Tiêm uốn ván cho bà bầu là một trong những chỉ định quan trọng trong thai kỳ. Vắc xin phòng ngừa uốn ván có thể ngăn ngừa được căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong ở thai phụ và thai nhi.
Vậy tiêm uốn ván khi mang thai như thế nào là đúng cách, an toàn và hiệu quả? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ hơn về các mũi tiêm uốn ván cho bà bầu.
Tìm hiểu chung về bệnh uốn ván
Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính do độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Bào tử vi khuẩn này tồn tại dai dẳng khắp mọi nơi trong môi trường như đất, phân, bụi bẩn, các bề mặt kim loại gỉ sét (đinh, dây thép gai, dao kéo không tiệt trùng…).
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm uốn ván, nhưng đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương là phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Phần lớn các trường hợp mắc uốn ván được báo cáo đều liên quan đến việc sinh nở ở bà mẹ và trẻ sơ sinh chưa được chủng ngừa đúng cách.
Uốn ván sơ sinh thường do điều kiện sinh nở không vô trùng như: cắt dây rốn bằng dụng cụ bẩn, chăm sóc rốn bằng vật liệu ô nhiễm, hoặc sinh con ở nơi không đảm bảo vệ sinh. Những ca sinh đỡ bởi người·không rửa tay sạch, hay thực hiện trên bề mặt không được khử khuẩn là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Uốn ván ở mẹ bầu có thể dẫn đến co thắt cơ, ngừng thở, thậm chí tử vong. Nguy hiểm hơn, thai nhi cũng có thể bị uốn ván sơ sinh nếu quá trình mẹ sinh nở sử dụng dụng cụ không vô trùng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 25.000 trẻ sơ sinh tử vong vì bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2018.
Vậy, nên tiêm uốn ván cho bà bầu từ tuần thứ mấy? Tiêm ở đâu cho an toàn? Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây.
[embed-health-tool-due-date]
Vì sao nên tiêm uốn ván cho bà bầu?
Tác dụng khi tiêm uốn ván đúng thời điểm cho bà bầu
Tiêm uốn ván đúng lịch giúp cơ thể mẹ sản sinh kháng thể, truyền sang con thông qua nhau thai, tạo hàng rào bảo vệ cho bé trong những tháng đầu đời. Đồng thời, nó cũng giúp mẹ tránh được nguy cơ mắc bệnh trong quá trình sinh nở.
Nghiên cứu cho thấy, việc tiêm uốn ván cho bà bầu hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bằng hai liều vắc xin uốn ván có thể giảm tỷ lệ tử vong do uốn ván ở trẻ sơ sinh tới 94%. Bằng chứng là tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong vì bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2018 đã giảm 97% so với năm 1988, phần lớn là nhờ tăng cường tiêm chủng vắc xin chứa độc tố uốn ván.
Bà bầu nên tiêm uốn ván ở tuần thứ mấy?
Với thắc mắc “Mẹ bầu nên tiêm uốn ván từ tuần thứ mấy?”, câu trả lời phụ thuộc vào loại vắc xin uốn ván được lựa chọn. Mỗi loại vắc xin uốn ván cho bà bầu khác nhau sẽ có hướng dẫn chủng ngừa khác nhau từ nhà sản xuất.
Đối với mẹ bầu chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản, hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin:
- Mũi 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu.
- Mũi 2: Tối thiểu 1 tháng sau mũi 1 và trước ngày dự sinh ít nhất 15-30 ngày.
- Mũi 3: Tối thiểu 6 tháng sau mũi 2 hoặc tiêm vào lần mang thai tiếp theo.
- Mũi 4: Tối thiểu 1 năm sau mũi 3 hoặc tiêm vào thai kỳ tiếp theo.
- Mũi 5: Tối thiểu 1 năm sau mũi 4 hoặc tiêm vào lần mang thai tiếp theo.
- Mũi 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu.
- Mũi 2: Tối thiểu 1 tháng sau mũi 1.
- Mũi 3: Tối thiểu 1 năm sau mũi 2.
- Mũi 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu.
- Mũi 2: Tối thiểu 1 năm sau mũi 1.
Ngoài vắc xin uốn ván hấp phụ truyền thống, vắc xin Tdap (phòng uốn ván – bạch hầu – ho gà) cũng là lựa chọn được khuyến cáo rộng rãi ở nhiều nước. Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), thời điểm lý tưởng để tiêm Tdap là từ tuần 27 đến tuần 36 của thai kỳ, càng sớm trong giai đoạn này càng tốt để tối ưu hóa kháng thể truyền cho trẻ qua nhau thai. Trong trường hợp khẩn cấp như có vết thương bị nhiễm trùng, dịch bệnh bùng phát, Tdap có thể được chỉ định ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
Bầu tiêm uốn ván muộn nhất khi nào?
Theo các chuyên gia y tế, mũi tiêm uốn ván cho bà bầu muộn nhất nên được thực hiện trước khi sinh ít nhất 2 tuần đến 1 tháng để cơ thể kịp sản sinh kháng thể và truyền cho thai nhi.
Bầu lần 2 bao giờ tiêm uốn ván?
Ở lần mang thai thứ hai, nhiều mẹ bầu thường băn khoăn liệu có cần tiêm uốn ván cho bà bầu nữa không. Thực tế, việc có cần tiêm hay không phụ thuộc vào lịch sử tiêm chủng trước đó và khoảng cách giữa các lần tiêm. Cụ thể:
- Nếu khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 5 năm thì lịch tiêm uốn ván cho bà bầu lần 2 tương tự như lần đầu mang thai.
- Nếu mẹ bầu đã tiêm đủ 2 mũi ở lần mang thai đầu tiên và khoảng cách giữa 2 lần mang thai dưới 5 năm thì chỉ cần tiêm nhắc lại 1 mũi từ tuần 20 trở đi.
- Nếu mẹ bầu đã tiêm 3-4 mũi uốn ván trước đó, nhưng lần tiêm cuối cùng đã hơn 1 năm thì nên tiêm nhắc lại một mũi.
- Nếu mẹ bầu đã tiêm đầy đủ 5 mũi uốn ván, thì về lý thuyết không cần tiêm thêm trong lần mang thai tiếp theo vì hiệu quả bảo vệ có thể lên đến trên 95%. Tuy nhiên, nếu mũi thứ 5 được tiêm cách đây hơn 10 năm, mẹ bầu vẫn nên tiêm nhắc lại 1 mũi để củng cố miễn dịch.
- Nếu mẹ bầu đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván (Tdap) thì nên tiêm thêm 1 mũi nhắc lại vào tháng thứ 4 hoặc 5 của thai kỳ.
Các loại vắc xin uốn ván cho bà bầu
Các loại vắc xin uốn ván cho bà bầu đang được phép lưu hành
Hiện nay, một số loại vắc xin uốn ván cho bà bầu phổ biến và an toàn đang được lưu hành tại Việt Nam gồm:
- Vắc xin Adacel: Là sản phẩm của tập đoàn Sanofi Pasteur (Pháp) được sản xuất tại Canada, vắc xin Adacel có tác dụng phòng cùng lúc 3 bệnh: ho gà, bạch hầu và uốn ván. Độ tuổi phù hợp từ 4 đến dưới 65 tuổi.
- Vắc xin Boostrix: Được nhập khẩu từ Bỉ, do tập đoàn Glaxosmithkline (GSK) phát triển, đây là loại vắc xin 3 trong 1 phòng bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván, thích hợp cho trẻ từ 4 tuổi, bà bầu và người trưởng thành.
- Vắc xin uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td): Do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế Nha Trang IVAC sản xuất, giúp ngừa 2 bệnh bạch hầu và uốn ván, an toàn cho phụ nữ mang thai và người từ 7 tuổi trở lên.
- Vắc xin uốn ván hấp phụ (TT): Cũng do IVAC sản xuất, dùng để phòng uốn ván cho cả trẻ em và người lớn, bao gồm phụ nữ mang thai.
Tiêm uốn ván cho bà bầu bao nhiêu tiền?
Với thắc mắc “Tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu bao nhiêu tiền?”, thì chi phí tiêm uốn ván cho bà bầu sẽ tùy thuộc vào loại vắc xin được lựa chọn và địa điểm tiêm. Dưới đây là bảng giá tham khảo:
- Vắc xin TT: 144.000 đồng/liều.
- Vắc xin Td: 174.000 đồng/liều.
- Vắc xin Boostrix: 785.000 đồng/liều.
- Vắc xin Adacel: 685.000 đồng/liều.
Những lưu ý quan trọng khi tiêm uốn ván cho bà bầu
Tiêm uốn ván cho bà bầu cần tuân thủ đúng lịch và chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Dưới đây là những lưu ý quan trọng mẹ bầu không nên bỏ qua:
- Nên tiêm tại các trung tâm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép hay trung tâm y tế dự phòng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
- Khám sức khỏe trước tiêm, nhất là tiền sử dị ứng vắc xin hoặc phản ứng phụ bất thường.
- Tuân thủ lịch tiêm để tiêm đúng và đủ liều.
- Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ chất giúp cơ thể sẵn sàng cho việc tiêm phòng.
- Việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có thể gây một số phản ứng phụ nhẹ như sưng đau, sốt nhẹ… nhưng sẽ tự hết sau vài ngày. Nếu có dấu hiệu bất thường, cần liên hệ ngay cơ sở y tế.
Nên tiêm uốn ván cho bà bầu ở đâu?
Bà bầu có thể tiêm phòng uốn ván tại các cơ sở y tế uy tín trên toàn quốc. Dưới đây là một số cơ sở tiêm chủng uy tín tại TP.HCM:
- Viện Pasteur TP.HCM:
- Vắc xin uốn ván đơn: 95.000đ
- Vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván: 620.000đ
- Trung tâm tiêm chủng VNVC:
- Vắc xin uốn ván đơn: 115.000đ
- Vắc xin bạch hầu, uốn ván: 205.000đ – 225.000đ
- Vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván: 775.000đ – 795.000đ
- Bệnh viện Hùng Vương:
- Vắc xin uốn ván đơn: 110.000đ
- Vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván: 750.000đ
Mẹ bầu nên liên hệ trước với cơ sở tiêm chủng để được tư vấn lịch và giá chính xác.
Kết luận
Tiêm uốn ván cho bà bầu không chỉ bảo vệ mẹ khỏi nguy cơ nhiễm khuẩn nguy hiểm, mà còn là tấm “lá chắn” đầu đời cho thai nhi trước khi có thể tiêm phòng trực tiếp. Đây là một trong những biện pháp đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm nhất trong thai kỳ mà bạn không nên bỏ qua. Nếu bạn đang mang thai, hãy kiểm tra lịch tiêm và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng uốn ván đúng thời điểm.