Phụ nữ mang thai cần phải có chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, một số người có thói quen uống rượu bia với nhiều lý do khác nhau thì khi mang thai thường lo lắng bà bầu uống bia được không?
Bình thường, phụ nữ uống rượu bia ở liều lượng hợp lý sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn mang lại nhiều lợi ích như làm chậm lão hóa, giúp thư giãn tinh thần, giảm nguy cơ sỏi thận… Tuy nhiên, việc uống đồ uống có cồn trong thời gian mang thai thì lại là câu chuyện khác vì lúc này còn có thai nhi non nớt đang phát triển bên trong cơ thể mẹ. Vậy thì mẹ bầu uống bia được không và những tác hại có thể xảy ra là gì? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết sau của Hello Bacsi bạn nhé!
Bà bầu uống bia được không?
So với rượu, bia thường có độ cồn thấp hơn và chủ yếu là được lên men từ lúa mạch. Một số loại bia trái cây sẽ sử dụng các loại trái cây khác nhau để lên men với nấm men rượu hoặc vi khuẩn lactic. Theo khuyến cáo, mẹ bầu không nên uống bất kỳ loại bia hay thức uống có cồn nào trong thời gian mang thai để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Dù bạn đang nghĩ bà bầu thi thoảng uống bia có sao không thì câu trả lời là có và cần phải ngừng tiêu thụ hoàn toàn đồ uống có cồn khi mang thai. Không chỉ những tháng đầu mà bầu 4 tháng 5 tháng, hay 7 tháng uống bia được không thì câu trả lời vẫn là không được. Nếu chưa biết mình đã có thai và lỡ uống bia khi mang thai tháng đầu thì cần dừng lại ngay và đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe, theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi.
Việc sử dụng rượu, bia hay đồ uống có cồn trong thai kỳ có khả năng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng rượu bào thai (fetal alcohol syndrome – FAS). Đồ uống có cồn gây ảnh hưởng đến thai kỳ vì:
- Chất cồn đi vào máu sẽ tác động đến chức năng các cơ quan nội tạng của người mẹ.
- Cồn đi qua nhau thai và khiến cơ thể thai nhi phải hấp thu, xử lý một lượng cồn quá khả năng. Các cơ quan của em bé phải mất gấp đôi thời gian so với người trưởng thành để đào thải hết cồn khỏi cơ thể.
- Nếu mẹ có cảm giác buồn nôn sau khi uống bia thì thai nhi cũng gặp triệu chứng tương tự. Điều đó gây ảnh hưởng đến thai nhi trong suốt thời kỳ thai nghén.
[embed-health-tool-due-date]
Mẹ bầu uống bia khi mang thai có thể gặp phải vấn đề gì?
Mẹ bầu uống bia sẽ gây tác động đến cả cơ thể người mẹ lần thai nhi trong bụng. Nếu không cẩn thận, mẹ bầu có thể bị sảy thai hoặc thai chết lưu do uống bia rượu.
Tác hại đối với mẹ bầu
Với chính bản thân người mẹ, uống bia, rượu khi mang thai cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bạn sẽ nguy cơ cao gặp phải những vấn đề sau đây khi tiêu thụ đồ uống có cồn như bia, rượu trong thai kỳ:
- Tăng huyết áp thai kỳ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp mạn tính trong tương lai. Các rối loạn liên quan đến tình trạng tăng huyết áp thai kỳ như tiền sản giật và sản giật cũng có nguy cơ xảy ra gây biến chứng lâu dài và đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé.
- Tiền sản giật làm tổn thương và suy chức năng các cơ quan nội tạng, tăng nguy cơ sinh non, bệnh tật ở trẻ sơ sinh, sẩy thai và đột quỵ. Nếu mẹ bầu bị sản giật sẽ có các biểu hiện như co giật gây hôn mê, thậm chí là có nguy cơ tử vong.
- Tăng nguy cơ rủi ro: Uống nhiều bia rượu có thể khiến mẹ bị sảy xỉn, thiếu tỉnh táo và tăng nguy cơ gặp tai nạn, rủi ro cho cả mẹ và bé.
Tác hại đối với thai nhi
Thai nhi trong quá trình phát triển trong bụng mẹ nếu phải hấp thu bia rượu qua nhau thai sẽ có nguy cơ gặp nhiều vấn đề gây khuyết tật về thể chất, bao gồm:
- Kém hấp thu dinh dưỡng, giảm khả năng trao đổi khí. Đồ uống có cồn làm giảm lượng máu lưu thông giữa mẹ và bé khiến cho quá trình trao đổi, hấp thu dưỡng chất bị chậm lại, tăng nguy cơ bị sinh non, kém phát triển.
- Tăng nguy cơ phát triển dị tật bẩm sinh. Đồ uống có cồn được cho là liên quan đến sự xuất hiện của các dị tật bẩm sinh về cả hình thái và khả năng vận động.
- Ảnh hưởng khả năng phát triển trí não của em bé. Mẹ bầu uống nhiều bia rượu sẽ làm thay đổi cấu trúc màng tế bào của thai nhi. Từ đó, các tế bào thần kinh bị ảnh hưởng kéo dài đến cả khi lớn lên.
- Hội chứng rượu bào thai (FAS). Các trẻ mắc phải hội chứng này sẽ đối diện với hậu quả suốt đời với những dấu hiệu như khuôn mặt hoặc đường nhân trung có hình thái bất thường, đầu có kích thước nhỏ, chiều cao kém phát triển, trọng lượng cơ bắp thấp, sự phối hợp các cơ quan kém, khả năng tập trung kém, chậm phát triển ngôn ngữ, trí não chậm phát triển hoặc chỉ số IQ thấp, gặp vấn đề về thị giác, thính giác, rối loạn về tim, thận hoặc xương…
Phòng ngừa dị tật thai nhi liên quan đến rượu bia: Mẹ bầu cần phải làm gì?
Nếu muốn phòng ngừa nguy cơ dị tật thai nhi liên quan đến rượu bia thì mẹ bầu cần ghi nhớ những điều sau:
- Tuyệt đối không uống rượu bia trong suốt thời gian mang thai vì cồn có thể đi qua nhau thai vào cơ thể thai nhi và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
- Nếu lỡ uống rượu bia trong thời gian đầu khi chưa biết đã có thai thì cần dừng lại ngay và đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe, theo dõi tình trạng thai nhi.
- Tránh tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất độc hại và chất kích thích khác như thuốc lá, cà phê… để bảo vệ sự phát triển toàn diện của thai nhi.
- Thực hiện thăm khám thai định kỳ, bổ sung đầy đủ dưỡng chất thông qua chế độ dinh dưỡng và các chất bổ sung thích hợp như sắt, axit folic theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu là người nghiện rượu bia thì mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ để có cách cai rượu bia phù hợp, tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Đồng thời, mẹ bầu cần xây dựng lối sống lành mạnh, tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc thai kỳ thật tốt.
Bà bầu uống bia được không và các thắc mắc thường gặp
1. Uống bia không cồn khi mang thai có an toàn không?
Nhiều chị em dù đã bầu bí nhưng vẫn thèm cảm giác uống bia rượu nên băn khoăn nếu uống bia không cồn khi mang thai thì có an toàn hơn không? Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn không khuyến khích sử dụng các loại đồ uống được giới thiệu là bia không cồn trong suốt thời gian mang thai.
Thực chất, bia không cồn vẫn chứa một lượng nhỏ cồn (dưới 0,5%) nên vẫn gây ảnh hưởng đến thai nhi vì em bé rất nhạy cảm với các chất độc hại. Không có mức độ cồn tiêu thụ nào được cho phép là an toàn cho thai nhi nên các mẹ bầu cần tránh hoàn toàn việc sử dụng bia, rượu, bia trái cây hay bia không cồn.
2. Lỡ uống bia khi mang thai tháng đầu có sao không?
Trong 3 tháng đầu, thai nhi đang hình thành các cơ quan và hệ thần kinh nên rất nhạy cảm với các chất đi vào cơ thể. Các dị tật bẩm sinh hoặc hội chứng rượu bào thai (FAS) có thể xảy ra nếu thai nhi tiếp xúc với cồn ở nồng độ cao hoặc kéo dài.
Nếu lỡ uống một ít bia trong tháng đầu mang thai thì có thể chưa gây ảnh hưởng nhiều đến thai nhi nhưng nếu đã uống nhiều lần hoặc uống một lượng lớn thì cần phải theo dõi, kiểm tra cẩn thận tình trạng em bé trong bụng. Từ thời điểm biết tin đã mang thai, tốt nhất mẹ bầu phải ngưng hoàn toàn việc uống bia, rượu để bảo vệ sức khỏe thai nhi. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường trong thai kỳ thì bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
3. Mang thai ở tam cá nguyệt thứ 2 có được uống bia không?
Như đã đề cập, em bé đang phát triển trong bụng mẹ chưa hoàn thiện chức năng của các cơ quan và rất nhạy cảm với các chất kích thích độc hại. Do đó, dù ở tháng thứ mấy của thai kỳ thì mẹ bầu cũng tuyệt đối không uống bia, rượu. Việc bầu 4 tháng, 5 tháng hay 7 tháng uống bia được không thì câu trả lời luôn là không. Ngay cả sau khi sinh và nuôi con bằng sữa mẹ thì mẹ vẫn chưa nên uống bia, rượu lại vì có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú.
Nếu bạn gặp vấn đề với chứng nghiện bia rượu, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm cách giảm cảm giác thèm muốn uống đồ uống có cồn khi đang mang thai. Trường hợp bạn đã uống bia rượu và có dấu hiệu sảy thai hoặc sinh non như chảy máu âm đạo, chảy dịch, đau co thắt ở bụng… thì nên đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc y tế kịp thời.
Tóm lại, việc bà bầu uống bia được không thì hoàn toàn không được. Hãy cố gắng xây dựng lối sống lành mạnh, điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học và cân bằng dưỡng chất để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh cho cả hai mẹ con.