backup og meta

Bí kíp chuẩn bị mang thai cho vợ chồng trong 1 tháng

Bí kíp chuẩn bị mang thai cho vợ chồng trong 1 tháng

Chuẩn bị mang thai giai đoạn quan trọng nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho em bé lẫn mẹ bầu trong tương lai. Vậy thì mỗi cặp vợ chồng cần chuẩn bị gì trước khi mang thai?

Quyết định sẽ có em bé là việc quan trọng.  Song cơ thể bạn đã sẵn sàng để mang thai chưa? Cùng với phụ nữ, nam giới cần chuẩn bị gì trước khi thụ thai? Hello Bacsi sẽ bật mí danh sách những gì bạn có thể làm trong 1 tháng để chuẩn bị cho quá trình bầu bí sắp tới.

Chuẩn bị mang thai tuần 1

Một số việc cần chuẩn bị trước khi mang thai mà bạn nên làm là:

Dừng các biện pháp tránh thai

Nếu đang lên kế hoạch mang thai, bạn nên ngừng sử dụng thuốc tránh thai hay biện pháp ngừa thai đang áp dụng. Trên thực tế, nhiều phụ nữ có kinh nguyệt sau khi dừng sử dụng thuốc hoặc biện pháp tránh thai chỉ trong khoảng 5 – 7 ngày.

Trong lần rụng trứng của chu kỳ này, một số phụ nữ có thai ngay lập tức.

Bắt đầu dùng vitamin tổng hợp hoặc các loại thuốc bổ cho vợ chồng trước khi mang thai

Quá trình mang thai gần như bòn rút tất cả những khoáng chất mà cơ thể bạn dự trữ. Do đó, hãy tăng cường bổ sung các vitamin tổng hợp hoặc thuốc bổ cho vợ chồng trước khi mang thai để giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng trong giai đoạn bầu bí.

Bổ sung axit folic

Axit folic được xem là một trong những loại thuốc bổ cho vợ chồng trước khi mang thai. Đặc biệt, dưỡng chất này rất cần thiết đối với cơ thể phụ nữ. Vì thế, trong quá trình chuẩn bị mang thai, ngoài việc bổ sung vitamin tổng hợp, bạn nên quan tâm đến vấn đề bổ sung axit folic hay còn gọi là folate. Việc này giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Hãy đảm bảo bổ sung ít nhất 400 đến 800 microgam axit folic mỗi ngày nhằm phục vụ mục đích hỗ trợ nhanh có tin vui bạn nhé.

Nam giới cần chuẩn bị gì trước khi thu thai? Ăn uống lành mạnh

Bên cạnh phụ nữ, nam giới cần chuẩn bị gì trước khi thụ thai? Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tăng chất lượng tinh trùng. Chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất cần thiết cho phụ nữ chuẩn bị mang thai.

Vì thế, nếu đang dự tính có thai, cả hai vợ chồng hãy tích cực thưởng thức các bữa chính bằng thực phẩm được chế biến tại nhà thay cho việc ăn ở bên ngoài. Nếu ngân sách cho phép, bạn nên ưu tiên chọn thực phẩm sạch, trái cây và rau hữu cơ nhằm hạn chế tiếp xúc với độc tố.

Vận động hợp lý

Việc vận động cơ thể ít nhất bốn đến năm lần một tuần với tổng thời gian 150 phút là một cách tuyệt vời khác để chuẩn bị mang thai. Thói quen tập thể dục sẽ giúp cơ thể bạn dẻo dai, có sức chịu đựng cao nhằm sẵn sàng cho quá trình bầu bí đầy thách thức sắp tới.

Khám sức khỏe

Việc này sẽ giúp bạn nắm được các vấn đề sức khỏe hiện tại, ngăn ngừa được các rủi ro về sức khỏe trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm cần thiết dựa trên nhiều yếu tố để xác định xem sức khỏe của bạn có đang trong tình trạng tốt nhất hay không, đồng thời sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)  tiềm ẩn.

Trong quá trình thăm khám, có thể bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn có sự lựa chọn phù hợp với một số loại thuốc bổ cho vợ chồng trước khi mang thai. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng có được tin vui.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để bạn tìm hiểu nên thực hiện các loại hình tiêm chủng phòng ngừa (uốn ván, rubella…) trước khi mang thai. Biện pháp này sẽ đem đến sự bảo vệ cần thiết cho cả mẹ bầu lẫn em bé khỏe mạnh.

[embed-health-tool-ovulation]

Chuẩn bị mang thai tuần 2

Theo dõi thời điểm rụng trứng

Quá trình tìm hiểu và theo dõi cửa sổ thụ thai sẽ giúp bạn nhanh có tin vui hơn. Ngoài ra, việc nắm rõ về chu kỳ kinh nguyệt cũng hỗ trợ phát hiện nếu có bất cứ điều gì bất thường và cần được giải quyết (ra máu lốm đốm, thời gian hành kinh không đều).

Thông thường độ dài trung bình của chu kỳ kinh nguyệt rơi vào khoảng 28 ngày nhưng có thể dao động từ 21 đến 35 ngày và vẫn nằm trong phạm vi bình thường, khỏe mạnh. Hiện có rất nhiều ứng dụng trên mạng để giúp bạn theo dõi chu kỳ rụng trứng của bản thân.

Tuần 2, chuẩn bị gì trước khi mang thai: Hạn chế tiếp xúc với hóa chất

Việc tiếp xúc với các chất độc hại có thể gây nguy hiểm cho sự phát triển của em bé trong tương lai. Do vậy, giảm thiểu nguy cơ này là một trong những điều quan trọng cần chuẩn bị trước khi mang thai. Bạn có thể thực hiện bằng cách:

  • Tránh sử dụng hợp chất thơm tổng hợp (synthetic fragrances)
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa chứa BPA
  • Bỏ qua một số hình thức làm đẹp như uốn, nhuộm tóc, sơn móng tay…
  • Ưu tiên các sản phẩm làm đẹp có chiết xuất hữu cơ hoặc lành tính nhất có thể.

Thực hiện các bài tập giảm stress

giảm stress để dễ thụ thai

Việc tìm hiểu các biện pháp giảm căng thẳng sẽ giúp ích cho bạn trong suốt thai kỳ và khi chăm sóc bé yêu trong năm đầu đời. Những gợi ý này không hề quá phức tạp, chỉ đơn giản là thở sâu, đi bộ hoặc làm bất cứ điều gì mà bạn thích và cảm thấy thư thái khi thực hiện.

Tập yoga cũng là 1 hình thức giảm stress được đánh giá cao và có lợi cho quá trình chuẩn bị mang thai bằng cách đem lại sự cân bằng trong tâm trí thay vì lo lắng quá mức đến việc phải mau chóng có tin vui.

Thăm khám nha sĩ

Kiểm tra răng miệng để kịp thời điều trị vấn đề hiện có cũng nằm trong danh sách những điều cần làm khi chuẩn bị mang thai. Trong thời gian bầu bí, nội tiết tố sẽ ảnh hưởng đến lợi và răng. Thói quen chăm sóc răng miệng tốt sẽ hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh về răng miệng khi có em bé, chẳng hạn như nha chu, sâu răng.

Tích cực sinh hoạt vợ chồng

Nếu bạn không gặp bất kỳ vấn đề gì về khả năng sinh sản, đừng quá lo lắng đến chuyện gần gũi hay đè nặng việc phải nhanh có tin vui. Thay vào đó, hãy biến chuyện giường chiếu thành quãng thời gian thú vị để bạn và nửa kia có cơ hội thấu hiểu nhau nhiều hơn, tăng tần suất sinh hoạt vợ chồng đều đặn cũng sẽ giúp ích rất nhiều.

Chuẩn bị mang thai tuần 3

chuẩn bị mang thai

Bổ sung nước

Nước chiếm đến 60% tổng trọng lượng cơ thể. Theo các chuyên gia, việc giữ đủ nước cho cơ thể là điều quan trọng để các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt cũng như giúp tăng dịch nhầy, bôi trơn cho những lúc gần gũi. Bạn nên uống khoảng 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày, tùy vào cân nặng và có thể tăng lên nếu thường xuyên phải hoạt động ngoài trời hoặc đổ nhiều mồ hôi.

Đạt cân nặng tiêu chuẩn

Chỉ số khối của cơ thể (BMI) cũng góp phần quyết định khả năng mang thai. Thừa cân hoặc quá gầy cũng sẽ cản trở hành trình bé yêu đến với bạn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về cân nặng hiện tại của bạn cũng như biện pháp để cải thiện nếu chỉ số vẫn chưa đạt chuẩn.

Hạn chế thức uống chứa caffeine

Bạn có thói quen uống nhiều cà phê hoặc đồ uống chứa caffeine mỗi ngày không? Nếu có thì đã đến lúc hạn chế sở thích này rồi đấy, bởi nếu bạn vẫn tiếp tục, thai nhi có nguy cơ thiếu cân sau khi chào đời.

Hai vợ chồng cần chuẩn bị gì trước khi mang thai? Ngủ đủ giấc và ngủ sâu

Một giấc ngủ sâu và đủ thời lượng sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng cũng như nhiều lợi ích khác. Đây cũng là đáp án không thể thiếu cho câu hỏi vợ chồng cần chuẩn bị gì trước khi mang thai!

Các nội tiết kích thích quá trình rụng trứng ở phụ nữ và quá trình trưởng thành của tinh trùng ở nam giới có liên kết với giấc ngủ. Ví dụ, nếu bạn là phụ nữ, việc thiếu ngủ lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến việc giải phóng hormone luteinizing, nội tiết tố có nhiệm vụ kích thích rụng trứng và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Khi kinh nguyệt không đều, bạn sẽ phải mất nhiều thời gian để thụ thai hơn.

Tìm hiểu bệnh sử gia đình

Sức khỏe thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền. Trước khi có thai, bạn có thể muốn tìm hiểu bệnh sử những thành viên trong gia đình của cả hai vợ chồng và sau đó tham khảo ý kiến bác sĩ xem liệu bé yêu có thể tiềm ẩn nguy cơ gặp phải tình trạng nào.

Chuẩn bị mang thai tuần 4

Nam giới cần chuẩn bị gì trước khi thụ thai? Hãy khuyến khích chồng đi kiểm tra sức khỏe

Mặc dù phần lớn quá trình mang thai khỏe mạnh có liên quan đến người phụ nữ, nhưng việc các quý ông kiểm tra sức khỏe cũng là ý tưởng hay. Khoảng 30% trường hợp vô sinh có thể bắt nguồn từ nam giới, do vậy hãy đảm bảo rằng nửa kia của bạn:

  • Không hút thuốc
  • Có sức khỏe ổn định
  • Không lạm dụng rượu bia
  • Không gặp phải tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản.

Tìm hiểu thói quen tốt và xấu cho mẹ bầu

Có rất nhiều điều mà bạn sẽ nghe được trước và trong khi mang thai rằng mẹ bầu nên hay không nên làm gì. Do đó, hãy tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc và tham khảo từ các trang báo có uy tín.

Một số thói quen tốt cho bà bầu gồm:

  • Tập kegel
  • Uống đủ nước
  • Vận động đều đặn
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất đều đặn
  • Ăn đủ, vừa phải, không vì tâm lý ăn cho 2 người mà nạp vào cơ thể quá nhiều dưỡng chất không cần thiết.

Bổ sung vitamin C

Khi mang thai, bạn dễ mắc phải các bệnh vặt hơn thông thường, chẳng hạn như cảm lạnh, cúm hoặc sổ mũi. Do vậy, hãy tăng cường hàng rào miễn dịch thông qua chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm giàu vitamin C.

Thuốc bổ cho vợ chồng trước khi mang thai: bổ sung chất sắt

thuốc bổ cho vợ chồng chuẩn bị mang thai

Trong quá trình chuẩn bị mang thai, cơ thể mẹ bầu cần sắt nhiều hơn bình thường để đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất máu. Bên cạnh đó, sắt cũng là một trong những khoáng chất mà em bé sẽ lấy từ cơ thể người mẹ. Việc có quá ít sắt trong cơ thể khi bắt đầu mang thai có thể khiến bạn có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt và ảnh hưởng đến cả thời gian hậu sản.

Vì thê, chất sắt được coi là loại thuốc bổ cho vợ chồng trước khi mang thai (đặc biệt là người nữ) không thể thiếu. Để tăng cường bổ sung sắt, bên cạnh các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, rau lá xanh đậm, đậu… bạn có thể dùng viên uống bổ sung sắt bởi các ưu điểm nổi bật như sau:

  • Thành phần từ sắt hữu cơ, dễ dàng hấp thu vào cơ thể
  • Bổ sung thêm 2 thành phần cần thiết khác là vitamin B12 và axit folic, góp phần giúp cơ thể ngăn ngừa nguy cơ thiếu hụt 2 khoáng chất này, đồng thời tốt cho việc tạo máu
  • Tiện dụng, dễ uống, không có mùi khó chịu.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

A 30-Day Guide to Prepare Your Body for Pregnancy https://www.healthline.com/health/pregnancy/how-to-prepare-your-body ngày truy cập 02/03/2020

9 ways to prepare your body for pregnancy https://www.firstforwomen.co.za/blog-vault/9-ways-to-prepare-your-body-for-pregnancy/ ngày truy cập 02/03/2020

21 Tips To Prepare Your Body For Pregnancy, According to a Pregnancy Coach https://www.mindbodygreen.com/0-13676/21-tips-to-prepare-your-body-for-pregnancy.html ngày truy cập 02/03/2020

Phiên bản hiện tại

03/03/2022

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: phuong le


Bài viết liên quan

10 dấu hiệu sắp rụng trứng rõ nhất và dễ dàng nhận biết

Mẹ bầu thiếu máu: Thai nhi phải đối mặt với nguy cơ gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 03/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo