backup og meta

Còn 1 tinh hoàn có sinh con được không? Tìm hiểu giải pháp ngừa vô sinh

Còn 1 tinh hoàn có sinh con được không? Tìm hiểu giải pháp ngừa vô sinh

Nam giới bình thường sẽ có 2 tinh hoàn trong bìu trong khi một số trường hợp bất thường sẽ chỉ có 1 tinh hoàn. Tình trạng này là kết quả của một số nguyên nhân, chẳng hạn như bẩm sinh chỉ có 1 tinh hoàn hoặc do bạn phải phẫu thuật cắt bỏ vì lý do sức khỏe. Xoay quanh vấn đề này, điều mà “cánh mày râu” thắc mắc nhiều nhất đó là 1 tinh hoàn có sinh con được không?

Thực chất, chỉ còn 1 tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến cơ hội sinh con của bạn nhưng không có nghĩa là vô sinh hoàn toàn. Bạn hãy đọc tiếp bài viết sau của Hello Bacsi để tìm câu trả lời thích hợp cho vấn đề bạn đang trải qua nhé!

Vì sao một số trường hợp nam giới chỉ có 1 tinh hoàn?

Việc nam giới có 1 tinh hoàn có thể là kết quả của vấn đề phát triển từ khi còn là bào thai hoặc là do phẫu thuật cắt bỏ. Sau đây là chi tiết những nguyên nhân chính khiến một số đàn ông chỉ có 1 tinh hoàn.

1. Tinh hoàn ẩn (Undescended testicle)

Trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn của bé trai được hình thành và nằm tại vị trí phía sau sát hai quả thận. Sau đó, hai tinh hoàn từ từ di chuyển xuống bìu vào thời điểm khoảng 1- 2 tháng trước khi bé được sinh ra. Tuy nhiên, một vài trường hợp thì 1 hoặc cả 2 tinh hoàn của bé không xuống bìu hoặc chỉ xuống một phần. Tình trạng này được gọi là tinh hoàn ẩn.

Sau khi sinh, vẫn có nhiều trường hợp tinh hoàn sẽ tự động di chuyển xuống bìu trước khi trẻ được 3 tháng tuổi. Ngược lại, nếu tinh hoàn vẫn không xuống bìu khi trẻ được 6 tháng tuổi thì có thể cần đến điều trị hoặc tinh hoàn “mất tích” sẽ tự teo lại và bé trai chỉ còn 1 tinh hoàn.

2. Hội chứng không có tinh hoàn (Testicular regression syndrome hoặc Anorchia)

Hội chứng không có tinh hoàn liên quan đến sự biến mất của 1 hoặc 2 tinh hoàn. Tình trạng này thường là bẩm sinh và có thể xảy ra ngay trước hoặc sau khi một bé trai chào đời. Một số trường hợp thai nhi có 2 tinh hoàn trước khi sinh nhưng sau đó bị teo lại và biến mất. Hội chứng này được lý giải là có liên quan đến nội tiết tố hoặc vấn đề cấu trúc thừng tinh. Tuy nhiên, đây là tình trạng khá hiếm gặp.

3. Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn

có 1 tinh hoàn có con được không

Việc tiến hành phẫu thuật cắt bỏ 1 hoặc cả 2 tinh hoàn có thể cần thực hiện vì một số lý do sau đây:

  • Ung thư: Ung thư: Nếu bạn được chẩn đoán ung thư tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư vú nam giới thì việc cắt bỏ tinh hoàn có thể là một phần của chiến lược điều trị. 
  • Tinh hoàn ẩn: Nếu bạn có 1 tinh hoàn ẩn không thể tìm thấy khi còn trẻ thì việc cắt bỏ có thể cần thiết.
  • Chấn thương: Chấn thương ở bìu có thể gây tổn thương cho 1 hoặc cả 2 tinh hoàn của bạn. Nếu tinh hoàn bị “hỏng” không thể thực hiện chức năng vốn có được nữa thì có thể cần cắt bỏ.
  • Sự nhiễm trùng: Nếu bạn nhiễm vi khuẩn hoặc virus và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 1 hoặc 2 tinh hoàn thì có thể phải phẫu thuật cắt bỏ, đặc biệt là khi việc điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh không hiệu quả.

Còn 1 tinh hoàn có sinh con được không? Giải pháp giúp bạn ngừa vô sinh

Trong hầu hết trường hợp, 1 tinh hoàn vẫn có thể cung cấp đủ testosterone để dương vật cương cứng và xuất tinh khi quan hệ. Điều này nghĩa là 1 tinh hoàn cũng đủ để sản xuất tinh trùng đầy đủ cho quá trình thụ tinh. Vì vậy, câu trả lời cho vấn đề 1 tinh hoàn có sinh con được không đó là vẫn có thể bạn nhé!

Việc có 1 tinh hoàn ít khi gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào cho nam giới, bao gồm cả sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn phải điều trị ung thư tinh hoàn bằng hóa trị và cắt bỏ 1 bên tinh hoàn thì vẫn có thể dẫn đến vô sinh tạm thời hoặc vĩnh viễn. Do đó, bạn không nên chủ quan mà cần có “chiến lược” khác để bảo toàn khả năng sinh con của mình. Một trong những giải pháp tối ưu hiện nay là đông lạnh tinh trùng còn gọi là trữ đông tinh trùng trước khi cắt bỏ tinh hoàn.

Kỹ thuật này có được thực hiện tại các bệnh viện có ngân hàng tinh trùng. Trước khi cung cấp mẫu tinh trùng, bạn sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm máu để chắc rằng bạn không nhiễm HIV, viêm gan B và viêm gan C. Nếu đạt yêu cầu, tinh trùng của bạn sẽ được đông lạnh. Đợi đến khi bạn muốn sinh con, tinh trùng sẽ được rã đông và sử dụng để thụ tinh nhân tạo với trứng từ bạn đời của bạn.

Đàn ông có 1 tinh hoàn có gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục?

có 1 tinh hoàn có con được không

Ngoài vấn đề 1 tinh hoàn có sinh con được không? Chắc hẳn bạn cũng quan tâm đến vấn đề thiếu 1 tinh hoàn có ảnh hưởng đến ham muốn và đời sống tình dục hay không? Thường thì câu trả lời sẽ là không. Đa số đàn ông có 1 tinh hoàn vẫn có đời sống tình dục bình thường và lành mạnh. Bởi vì 1 tinh hoàn vẫn có thể sản xuất đủ testosterone để thúc đẩy ham muốn tình dục. Lượng hormone này cũng đủ để dương vật cương cứng và xuất tinh khi đạt cực khoái.

Tuy nhiên, đối với trường mới phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn thì bạn cần giảm thiểu các hoạt động cần gắng sức, bao gồm cả quan hệ tình dục. Điều này nhằm ngăn ngừa tình trạng thoát vị bẹn (hernia) hoặc một số biến chứng khác.

Suy cho cùng, bạn không cần quá lo lắng vấn đề 1 tinh hoàn có sinh con được không? Có 1 tinh hoàn chưa hẳn sẽ gây vô sinh. Tuy nhiên, nếu bạn là bệnh nhân cần phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn do ung thư thì vẫn nên có kế hoạch dự phòng. Trường hợp bạn đang gặp khó khăn trong đời sống tình dục hoặc vấn đề sinh con khi có 1 tinh hoàn thì cách tốt nhất là nên nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ từ bác sĩ chuyên khoa nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

FAQs About Living With One Testicle

https://www.healthline.com/health/faqs-about-living-with-one-testicle Truy cập ngày 24/06/2022

Fertility

https://orchid-cancer.org.uk/testicular-cancer/fertility/ Truy cập ngày 24/06/2022

Orchiectomy

https://www.childrenscolorado.org/doctors-and-departments/departments/urology/tests-services/pediatric-orchiectomy/ Truy cập ngày 24/06/2022

Testicular Regression

https://www.luriechildrens.org/en/specialties-conditions/testicular-regression/ Truy cập ngày 24/06/2022

Partial Orchiectomy

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/testicular-cancer/partial-orchiectomy Truy cập ngày 24/06/2022

Phiên bản hiện tại

05/07/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Viêm tinh hoàn có nguy hiểm không? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Siêu âm tinh hoàn: Những thông tin phái mạnh cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 05/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo