Chuột rút bắp chân là một triệu chứng phổ biến khi mang thai, thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Bà bầu bị chuột rút bắp chân thường cảm thấy căng cứng nhóm cơ và đau đột ngột ở đùi, bắp chân, bàn chân.
Chuột rút bắp chân khi mang thai thường xảy ra vào ban đêm, nhưng cũng có thể diễn ra ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Vậy, nguyên nhân mẹ bầu bị chuột rút bắp chân là gì, cách khắc phục ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Chuột rút bắp chân là tình trạng gì?
Bà bầu bị chuột rút bắp chân (hay vọp bẻ) là hiện tượng co cơ gây đau ở đùi, bắp chân, bàn chân hoặc cả ba. Tình trạng này khá phổ biến trong thai kỳ và thường xảy ra vào ban đêm trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
Chuột rút là dấu hiệu cho thấy các cơ của mẹ bầu đang co thắt rất chặt dù không cần thiết. Điều này xảy ra khi axit lactic tích tụ quá nhiều trong cơ bắp của thai phụ.
6 nguyên nhân khiến bà bầu bị chuột rút bắp chân
Có nhiều lý do khiến bà bầu bị chuột rút bắp chân, bao gồm:
1. Thiếu chất
Sự thiếu hụt canxi hoặc magiê và thừa phốt pho trong chế độ ăn uống có thể góp phần gây ra chứng chuột rút ở bắp chân khi mang thai. Đây là những dưỡng chất quan trọng giúp mẹ bầu khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.
Những chất này có liên quan trực tiếp đến sự co rút cơ bắp. Nếu cơ thể bị thiếu hụt, tình trạng rối loạn co cơ sẽ xảy ra, dẫn đến việc bà bầu bị chuột rút bắp chân.
2. Tăng cân
Việc thai nhi phát triển lớn dần trong tử cung có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh và mạch máu của mẹ bầu, bao gồm cả những dây thần kinh đi đến chân. Điều này lý giải vì sao phụ nữ thường bị chuột rút ở chân khi thai nhi phát triển, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba.
Việc tăng cân quá mức khi mang thai khiến vùng bắp chân chịu áp lực lớn, hai chân sưng phù, đau nhức, nặng nề. Điều này làm tăng tần suất xuất hiện các cơn chuột rút bắp chân ở mẹ bầu.
Cơ thể tăng cân quá mức không những khiến bà bầu bị chuột rút bắp chân mà còn có nguy cơ bị tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non, sinh khó… Đa số mẹ bầu thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai thường tăng cân nhiều hơn mức cần thiết.
3. Bà bầu bị chuột rút bắp chân do tuần hoàn máu kém
Khi mang thai, máu lưu thông chậm lại là một tình trạng bình thường. Điều này xảy ra một phần là do hormone hoạt động quá mức trong thai kỳ.
Trong những tam cá nguyệt sau, lượng máu trong cơ thể cũng gia tăng khiến cho quá trình tuần hoàn máu chậm lại. Điều này có thể dẫn đến sưng phù chân và chuột rút ở bắp chân.
Hơn nữa, tuần hoàn máu kém còn làm tăng nguy cơ các mẹ bầu bị suy giãn tĩnh mạch chân, xuất hiện cục huyết khối… gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu gấp 5-10 lần so với người bình thường.
4. Mất nước
Quá trình mang thai khiến mẹ bầu đi tiểu nhiều hơn bình thường. Không những thế, trong những ngày tiết trời oi bức, cơ thể mẹ bầu sẽ đổ nhiều mồ hôi hơn. Những điều này khiến phụ nữ mang thai bị mất nước, muối khoáng, điện giải…
Nếu không bổ sung đủ nước kịp thời, tình trạng bà bầu bị chuột rút bắp chân có thể xảy ra. Ngoài ra, mất nước không chỉ là nguyên nhân, mà còn là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng chuột rút bắp chân trong thai kỳ.
Nếu mẹ bầu nhận thấy nước tiểu màu vàng đậm, da môi bong tróc, làn da thô ráp… thì đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang mất nước. Lúc này, mẹ bầu cần tăng lượng nước uống hàng ngày. Lý tưởng nhất là phụ nữ mang thai nên uống tối thiểu từ 8-12 cốc nước mỗi ngày.
5. Bà bầu bị chuột rút bắp chân có thể do mệt mỏi
Cảm thấy mệt mỏi khi mang thai là điều bình thường, nhất là khi mẹ bầu tăng cân nhiều hơn trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Mệt mỏi cũng có thể xảy ra khi thai phụ vận động nặng, hoạt động nhiều.
Khi cơ bắp của phụ nữ mang thai mệt mỏi vì áp lực gia tăng, tình trạng chuột rút ở chân có thể xảy ra.
6. Thói quen ngồi nhiều khiến bà bầu bị chuột rút bắp chân
Ngược lại với việc vận động nhiều, thói quen ngồi yên một chỗ cũng có thể khiến mẹ bầu bị chuột rút bắp chân.
Trạng thái ngồi một chỗ có thể khiến quá trình lưu thông máu trở nên chậm hơn, đồng thời làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch sâu. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra ở chân, đùi hoặc vùng xương chậu.
Không những thế, thói quen ngồi nhiều cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu rất dễ bị tăng cân. Đây đều là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến tình trạng chuột rút bắp chân.
Cách chữa cho bà bầu bị chuột rút bắp chân
Nếu chẳng may mẹ bầu bị chuột rút bắp chân thường xuyên gây khó chịu, mệt mỏi, hãy thử áp dụng những biện pháp sau:
- Kéo căng cơ: Duỗi thẳng chân và nhẹ nhàng kéo căng cơ bằng cách hướng mắt cá chân và các ngón chân về phía cẳng chân nhiều lần.
- Xoa bóp cơ: Mẹ bầu có thể kết hợp xoa bóp bắp chân khi bị chuột rút để giúp các cơ giãn ra.
- Vận động nhẹ nhàng: Sau khi kéo căng cơ bắp chân và cảm thấy đỡ hơn, mẹ bầu có thể đi bộ nhẹ nhàng, rồi ngồi xuống và nâng cao chân để ngăn ngừa tình trạng chân chuột rút trở lại.
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm có thể giúp ích. Tuy nhiên, chị em phụ nữ mang thai không áp dụng phương pháp nhiệt khi cơn đau chuột rút vẫn đang diễn ra.
- Chườm mát: Khi đã hết chuột rút, mẹ bầu có thể chườm mát để ngăn chặn cơn co thắt.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Nếu cơ vẫn còn đau sau khi hết chuột rút, mẹ bầu có thể cân nhắc dùng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau.
Phòng ngừa chuột rút bắp chân ở phụ nữ mang thai
Có nhiều cách để ngăn ngừa tình trạng bà bầu bị chuột rút bắp chân. Phụ nữ mang thai có thể tham khảo những biện pháp sau:
- Kéo căng cơ bắp chân trước khi đi ngủ: Việc tập giãn cơ trước khi đi ngủ có thể giúp ngăn ngừa chứng chuột rút ở chân vào ban đêm khi mang thai.
- Vận động thể chất nhẹ nhàng thường xuyên: Trong thai kỳ, việc duy trì hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa chứng chuột rút ở chân khi mang thai.
- Uống nhiều nước: Mẹ bầu có thể uống nước lọc, nước ép nguyên chất, sữa, sinh tố… để bổ sung chất lỏng kết hợp với bổ sung dưỡng chất cho cơ thể.
- Bổ sung canxi: Một số nghiên cứu cho thấy lượng canxi trong máu thấp hơn khi mang thai có thể góp phần khiến bà bầu bị chuột rút bắp chân. Do đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để đảm bảo cơ thể hấp thu được 1000 miligam canxi mỗi ngày trong những ttháng cuối thai kỳ.
- Bổ sung magiê: Mẹ bầu có thể cân nhắc ăn nhiều thực phẩm giàu magiê hơn, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt, trái cây sấy khô, quả hạch…
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế: Thay đổi tư thế sau mỗi giờ làm việc có thể giúp bắp chân co giãn thoải mái, hạn chế bị chuột rút bắp chân khi mang thai.
- Mang giày phù hợp: Hãy chọn giày thoải mái và hỗ trợ tốt cho đôi chân có thể giúp phòng ngừa chuột rút chân cho mẹ bầu.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ vì sao bà bầu bị chuột rút bắp chân và cách khắc phục tình trạng này hiệu quả.
[embed-health-tool-due-date]