Ngứa vùng kín khi mang thai là cảm giác không dễ chịu cũng như đôi lúc sẽ cản trở sinh hoạt của chị em trong ngày. Nguyên nhân gây ra lại khá đa dạng, từ việc cơ thể thiếu nước đến bị nhiễm nấm.
Dấu hiệu mang thai đôi lúc có thể vượt xa những hiện tượng thường thấy như ốm nghén, cảm thấy mệt mỏi. Đôi khi, một trong những triệu chứng sẽ ảnh hưởng không tốt đến quãng thời gian bầu bí và ngứa vùng kín khi mang thai là một vấn đề phổ biến. Vậy tại sao lại có hiện tượng này và có cách nào để chữa trị? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Nguyên nhân gây ngứa vùng kín khi mang thai
Bạn có thể nghĩ rằng ốm nghén và buồn nôn là những triệu chứng phổ biến nhất khi mang thai nhưng thật ra, ngứa âm đạo cũng góp mặt trong danh sách này đấy. Nguyên nhân có thể đến từ các tình trạng sau đây:
1. Nhiễm khuẩn âm đạo
Vi khuẩn có lợi thường sống trong vùng âm đạo, góp phần giữ cho khu vực này khỏe mạnh. Tuy nhiên, đôi khi các vi khuẩn xấu vẫn sẽ phát triển và gây nhiễm khuẩn âm đạo. Cùng với cảm giác ngứa, mẹ bầu sẽ cảm thấy vùng kín có cảm giác đau nhức, viêm nhiễm, dịch tiết ra có mùi hôi khó chịu. Tình trạng này cần được bác sĩ chẩn đoán và chữa trị. Do đó, nếu thấy cơ thể xuất hiện những biểu hiện trên, đừng ngại ngần mà hãy đi khám ngay nhé.
2. Mẹ bầu bị ngứa vùng kín do nhiễm nấm âm đạo
Nấm thực sự là một phần khá bình thường của cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch bị tổn thương hoặc yếu hơn, nấm Candida có xu hướng trở nên phát triển quá mức và có thể gây nhiễm trùng. Mặc dù tình trạng này rất bình thường đối với bất kỳ phụ nữ nào nhưng chúng lại có xu hướng nhạy cảm hơn trong thai kỳ.
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Ngứa vùng kín khi mang thai có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu trong thai kỳ và tình trạng này thường khá phổ biến. Nguyên nhân thông thường là do vi khuẩn E. coli khiến người mắc phải có cảm giác ngứa và rát khi đi tiểu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể hạn chế tình trạng này bằng cách uống nước ép nam việt quất và sữa chua Hy Lạp. Nếu bị sốt và cảm thấy ớn lạnh cùng các triệu chứng trên, bạn cần điều trị bằng kháng sinh.
4. Bệnh lây qua đường tình dục
Bệnh giang mai, lậu, nhiễm nấm Chlamydia, Herpes và Trichomonas là các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ngứa âm đạo. Chúng cũng khiến dịch âm đạo có mùi hôi, kích ứng và đau nhức. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc bệnh, hãy đến gặp bác sĩ ngay nhé.
5. Ngứa vùng kín khi mang thai do rận mu
Bạn đang gặp phải tình trạng ngứa 2 bên mép vùng kín khi mang thai? Nếu bạn chỉ bị ngứa quanh lông mu, rận mu có thể là thủ phạm đứng đằng sau tình trạng này. Ngoài ra, mẹ bầu cũng sẽ dễ dàng nhận thấy những đốm nhỏ ở khu vực lông vùng kín rậm rạp hoặc cửa âm đạo.
Rận mu có xu hướng rất dễ lây lan. Do đó, bạn sẽ cần phải đến bác sĩ để được điều trị cũng như khử trùng giường và quần áo triệt để.
6. Nguyên nhân khác
- Đôi khi, bạn phải chịu đựng cảm giác bị ngứa vùng kín khi mang thai là do cơ thể cần nhiều chất lỏng hơn, khiến các mô âm đạo thiếu ẩm, từ đó dẫn đến ngứa, thậm chí gây đau nhức.
- Một nguyên nhân khác là bạn ra mồ hôi quá nhiều ở các khe hở xung quanh âm hộ, nếp nhăn ở cửa âm đạo. Nếu những khu vực này không khô thoáng sẽ gây ngứa.
- Một số sản phẩm mà bạn thường sử dụng hàng ngày có thể làm khó chịu vùng âm đạo trong khi mang thai. Những sản phẩm đó là xà phòng, nước hoa, chất làm mềm vải, chất tẩy giặt, bao cao su và thuốc nhuộm đều gây cảm giác không thoải mái cho vùng kín bởi lúc này các mô da của mẹ bầu sẽ trở nên nhạy cảm hơn.
Ngứa vùng kín khi mang thai ảnh hưởng đến em bé như thế nào?
Mẹ bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai trong thời gian dài sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thai nhi, chẳng hạn như:
- Thai nhi bị suy dinh dưỡng: Bà bầu bị ngứa vùng kín thường cảm thấy khó chịu, bứt rứt, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, làm tăng nguy cơ em bé bị suy dinh dưỡng.
- Thai nhi mắc các bệnh viêm nhiễm: Mẹ bầu bị ngứa vùng kín 3 tháng giữa, 3 tháng đầu hay kể cả là 3 tháng cuối, nếu là do bệnh phụ khoa, đều có thể khiến trẻ mắc các bệnh viêm nhiễm liên quan đến da, đường hô hấp, mắt do vi khuẩn lây từ mẹ sang bé trong quá trình sinh thường.
- Ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi: Nếu mẹ bầu tự dùng thuốc điều trị ngứa vùng kín khi mang thai, sự phát triển của tim, xương và não bộ của em bé có thể bị ảnh hưởng.
Điều ngứa vùng kín cho bà bầu
1. Điều trị bằng thuốc
Nếu bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai do mắc bệnh phụ khoa, việc điều trị bằng thuốc là cần thiết. Bác sĩ Sản phụ khoa sẽ căn cứ vào bệnh tình của mẹ mà kê đơn loại thuốc phù hợp.
Mẹ bầu tuyệt đối không tự ý dùng thuốc uống, thuốc đặt âm đạo hay thuốc bôi mà không có chỉ định của bác sĩ. Nếu không, thai nhi có nguy cơ bị dị tật, sảy thai, sinh non…
2. Cách trị ngứa vùng kín khi mang thai tại nhà
Có bầu bị ngứa vùng kín phải làm sao? Đối với những trường hợp không nghiêm trọng, mẹ có thể cải thiện tình trạng ngứa vùng kín tại nhà bằng một số giải pháp sau:
2.1. Ăn sữa chua
Sữa chua tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và giúp giữ cân bằng độ pH trong cơ thể. Do đó, bạn hãy lựa chọn sữa chua không đường, ít chất béo để bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Bên cạnh đó, sữa chua Hy Lạp là một gợi ý khá hay bởi nó được đánh giá có khả năng cân bằng pH tốt hơn các sản phẩm sữa chua khác.
2.2. Cách trị ngứa vùng kín cho bà bầu tại nhà: Dùng baking soda
Có bầu mà bị ngứa vùng kín phải làm sao? Bạn có thể tạo ra hỗn hợp baking soda hoặc cho bột baking soda vào bồn tắm. Sau đó, cho vùng kín tiếp xúc với baking soda trong vòng 10 – 15 phút để giúp giảm viêm và ngứa vùng kín khi mang thai. Cuối cùng, hãy rửa lại thật sạch bằng nước lạnh và lau khô bằng một chiếc khăn mềm. Biện pháp này đồng thời mang lại hiệu quả nếu bạn bị ngứa bụng trong thời gian bầu bí.
2.3. Quần áo thoải mái
Đã đến lúc từ bỏ những chiếc quần jeans nếu bạn cảm thấy vùng kín ngứa ngáy dù chỉ mới trải qua 3 tháng mang thai. Hiện nay, có rất nhiều loại đầm thời trang dành cho bà bầu. Bạn có thể lựa chọn cho mình những chiếc đầm phù hợp để có thể cảm thấy thoải mái hơn.
2.4. Đồ lót thích hợp
Mẹ bầu ngứa vùng kín phải làm sao? Mẹ bầu nên ưu tiên chọn lựa những loại quần lót mềm mại, bằng vải cotton có khả năng thấm hút tốt để tránh vùng kín bị ẩm ướt khiến tình trạng ngứa khi mang thai càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu được, bạn có thể không mặc quần lót khi ngủ vào ban đêm.
2.5. Kem chống ngứa
Bạn có thể tìm mua các loại kem giúp hỗ trợ làm dịu cảm giác bị ngứa vùng kín khi mang thai dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng không sử dụng các sản phẩm có thành phần hydrocortisone bởi hoạt chất này sẽ làm hại đến em bé nếu bạn dùng với lượng lớn.
2.6. Khăn giấy ướt
Bà bầu bị viêm ngứa vùng kín phải làm sao? Nếu muốn nhanh chóng giải tỏa cơn ngứa đang khiến bạn phải khó chịu trong thời gian làm việc, hãy sử dụng khăn giấy ướt có chứa chiết xuất từ cây phỉ (witch hazel). Với thành phần làm dịu và diệt khuẩn một cách nhẹ nhàng, sản phẩm sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
2.7. Cách giảm ngứa vùng kín cho bà bầu: Chườm lạnh
Hãy thử chườm một miếng bông hoặc khăn lạnh lên vùng âm đạo. Không sử dụng nước nóng bởi các mô có thể bị kích thích và khiến mẹ bầu càng bị ngứa nhiều hơn. Khi tắm, mẹ bầu cũng nên tắm bằng vòi hoa sen hoặc ngâm trong bồn nước mát.
Ngứa vùng kín khi mang thai đôi khi là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nhiễm trùng như viêm nhiễm âm đạo hoặc nhiễm trùng tiểu. Vì vậy, nếu các giải pháp tại nhà không giúp giảm ngứa hiệu quả thì mẹ nên đi khám để được bác sĩ kiểm tra và điều trị nếu cần thiết nhé!
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai.
[embed-health-tool-due-date]