backup og meta

Kháng sinh amoxicillin có dùng được cho bà bầu mắc bệnh nhiễm trùng?

Kháng sinh amoxicillin có dùng được cho bà bầu mắc bệnh nhiễm trùng?

Khi mang thai, ngoài khí oxy mà bạn hít thở và dinh dưỡng mà bạn hấp thụ thì bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng cũng có thể được truyền đến em bé qua nhau thai. Vì vậy, việc dùng kháng sinh trong thai kỳ là vấn đề mẹ nên thận trọng và cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Trong số các loại thuốc kháng sinh, không ít mẹ bầu cần dùng amoxicillin để điều trị nhiễm trùng trong thai kỳ. Điều này khiến nhiều mẹ lo lắng và thắc mắc liệu amoxicillin có dùng được cho bà bầu được không?

Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề này để mẹ biết được dùng amoxicillin khi mang thai có an toàn không? Có gặp tác dụng phụ không? Tuy nhiên, ngoài việc tìm hiểu thông tin thì điều quan trọng hơn là mẹ bầu cần tham khảo lời khuyên từ bác sĩ trong từng trường hợp cụ thể để đảm bảo không gặp rủi ro khi dùng thuốc.

Amoxicillin là thuốc gì?

Amoxicillin là kháng sinh thuộc nhóm penicillin. Thuốc được dùng để điều trị nhiều tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng tai mũi họng hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Thông thường, amoxicillin sẽ được kê đơn kết hợp với một loại thuốc là acid clavulanic. Thuốc này ngăn không cho amoxicillin bị phân hủy bởi một số enzym. Qua đó, sự kết hợp thuốc sẽ chống lại vi khuẩn kháng thuốc hiệu quả hơn so với việc chỉ dùng amoxicillin.

Kháng sinh amoxicillin có dùng được cho bà bầu?

Trên thực tế, nhiều mẹ không tránh khỏi một số bệnh nhiễm trùng trong thai kỳ như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng tai mũi họng hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu nên sẽ cần dùng kháng sinh amoxicillin. Điều này chắc hẳn sẽ khiến nhiều chị em lo lắng amoxicillin có dùng được cho bà bầu không?

Nhiễm trùng khi mang thai có thể gây rủi ro cho em bé và sức khỏe mẹ bầu, chẳng hạn như sảy thai hoặc thai chết lưu. Vì vậy, trong một số trường hợp thì việc dùng kháng sinh trong thai kỳ là điều cần thiết.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), amoxicillin là thuốc kháng sinh thuộc nhóm phân loại B. Điều này nghĩa là amoxicillin thường an toàn để sử dụng trong thai kỳ. Sau đây là thông tin chi tiết hơn về độ an toàn của amoxicillin khi dùng trong từng giai đoạn mang thai:

Tam cá nguyệt thứ nhất: Kháng sinh amoxicillin có dùng được cho bà bầu?

amoxillin có dùng được cho bà bầu

Hầu hết các nghiên cứu không phát hiện nguy cơ gây dị tật bẩm sinh khi mẹ bầu dùng kết hợp amoxicillin và acid clavulanic. Thế nhưng, có khá ít nghiên cứu về việc dùng 2 loại thuốc này trong thai kỳ. Thay vào đó, có nhiều nghiên cứu hơn về việc chỉ dùng riêng kháng sinh amoxicillin khi mang thai.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng amoxicillin có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh, đặc biệt là sứt môi hở hàm ếch, khi dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghiên cứu khác kết luận ngược lại rằng không phát hiện bất kỳ tác hại nào của amoxicillin đối với sự phát triển của thai nhi. Nhìn chung, theo hầu hết nghiên cứu thì việc dùng amoxicillin, kết hợp hoặc không kết hợp với acid clavulanic, vẫn được xem là an toàn với mẹ bầu. Tuy nhiên, việc dùng amoxicillin và acid clavulanic khi mang thai cần có sự chỉ định của bác sĩ. 

Tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba: Kháng sinh amoxicillin có dùng được cho bà bầu?

Kháng sinh amoxicillin có dùng được cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba không? Các nghiên cứu về việc dùng amoxicillin và acid clavulanic trong 3 tháng giữa của thai kỳ vẫn còn hạn chếchưa có báo cáo cho thấy việc dùng thuốc trong giai đoạn này có thể làm tăng các vấn đề thai kỳ như sinh non hoặc sinh trẻ nhẹ cân.

Đối với tam cá nguyệt thứ 3, chỉ có một nghiên tìm thấy có sự tăng nguy cơ sinh non khi sử dụng kết hợp hai loại thuốc này, ngoài ra, trẻ sơ sinh non tháng có gia tăng nguy cơ bị viêm ruột hoại tử nếu được sinh từ các bà mẹ sử dụng chế phẩm chứa acid clavulanic. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng quá lo lắng vì thuốc này vẫn được chứng minh là ít nguy cơ xấu với thai nhi và mẹ bầu. Hơn nữa, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi dùng kháng sinh để lựa chọn giải pháp chữa trị phù hợp, an toàn nhất với từng trường hợp nhiễm trùng của mẹ.

Mẹ bầu dùng kháng sinh amoxicillin có ảnh hưởng đến hành vi, khả năng học tập của trẻ trong tương lai?

Đối với trẻ tiếp xúc với amoxicillin và acid clavulanic trước khi chào đời, một nghiên cứu đã theo dõi hàng trăm trẻ em từ 11 tuổi trở xuống và không phát hiện ra bất kỳ vấn đề nào bất thường về hành vi và khả năng học tập của trẻ.

Mẹ bầu dùng kháng sinh amoxicillin có gặp tác dụng phụ?

amoxillin có dùng được cho bà bầu

Việc dùng kháng sinh trong thai kỳ giúp mẹ điều trị những bệnh nhiễm trùng thường gặp do vi khuẩn. Tuy nhiên, dù là thuốc kê đơn thì mẹ vẫn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy. Nếu thuốc khiến dạ dày bạn khó chịu, lời khuyên là bạn nên dùng thuốc chung với thức ăn và một ly nước lọc.

Trong một số trường hợp, amoxicillin có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Do đó, sau khi dùng thuốc, bạn nên sớm đi khám nếu có những phản ứng sau đây:

  • Phản ứng dị ứng
  • Sốc phản vệ
  • Tiêu chảy ra máu
  • Cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Chảy máu hoặc bầm tím bất thường
  • Co giật
  • Mệt mỏi bất thường
  • Vàng da hoặc tròng trắng của mắt bị vàng.

Lưu ý quan trọng khi dùng kháng sinh trong thai kỳ

Nếu mẹ bầu mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, điều quan trọng là bạn cần trao đổi trước với bác sĩ để được kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp. Thêm vào đó, mẹ cũng cần lưu ý những điều sau để hạn chế rủi ro:

  • Thông báo với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng, gồm cả thuốc kê đơn hoặc không kê đơn. Điều này giúp bác sĩ xác định được thuốc nào phù hợp với trường hợp của mẹ và không gây tương tác thuốc bất lợi.
  • Nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về quy trình và liều lượng. Bạn không nên tự ý dừng thuốc để tránh trường hợp vi khuẩn kháng thuốc. Điều này nghĩa là việc dùng thuốc không còn tác dụng điều trị tình trạng nhiễm trùng tương tự mà bạn có thể mắc phải trong tương lai.
  • Sớm đi khám nếu bạn không cảm thấy đỡ sau khi dùng kháng sinh hoặc gặp tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Không dùng amoxicillin nếu bạn dị ứng với thuốc, dị ứng với penicillin hoặc nhóm kháng sinh cephalosporin như cefazolin, cefaclor và cephalexin.

Đối với vấn đề “kháng sinh amoxicillin có dùng được cho bà bầu không?” thì mẹ không cần quá lo lắng và ngừng thuốc ngay lập tức khi phát hiện mình có thai. Thay vào đó, bạn cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn hướng điều trị phù hợp. Nhìn chung, amoxicillin vẫn là thuốc ít gây rủi ro cho thai kỳ. So với việc để nhiễm trùng tiến triển và có thể gây hại cho thai nhi, việc dùng thuốc dưới sự theo dõi của bác sĩ sẽ có lợi cho mẹ bầu hơn.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Amoxicillin and Clavulanic Acid

https://mothertobaby.org/fact-sheets/amoxicillin-clavulanate/ Truy cập ngày 30/05/2022

Is Amoxicillin Safe to Take During Pregnancy or While Breastfeeding?

https://www.poison.org/articles/is-amoxicillin-safe-to-take-during-pregnancy-or-while-breastfeeding Truy cập ngày 30/05/2022

Maternal Exposure to Amoxicillin and the Risk of Oral Clefts

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3729019/ Truy cập ngày 30/05/2022

Is it safe to take antibiotics during pregnancy?

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/antibiotics-and-pregnancy/faq-20058542 Truy cập ngày 30/05/2022

Can I Take Amoxicillin While I’m Pregnant?

https://www.healthline.com/health/pregnancy/amoxicillin-safety Truy cập ngày 30/05/2022

Phiên bản hiện tại

05/06/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Có bầu nhổ răng được không? Thủ thuật nha khoa có an toàn với mẹ bầu?

Xét nghiệm máu sàng lọc di truyền trước khi sinh: Vì sao mẹ bầu cần thực hiện?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 05/06/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo