backup og meta

Dấu hiệu cổ tử cung mở khi chuyển dạ sắp sinh

Quan sát các dấu hiệu cổ tử cung mở góp phần giúp mẹ bầu dự đoán thời gian chuyển dạ, nhằm liên hệ bác sĩ và chuẩn bị đón em bé kịp thời, mẹ tròn con vuông.

Cổ tử cung mở là dấu hiệu cơ thể mẹ bầu đã sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ và sinh con. Vậy dấu hiệu nào cho biết cổ tử cung đã mở? Và các mẹ bầu khi nào thì cần đến bệnh viện? Hãy cùng Hello Bacsi giải đáp trong bài viết này nhé.

Dấu hiệu nhận biết cổ tử cung mở

Cổ tử cung mở là dấu hiệu cho thấy mẹ sắp chuyển dạ và em bé đã sẵn sàng để chào đời. Dù vậy cổ tử cung mở nhanh hay chậm, mất bao lâu sẽ tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Vậy làm sao để biết cổ tử cung đã mở hay chưa? Dưới đây là một số dấu hiệu cổ tử cung mở thường thấy:

1. Bung nút nhầy và tăng dịch tiết âm đạo

Khi bạn mang thai, cơ thể sẽ hình thành một nút dịch nhầy đặc lấp kín phần ống cổ tử cung.  Nút này được tạo thành từ protein kháng khuẩn, hormone (estrogen, progesterone) và peptide (chuỗi amino acid), giúp ngăn vi khuẩn xâm nhập tử cung và gây nhiễm trùng.

Vào giai đoạn cuối thai kỳ nhất là khi gần chuyển dạ, nút nhầy có thể bung ra. Lúc này, bạn có thể nhận thấy dịch tiết âm đạo ra nhiều hơn, có dạng dịch đặc màu nâu, hồng hoặc đỏ.

2. Xuất hiện cơn gò tử cung

Bắt đầu bước vào tuần 36 đến tuần 40 của thai kỳ, mẹ bầu có thể nhận thấy các cơn gò tử cung xuất hiện rõ rệt hơn. Các cơn gò có xu hướng ngày càng dài hơn, mạnh hơn và thường xuyên hơn khi cổ tử cung bắt đầu mở và mẹ sẵn sàng để chuyển dạ

Trong quá trình co thắt, các cơ tử cung của bạn sẽ thắt chặt và bạn sẽ cảm thấy bụng cứng hơn. Có một số người còn miêu tả cơn đau này giống như đau bụng kinh.

3. Vỡ ối, chảy máu nhẹ

Một trong những dấu hiệu cổ tử cung mở là vỡ nước ối. Khi màng ối vỡ ra, mẹ bầu sẽ cảm thấy một dòng nước nhỏ giọt, chầm chậm chảy xuống chân hoặc một luồng nước nhiều, tuôn ra đột ngột từ âm đạo. Nước ối thường trong và nhạt màu, đôi khi sẽ khiến mẹ bầu không phân biệt được với nước tiểu.

Ngoài ra, có thể mẹ bầu cũng sẽ chảy máu nhẹ khi tử cung mở ra. Điều này là do khi gần đến ngày sinh, các mạch máu trong mao mạch cổ tử cung sẽ vỡ, làm dịch tiết âm đạo và chất nhầy cổ tử cung có màu máu. Vì thế một lượng máu nhỏ cũng báo hiệu tử cung đang mở và quá trình chuyển dạ sắp bắt đầu. Ngược lại, nếu chảy máu quá nhiều, các mẹ bầu nên đến bệnh viện hoặc tìm bác sĩ càng sớm càng tốt.

4. Cảm giác thai nhi tụt thấp xuống khung chậu

Một dấu hiệu khác báo hiệu cổ tử cung sắp mở là cảm giác nặng trịch ở vùng chậu, như thể em bé trong bụng đang tụt càng ngày càng thấp xuống dưới. Trạng thái này sẽ gây áp lực khiến cổ tử cung căng, mở ra và là dấu hiệu cho thấy em bé của bạn đang sắp sửa chào đời.

Dấu hiệu cổ tử cung mở sắp sinh
Cảm giác em bé trượt xuống thấp là dấu hiệu cổ tử cung sắp mở.

5. Đau vùng chậu, đau âm đạo

Cùng với cảm giác rằng em bé đang tụt xuống, bạn cũng có thể cảm thấy đau nhói đột ngột ở vùng chậu hoặc vùng âm đạo khi cổ tử cung bắt đầu mở ra. Điều này là bởi thai nhi tụt xuống, tạo áp lực lên các dây thần kinh và cơ ở khu vực này. 

Lúc này, bạn có thể cảm thấy đau ở:

  • 1 hoặc cả 2 bên lưng dưới.
  • Trên xương mu ở chính giữa phía trước.
  • Khu vực giữa âm đạo và hậu môn (đáy chậu).
  • Cơn đau có thể lan rộng đến phần đùi của bạn.

6. Đau lưng, chuột rút

Trong một thống kê của Đại học Y khoa Trung Quốc, có tới 75,3% người tham gia bị đau lưng dưới trong quá trình chuyển dạ. Kết quả được đúc kết sau khi đo xuyên suốt giai đoạn chuyển dạ tiềm tàng (cổ tử cung giãn 2-4 cm), giai đoạn đầu chuyển dạ tích cực (cổ tử cung giãn 5-7 cm) và giai đoạn cuối chuyển dạ tích cực (cổ tử cung giãn 8-10 cm). 

Đau lưng và chuột rút cũng là những dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đang giãn mở. Điều này là do tử cung ngày càng to làm tăng áp lực lên các mạch máu chính và các dây thần kinh từ tủy sống đến chân, vì thế gây ra tình trạng chuột rút và đau lưng dưới. 

Ngoài ra, các chuyên gia tin rằng vị trí nằm của thai nhi cũng góp phần gây đau lưng cho mẹ ở giai đoạn gần chuyển dạ. Do phần sau đầu của thai nhi đè vào cột sống dưới và xương cụt của mẹ, vì thế gây nên tình trạng đau lưng và chuột rút.

Các giai đoạn mở của cổ tử cung

Khi đã nhận biết các dấu hiệu mở cổ tử cung, các mẹ bầu cũng nên lưu ý quan sát các thay đổi trong cơ thể để dự đoán các giai đoạn mở của cổ tử cung và thời gian có thể chuyển dạ.

Cổ tử cung mở được khoảng 1 – 4 cm

Giai đoạn cổ tử cung mở khoảng 1 – 4 cm được gọi là giai đoạn chuyển dạ tiềm tàng. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy những cơn co thắt nhẹ. Khoảng thời gian giữa các cơn co thắt dao động từ 5 – 30 phút, mỗi cơn co thắt kéo dài khoảng 45 giây. 

Những mẹ bầu lần đầu sinh con có thể mất đến 6 – 10 tiếng trước khi chuyển dạ thật sự, trong khi các mẹ đã sinh con trước đó sẽ mất tầm 2 – 5 tiếng. Đây là giai đoạn kéo dài nhất trong cả quá trình chuyển dạ, vì vậy đa số mẹ bầu có thể dành thời gian nghỉ ngơi và dưỡng sức ở nhà trước khi lâm bồn.

Cổ tử cung mở được khoảng 4 – 7 cm

Tiếp theo, khoảng thời gian cổ tử cung mở đến 7 cm là dấu hiệu bạn đã bước vào giai đoạn chuyển dạ tích cực. Trong giai đoạn này, cổ tử cung có thể giãn nở đều đặn mỗi giờ. Các cơn co thắt lúc này cũng sẽ kéo dài hơn, dữ dội hơn và đều đặn hơn (cách nhau từ 3 đến 5 phút).

Một người chưa từng sinh con trước đây có thể chuyển dạ tích cực trong khoảng 3 đến 6 tiếng, còn người đã từng sinh con trung bình sẽ mất 1 đến 3 tiếng cho giai đoạn này. 

UC San Diego Health khuyến nghị khi cổ tử cung mở hơn 4cm chính là lúc các mẹ bầu nên đến bệnh viện để được theo dõi và nhận sự chăm sóc từ bác sĩ.
Khi có dấu hiệu cổ tử cung mở 4cm, mẹ bầu nên bắt đầu tới bệnh viện.

Cổ tử cung mở khoảng 7 – 9 cm

Lúc này, mẹ đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp. Đây chính là giai đoạn mà các cơn co thắt sẽ dữ dội nhất, đồng thời có khả năng gây ra cảm giác buồn nôn, đau vùng chậu, run rẩy và mệt mỏi.

Nhìn chung, bạn sẽ mất trung bình khoảng 4 – 8 tiếng cho đến khi cổ tử cung mở rộng được 10 cm và bắt đầu chuyển dạ thật sự. 

Cổ tử cung mở được 10 cm

Khi cổ tử cung đạt 10 cm tức là đã giãn nở hoàn toàn, em bé đang đi xuống ống sinh và sẵn sàng để chào đời. Các cơn co thắt lúc này vẫn tiếp tục, trở nên mãnh liệt hơn để thúc đẩy mẹ rặn đẻ. Một vài người có thể thấy cơn thắt lúc này giống như cảm giác đau bụng muốn đi tiêu.

Giai đoạn mở cổ tử cung Mức độ mở (cm) Thời gian dự kiến
Tiềm tàng 1 – 4cm 6 – 10 giờ
Tích cực 4 – 7cm 3 – 6 giờ
Chuyển tiếp 7 – 10cm 4 – 8 giờ

Cách làm tử cung mở nhanh

Việc thúc cổ tử cung mở nhanh không chỉ giúp em bé chào đời một cách thuận lợi, mà còn rút ngắn thời gian chịu đựng những cơn co thắt cho các bà mẹ. Vì thế, dưới đây là một số phương pháp được khuyến nghị nhằm thúc đẩy cổ tử cung mở nhanh hơn.

Vận động nhẹ nhàng

Việc đứng lên, ngồi xuống hoặc đi dạo nhẹ nhàng giúp em bé dễ dàng di chuyển xuống ống sinh, đồng thời giúp máu huyết lưu thông, kích thích cổ tử cung mở rộng. Nếu có bóng yoga, bạn hãy ngồi lên để xoay nhẹ phần thân dưới. Điều này hỗ trợ làm mềm cổ tử cung, mang lại cảm giác thư giãn và giúp các mẹ làm dịu cơn đau đẻ.

Tắm nước ấm

Tình trạng tâm trí và thân thể bị căng thẳng quá mức trước khi chuyển dạ sẽ gây nên căng cơ, từ đó ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của bạn. Do vậy, một số mẹ bầu lựa chọn tắm nước ấm dưới vòi hoa sen để cơ thể vừa sạch sẽ trước khi đi sinh mà cũng hỗ trợ cổ tử cung mở nhanh hơn. 

Mẹ bầu chú ý không ngâm bồn nước nóng vào giai đoạn này. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lyndon B. Johnson, ngâm nước nóng không có tác dụng gì trong việc thay đổi tốc độ giãn nở cổ tử cung hay thời gian chuyển dạ. Trong khi đó, ngâm nước nóng có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, ảnh hưởng xấu đến thai nhi và gây nhiễm trùng cho cả mẹ và bé.

Kích thích núm vú

Một nghiên cứu của Đại học Quốc tế St. Luke’s (Nhật Bản) đã chứng minh kích thích núm vú tạo điều kiện giải phóng oxytocin trong cơ thể mẹ bầu. Thêm vào đó, oxytocin lại có tác dụng gây co thắt cơ tử cung tạo ra các cơn gò, giúp thúc đẩy mở cổ tử cung và khởi phát quá trình chuyển dạ.

Để thực hiện phương pháp này, bạn hãy nhẹ nhàng xoa bóp ngực hoặc chườm ấm lên ngực trong một giờ, thực hiện tổng cộng ba lần một ngày. Tuy nhiên, việc này xoa núm vú có thể gây nên cơn co cường tính không kiểm soát được với một số mẹ bầu, nên để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé yêu, mẹ bầu chỉ nên thực hiện xoa núm vú khi có sự cho phép và theo dõi trực tiếp của bác sĩ hay nữ hộ sinh, tuyệt đối không tự làm tại nhà. 

Quan hệ tình dục

Mặc dù chưa có kết luận thống nhất từ các chuyên gia, một số nghiên cứu đã liên kết giữa quan hệ tình dục với sự thay đổi ở cổ tử cung. Theo đó, quan hệ tình dục có thể giúp khởi phát chuyển dạ vì:

  • Prostaglandin là một hợp chất có tác dụng làm giãn nở cổ tử cung và gây chuyển dạ, còn tinh dịch nam giới là nguồn sinh học được cho là chứa nồng độ prostaglandin cao nhất
  • Oxytocin là hormone được giải phóng trong quá trình cực khoái. Trong khi đó, oxytocin là dạng tự nhiên của pitocin, loại hormone tổng hợp mà bạn thường được truyền qua đường tĩnh mạch khi các bác sĩ thúc chuyển dạ tại bệnh viện.

Dù vậy, các nghiên cứu trên đều còn những thiếu sót và chưa chỉ ra rõ ràng bằng chứng về việc quan hệ tình dục có thể đẩy nhanh quá trình mở tử cung. Vì vậy tốt nhất bạn nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ để tránh rủi ro không đáng có cho mẹ và bé trong những tháng cuối của thai kỳ.

Về việc ăn dứa để mở cổ tử cung nhanh hơn

Trên thực tế, nhiều mẹ bầu truyền tai nhau về việc ăn dứa có thể đẩy nhanh quá trình mở cổ tử cung và chuyển dạ, tuy nhiên phương pháp này cũng tồn tại nhiều bất cập.

Enzyme bromelain trong dứa đúng là có thể hỗ trợ co thắt tử cung, giúp tử cung giãn nở tốt hơn để dễ sinh nở. Tuy nhiên, lượng enzym bromelain có trong một quả dứa rất ít. Bạn sẽ cần phải ăn từ 7 – 10 quả dứa để đẩy nhanh quá trình mở cổ tử cung, nhưng mẹ sẽ dễ gặp phải các biến chứng như đau rát dạ dày, tiêu chảy và tăng đường huyết.  

Tại sao cổ tử cung mở chậm?

Tốc độ mở cổ tử cung sẽ khác nhau ở mỗi mẹ bầu, tùy theo từng cơ địa và sức khỏe. Dù vậy, nếu bạn cảm thấy cổ tử cung của mình tốn nhiều thời gian hơn bình thường để có thể giãn mở, có thể là do:
  • Ống sinh quá nhỏ.
  • Căng thẳng và căng cơ.
  • Thai nhi ở vị trí bất thường.
  • Thai nhi quá lớn, gặp khó khăn khi di chuyển qua ống sinh.
  • Các cơn co thắt của tử cung quá yếu hoặc không đủ thường xuyên để đẩy thai nhi.

Câu hỏi thường gặp

Làm sao để nhận biết dấu hiệu mở cổ tử cung nguy hiểm?

Hiện tượng cổ tử cung mở trước khi mẹ bầu bước vào giai đoạn chuyển dạ (trước 37 tuần) được gọi là cổ tử cung mở sớm. Trong thai kỳ, cổ tử cung luôn đóng kín, ngăn cách buồng tử cung với âm đạo và ngăn em bé trượt ra. Vì vậy tình trạng mở cổ tử cung sớm là rất nguy hiểm, bởi có thể gây ra sảy thai hoặc sinh non.

Nếu thai nhi chưa đủ 37 tuần mà bạn nhận thấy những điều sau đây thì đó có thể là dấu hiệu mở cổ tử cung sớm:

  • Có hiện tượng chảy máu nhẹ.
  • Đôi khi xuất hiện những cơn gò nhẹ.
  • Cảm giác đau lưng, đau lưng dưới nhiều.
  • Cảm thấy nặng nề ở vùng khung xương chậu.
  • Âm đạo thường xuyên tiết dịch, mỗi ngày một nhiều và loãng.
Mẹ bầu nên lưu ý các dấu hiệu cổ tử cung mở sớm nguy hiểm.

Phân biệt hiện tượng cổ tử cung mỏng đi và giãn mở trước khi chuyển dạ?

Hiện tượng cổ tử cung mỏng đi, ngắn lại và hiện tượng giãn mở cổ tử cung thực chất không giống nhau. Bởi vì sau khi cổ tử cung ngắn lại thì mới có thể bắt đầu giãn mở và đưa em bé ra  ngoài.

Cổ tử cung mỏng đi và ngắn lại (Cervical effacement)

Cổ tử cung mỏng đi và ngắn lại xảy ra vào cuối thai kỳ khi cơ thể bạn chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Trước giai đoạn này, cổ tử cung của bạn giống như tồn tại một “nút thắt”, ngăn không cho thai nhi trượt xuống ống sinh và bảo vệ thai nhi khỏi bị nhiễm trùng. 

Đến gần ngày sinh, các cơ tử cung của bạn sẽ co lại (hoặc thắt chặt) để giúp hạ hoặc đưa đầu em bé vào vùng xương chậu. Áp lực này khiến cổ tử cung của bạn chuyển từ cứng và dài sang mềm và ngắn hơn. 

Cổ tử cung giãn mở (Cervical dilation)

Khi em bé đã vào xương chậu sau giai đoạn trên, cổ tử cung sẽ dần mở ra, cho phép em bé di chuyển từ tử cung đến ống sinh, quá trình này gọi là sự giãn mở của cổ tử cung.

Cổ tử cung mở bao giờ thì sanh?

  • 1-3cm: Khoảng thời gian từ lúc mở 1cm, 2cm và 3cm cho đến tận khi sinh con khác nhau tùy theo từng người. Có người có thể chuyển từ trạng thái đóng cổ tử cung sang sinh con chỉ trong vài giờ, trong khi một phụ nữ khác mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần trước khi mở được 3cm.
  • 7cm: Thường mất khoảng 4 – 8 giờ trước khi tử cung mở từ 7cm lên đạt 10cm. Người chưa từng sinh con có thể sẽ chuyển dạ trong khoảng 3 đến 6 giờ, trong khi người đã từng sinh con có thể chỉ mất 1 đến 3 giờ.
  • 10cm: Tức tử cung đã mở hoàn toàn, có thể chỉ cần 20 phút hoặc dài tới vài giờ trước khi bạn sinh bé.

Cổ tử cung mở nhưng không đau bụng là sao?

Tình trạng cổ tử cung giãn mở nhưng không đau bụng không phải hiếm gặp. Nhiều người không nhận thấy cơn co thắt ban đầu, chỉ nhận ra mình chuyển dạ khi bước vào giai đoạn sau.

  • 1cm: Tình trạng mẹ bầu mở tử cung được 1cm nhưng không đau bụng là bình thường. Khi tử cung mở 1cm chỉ mới là giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ, lúc này cơn co tử cung còn yếu nên có thể chưa đủ mạnh để gây đau cho mẹ bầu.
  • 3cm – 4cm: Kể cả khi cổ tử cung mở 3cm, 4cm mà không đau bụng cũng không hẳn là một dấu hiệu hiếm thấy. Bởi có khi mẹ bầu chỉ đang ở giai đoạn cuối tam cá nguyệt thứ ba và vẫn chưa có những dấu hiệu chuyển dạ rõ ràng như đau bụng.
  • 6cm: Khi cổ tử cung mở 6cm, bạn đang trong giai đoạn chuyển dạ tích cực. Tuỳ thuộc vào ngưỡng chịu đau của mỗi mẹ bầu mà cảm nhận về cơn đau của các mẹ sẽ khác nhau.

Kết luận

Như vậy, bài viết trên đã chỉ ra một vài thông tin cần biết về các dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đã mở. Hy vọng các mẹ bầu đã tìm được thông tin hữu ích để bảo vệ cả em bé và bản thân trong những tuần cuối thai kỳ.

Nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào về các dấu hiệu cổ tử cung mở, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Effacement

https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/23156-effacement

Ngày truy cập: 18/12/2024

These Are the Signs Your Cervix Is Dilating

https://www.parents.com/pregnancy/giving-birth/signs-of-labor/qa-im-dilated-will-i-go-into-labor-today/

Ngày truy cập: 18/12/2024

Signs that labour has begun

https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/signs-of-labour/signs-that-labour-has-begun/

Ngày truy cập: 18/12/2024

What is Dilation in Pregnancy?

What is Dilation in Pregnancy?

Ngày truy cập: 18/12/2024

6 Signs Labor Is Near

https://www.franciscanhealth.org/community/blog/6-signs-labor-coming

Ngày truy cập: 18/12/2024

Cervix Dilation Chart: What to Expect During the Stages of Labor

https://www.parents.com/pregnancy/giving-birth/labor-and-delivery/cervix-dilation-chart-pictures-that-explain-the-stages-of-labor/#:~:text=Early%20phase%3A%20The%20cervix%20will,cm%20and%20is%20fully%20dilated

Ngày truy cập: 18/12/2024

Cervical dilation and effacement

https://www.babycenter.com/pregnancy/your-body/dilation-and-effacement_40007972

Ngày truy cập: 18/12/2024

Pelvic pain in pregnancy

https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/pelvic-pain/

Ngày truy cập: 18/12/2024

Phiên bản hiện tại

08/01/2025

Tác giả: Uyên Trần

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Chuyển dạ sinh con và 101 thắc mắc của mẹ bầu

Thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ? Trường hợp nào nên sinh mổ?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Uyên Trần · Ngày cập nhật: 7 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo