backup og meta

Chuyển dạ sinh con và 101 thắc mắc của mẹ bầu

Chuyển dạ sinh con và 101 thắc mắc của mẹ bầu

Gần đến ngày chuyển dạ sinh con là lúc mà tâm trạng của mẹ hết sức nặng nề, đi cùng với đó là những thắc mắc mà mẹ không biết chia sẻ cùng ai. 

Ngày dự sinh đã sắp đến gần? Bạn đang mong ngóng được gặp bé cưng nhưng đồng thời cũng rất lo lắng về giai đoạn chuyển dạ sinh nở? Hiểu được nỗi lo của bạn, Hello Bacsi đã tìm hiểu một số nỗi lo thường gặp của các mẹ về việc chuyển dạ, những kinh nghiệm về việc sinh nở và giải đáp những thắc mắc phổ biến để phần nào giúp bạn vơi đi nỗi lo và sẵn sàng chào đón thiên thần nhỏ.

Sắp sinh hay chỉ là chuyển dạ giả?

Gần đến ngày dự sinh, cơ thể bạn sẽ xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh. Các cơ co thắt tử cung sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc. Tuy nhiên, những cơ co thắt này đôi khi chỉ là những cơn gò sinh lý (còn gọi là cơn gò Braxton hay chuyển dạ giả):

  • Các cơ co thắt không đều, khoảng thời gian giữa các cơ co thắt có thể cách xa nhau, chẳng hạn 10 phút, 8 phút hoặc 6 phút.
  • Không có các dấu hiệu chuyển dạ khác như cơn đau dồn dập, vỡ ối…
  • Cơn đau giảm dần hoặc biến mất khi thay đổi hoạt động hoặc tư thế. Ngoài ra, những cơn đau này cũng sẽ giảm khi bạn đi bộ, nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, bạn sẽ cần đến bệnh viện ngay nếu:

  • Tần suất xuất hiện của những cơn đau ngày một ngắn dần. Mỗi lần đau kéo dài khoảng 30 giây đến 1 phút
  • Khi di chuyển, bạn vẫn thấy đau. Theo thời gian, các cơn đau tăng dần và không có dấu hiệu giảm nhẹ
  • Các cơn co thắt trở nên dữ dội hơn, bắt đầu ở lưng dưới và di chuyển lên phía trước bụng.

Nhìn chung, thời gian giữa các cơn co thắt là yếu tố quan trọng nhất để xác định cơn đau chuyển dạ sinh con là thật hay giả. Bạn hãy lưu ý thời gian từ lúc thấy đau cho đến khi bắt đầu cơn đau tiếp theo.

Ngoài việc xuất hiện các cơn gò tử cung, khi chuyển dạ sinh con, mẹ cũng có thể bị:

  • Ra nhớt hồng: Do nút nhầy cổ tử cung bị bung và thoát ra ngoài. Bạn sẽ thấy quần lót xuất hiện một chút nhầy nhớt, có màu hồng.
  • Vỡ ối: Lượng nước ối có thể chảy ra nhiều hoặc ít, chảy thành dòng hay nhỏ giọt. Nước ối thường trong suốt hoặc có màu vàng nhạt. Bạn cần lưu ý đến thời gian vỡ ối, lượng nước ối, màu sắc nước ối.

Điều gì sẽ diễn ra trong phòng sinh? Tôi phải rặn đẻ như thế nào khi chuyển dạ sinh con?

chuyển dạ sinh con

Quá trình chuyển dạ sinh con sẽ gồm 3 giai đoạn: giai đoạn mở cổ tử cung, giai đoạn đẩy bé ra ngoài và giai đoạn sổ nhau thai.

Giai đoạn mở cổ tử cung

Đây là giai đoạn kéo dài và gây đau đớn nhất cho mẹ bầu khi phải đối mặt với các cơ đau co thắt với cường độ tăng dần. Thời gian của các cơ co thắt cách nhau từ 1 – 2 phút.

Giai đoạn đẩy bé ra ngoài

Khi cổ tử cung mở ktrọn (10cm) cùng với vùng chậu giãn nở tốt, bác sĩ sẽ bắt đầu cho rặn. Sau mỗi lần rặn, phần đáy xương chậu, phần mô giữa âm đạo và trực tràng sẽ bắt đầu phình ra và đầu của bé sẽ dần lộ ra ngoài.

Để rặn đẻ hiệu quả, khi cảm nhận được cơn co thắt, bạn cần hít vào thật sâu, sau đó nín thở, miệng ngậm chặt, 2 tay nắm chặt vào hai thành của bàn sinh, 2 chân đạp mạnh vào 2 ống treo cổ chân của bàn sinh, dồn hơi thật mạnh đẩy xuống vùng bụng dưới để tống xuất thai nhi ra ngoài. Trong lúc rặn, bạn cần giữ cho lưng thẳng, áp sát vào bề mặt bàn sinh và phần mông phải cong lên phía trước. Sau 1 đợt rặn, bạn hãy thở sâu, điều hòa và dưỡng sức để tập trung vào đợt rặn kế tiếp.

Trong quá trình rặn, đôi lúc, bạn cũng có thể tống xuất cả phân ra ngoài. Đây là điều rất thường gặp và bạn không cần phải thấy xấu hổ.

Giai đoạn sổ nhau thai

Sau khi bé chào đời, cổ tử cung vẫn sẽ tiếp tục co bóp để đẩy nhau ra ngoài. Lúc này, bạn chỉ cần rặn nhẹ. Cơn đau ở giai đoạn này cũng giống như cơn đau bụng kinh.

Thời gian rặn đẻ khi chuyển dạ sinh con sẽ kéo dài bao lâu?

Thời gian rặn đẻ khi chuyển dạ sinh con có thể mất từ vài phút đến vài giờ tùy thuộc vào các yếu tố sau:

  • Số lần sinh: Nếu đây là lần đầu sinh, các cơ vùng chậu sẽ mất nhiều thời gian để kéo căng. Còn nếu đây là lần sinh thứ hai hoặc thứ 3, bạn có thể chỉ cần rặn từ 1 – 2 lần bởi các cơ đã được kéo căng trước đó.
  • Kích thước và hình dạng của xương chậu: Khung xương chậu sẽ thay đổi kích thước trong quá trình sinh. Nếu khung xương chậu của mẹ nhỏ, bé sẽ mất nhiều thời gian để đi qua kênh sinh. Trong trường hợp kênh sinh quá hẹp, thai nhi không thể chui qua được thì bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách mổ lấy thai.
  • Kích thước của trẻ sơ sinh: Xương sọ của bé rất mềm, khi đi qua kênh sinh, đầu của bé có thể bị méo mó nhưng sẽ nhanh chóng trở lại bình thường sau sinh. Nếu đầu của bé có kích thước lớn hơn so với khung xương chậu thì việc rặn đẻ sẽ mất nhiều thời gian và có khi cũng phải mổ.
  • Tư thế của bé: Ngôi thuận là tư thế lý tưởng nhất. Lúc này, đầu bé sẽ quay xuống khung xương chậu, mặt úp vào bụng (đầu cúi tối đa) và có thể di chuyển dễ dàng qua kênh sinh. Còn nếu bé vẫn ở vị trí quay đầu xuống nhưng mặt lại quay ra bụng thay vì quay vào trong thì thời gian sinh nở có thể lâu hơn và có thể khiến mẹ bị đau lưng nghiêm trọng.
  • Lực chuyển dạ và cường độ của các cơn co thắt: Các cơn co thắt mạnh và đều đặn sẽ giúp cổ tử cung nhanh giãn ra và giúp bạn có đủ lực để dễ đẩy em bé ra ngoài.

Khi nào tôi sẽ phải rạch tầng sinh môn?

chuyển dạ sinh con

Việc rạch tầng sinh môn là thủ thuật cắt vùng da phía âm đạo hướng xuống dưới (vùng đáy chậu) để tạo khoảng rộng giúp em bé chui ra ngoài dễ dàng. Không ai có thể đoán trước được liệu bạn có cần phải rạch tầng sinh môn hay không. Bác sĩ sẽ chỉ định rạch tầng sinh môn nếu lúc rặn tầng sinh môn giãn không tốt, thường là ở người sanh con đầu lòng:

Việc ăn uống cân bằng, khoa học và thực hiện các bài tập cơ sàn chậu trong bốn tuần trước ngày dự sinh có thể làm giảm nguy cơ rạch tầng sinh môn.

Một vết rách nhỏ ở tầng sinh môn có thể ít đau và nhanh lành hơn so với vết rạch tầng sinh môn. Sẽ có một số trường hợp dù không bị rạch tầng sinh môn nhưng mẹ vẫn phải khâu một vài mũi, là do bị rách tự nhiên lúc rặn.

Tôi sẽ một mình trong phòng sinh…?

Tùy thuộc vào nơi bạn sinh mà người thân có thể ở bên trong lúc bạn chuyển dạ sinh con hay không. Trước khi sinh, bạn có thể tham khảo trước các dịch vụ tại bệnh viện cũng như các quy định trong phòng sinh. Nếu được, bạn có thể để chồng hoặc người thân vào phòng sinh để động viên, hỗ trợ hoặc để truyền đạt nhanh nhất tình trạng cũng như những mong muốn của bạn đến bác sĩ.  Tuy nhiên, nếu người thân không ở bên thì bạn cũng đừng quá lo, các bác sĩ sẽ hỗ trợ bạn.

Khi nào tôi có thể cho bé bú?

Bạn có thể bắt đầu cho bé bú ngay giờ đầu ngay sau khi sinh. Nếu bé thở nhanh hoặc bị sặc sữa, bạn có thể hỏi bác sĩ để được hỗ trợ. Trong một giờ sau sinh, bạn cũng có thể tiếp xúc “da kề da” với bé liên tục 90 phút sau sinh để tạo sự gắn kết và bạn có thể bắt đầu cho bé bú mẹ vào thời điểm này.

Lần đầu cho con bú có thể có nhiều khó khăn. Bạn sẽ cần làm quen với bé trong khi bé sẽ cần học cách ngậm ti mẹ. Do đó, đừng quá lo nếu việc cho bé bú ở lần đầu không diễn ra suôn sẻ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách cho bé bú tốt nhất.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Have a Question About Labor and Delivery? https://www.healthline.com/health/pregnancy/labor-frequently-asked-questions Ngày truy cập: 23/2/2021 

3 Stages Of Childbirth http://www.momjunction.com/articles/stages-childbirth_0022710/?ref=hotpickssidebar Ngày truy cập: 23/2/2021 

Pregnancy and Signs of Labor  http://www.webmd.com/baby/labor-signs#1 Ngày truy cập: 23/2/2021

Phiên bản hiện tại

13/05/2021

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bí quyết đẻ không đau: Gây tê màng cứng & Rặn sinh đúng cách

Mẹ bầu nên biết gì về tình trạng chuyển dạ nhanh?


Tác giả:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Ngày cập nhật: 13/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo