phận của bé:
- Đặt 2 tay vào bụng dưới và đẩy nhẹ bụng, nếu thấy cứng cứng thì đó có thể là bé đã ở ngôi thuận và vị trí bạn cảm nhận được là đầu của bé. Còn nếu mềm thì có thể là mông và bé vẫn chưa quay đầu.
- Đặt 2 tay vào 2 bên phải, trái của vùng bụng. Tay phải giữ nguyên, tay trái sờ nắn nhẹ nhàng và ngược lại để xem lưng của bé ở bên nào để xác định hướng mặt của bé.
- Đặt 2 tay vào vị trí đầu của thai nhi để xác định độ tụt.
Bên cạnh việc nhận biết dấu hiệu thai quay đầu thông qua các bước kiểm tra trên, bạn có thể nhận biết bé thuộc ngôi thai thuận thông qua vị trí thai máy, cử động của thai nhi trong bụng mẹ. Nhiều chị em cũng thắc mắc thai nhi đạp trên rốn đã quay đầu chưa? hoặc bé quay đầu thì đạp như thế nào? Sau đây sẽ là những giải đáp cụ thể:
- Nếu bé đạp ở vùng trên rốn bạn thì đầu bé đang quay xuống dưới và sẵn sàng cho hành trình chào đời
- Nếu các cú đạp xuất hiện ở dưới rốn thì có thể bé vẫn chưa quay đầu và hiện vẫn còn ở ngôi mông
- Nếu các cú đạp ở xung quanh rốn, rất có thể em bé đang ở tư thế ngôi đầu nhưng mặt hướng về phía bụng
- Nếu các cú đạp ở 2 bên bụng thì có thể bé chỉ mới quay đầu một nửa và đang ở ngôi thai ngang.
Ngoài ra, nếu bé đã quay đầu xuống dưới, bạn cũng sẽ có thể cảm nhận được những chuyển động mạnh ở phần bụng trên (vị trí đầu gối và chân của bé) và những chuyển động nhẹ hơn ở phần bụng dưới (vị trí tay hoặc khuỷu tay của bé).
Một trong những dấu hiệu thai ngôi thuận dễ nhận biết đó là nghe nhịp tim của bé. Bạn có thể nhờ chồng hoặc người thân lắng nghe nhịp tim của bé, nếu phát ra từ bụng dưới thì có thể là dấu hiệu ngôi thai thuận và thai nhi đã quay đầu.
Nếu đã thử hết cách nhận biết thai quay đầu kể trên mà bạn vẫn chưa xác định được bé đã quay đầu và ở ngôi thai thuận hay chưa, bạn có thể đợi đến kỳ khám thai định kỳ và hỏi bác sĩ về ngôi thai, cách xoay ngôi thai.
Làm thế nào nếu bé không quay đầu và ở ngôi thai thuận?
Dù ngôi thai thuận là ngôi thai phổ biến và lý tưởng nhất cho quá trình chuyển dạ và sinh con nhưng thực tế, không phải trường hợp nào bé cũng quay đầu về tư thế này. Sẽ có những trường hợp bé không chịu quay đầu, dẫn đến ngôi thai ngược hay ngôi mông hoặc bé chỉ quay một nửa và nằm ngang trong bụng mẹ (ngôi thai ngang). Những ngôi thai này khiến việc sinh nở của mẹ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bắt buộc phải sinh mổ. Nếu bé không quay đầu, bạn hãy:
Kiên nhẫn và chờ đợi dấu hiệu ngôi thai thuận
Ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai, tư thế của bé trong bụng mẹ không phải là điều mà bạn cần quan tâm bởi lúc này bé còn nhỏ và vẫn còn nhiều không gian để chuyển động. Do đó, nếu bạn vẫn chưa bước qua tam cá nguyệt thứ 3 thì không cần phải quá lo lắng.
Thậm chí, dù đã ở những tháng cuối mà bạn vẫn chưa cảm nhận được những dấu hiệu ngôi thai thuận, bạn cũng đừng nản lòng bởi sẽ có khoảng 20% trường hợp bé quay đầu trễ. Rất có thể bé vẫn đang trong quá trình quay đầu để chuẩn bị chào đời.
Biện pháp hỗ trợ bé xoay đầu để mẹ nhanh cảm nhận dấu hiệu ngôi thai thuận
- Quỳ bằng tứ chi ở tư thế bò, sau đó rướn người lên xuống trong vài phút. Bạn có thể thực hiện vài lần mỗi ngày
- Đi bộ ít nhất 20 phút mỗi ngày
- Ngồi trên bóng tập hoặc nghiêng người trên quả bóng khi xem ti vi
- Nằm nghiêng bên trái thay vì nằm ngửa
- Tránh nâng cao chân khi nằm ngửa bởi có thể khiến bé nằm sai tư thế, khiến quá trình chuyển dạ kéo dài và gây đau lưng dữ dội.
Sinh mổ
Nếu đến gần ngày dự sinh mà bạn không cảm nhận được các dấu hiệu ngôi thai thuận dù đã thử hết mọi cách, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé và giảm nguy cơ gặp phải biến chứng. Theo thống kê, khoảng 85% trường hợp thai ngôi mông sẽ được chỉ định sinh mổ.
Có thể bạn quan tâm: Thai ngôi mông nên mổ ở tuần bao nhiêu? Những điều cần biết trước sinh
[embed-health-tool-due-date]