backup og meta

Mẹ có thể đẻ thường không rạch tầng sinh môn? Giải pháp nào giúp ích?

Mẹ có thể đẻ thường không rạch tầng sinh môn? Giải pháp nào giúp ích?

Thủ thuật rạch tầng sinh môn là một tiểu phẫu cần thiết trong quá trình sinh nở để giúp em bé được sinh qua ngả âm đạo thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sự thật là rạch tầng sinh môn vẫn có những bất lợi, rủi ro. Do đó, nhiều mẹ thắc mắc liệu có cách nào tránh được thủ thuật này trong lúc sinh không? Mẹ có thể đẻ thường không rạch tầng sinh môn hay không?

Tin tốt là vẫn có những giải pháp giúp mẹ sinh thường mà không rạch tầng sinh môn. Thế nhưng, bạn cần lưu ý là những giải pháp này chỉ hỗ trợ, giảm nguy cơ rạch tầng sinh môn chứ không đảm bảo hiệu quả tuyệt đối. Mẹ có thể tham khảo thêm những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề này trong bài viết sau. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ muốn được giải đáp chi tiết hơn thì vẫn nên nhờ đến sự tư vấn từ bác sĩ nhé!

Rạch tầng sinh môn là gì? Những trường hợp sinh thường cần rạch tầng sinh môn

Rạch tầng sinh môn là một thủ thuật cắt hoặc rạch một đường nhỏ ở đáy chậu. Cụ thể, vết cắt này được thực hiện ở khu vực giữa âm đạo và hậu môn để mở rộng cửa âm đạo, giúp em bé được sinh ra dễ dàng hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ xem xét, đánh giá đầy đủ và có thể thực hiện thủ thuật này trong những trường hợp sau đây:

  • Mẹ sinh nở lần đầu.
  • Mẹ mang thai em bé quá lớn hoặc thai non tháng.
  • Mẹ bị kiệt sức, không đủ sức để tiếp tục rặn đẻ, thời gian sinh kéo dài. Lúc này, việc rạch tầng sinh môn có thể giúp bác sĩ đưa các dụng cụ hỗ trợ sinh thường vào âm đạo của mẹ dễ hơn.
  • Em bé có dấu hiệu suy thai, biểu hiện qua nhịp tim bất thường. Điều này nghĩa là trẻ có thể thiếu oxy và cần được sinh nhanh chóng nhằm tránh nguy cơ bị ngạt.
  • Em bé gặp các vấn đề trong lúc sinh như vai của bé bị kẹt sau xương chậu của mẹ, sa dây rốn
  • Mẹ sinh con ngôi mông hoặc bất kỳ ngôi thai nào gây bất lợi, khó sinh qua ngả âm đạo.
  • Cuối cùng, việc rạch tầng sinh môn cũng cần thiết nếu mẹ bầu có bệnh tim hoặc gặp một số biến chứng khi sinh buộc phải sinh nở càng nhanh càng tốt.

So với đẻ thường không rạch tầng sinh môn, việc chủ động rạch tầng sinh môn có thể gây ra những vấn đề gì?

đẻ thường không rạch tầng sinh môn

Như đã đề cập, thủ thuật rạch tầng sinh môn là cần thiết trong một số trường hợp sinh thường. Đó là lý do mà trong một thời gian dài, việc chủ động rạch tầng sinh môn rồi khâu lại đã được xem là giải pháp tốt hơn so với việc để tầng sinh môn rách không kiểm soát trong lúc mẹ sinh con. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong những năm gần đây lại cho thấy thủ thuật này không phải lúc nào cũng đem đến lợi ích cho sản phụ. Thậm chí, rạch tầng sinh môn còn có thể gây ra một số vấn đề khó chịu như:

  • Sưng, đau, chảy máu  
  • Nguy cơ nhiễm trùng nếu mẹ chăm sóc vết khâu tầng sinh môn không đúng cách
  • Suy yếu bàng quang trong vài tuần đầu sau sinh, có thể dẫn đến tiểu không tự chủ
  • Sẹo ở vết khâu có thể khiến mẹ kém tự tin trong “chuyện ấy”. Đồng thời, cảm giác đau xung quanh vết cắt tầng sinh môn có thể khiến mẹ không thể quan hệ tình dục sau sinh, ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng.
  • Trước đây, người ta cho rằng rạch tầng sinh môn rồi khâu lại sẽ giúp mẹ ngăn chặn tình trạng rò rỉ khí và phân. Thế nhưng, các nghiên cứu hiện tại cho thấy kết quả ngược lại. Việc rạch tầng sinh môn có thể dẫn đến các vấn đề kiểm soát đường ruột trong thời gian ngắn hoặc đôi khi là kéo dài, được nghi ngờ là do tổn thương trực tràng.

Vì những vấn đề kể trên, các khuyến cáo y học dựa trên nghiên cứu hiện tại đều khuyên rằng việc rạch tầng sinh môn là không cần thiết nếu mẹ không gặp khó khăn, biến chứng khi sinh nở. Nói cách khác, một số mẹ vẫn có khả năng đẻ thường không rạch tầng sinh môn. Mặc dù khi không rạch tầng sinh môn thì hầu hết các mẹ, đặc biệt là mẹ sinh con lần đầu, vẫn bị rách âm đạo một cách tự nhiên trong lúc sinh.

Tuy nhiên, vết rách tự nhiên thường nhẹ, sẽ ít gây tổn thương đến các mô hơn so với việc chủ động cắt tầng sinh môn. Vì vậy, các bệnh viện hiện nay không xem rạch tầng sinh môn là thủ thuật thường quy nữa. Thay vào đó, bạn có thể thảo luận với bác sĩ về vấn đề này trước khi sinh. Các bác sĩ sẽ xem xét, đánh giá đầy đủ để quyết định có nên rạch tầng sinh môn cho mẹ sinh thường hay không.

Có cách nào giúp mẹ tăng cơ hội đẻ thường không rạch tầng sinh môn?

sinh thường không rạch tầng sinh môn

Nhiều mẹ bầu có thể mong đợi về việc đẻ thường không rạch tầng sinh môn để phục hồi nhanh hơn sau sinh. Tuy nhiên, cũng giống như sinh mổ, không có biện pháp nào giúp mẹ tránh hoàn toàn việc rạch tầng sinh môn trong lúc sinh. Trước tiên, mẹ cần hiểu rằng đôi khi những tình huống khó khăn, biến chứng không mong muốn có thể bất ngờ xảy ra trong quá trình chuyển dạ, sinh nở. Trong các trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị rạch tầng sinh môn để giúp mẹ sinh con dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Mặc dù vậy, các mẹ cũng đừng quá lo lắng. Thực tế là vẫn có một số giải pháp được khuyến khích để tăng cơ hội đẻ thường không rạch tầng sinh môn. Bạn có thể tham khảo một vài bí quyết sau đây và nhờ bác sĩ tư vấn thêm nếu cần thiết nhé:

Massage tầng sinh môn (xoa bóp cơ đáy chậu)

Đây là cách giúp thư giãn các cơ vùng đáy chậu, tăng tính linh hoạt của cơ nên có thể hỗ trợ các mẹ sinh thường thuận lợi. Trong hầu hết trường hợp, mẹ có thể bắt đầu thực hiện massage tầng sinh môn từ khoảng tuần 35 của thai kỳ với tần suất từ 1 đến 2 lần mỗi tuần để tăng cơ hội đẻ thường không rạch tầng sinh môn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mẹ chỉ nên xoa bóp đáy chậu khi điều này là an toàn. Mẹ nên tránh hoạt động này nếu:

  • Thai kỳ chưa đủ 35 tuần
  • Mẹ gặp vấn đề cổ tử cung ngắn
  • Mẹ gặp vấn đề về nhau thai như nhau bám thấp, nhau tiền đạo…
  • Mẹ có dấu hiệu chảy máu âm đạo trong nửa sau thai kỳ
  • Mẹ có vấn đề huyết áp nghiêm trọng
  • Mẹ đang bị nhiễm trùng âm đạo và đang điều trị.

Thực hiện bài tập Kegel

Kegel được biết đến là các bài tập cơ sàn chậu. Vì vậy, tập Kegel là cách giúp bạn tăng cường sức mạnh cho các cơ vùng xương chậu đang bị yếu đi do mang thai, sinh nở… Đối với mẹ bầu, việc tập Kegel sẽ giúp bạn hiểu cách siết chặt và thả lỏng các cơ nhằm chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Từ đó mang đến một số lợi ích như rút ngắn thời gian chuyển dạ, hạn chế nguy cơ rách âm đạo hoặc rạch tầng sinh môn khi sinh. Tuy nhiên, nếu các mẹ muốn đạt hiệu quả như mong muốn, việc thực hiện chính xác và đều đặn bài tập Kegel khi mang thai là rất quan trọng.

Những lưu ý quan trọng khác giúp mẹ tăng cơ hội đẻ thường không rạch tầng sinh môn

đẻ thường không rạch tầng sinh môn

Quá trình sinh nở của mẹ thuận lợi hay không phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Do vậy, bên cạnh những giải pháp kể trên, mẹ muốn đẻ thường không rạch tầng sinh môn cần lưu ý thêm một số điều sau đây:

  • Uống nhiều nước, đảm bảo chế độ ăn uống dinh dưỡng theo khuyến nghị của bác sĩ.
  • Tập thể dục đều đặn trước khi sinh với các bài tập phù hợp, an toàn.
  • Thực hành, tập luyện trước cách thở khi chuyển dạ, sinh nở. Gợi ý là mẹ có thể tham gia các lớp tiền sản để được hướng dẫn chi tiết, đúng cách.
  • Cuối cùng, điều quan trọng nữa là mẹ cần tìm hiểu và lựa chọn cho mình bác sĩ đỡ đẻ có chuyên môn, uy tín, tay nghề cao. Khi đến ngày sinh, chỉ cần mẹ không gặp biến chứng thì việc hợp tác và làm theo các hướng dẫn từ bác sĩ lành nghề như khi nào rặn, khi nào nghỉ, hít thở như thế nào… trong quá trình sinh nở; gần như là có thể giúp mẹ đẻ thường không rạch tầng sinh môn.

Trên thực tế, nhiều mẹ vẫn cần đến thủ thuật rạch tầng sinh môn; đặc biệt là mẹ sinh con lần đầu; để quá trình sinh nở nhanh chóng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu mẹ muốn tăng cơ hội đẻ thường không rạch tầng sinh môn thì vẫn có thể tham khảo những thông tin trong bài viết cũng như hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn trong từng trường hợp nhé! 

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Episiotomy

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/episiotomy Truy cập ngày 07/03/2023

Episiotomy: Advantages & Complications

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/labor-and-birth/episiotomy/ Truy cập ngày 07/03/2023

Tips for First-time Mothers

https://www.sutterhealth.org/health/labor-delivery/tips-for-first-time-mothers Truy cập ngày 07/03/2023

Episiotomy: When it’s needed, when it’s not

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/labor-and-delivery/in-depth/episiotomy/art-20047282#:~:text=An%20episiotomy%20is%20a%20cut,that’s%20no%20longer%20the%20case. Truy cập ngày 07/03/2023

When Is an Episiotomy Needed?

https://www.verywellfamily.com/when-is-an-episiotomy-needed-4768300 Truy cập ngày 07/03/2023

Phiên bản hiện tại

15/03/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Kinh nghiệm sinh thường sau sinh mổ: Lợi ích dành cho mẹ

[Giải đáp thắc mắc]: Tháng cuối thai kỳ nên ăn gì để dễ sinh thường?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo