“Bà bầu uống trà đường được không?” là thắc mắc của không ít các mẹ bầu khi trót lỡ là tín đồ của món thức uống giải khát ngon miệng này với các “biến thể” như trà chanh, trà tắc, trà sữa… Mẹ bầu uống nhiều trà đường có làm tăng nguy cơ các vấn đề sức trong thai kỳ hay không?
Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau của Hello Bacsi nhé!
Trà đường là gì?
Trà đường là thức uống được pha chế từ chiết xuất từ lá hay búp non của cây trà đã qua chế biến hoặc nước pha từ lá trà xanh kết hợp với đường để tạo vị ngọt phù hợp theo khẩu vị. Trà đường có vị thơm ngon, dễ uống vì được pha chế ở dạng loãng, không đậm đặc như nước trà bình thường.
Ở nhiều nước trà đường là thức uống tương đối phổ biến vì mang lại nhiều lợi ích và có thể dùng để pha chế ra nhiều loại thức uống giải khát rất ngon miệng như trà chanh, trà tắc, trà sữa…
Giải đáp thắc mắc: Bà bầu uống trà đường được không?
Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Do đó, việc ăn gì, uống gì trong thai kỳ được các chị em bầu bí hết sức lưu ý. Do đó, các thắc mắc như “bầu 3 tháng đầu uống trà đường được không”, “bà bầu uống trà đường được không?” hay “đang có bầu uống trà đường được không”… nhận được sự quan tâm của đông đảo mẹ bầu.
Theo ý kiến của một số chuyên gia sức khỏe, trong thời gian mang thai, mẹ bầu có thể uống trà pha đường với lượng vừa phải. Nguyên do là trà có chứa polyphenols và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và tăng cường hệ miễn dịch cho mẹ bầu. Ngoài ra, việc uống đủ lượng nước khi mang thai cũng rất quan trọng với sức khỏe mẹ bầu, giúp máu lưu thông tốt hơn, quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru, giảm nguy cơ táo bón khi mang thai…
Tuy nhiên, trà cũng là thức uống chứa caffeine, một chất không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi nếu tiêu thụ quá nhiều. Vì vậy, mỗi ngày mẹ bầu nên hạn chế uống không quá 200mg caffeine từ trà cùng các thức uống và thực phẩm khác để tránh các rủi ro sức khỏe.
Như ở trên đã đề cập, trà đường là thức uống kết hợp giữa nước trà và đường. Do đó, nếu mẹ bầu tiêu thụ quá nhiều đường trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như:
- Với mẹ bầu: Dư thừa calo dẫn đến tăng cân quá nhiều khi mang thai, huyết áp cao, gia tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật…
- Với thai nhi: thai nhi to bất thường, sau khi sinh bị hạ đường huyết , gặp các vấn đề liên quan đến nhận thức và ngôn ngữ…
Do đó, lời khuyên của các chuyên gia rằng dù là tín đồ của trà đường, phụ nữ mang thai không nên uống quá nhiều thức uống này trong một ngày, cần lưu ý là không nên cho quá nhiều đường vào nước trà. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association (AHA)lượng đường mà phụ nữ dùng một ngày không nên vượt quá 25g (tương đương với khoảng 6 thìa).
Bên cạnh đó, Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ cũng đưa ra khuyến nghị rằng phụ nữ mang thai nên tránh tiêu thụ đường tinh khiết và thực phẩm có nhiều đường bổ sung. Thay vào đó, cám mẹ bầu nên tập trung vào việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và có ít đường.
Đặc biệt, mẹ bầu bị tiêu đường thai kỳ nên cẩn thận khi uống trà đường kể cả các món thức uống “biến thể” từ trà đường như trà chanh, trà tắc… Tốt nhất, mẹ bầu tiểu đường nên xin ý kiến tư vấn của bác sĩ về việc nên dùng thức uống này hay không nhé.
Có thể bạn quan tâm
Gợi ý 5 loại trà thảo dược cho phụ nữ mang thai
Việc uống trà đường nhiều có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe, do đó, các mẹ bầu có thể thêm các loại trà sau vào chế độ ăn uống của mình. Bởi đây là những loại trà có hàng lượng caffeine thấp và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe:
- Trà gừng: Trà gừng giúp giảm ốm nghén, chữa cảm lạnh, đau họng và nghẹt mũi. Mẹ bầu có thể đun sôi vài miếng gừng trong nước nóng rồi pha cùng mật ong và vài lát chang để uống.
- Trà hoa cúc: Trà hoa cúc giúp giảm viêm khớp và cung cấp khoáng chất, hỗ trợ giấc ngủ. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu bị dị ứng với phấn hoa, bạn nên tránh uống loại trà này.
- Trà bạc hà: Lá bạc hà giúp giảm buồn nôn và điều trị các vấn đề tiêu hóa bằng cách thư giãn cơ dạ dày.
- Hồng trà Nam Phi: Hồng trà Nam Phi chứa nhiều sắt, kẽm, magie, canxi và chất chống oxy hóa. Loại trà này có công dụng giúp giảm chứng trào ngược axit, hỗ trợ tiêu hóa, chống gốc tự do, giải độc cơ thể, cải thiện sự hấp thụ sắt, chống dị ứng, nhiễm trùng và tăng cường miễn dịch.
- Trà lá mâm xôi đỏ: Lá mâm xôi giàu chất sắt, canxi và magie, các mẹ bầu nên tiêu thụ trà lá mâm xôi đỏ từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi. Khoáng chất trong lá mâm xôi giúp săn chắc cơ tử cung để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và ngăn ngừa xuất huyết sau sinh. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường nên thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại trà này.
Hello Bacsi tin rằng qua những thông tin được tổng hợp trong bài các mẹ bầu đã có được câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc “Bà bầu uống trà đường được không?”. Đừng quên truy cập chuyên mục Mang thai của Hello Bacsi để cập nhật nhiều thông tin dinh dưỡng thai kỳ bổ ích bạn nhé!
[embed-health-tool-due-date]