backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Biểu hiện ốm nghén thường gặp - Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 04/11/2021

    Biểu hiện ốm nghén thường gặp - Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi?

    Các biểu hiện ốm nghén thường gây mệt mỏi, khó chịu và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống thường ngày mẹ bầu. Hơn nữa, mỗi lần mang thai thì mức độ ốm nghén cũng có sự khác nhau. Thế nhưng, hiện nay không có phương pháp để điều trị ốm nghén hoàn toàn vì đây là một phần tự nhiên của thai kỳ.

    Chắc hẳn mẹ bầu không còn xa lạ gì với những triệu chứng ốm nghén như buồn nôn và nôn vào mỗi buổi sáng. Mặc dù đây là điều bình thường và sẽ tự khỏi nhưng bạn cần lưu ý hơn nếu các triệu chứng nghén khiến bạn sụt cân và mất nước. Lúc này, bạn sẽ cần đến sự can thiệp của bác sĩ để kiểm soát ốm nghén đúng cách.

    Biểu hiện ốm nghén là gì? Vì sao bạn ốm nghén khi mang thai?

    Nguyên nhân khiến phụ nữ ốm nghén khi mang thai vẫn còn là điều bí ẩn và chưa thể lý giải chính xác. Tuy nhiên, một số lý thuyết cho rằng ốm nghén xảy ra có liên quan đến các yếu tố thể chất và trao đổi chất của cơ thể, bao gồm:

    • Nồng độ hormone cao khi mang thai, bao gồm cả estrogen.
  • Biến động huyết áp, đặc biệt là do hạ huyết áp.
  • Chuyển hóa carbohydrate bị thay đổi.
  • Một số trường hợp mẹ bầu ốm nghén được cho là do thiếu vitamin B6.
  • Những thay đổi lớn về mặt sinh lý khi mang thai.
  • Đối với hầu hết phụ nữ, biểu hiện ốm nghén có thể bắt đầu vào khoảng tuần thứ 4 của thai kỳ. Sau đó, mẹ bầu có thể hết ốm nghén vào khoảng tuần 12 đến tuần 14 trở đi. Trong đó, các triệu chứng và biểu hiện ốm nghén thường bao gồm:

    • Buồn nôn, nôn mửa khi ngửi thấy một số mùi nhất định hay hình thấy một số món ăn.
    • Ăn mất ngon, không có khẩu vị.
    • Cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu suốt cả ngày.
    • Các vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm.

    Mặc dù các biểu hiện ốm nghén không kéo dài nhưng vẫn có khoảng 1/5 phụ nữ trải qua tình trạng này dù đã bước sang tam cá nguyệt thứ 2. Một số ít không may còn có thể bị buồn nôn và nôn mửa trong suốt thai kỳ.

    Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ ốm nghén trong thai kỳ?

    biểu hiện ốm nghén

    Tình trạng ốm nghén được cho rằng có liên quan đến những thay đổi nội tiết tố trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Thế nhưng, không phải chị em nào cũng có những biểu hiện ốm nghén khi mang thai. Mặt khác, việc ốm nghén cũng có nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Thông thường, bạn sẽ có nguy cơ ốm nghén cao hơn trong những trường hợp sau:

    • Bạn mang song thai hoặc đa thai.
    • Bạn mang thai lần đầu tiên.
    • Bạn ốm nghén nặng trong lần mang thai trước.
    • Bạn là người dễ bị say tàu xe.
    • Bạn có tiền sử đau nửa đầu.
    • Bạn bị thừa cân, béo phì với chỉ số BMI từ 30 trở lên.
    • Bạn đang gặp vấn đề tâm lý như căng thẳng, trầm cảm.
    • Trong gia đình có người bị ốm nghén khi mang thai.
    • Bạn đã từng cảm thấy buồn nôn khi dùng các biện pháp tránh thai chứa estrogen.

    Hội chứng ốm nghén nặng là gì? Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không?

    Hội chứng ốm nghén nặng (hyperemesis gravidarum)

    Đối với một số mẹ bầu, các biểu hiện ốm nghén như buồn nôn, nôn mửa sẽ nghiêm trọng hơn bình thường và ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây được gọi là hội chứng ốm nghén nặng (hyperemesis gravidarum). Trong trường hợp này, bạn sẽ cần điều trị y tế nếu không sẽ có nguy cơ gặp phải những biến chứng như:

    • Mất nước và mất cân bằng điện giải.
    • Suy dinh dưỡng trong thai kỳ.
    • Tạo căng thẳng cho các cơ quan quan trọng như gan, tim, thận vào não bộ.
    • Mẹ bầu dễ gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng tột độ.

    Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không?

    Các triệu chứng, biểu hiện ốm nghén thường gây ra sự mệt mỏi và khó chịu. Thậm chí là có thể tiến triển thành hội chứng ốm nghén nặng. Vì vậy, nhiều chị em lo lắng rằng chứng ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không? Việc nôn mửa có có thể làm căng cơ bụng và gây đau nhức cục bộ. Thế nhưng về cơ chế vật lý của nôn thì sẽ không gây hại cho em bé và thai nhi vẫn được bảo vệ trong túi ối.

    Tuy nhiên, nếu các triệu chứng, biểu hiện ốm nghén kéo dài hoặc chuyển sang hội chứng ốm nghén nặng thì sẽ gây mất nước, sụt cân cho mẹ. Từ đó khiến thai nhi không nhận đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết để phát triển và làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng sau sinh. Trong trường hợp này, mẹ bầu cần đi khám để được bác sĩ tư vấn giải pháp cải thiện và kiểm soát ốm nghén.

    Nhìn chung, hầu hết các biểu hiện ốm nghén khi mang thai là hoàn toàn bình thường và sẽ kết thúc trong tam cá nguyệt thứ 2. Nếu bạn muốn đỡ ốm nghén thì cách tốt nhất là tránh ăn những món khiến bạn buồn nôn và chia khẩu phần ăn ra thành nhiều bữa nhỏ để không bị đói. Không nên tùy tiện dùng thảo dược hoặc thuốc chống nôn mà cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn bị ốm nghén nặng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 04/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo