Bài viết giải đáp thắc mắc về cân nặng của mẹ khi mang thai giúp bạn xác định cân nặng mình cần đạt được và thực hiện nó một cách hiệu quả.
Việc mẹ bầu phải dung nạp thêm nhiều năng lượng không có nghĩa là bạn phải ăn bằng lượng của 2 người. Mẹ bầu cần trung bình nhiều hơn bình thường 300 calorie một ngày so với lúc chưa mang thai. Ăn đủ dinh dưỡng là cách giúp mẹ bầu tăng cân hợp lý trong suốt thai kỳ.
Mẹ bầu cần tăng bao nhiêu cân là đủ?
Khối lượng cân nặng phải tăng phụ thuộc vào chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn trước khi mang thai. BMI là chỉ số đo lượng chất béo dựa vào cân nặng và chiều cao của bạn.
Bạn mang thai 1 bé
- Nếu cân nặng của bạn trước khi mang thai ở mức hợp lý, bạn nên tăng 11 – 16kg trong thai kỳ. Bạn sẽ tăng từ 0,5 – 2,5kg trong tam cá nguyệt đầu tiên và sau đó tăng 0,5kg mỗi tuần trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.
- Trường hợp trước khi mang thai mà bị thiếu cân, bạn cần phải tăng 13 – 18kg khi mang thai. Bạn sẽ tăng 0,5 – 2,5kg trong tam cá nguyệt thứ nhất và hơn 0,5kg trong mỗi tuần ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.
- Nếu thừa cân trước khi mang thai, bạn sẽ cần đạt khoảng 7,5 – 11,5kg trong suốt thai kỳ. Bạn sẽ tăng 0,5 – 2,5kg trong tam cá nguyệt thứ nhất và khoảng 0,25kg trong mỗi tuần ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.
- Nếu ở tình trạng béo phì trước khi mang thai, cân nặng khi mang thai của bạn sẽ cần giới hạn trong khoảng 5 – 9kg. Bạn sẽ tăng 0,5 – 2,5kg trong tam cá nguyệt thứ nhất và ít hơn 0,25kg trong mỗi tuần của tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.
Bạn mang song thai
- Nếu cân nặng của bạn trước khi mang thai ở mức hợp lý, bạn sẽ cần tăng 17 – 24,5kg trong thai kỳ.
- Nếu thừa cân trước khi mang thai, bạn sẽ cần tăng 14 – 22,5 kg trong suốt thời gian mang thai.
- Nếu béo phì, bạn sẽ cần tăng 11,5 – 19kg trong suốt thời gian mang thai.
Bạn nên tăng cân chậm và đều đặn. Đừng băn khoăn, lo lắng khi thấy mình tăng ít hơn hay nhiều hơn tiêu chuẩn mỗi tuần. Bạn sẽ có một vài thời điểm tăng cân nhanh và một vài thời điểm chững lại. Cho dù không muốn tăng cân quá nhiều, bạn cũng đừng cố gắng giảm cân trong thời gian mang thai. Nếu lo lắng về vấn đề này, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng công cụ Tính cân nặng khi mang thai mà đội ngũ Hello Bacsi phát triển. Công cụ này được dành riêng cho phụ nữ muốn biết phạm vi tăng cân lành mạnh của mình trong thời kỳ mang thai là bao nhiêu dựa trên cân nặng của họ trước khi mang thai. Mời bạn cùng kiểm tra ngay tại đây:
[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]
Khối lượng cân nặng của mẹ khi mang thai đã tăng lên ở phần nào trên cơ thể?
Hãy xem việc mang bầu và bé yêu trong bụng đã cho bạn nặng thêm bao nhiêu kilogram ở những phần nào nhé:
- Thai nhi: 3,6kg
- Nhau thai: 0,9 – 1,35kg
- Dịch ối: 0,9 – 1,35kg
- Tuyến vú: 0,9 – 1,35kg
- Máu: 1,8kg
- Mỡ: 2,25 – 4,05kg
- Tử cung to ra: 0,9 – 2,25kg
- Tổng cân nặng tăng thêm lý tưởng: 11,25 – 15,75kg.
Sụt ký khi mang thai có nguy hiểm không?
Thông thường, phụ nữ rất dễ tăng cân khi mang thai. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ khuyên mẹ bầu giảm ký lại dưới sự theo dõi chặt chẽ nếu bạn tăng cân quá mức. Trong hầu hết trường hợp, bạn không nên cố gắng giảm cân hoặc ăn kiêng khi mang thai. Ngoài ra việc ban sụt ký trong thai kỳ rất nguy hiểm cho thai nhi dẫn tới việc thai nhi nhẹ cân, mẹ bầu có thể theo dõi bảng cân nặng thai nhi theo từng tuần tuổi để kịp thời kiểm soát cân nặng hợp lý.
Làm cách nào để đạt được khối lượng vừa đủ khi mang thai?
Bạn nên ăn từ 5 – 6 bữa ăn mỗi ngày và có thể ăn những món ăn như nho khô, phô mai, bánh quy, trái cây khô, kem và yogurt. Bạn nên ăn nhiều bơ đậu phộng với bánh mì, bánh quy, táo, chuối và ngũ cốc. Một muỗng canh bơ đậu phộng có thể cho bạn đến 100 calorie và 7g protein. Bạn nên bổ sung sữa không béo giàu năng lượng vào khoai tây nghiền, trứng và ngũ cốc. Bạn có thể thêm bơ thực vật, phô mai kem, nước sốt, kem chua và phô mai vào bữa ăn của mình.
Tăng cân vượt tiêu chuẩn khi mang thai có sao không?
Nếu tăng cân quá mức tiêu chuẩn, bạn cần phải đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ phải đợi đến khi sinh xong mới giảm cân. Sau đây là một vài cách giúp bạn duy trì khối lượng:
- Khi ăn thức ăn nhanh, bạn nên chọn những món ít béo như bánh mì gà nướng ăn kèm với khoai tây và rau diếp (không có nước sốt hoặc mayonnaise), rau trộn với bánh mì tròn hoặc khoai tây nướng. Bạn nên tránh ăn những món như đồ chiên, phô mai que hoặc cánh gà tẩm bột;
- Bạn nên tránh ăn sản phẩm sữa nguyên kem. Bạn cần ít nhất là 4 bữa sữa mỗi ngày. Vì thế, bạn hãy sử dụng sữa đã loại bỏ kem để giảm lượng calo và chất béo dung nạp vào cơ thể. Bạn cũng có thể chọn phô mai hoặc sữa chua ít béo hoặc không béo;
- Bạn nên giới hạn lượng nước ngọt hoặc nước uống có đường như trái cây dằm, nước trái cây, trà đá, nước chanh hoặc nước hỗn hợp vì chúng thường chứa nhiều calo rỗng. Thay vào đó, bạn có thể chọn nước khoáng, nước lọc để hạn chế lượng calo;
- Bạn không nên nêm muối khi nấu ăn vì muối có thể giữ nước;
- Bạn nên hạn chế ăn những loại snack giàu calo và đường như cookie, kẹo, bánh donut, bánh kem, siro, mật ong hoặc khoai tây chiên. Trái cây tươi, sữa chua ít béo hoặc bánh quy ít béo có thể trở thành bữa ăn nhẹ hoặc tráng miệng lí tưởng;
- Bạn cũng nên lưu ý kiểm soát lượng chất béo, bao gồm dầu ăn, bơ thực vật, bơ, nước sốt, mayonnaise, kem bơ, kem phô mai. Nói chung, bạn nên cố gắng sử dụng ít chất béo hơn;
- Bạn cũng cần phải chú ý cách nấu ăn. Thay vì chiên đồ ăn ngập trong dầu hoặc bơ, bạn nên nấu, luộc hoặc hầm để tốt cho sức khỏe.
Tập thể dục chính là cách giúp bạn đốt cháy năng lượng tốt nhất. Đi bộ hoặc bơi lội là những môn thể thao an toàn cho mẹ bầu. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến của bác sĩ để gợi ý môn thể thao hợp lý dành cho bạn.
Hello Bacsi tin rằng việc kiểm soát cân nặng hợp lý không chỉ giúp bà mẹ tự tin hơn mà còn giảm nguy cơ bệnh tật cho bé. Hãy mang lại cho con bạn một nền tảng sức khỏe tốt nhất nhé.