backup og meta

Cuộc sống sau khi sinh và những điều mà bạn cần biết

Cuộc sống sau khi sinh và những điều mà bạn cần biết

Sau khi sinh con, bạn sẽ phải đối mặt với điều gì và phải chăm sóc con như thế nào? Đây luôn là câu hỏi đầy băn khoăn của những người mới lần đầu làm mẹ. Lần đầu tiên được nhìn thấy con sau nhiều tháng mang thai chắc chắn sẽ là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời bạn. Ngoài việc phải thích nghi với việc bắt đầu làm mẹ, bạn sẽ gặp các triệu chứng hoàn toàn mới cả về tinh thần lẫn thể chất mà bạn chưa bao giờ phải trải qua trước đây.

1. Các triệu chứng phổ biến sau sinh

Triệu chứng phổ biến nhất mà phụ nữ thường gặp phải sau khi có em bé là xuất huyết ngoài tử cung. Tình trạng này giống với kinh nguyệt nhưng có thể kéo dài đến 8 tuần sau sinh. Ngoài ra, phụ nữ cũng thường trải qua những cơn đau thắt khi tử cung co lại về trạng thái ban đầu.

Các triệu chứng khác sẽ tùy thuộc vào thể trạng của từng người, vào phương pháp sinh con và việc bạn có cho con bú hay không. Nhiều người không cảm nhận chuyện gì đang xảy ra với bản thân và luôn băn khoăn liệu triệu chứng mình đang gặp phải có bình thường hay không. Chảy máu, sưng ngực và đau tử cung là tất cả những gì bạn phải chịu đựng sau khi sinh con. Phần lớn phụ nữ phục hồi hoàn toàn sau khi sinh. Tuy nhiên, có một số biến chứng và các triệu chứng ít phổ biến mà bạn nên biết.

2. Về nhà sau khi sinh

Thời gian lưu trú tại bệnh viện sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của bạn. Một số bệnh viện phụ sản sẽ cho các mẹ sinh con tự nhiên về nhà sau 3 ngày nhưng các mẹ sinh mổ phải ở lại ít nhất 4 ngày, trừ khi có những biến chứng khác. Khi ở bệnh viện, bác sĩ nhi khoa, y tá sẽ cung cấp rất nhiều thông tin và lời khuyên về tình trạng cơ thể và tinh thần cho bạn. Hãy cố gắng tận dụng cơ hội này để hỏi bác sĩ về những thay đổi sau khi sinh và cách cho con bú.

Trước khi rời khỏi bệnh viện, bác sĩ sẽ cho bạn loại thuốc làm mềm phân khi đi vệ sinh để giảm bớt cơn đau. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như bị sốt, bạn phải ở lại bệnh viện cho đến khi những triệu chứng này biến mất. Bác sĩ sẽ kiểm tra trước khi bạn về để đảm bảo rằng cơ thể đã ổn định. Nếu bạn chọn cách sinh con tại nhà, người đỡ đẻ sẽ chăm sóc, kiểm tra tình trạng của mẹ và bé để đảm bảo cả 2 mẹ con đều khỏe mạnh.

3. Sức khỏe của bé

Các bé sẽ phải trải qua kỳ kiểm tra sức khỏe đầu tiên ngay khi chào đời với bài kiểm tra APGAR. Các bài kiểm tra APGAR mất 5 đến 10 phút sau sinh. Điểm APGAR thường dựa trên năm yếu tố:

  • Diện mạo;
  • Nhịp tim;
  • Nếp nhăn;
  • Hoạt động;
  • Hô hấp.

Điểm số tối đa là 10, điểm giữa 7 và 10 được coi là bình thường. Một điểm APGAR thấp cho thấy rằng mẹ bầu đã bị căng thẳng trong suốt thai kỳ.

Khi ở bệnh viện, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra thính giác, thị lực và nhóm máu của bé. Những kiểm tra còn lại tùy thuộc vào cân nặng và những biểu hiện của bé sau khi sinh. Một số em bé sinh thiếu tháng (sinh trước 37 tuần) hoặc sinh ra với cân nặng thấp thường được giữ lại để chăm sóc trong lồng ấp.

Bệnh vàng da sơ sinh là một căn bệnh khá phổ biến. Khoảng 60% trẻ sơ sinh bị bệnh vàng da. Các bác sĩ sẽ điều trị cho bé trong khu vực chăm sóc đặc biệt. Trong vài tuần đầu tiên, mẹ cũng cần phải cho con bú để bổ sung chất dinh dưỡng. Trước khi rời bệnh viện, bạn nên hẹn gặp bác sĩ nhi khoa kiểm tra em bé nhé.

4. Cho con bú

Các bé nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng sẽ là một khó khăn cho cả mẹ và bé. Trong thời kỳ mang thai, vú có thể bị sẫm màu và phát triển hơn. Trẻ sơ sinh không thể nhìn thấy rõ được, do đó núm vú lớn hơn sẽ giúp bé có thể nhận biết và bú mẹ. Sữa tiết ra lần đầu tiên được gọi là sữa non. Sữa này đặc, có màu đục, ít chất béo nhưng lại chứa các kháng thể có giá trị sẽ giúp thiết lập hệ miễn dịch của bé.

Trong 4 ngày đầu tiên, tuyến sữa hoạt động mạnh khiến ngực bạn sưng lên. Đôi khi các ống dẫn sữa có thể bị tắc, gây ra viêm vú. Bạn hãy tiếp tục cho con bú và xoa bóp vú để hạn chế tắc ống dẫn và giảm nguy cơ bị nhiễm trùng. Bạn có thể cho bé bú sữa mẹ trực tiếp hoặc hút sữa cho bé bú. Không phải tất cả mọi phụ nữ đều có thể cho con bú sữa mẹ. Những mẹ mắc các bệnh về ngực không nên cho trẻ bú sữa mẹ. Một số khác lại do công việc và cuộc sống gia đình bận rộn khiến việc cho con bú trở nên khó khăn. Mỗi người mẹ nên quyết định xem mình cần làm gì tốt nhất cho bé và bản thân. Khi cho con bú, bạn nên để ý đến việc bé bú bao lâu và mức độ như thế nào. Nếu bạn không thể cho con bú sữa mẹ hoặc cho con bú một loại sữa khác thì hãy tham vấn ý kiến bác sĩ.

5. Chế độ ăn uống sau sinh

Chế độ ăn uống hồi phục tốt nhất cho mẹ sau sinh phải bao gồm rau tươi, các loại ngũ cốc và các protein có ít chất béo. Nếu đang cho con bú, bạn sẽ cảm thấy đói và phải thường xuyên bổ sung thêm calo để bù cho lượng bị mất khi tiết sữa. Vì vậy, bạn hãy duy trì việc dùng vitamin trong thời gian này và uống nhiều nước để làm tăng nguồn cung cấp sữa.

Bạn nên hạn chế các chất mà bạn không được phép sử dụng khi đang mang thai, đặc biệt là:

  • Rượu;
  • Cà phê;
  • Cá có chứa thủy ngân, chẳng hạn như cá ngừ và cá kiếm.

Chắc hẳn bạn sẽ muốn thực hiện ngay một chế độ ăn kiêng để lấy lại vóc dáng như trước khi sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất bạn nên làm trong vài tuần đầu sau khi sinh là nghỉ ngơi và bổ sung lại các vitamin, khoáng chất bị mất trong quá trình sinh nở.

6. Các hoạt động thể chất

Trong quá trình ở cữ, cơ thể bạn đang hồi phục để tiếp tục các hoạt động thể chất nhất định. Nếu bị rạch tầng sinh môn hoặc mổ lấy thai trong khi sinh thì thời gian trở lại các hoạt động sẽ có sự khác biệt.

Tập thể dục

Bạn có thể tập thể dục sau khi sinh vài ngày. Hãy tập các bài tập vừa phải như chạy bộ, bơi lội và yoga. Điều này có thể giúp hạn chế chứng trầm cảm sau sinh. Nếu có bất kỳ biến chứng nào thì bạn nên hỏi bác sĩ để được tư vấn chế độ tập luyện phù hợp. Đừng ép mình luyện tập nếu cơ thể bạn chưa sẵn sàng.

Quan hệ tình dục

Phải đợi ít nhất từ 6 – 8 tuần sau khi sinh thì mới có thể quan hệ tình dục. Việc hormone thay đổi trong thời gian mang thai có thể làm cho bạn không cảm thấy thoải mái khi gần gũi với chồng. Bạn cũng nên lưu ý rằng, ngay sau khi sinh con và trước khi kinh nguyệt của bạn tiếp tục, bạn đặc biệt có khả năng mang thai một lần nữa. Vì thế, hãy sử dụng một phương pháp ngừa thai trước khi quan hệ.

7. Tâm trạng sau khi sinh

Một triệu chứng sau khi sinh mà các bà mẹ không thể dự đoán được đó là sự thay đổi tâm trạng. Việc thay đổi hormone từ quá trình sinh và cho con bú kết hợp với áp lực của việc chăm sóc con có thể khiến bạn trở nên căng thẳng.

Dễ khóc, dễ xúc động và thường xuyên mệt mỏi là những điều rất dễ xảy ra trong vài tuần đầu sau khi sinh. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng dần hồi phục.

Nếu bạn bắt đầu có ý nghĩ tự tử hoặc suy nghĩ làm hại con, bạn có thể bị trầm cảm sau khi sinh. Sự lo lắng đã khiến bạn mất tỉnh táo, khi đó bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh như chồng, bạn thân hay họ hàng. Theo nghiên cứu cho thấy khoảng 1/7 phụ nữ có triệu chứng bị trầm cảm sau sinh.

Chứng trầm cảm sau sinh có thể đi kèm với tình trạng loạn tâm thần hậu sản. Đây là trường hợp vô cùng nghiêm trọng, người mẹ thường có các dấu hiệu như ảo tưởng hoặc hoang tưởng. Nếu bạn cảm thấy mình đang có những dấu hiệu trên, hãy đến bác sĩ để nhận được tư vấn và chữa trị phù hợp.

8. Khi nào cuộc sống của bạn trở nên bình thường lại?

Khoảng 6–8 tuần sau khi sinh, cơ thể bạn sẽ dần bình phục. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi bệnh viện, nếu tình trạng chảy máu của bạn trở nên nặng hơn, có dấu hiệu sốt cao hoặc có chất dịch mủ chảy ra từ vết thương, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa.

Với những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã biết được một số thông hữu ích về những vấn đề mà mình sẽ gặp phải sau sinh. Hãy chuẩn bị cho mình một tâm trạng tốt nhất để đương đầu với những khó khăn và chăm sóc cho bé cưng của mình nhé.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Life After Delivery http://www.healthline.com/health/pregnancy/life-after-delivery#overview1 Ngày truy cập 11/07/2017

A guide to your first 40 days as a mother https://www.babycenter.in/a1047926/a-guide-to-your-first-40-days-as-a-mother Ngày truy cập 11/07/2017

Phiên bản hiện tại

29/03/2021

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?

Mini IVF: Phương pháp giúp hành trình làm cha mẹ dễ dàng hơn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 29/03/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo