backup og meta

Chuyên gia giải đáp: Cổ tử cung ngắn khi mang thai là gì, có sao không?

Chuyên gia giải đáp: Cổ tử cung ngắn khi mang thai là gì, có sao không?

Tình trạng cổ tử cung ngắn khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng thai sản nghiêm trọng, bao gồm sảy thai, sinh non và chuyển dạ sớm. Hiện nay, nhiều phương pháp đã được áp dụng để giúp mẹ bầu gặp phải tình trạng này duy trì thai kỳ và giữ thai tốt hơn.

Cổ tử cung là phần nằm thấp nhất của tử cung, nối với âm đạo. Vai trò chính của bộ phận này là tiết ra dịch nhầy giúp tinh trùng di chuyển dễ dàng hơn từ âm đạo đến tử cung.

Trước khi mang thai, cổ tử cung sẽ dài, chắc và đóng kín. Bình thường, bộ phận này dài khoảng 3 – 5cm và sẽ ngắn dần lại theo tuổi thai (thường rõ hơn vào cuối thai kỳ). Tuy nhiên, đôi khi cổ tử cung ngắn hơn một mức nào đó có thể tăng nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề trong thai kỳ.

Vậy cổ tử cung ngắn là gì? Cổ tử cung bao nhiêu là ngắn? Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị tình trạng này? Mời bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây nhé.

Cổ tử cung ngắn là gì? Cổ tử cung ngắn là bao nhiêu?

Cổ tử cung ngắn là tình trạng chiều dài cổ tử cung đạt dưới 2,5cm khi thai được khoảng 20 tuần tuổi (thường tiến hành đo chiều dài cổ tử cung trong khoảng từ 18 – 24 tuần). Một số phụ nữ bẩm sinh đã có cổ tử cung ngắn hơn người khác. Trong khi đó, ở một số phụ nữ khác, nguyên nhân dẫn đến cổ tử cung ngắn khi mang thai có thể là phẫu thuật ở cổ tử cung, chấn thương, vỡ rách cổ tử cung…

Cổ tử cung ngắn khi mang thai nguy hiểm thế nào?

cổ tử cung ngắn khi mang thai nguy hiểm như thế nào

Khi mang thai, em bé trong bụng sẽ lớn lên và chèn ép vào cổ tử cung. Nếu cổ tử cung quá ngắn, áp lực từ em bé có thể khiến bộ phận này giãn nở và mở ra trước khi thai đủ tháng. Thêm vào đó, cơ chế bảo vệ thai nhi trong trường hợp này cũng không được đảm bảo. Điều này làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc chuyển dạ sớm trong thai kỳ, nhất là trong tam cá nguyệt thứ 2. 

Dù không phải phụ nữ mang thai nào có cổ tử cung ngắn cũng gặp phải các biến chứng khi mang thai nhưng tỷ lệ này lại cao hơn đáng kể. Một số nghiên cứu cho thấy tình trạng cổ tử cung ngắn làm tăng nguy cơ sinh non gấp 6 lần ở phụ nữ mang thai đơn và gấp 8 lần ở phụ nữ mang thai đôi. Một nghiên cứu khác trên phụ nữ có cổ tử cung ngắn hơn 1,5cm cho thấy tình trạng này gặp phải ở 86% trường hợp sinh non trước 28 tuần và 58% trường hợp sinh non trước 32 tuần.

Không những thế, tình trạng cổ tử cung ngắn làm tăng nguy có sinh non và sẩy thai còn gián tiếp, làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng khác như trẻ sơ sinh nhẹ cân, thai lưu, xuất huyết não ở trẻ sơ sinh…

Cổ tử cung ngắn khi mang thai được điều trị như thế nào? 

Trong phần dưới đây, Hello Bacsi sẽ giới thiệu đến bạn các phương pháp chẩn đoán và điều trị tình trạng cổ tử cung ngắn khi mang thai.

1. Phương pháp chẩn đoán cổ tử cung ngắn khi mang thai

chẩn đoán cổ tử cung ngắn khi mang thai

Đứng trước nguy cơ sảy thai và sinh non cao, nhiều mẹ bầu quan tâm và cố gắng tìm kiếm các dấu hiệu nhận biết cổ tử cung ngắn khi mang thai để có thể can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, tình trạng này ít biểu hiện dấu hiệu rõ ràng và trên thực tế thường chỉ có thể được phát hiện qua siêu âm. Phương pháp siêu âm sẽ đo chiều dài cổ tử cung và giúp bác sĩ xác định tình trạng cổ tử cung ngắn từ khoảng tuần 14 – 16 của thai kỳ.

Đầu tiên, các bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm bụng nếu bạn mang thai đơn và có ít nguy cơ bị cổ tử cung ngắn. Nếu nhận thấy cổ tử cung của bạn ngắn hơn bình thường hoặc quá trình xác định chiều dài cổ tử cung gặp khó khăn, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện siêu âm qua đường âm đạo. Việc khẳng định chiều dài cổ tử cung ngắn phải được tiến hành qua siêu âm ngả âm đạo.

2. Phương pháp điều trị cổ tử cung ngắn

Nhiều phụ nữ mang thai được chẩn đoán cổ tử cung ngắn tự hỏi: “Liệu cổ tử cung ngắn có dài ra được không?”. Trên thực tế, thường không có phương pháp giúp kéo dài cổ tử cung bị ngắn lại quá sớm trong thai kỳ nhưng vẫn có cách giúp làm chậm quá trình này và kéo dài thời gian mang thai. Trong đó, 2 cách giữ thai khi cổ tử cung ngắn thường được áp dụng là bổ sung progesterone và khâu vòng tử cung.

  • Bổ sung progesterone: Progesterone là một loại hormone giúp ngăn ngừa các cơn co thắt và hỗ trợ duy trì thai kỳ cho đến khi thai đủ tháng. Hormone này được dùng dưới dạng tiêm hàng tuần hoặc thuốc đặt âm đạo hàng ngày từ tam cá nguyệt thứ 2 hoặc sớm hơn và kéo dài cho đến tuần thai thứ 34 – 36. Lưu ý thêm rằng, hiện nay FDA không còn chấp nhận cho dạng tiêm. 
  • Khâu vòng tử cung: Một phương pháp khác giúp điều trị cổ tử cung ngắn và kéo dài thời gian mang thai cho mẹ bầu là khâu vòng tử cung. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng chỉ khâu hoặc băng tổng hợp để khâu và củng cố cổ tử cung, từ đó giúp giữ cho bộ phận này luôn đóng trong thai kỳ. Vòng khâu được duy trì cho đến tuần thứ 36 – 38 của thai kỳ hoặc đến khi mẹ bầu chuyển dạ. Phương pháp này thường được lựa chọn cho những phụ nữ đã từng sinh non, sảy thai ở giai đoạn muộn hoặc từng phẫu thuật cổ tử cung và siêu âm nhận thấy cổ tử cung đang mở dần.

Thêm vào đó, corticosteroid cũng có thể được sử dụng trong giai đoạn thai được 24 – 34 tuần tuổi để cải thiện kết quả sơ sinh. Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, thai phụ cũng được khuyến khích nghỉ ngơi trên giường để phòng ngừa các biến chứng. Ngoài các hoạt động cá nhân, ăn uống thì bạn nên hạn chế hết các hoạt động khác, đặc biệt là quan hệ tình dục và vận động quá sức.

Cổ tử cung ngắn khi mang thai: Mẹ bầu cần đi khám ngay khi nào? 

cổ tử cung ngắn khi mang thai: dấu hiệu cần đi khám?

Mẹ bầu có cổ tử cung ngắn cần đi khám ngay nếu nhận thấy các dấu hiệu của tình trạng sảy thai, sinh non hoặc chuyển dạ sớm, bao gồm:

  • Các cơn co thắt xuất hiện thường xuyên hoặc dữ dội
  • Đau thắt lưng âm ỉ, dai dẳng
  • Dịch tiết âm đạo bất thường về hàm lượng, màu sắc, kết cấu
  • Chảy máu âm đạo
  • Áp lực đè ép vùng chậu… 

Tình trạng cổ tử cung ngắn khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc chuyển dạ sớm. Vì vậy, nếu được bác sĩ chẩn đoán có cổ tử cung ngắn, mẹ bầu nên cố gắng tịnh dưỡng, tránh vận động mạnh cũng như tuân thủ việc thực hiện các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để giữ thai, giúp thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh và hoàn thiện. Chúc bạn có một thai kỳ suôn sẻ.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The role of routine cervical length screening in selected high- and low-risk women for preterm birth prevention https://www.ajog.org/article/S0002-9378(16)30112-0/pdf Ngày truy cập 18/02/2024

The shortened cervix in pregnancy: Investigation and current management recommendations for primary caregivers https://www1.racgp.org.au/ajgp/2019/march/the-shortened-cervix-in-pregnancy Ngày truy cập 18/02/2024 

Short cervix in pregnancy https://www.pregnancybirthbaby.org.au/short-cervix-in-pregnancy Ngày truy cập 18/02/2024  

During pregnancy, what’s the significance of cervical length? https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/cervical-length/faq-20058357 Ngày truy cập 18/02/2024  

What Having a Short Cervix During Pregnancy Means https://flo.health/pregnancy/pregnancy-health/complications/short-cervix-during-pregnancy Ngày truy cập 18/02/2024  

Short cervix: During pregnancy and causes https://www.medicalnewstoday.com/articles/short-cervix Ngày truy cập 18/02/2024  

Phiên bản hiện tại

26/02/2024

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

8 cách làm cổ tử cung mở nhanh mà mẹ bầu có thể tham khảo

Dấu hiệu cổ tử cung mở khi chuyển dạ sắp sinh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 26/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo