backup og meta

Các xét nghiệm khi mang thai mẹ bầu cần lưu tâm

Các xét nghiệm khi mang thai mẹ bầu cần lưu tâm

Muốn có thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần đảm bảo việc khám thai định kỳ, cũng như tiến hành các xét nghiệm liên quan nhằm quản lý thai nghén an toàn. Kết quả của các xét nghiệm khi mang thai sẽ giúp sản phụ nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và con yêu trong bụng qua từng giai đoạn. 

Bài viết dưới đây đề cập đến những xét nghiệm quan trọng trong suốt thai kỳ mà mẹ không nên bỏ qua. Những nội dung chính bao gồm:

  • Tầm quan trọng của các xét nghiệm trong thai kỳ
  • Các xét nghiệm cần làm khi mang thai.

Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây!

Tầm quan trọng của việc thực hiện các xét nghiệm khi mang thai

Hầu hết các thai phụ đều được bác sĩ khuyến khích thực hiện các xét nghiệm khi mang thai như một phần của sàng lọc trước sinh. Kết quả những xét nghiệm này thường sẽ cho biết:

  • Có xảy ra bất thường di truyền ở thai nhi hay không? 
  • Em bé có nguy cơ gặp phải các bệnh lý nguy hiểm hoặc mắc dị tật bẩm sinh hay không? 

Qua đó, bác sĩ sẽ tiên lượng và đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho mẹ bầu. Theo các chuyên gia sản khoa, có 3 mốc thực hiện xét nghiệm quan trọng suốt thai kỳ cần nhớ là: 

Bên cạnh những xét nghiệm tầm soát giúp phát hiện nguy cơ mắc một số bệnh lý ở thai nhi còn có những xét nghiệm chẩn đoán nhằm góp phần củng cố độ tin cậy cho các chẩn đoán kết quả bệnh lý. Trường hợp các xét nghiệm khi mang thai loại sàng lọc cho kết quả nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ tiến hành thêm một vài xét nghiệm chẩn đoán khác. 

Trái với xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn, một vài xét nghiệm chẩn đoán có thể mang lại rủi ro (bao gồm cả nguy cơ mất thai). Vì thế, trước khi áp dụng những xét nghiệm này, bác sĩ sẽ thảo luận với thai phụ về các yếu tố nguy cơ, cũng đồng thời đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn bé. 

Các xét nghiệm khi mang thai
Kết quả của các xét nghiệm khi mang thai sẽ giúp sản phụ nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và con yêu trong bụng qua từng giai đoạn.

Các xét nghiệm tầm soát cần làm khi có thai

Mẹ bầu sau khi khám thai lần đầu đã xác định được tuần tuổi của thai nhi thì cần tiếp tục làm các xét nghiệm sàng lọc quan trọng như: Siêu âm độ mờ da gáy, hCG test và AFP test. Cụ thể như sau:

1. Siêu âm đo độ mờ da gáy (Nuchal translucency – NT)

 Là phương pháp siêu âm giúp bác sĩ xác định xem bé có nguy cơ mắc bệnh Down hay có bất thường về hình thái không. Đây là xét nghiệm được thực hiện trong giai đoạn thai được 11 – 14 tuần tuổi hoặc thai có chiều dài đầu mông từ 45 – 84mm. Khi tuổi thai vượt quá khoảng thời gian này thì các chỉ số không còn chính xác.

2. hCG test (Human Chorionic Gonadotropin)

Đây là một trong các xét nghiệm mẹ bầu cần làm khi mang thai  15 – 16 tuần, nằm trong triple test .

hCG là hormone được tiết ra trong quá trình hình thành nhau thai. Ngoài ý nghĩa giúp thai phụ phát hiện mình có thai từ giai đoạn sớm, chỉ số hCG còn cho biết số lượng thai (đơn thai hay đa thai), phát hiện mẹ có đang mắc tình trạng thai ngoài tử cung hoặc các dị tật ở thai nhi khác hay không.

3. AFP test (Alpha-fetoprotein)

Xét nghiệm định lượng AFP được sử dụng trong xét nghiệm Triple test (gồm AFP, beta hCG và UE3) nhằm sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể (số 13, 18 và 21) ở thai nhi trong giai đoạn từ tuần 16 – 18 của thai kỳ. 

Các xét nghiệm khi mang thai

4. Xét nghiệm lấy máu cuống rốn

Xét nghiệm lấy máu cuống rốn (Cordocentesis) cũng là một trong các xét nghiệm khi mang thai có xâm lấn. 

Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu thai nhi để đánh giá bộ nhiễm sắc thể, nguy cơ các bệnh lý về gene và phân tích khí máu động mạch thai (làm căn cứ để xác định mức độ oxy máu của bào thai). Xét nghiệm này thường được thực hiện khi thai 20 tuần tuổi. 

Rủi ro khi thực hiện chọc dò cuống rốn cũng khá cao, mẹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chảy máu cuống rốn nơi đâm kim, nhiễm trùng… nên nhất thiết phải có sự tham vấn y khoa kỹ lưỡng và đồng thuận trước khi thực hiện.

Các xét nghiệm khi mang thai nhằm kiểm tra dị tật bẩm sinh ở thai nhi

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nếu kết quả từ các xét nghiệm sàng lọc cho thấy thai nhi có nguy cơ cao với các bất thường nhiễm sắc thể được khảo sát.

Những xét nghiệm chẩn đoán thường quy bao gồm:

1. Siêu âm thai

Là phương pháp giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý liên quan. Các mốc siêu âm thai quan trọng bao gồm:

  • Siêu âm thai thực hiện ở mốc trễ kinh từ 2 – 4 tuần nhằm xác định tình trạng mang thai, vị trí thai nhi và chẩn đoán tim thai.
  • Siêu âm thai từ tuần thai thứ 11 – 14 đo độ mờ da gáy và hình thái thai
  • Siêu âm thai từ tuần thai trong khoảng 18-22 tuần để xem hình thái thai nhi và sàng lọc dị tật bẩm sinh.
  • Siêu âm thai từ tuần thai thứ 28 – 32 nhằm đo chỉ số tăng trưởng của bé cũng như sàng lọc thêm các dị tật chưa thể phát hiện trước đó.

Các xét nghiệm khi mang thai

2. Chọc ối

Chọc ối là một thủ thuật y khoa được thực hiện để lấy mẫu dịch ối của thai bằng cách sử dụng một kim nhỏ xuyên qua thành bụng và cơ tử cung vào buồng ối. Mẫu dịch ối sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra một số bệnh lý của thai.

Chọc ối có thể giúp bạn biết liệu thai nhi có bị các bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể hay không. Đôi khi, chọc ối được thực hiện để kiểm tra một số tình trạng khác của thai như nhóm máu, tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý di truyền. 

Xét nghiệm này được chỉ định khi thai kỳ có các yếu tố nghi ngờ bị bệnh lý về gen hoặc nhiễm sắc thể, bệnh di truyền hoặc nhiễm trùng bào thai. Nguy cơ này sẽ được tính toán dựa trên các xét nghiệm sàng lọc như xét nghiệm Double test, siêu âm khảo sát hình thái thai ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ 2. Dựa trên các tính toán nguy cơ cao hay thấp, thai phụ sẽ được yêu cầu cần chọc ối hay không. Bác sĩ sẽ giải thích lý do vì sao chỉ định chọc ối và cần có sự đồng thuận của thai phụ  trước khi thực hiện.

3. Sinh thiết gai rau (Chorionic villus sampling – CVS)

Đây là một xét nghiệm chẩn đoán dị tật thai nhi trước sinh nhằm xác định các bệnh di truyền ở thai nhi. Nhung mao màng đệm là những đơn vị cấu trúc của mô nhau thai chứa vật liệu di truyền giống thai nhi.

Xét nghiệm này thường được bác sĩ chỉ định thực hiện khi:

  • Kết quả xét nghiệm sàng lọc trước sinh có nguy cơ cao với các khuyết tật và rối loạn di truyền. 
  • Tiền sử mang thai bị ảnh hưởng bởi rối loạn di truyền hay tiền sử gia đình mắc bệnh lý di truyền.
  • Các yếu tố nguy cơ sẵn có.

Có hai loại quy trình lấy mẫu nhung mao màng đệm:

  • Qua cổ tử cung: Một ống thông được đưa qua cổ tử cung vào nhau thai để lấy mẫu mô.
  • Qua thành bụng: Một cây kim được đưa qua bụng và tử cung vào nhau thai để lấy mẫu mô.

Một số xét nghiệm quan trọng khác mẹ cần biết

Ngoài những xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán, bà bầu đôi khi cũng được chỉ định thực hiện thêm một vài các xét nghiệm khi mang thai khác như:

1. Xét nghiệm máu khi mang thai

Xét nghiệm máu khi mang thai nhằm kiểm tra sự ổn định của các tế bào máu, một số bệnh về máu (như viêm gan siêu vi B, bệnh tiểu đường, bệnh Rubella…), hàm lượng đường, yếu tố Rh, khả năng đông máu… 

Các xét nghiệm khi mang thai

2. Xét nghiệm NIPT

Nhiều mẹ thắc mắc xét nghiệm NIPT là gì. Đây là phương pháp xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn nhằm phát hiện các bất thường hoặc dị tật ở trẻ dựa trên phân tích những đoạn DNA tự do trong máu mẹ.

Xét nghiệm NIPT được đánh giá là xét nghiệm an toàn và đã được Bộ Y tế Việt Nam phê chuẩn từ 2020 với độ chính xác cao (lên đến 99,9%).

 3. Xét nghiệm viêm gan virus (viêm gan B, viêm gan C)

Virus gây bệnh viêm gan siêu vi (type B, C) có nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con. Chính vì vậy mà xét nghiệm tầm soát viêm gan siêu vi rất cần thiết ở phụ nữ mang thai. Nếu mẹ được chẩn đoán mắc viêm gan B hoặc C, trẻ sau sinh cần được tiêm phòng ngay nhằm giảm nguy cơ hình thành bệnh.

4. Xét nghiệm HIV

Xét nghiệm HIV thường được khuyến khích thực hiện trước khi mang thai và trước khi sinh nhằm giúp bạn có kế hoạch lựa chọn cách sinh nở hoặc có biện pháp phòng ngừa sự lây nhiễm virus HIV từ mẹ sang con.

Các xét nghiệm khi mang thai

5. Xét nghiệm giang mai, lậu

Mẹ cũng cần thực hiện xét nghiệm này bởi bệnh giang mai và lậu không phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, tệ hơn gây tình trạng sảy thai hoặc thai lưu.

6. Xét nghiệm nước tiểu

Đây cũng là một trong các xét nghiệm khi mang thai cần thiết nhằm kiểm tra nồng độ protein niệu, sự xuất hiện của đường niệu hay viêm nhiễm đường tiết niệu ở mỗi lần khám thai. Mục đích để chẩn đoán xem mẹ có nguy cơ mắc các bệnh lý như cao huyết áp thai kỳ, đái tháo đường hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu gây ảnh hưởng sức khỏe thai nhi hay không.

7. Xét nghiệm huyết trắng hay soi tươi dịch âm đạo

Nhằm biết được tác nhân gây viêm nhiễm âm đạo từ đó có biện pháp khắc phục ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm cho thai nhi.

Kết luận 

Trên đây là các xét nghiệm khi mang thai mà mẹ bầu cần chú ý. Dựa vào kết quả xét nghiệm, mẹ sẽ dễ dàng theo dõi được sức khỏe của bản thân và thai nhi qua từng giai đoạn từ đó có cách chăm sóc thai kỳ thích hợp. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn có được hành trình mang thai và sinh nở thuận lợi.

Bạn có thể đọc thêm các bài viết liên quan đến chủ đề mang thai, chăm sóc sức khỏe thai kỳ hoặc tham gia cộng đồng mang thai của Hello Bacsi để thường xuyên cập nhật kiến thức thai kỳ.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Differences between screening and diagnostic tests and case finding

https://www.healthknowledge.org.uk/public-health-textbook/disease-causation-diagnostic/2c-diagnosis-screening/screening-diagnostic-case-finding

Ngày truy cập: 15/7/2024

Prenatal Screening and Diagnostics

https://www.yalemedicine.org/conditions/prenatal-screening-and-diagnostics

Ngày truy cập: 15/7/2024

Common Tests During Pregnancy

https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=common-tests-during-pregnancy-85-P01241

Ngày truy cập: 15/7/2024

hCG level

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/hcg-levels

Ngày truy cập: 15/7/2024

Chọc ối

https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/choc-oi/

Ngày truy cập: 15/7/2024

Phiên bản hiện tại

22/07/2024

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Nên làm xét nghiệm NIPT từ tuần bao nhiêu để có kết quả chính xác nhất?

[Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 22/07/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo