backup og meta

Giải mã chi tiết những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian

Giải mã chi tiết những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian

Trong suốt thời gian mang thai sẽ có hàng trăm tin đồn về những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian “bủa vây” bạn. Những kiêng kỵ này không phải lúc nào cũng đúng, bạn cần tỉnh táo và tìm hiểu thật kỹ để tránh việc kiêng khem khổ sở làm ảnh hưởng đến bé cưng. 

Ăn ốc sinh con chảy dãi, ăn lươn sinh con mắt hí, ăn ổi sinh con da sần sùi… là những quan niệm dân gian mà hầu như bà bầu nào cũng từng được nghe. Thế nhưng, liệu những điều này có đúng? Hãy dành ra ít phút xem ngay những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ hơn về tính đúng sai của những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian nhé.

Bà bầu có được ăn ốc không? Có phải ăn ốc sinh con bị chảy dãi?

Mẹ bầu ăn ốc sinh con bị chảy dãi là quan niệm dân gian rất phổ biến, tuy nhiên quan niệm này gần như không đúng. Thực tế, bà bầu nên hạn chế ăn ốc để giảm nguy cơ nhiễm giun sán, gây nguy hiểm cho bé chứ không liên quan đến nhỏ dãi.

Nếu thèm ăn ốc khi mang thai, bạn vẫn có thể ăn nhưng cần ăn vừa phải, chế biến cẩn thận bằng cách ngâm và xả nước nhiều lần để ốc nhả hết bùn, cát, loại bỏ phần đuôi ốc và nấu chín kỹ. Ít ai biết rằng ốc cũng là thực phẩm tốt cho mẹ bầu vì ốc chứa rất nhiều dinh dưỡng như protein, sắt, vitamin B12, magie, selen, axit béo omega-3

Bà bầu ăn thịt thỏ được không? Ăn thịt thỏ có khiến bé bị sứt môi?

Một trong những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian phổ biến đó là bà bầu ăn thịt thỏ sẽ khiến con sinh ra bị sứt môi do thỏ có môi trên bị hở. Quan niệm dân gian này hoàn toàn không đúng, nguyên nhân bị sứt môi là do rối loạn sinh học hoặc do dùng thuốc khi mang thai chứ không liên quan đến việc ăn thịt thỏ.

Ngoài ra, bà bầu ăn thịt thỏ cũng có thể nhận được nhiều lợi ích vì loại thịt này chứa nhiều protein (chất đạm), tốt cho sự phát triển của thai nhi.

Những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian: Ăn lươn sinh con mắt hí

Những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian

Cũng giống như quan niệm ăn ốc sinh con chảy dãi và ăn thịt thỏ khiến bé bị sứt môi, quan niệm ăn lươn sinh con mắt hí cũng không có căn cứ khoa học.

Nếu được chế biến đúng cách và ăn vừa phải, bà bầu ăn lươn có thể nhận được nhiều lợi ích về sức khỏe vì thịt lươn rất giàu chất đạm, vitamin A và vitamin B12 giúp giảm nguy cơ sinh non, bé sinh nhẹ cân và các dị tật ống thần kinh.

Tuy nhiên, do lươn sống ở môi trường bùn lầy, mang nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng nên mẹ cần chế biến cẩn thận để giảm nguy cơ nhiễm trùng dạ dày, nhiễm ký sinh trùng hay ngộ độc thực phẩm.

Bà bầu uống nước dừa, nước mía nhiều bé sẽ có làn da hồng hào, trắng nõn

Làn da của bé thường được xác định bởi các gene vào thời điểm thụ thai. Bạn sẽ không thể làm gì để thay đổi màu da thật của bé trước hoặc sau khi sinh.

Bà bầu uống nước dừa, nước mía có thể nhận được nhiều lợi ích như giảm chứng táo bón, ợ chua, ợ nóng, hạn chế tăng cân. Tuy nhiên, nếu vì tin những lời đồn thổi trên mà lạm dụng, uống quá nhiều sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, làm tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.

Ăn mặn hoặc chua thì bé sẽ có tính tình chanh chua

Tuy tin đồn này không có bằng chứng khoa học chứng minh nhưng thực chất các bác sĩ thường khuyên bà bầu không nên ăn các món ăn quá mặn hoặc chua.

Vào giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ ăn nhiều thức ăn chua thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển và tăng trưởng của bào thai. Trong khi đó, nếu ăn quá mặn, mẹ sẽ dễ bịtăng huyết áp khi mang thai.

Để an toàn, mẹ chỉ nên tiêu thụ khoảng 6g muối mỗi ngày (lượng muối này bao gồm muối có sẵn trong thực phẩm, rau củ, bánh kẹo… chứ không chỉ tính riêng lượng muối mà bạn nêm vào thức ăn).

Ăn ớt và các loại thức ăn nhiều gia vị thì bé sẽ bị hói

Không có cơ sở khoa học nào chứng minh những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian này là đúng. Thực chất, mẹ vẫn có thể ăn các món ăn cay và món ăn chứa nhiều gia vị.

Tuy các loại gia vị này không gây hại cho bé nhưng mẹ vẫn nên tránh ăn quá nhiều vì có thể gây ra chứng ợ nóng khi mang thai, các bệnh về tiêu hóa và khiến cho tình trạng ốm nghén trở nên nặng hơn.

Bà bầu phải kiêng nằm gần chồng: Liệu có đúng?

Những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian

Kiêng nằm gần chồng cũng là lời đồn thổi rất phổ biến vì sợ rằng vợ chồng gần gũi sẽ làm ảnh hưởng xấu đến bé. Các nhà khoa học đã khẳng định quan hệ tình dục khi mang thai không gây hại cho bé cưng, trừ khi bà bầu có vấn đề về sức khỏe sẽ được bác sĩ khuyên là nên tránh.

Tuy nhiên, việc kiêng nằm gần chồng cũng không cần thiết. Trong thời gian mang thai, bà bầu rất cần sự hỗ trợ, quan tâm từ người chồng nên vợ chồng không cần phải cách ly.

Những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian: Không đi đám tang và đám cưới

Ông bà xưa thường khuyên bà bầu không nên đi đám tang vì sợ hơi lạnh và “khí xấu’ từ người chết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và em bé. Lời khuyên này cũng tương đối đúng xác người sẽ tỏa ra một loại hàn khí dễ gây cảm lạnh.

Ngoài ra, bà bầu nên hạn chế đi đám tang để tránh nhìn thấy những cảnh đau thương, gây ảnh hưởng đến tâm lý. Đồng thời, đám tang cũng là nơi đông người nên mẹ bầu có nguy cơ cao bị lây bệnh các bệnh dễ truyền nhiễm.

Đối với đám cưới, mẹ bầu cũng được khuyên là cũng không nên đi vì sẽ khiến bé mất duyên, sau sinh ra con gái thì khi lớn lên sẽ khó lấy chồng. Dù quan niệm này là không đúng và cũng không còn phổ biến nhưng khi đám cưới, mẹ vẫn nên thận trọng những nơi đông người, tiếng nhạc lớn, ồn ào có thể không tốt cho bé.

Những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian: Kiêng cắt tóc, đeo trang sức, trang điểm

Những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian

Trong danh sách những điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian có nhắc đến việc kiêng cắt tóc bởi việc này được cho là có thể rút ngắn cuộc đời của bé. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy điều này là đúng. Trong thai kỳ, mẹ vẫn có thể cắt tóc như bình thường để giữ vệ sinh và đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Tuy nhiên, nên hạn chế nhuộm hay uốn tóc vì các loại thuốc uốn nhuộm có thể chứa các thành phần không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.

Đeo trang sức và trang điểm khi mang thai cũng được cho là không nên vì có thể khiến bé mất duyên hoặc trở thành người hay khoe mẽ. Đây cũng là những lời đồn thổi không có căn cứ.

Trong thai kỳ, mẹ có thể trang điểm nhẹ nhàng và dùng các loại mỹ phẩm có thành phần từ thiên nhiên, phù hợp cho bà bầu. Đối với trang sức, khi đeo, mẹ cần cẩn thận để tránh bị dị ứng.

Bà bầu kiêng bước chân qua dây, võng

Quan niệm dân gian xưa cho rằng bà bầu bước qua dây, võng có thể khiến dây rốn quấn nhiều vòng quanh cổ thai nhi. Tuy nhiên, quan niệm này không có căn cứ vì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường là do tình trạng của dây rốn hoặc do chuyển động của bé.

Tuy nhiên, dù quan niệm này không có chứng bằng chứng khoa học điều kiêng kỵ khi mang thai theo dân gian này cũng cần thiết. Nguyên do là khi bụng bầu to ra, cơ thể sẽ trở nên nặng nề và khó giữ thăng bằng, nếu mẹ bầu bước qua dây hoặc võng sẽ dễ bị té ngã và dẫn đến nhiều tình trạng nguy hiểm.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Top benefits of snail meat and delicious recipes to try https://www.legit.ng/1096623-health-benefits-snail-meat.html Ngày truy cập 24/6/2021  

SEX DURING PREGNANCY https://www.marchofdimes.org/pregnancy/sex-during-pregnancy.aspx Ngày truy cập 24/06/2021 

Cleft palate and cleft lip. http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Cleft_palate_and_cleft_lip Ngày truy cập 24/6/2021 

Sugarcane Juice in Pregnancy – Health Benefits and Precautions https://parenting.firstcry.com/articles/sugarcane-juice-in-pregnancy-health-benefits-and-precaution/ Ngày truy cập 24/06/2021 

Is It Safe To Eat Eel During Pregnancy? http://www.momjunction.com/articles/eel-during-pregnancy_00366300/?ref=end  Ngày truy cập 24/06/2021 

Phiên bản hiện tại

25/06/2021

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Top 7 thành phần mỹ phẩm bà bầu nên tránh xa để không gây hại đến bé

Vì sao khóc nhiều khi mang thai? Mẹ nên làm thế nào để kiểm soát?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 25/06/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo