backup og meta

7 lợi ích của giấm táo đối với sức khỏe bà bầu

7 lợi ích của giấm táo đối với sức khỏe bà bầu

Theo Tạp chí sức khỏe Bragg (Mỹ), lợi ích của giấm táo đối với phụ nữ mang thai là rất lớn. Loại giấm này không chỉ giúp hỗ trợ giải độc, thanh lọc thận mà còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng.

Giấm táo là bài thuốc dân gian lưu truyền từ xa xưa được các bà bầu phương Tây rất ưa chuộng. Ở Việt Nam, giấm táo chỉ mới được sử dụng trong thời gian gần đây nhưng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bà bầu bởi những lợi ích sức khỏe mà nó đem lại.  Thế nhưng, lợi ích cụ thể của giấm táo đối với phụ nữ mang thai là gì và dùng giấm táo có gây ra những rủi ro gì hay không? Hãy xem tiếp những chia sẻ sau của Hello Bacsi để hiểu thêm về điều này nhé.

Bà bầu dùng giấm táo trong thai kỳ có an toàn không?

Giấm táo không phải là thực phẩm nằm trong danh mục mà phụ nữ mang thai cần tránh. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, loại giấm này còn mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai chỉ nên sử dụng giấm tiệt trùng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi.

Lợi ích của giấm táo đối với sức khỏe của phụ nữ mang thai

Sử dụng giấm táo trong thai kỳ sẽ mang lại cho bà bầu rất nhiều lợi ích về sức khỏe như:

1. Hạn chế ốm nghén

Axit axetic của giấm có thể giúp điều hòa lượng axit có trong dạ dày và giảm tình trạng nôn và buồn nôn do ốm nghén. Không những vậy, giấm táo còn giúp giảm các cơn ợ nóng thường xuất hiện vào khoảng tuần thứ mười hai của thai kỳ.

2. Hỗ trợ và ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa trong thai kỳ

Giấm táo có đặc tính kháng khuẩn. Không những vậy, nó còn giúp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt và quá trình trao đổi chất của cơ thể. Từ đó, giấm táo giúp hỗ trợ và ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa mà phụ nữ mang thai thường gặp như táo bón, đầy hơi, khó tiêu.

3. Giảm cholesterol, ngăn ngừa nguy cơ béo phì

Giấm táo còn có tác dụng giảm cholesterol tự nhiên, giúp bà bầu hạn chế tình trạng béo phì thai kỳ, từ đó, hạn chế nguy cơ sinh non và thai nhẹ cân. Không những vậy, dùng giấm táo sau khi sinh còn giúp chị em lấy lại vóc dáng mà không ảnh hưởng đến việc cho con bú. Theo các chuyên gia, dùng giấm táo với liều lượng cho phép mỗi ngày sẽ làm thay đổi cơ chế chuyển hóa chất, giúp cơ thể quen với việc đốt cháy mỡ, không “đói’ đường và chất béo.

4. Chất khử mùi tự nhiên

Giấm táo còn có thể giúp tiêu diệt nấm men và vi khuẩn khiến cơ thể có mùi. Từ đó, đem đến cho bà bầu cảm giác thoải mái và dễ chịu.

lợi ích của giấm táo

5. Giải độc cơ thể

Giấm táo còn giúp giải độc tố trong cơ thể, giảm sự gây hại của các gốc tự do, giúp bảo vệ sức khỏe mẹ và thai nhi. Ngoài ra, giấm táo còn có tác dụng thanh lọc thận, giúp rửa sạch các cặn bám ở thận khi vào cơ thể, từ đó giúp mẹ bầu tránh được nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu trong thai kỳ.

6. Ngăn ngừa mụn trứng cá

Mang thai là thời điểm mà mụn trứng cá “hoành hành” khắp gương mặt của bạn do sự gia tăng của nội tiết tố androgen, khiến da bị dầu và gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Mẹ bầu sử dụng giấm táo có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải triệu chứng này.

7. Tăng cường sức đề kháng

Giấm táo giúp thanh lọc nhiều cơ quan nội tạng, phá vỡ chất nhầy và làm sạch các hạch bạch huyết trong cơ thể. Nhờ vậy, giúp tăng cường sức đề kháng, hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh thông thường như dị ứng, viêm họng và nhức đầu. Sử dụng giấm táo khi mang thai cũng giúp tẩy sạch màng nhầy bám quanh thai nhi, giúp bé khỏe mạnh từ trong bụng mẹ.

Khi nào nên hạn chế dùng giấm táo khi mang thai?

Phụ nữ mang thai thường gặp phải chứng ợ nóng trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Giấm táo có hàm lượng axit cao nên có thể khiến cho các triệu chứng này trở nên tồi tệ hơn. Do đó, nếu bà bầu đang gặp phải triệu chứng này, hãy ngưng sử dụng giấm táo nhé.

Tác dụng phụ của việc dùng giấm trong thai kỳ

Giấm táo có rất nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe, tuy nhiên loại gia vị này cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ. Sử dụng quá nhiều giấm táo có thể gây ra một số rủi ro như:

  • Gây tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu và các vấn đề về tiêu hóa khác.
  • Dùng quá nhiều giấm táo trong thời gian dài có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ kali trong cơ thể, gây loãng xương.
  • Giấm táo có tính axit, có thể làm hỏng men răng.

Phụ nữ mang thai nên dùng giấm như thế nào?

Bà bầu nên dùng bao nhiêu muỗng giấm táo mỗi là ngày thắc mắc khá phổ biến. Theo các chuyên gia, mẹ bầu chỉ nên sử dụng tối đa 1 – 2 muỗng cà phê (tương đương 500 mg) nước giấm táo pha loãng mỗi ngày. Giấm táo cần được pha loãng trước khi dùng để tránh hư tổn men răng và thực quản. Nếu không thích mùi giấm, bạn có thể dùng nước giấm táo pha với mật ong.

Ngoài giấm táo, bà bầu có thể dùng loại giấm nào?

Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, bà bầu nên sử dụng các loại giấm đã tiệt trùng bởi những loại giấm thô, chưa xử lý có thể tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn gây hại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và bé cưng trong bụng. Ngoài giấm táo, bà bầu còn có thể sử dụng những loại giấm sau:

1. Giấm thơm (Balsamic)

Đây là loại giấm có xuất xứ từ Ý với hương vị rất đậm và mùi thơm tuyệt hảo. Hiện đây là một loại giấm thượng hạng, có giá rất cao và thường được dùng để chế biến các loại nước sốt, món salad hoặc được dùng để rưới lên các món gia vị.

2. Giấm rượu

Bất kỳ loại rượu nào cũng có thể làm giấm và chất lượng rượu càng cao thì hương vị giấm lại càng thơm ngon. Loại giấm này là gia vị không thể thiếu khi chế biến các loại nước sốt (nhất là sốt cà chua), các món salad hay tẩm ướp gia vị.

3. Giấm gạo

Đây là loại giấm được lên men từ gạo và có tính axit nhẹ hơn các loại giấm khác. Loại giấm này là gia vị được sử dụng khá phổ biến trong ẩm thực của các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Mang thai là thời điểm mà cơ thể người phụ nữ sẽ trải qua nhiều sự thay đổi về nội tiết tố, không những vậy, hệ miễn dịch của cơ thể cũng bị suy yếu. Do đó, bạn cần hết sức thận trọng trong việc chăm sóc và xây dựng chế độ ăn. Giấm táo mặc dù đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng dù vậy, trước khi sử dụng, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhé.

Ngân Phạm/HELLO BACSI

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vinegar in Pregnancy – Benefits and Side Effects

https://parenting.firstcry.com/articles/vinegar-in-pregnancy-benefits-and-side-effects/ Ngày truy cập: 21/4/2019

Is It Safe to Drink Apple Cider Vinegar While Pregnant? https://www.healthline.com/health/pregnancy/apple-cider-vinegar Ngày truy cập: 21/4/2019

APPLE CIDER VINEGAR

https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-816/apple-cider-vinegar Ngày truy cập: 21/4/2019

Phiên bản hiện tại

30/08/2019

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?

Mang bầu tháng thứ 8 nên ăn gì? Tìm hiểu để ăn uống đúng cách


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 30/08/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo