backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Sinh mổ có bị sa tử cung không? Hướng dẫn hữu ích giúp mẹ bầu không còn hoang mang

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 27/01/2022

    Sinh mổ có bị sa tử cung không? Hướng dẫn hữu ích giúp mẹ bầu không còn hoang mang

    Sa tử cung là một nỗi lo phổ biến của các thai phụ. Tuy nhiên so với sinh thường, sinh mổ có bị sa tử cung không là câu hỏi mà các chị em rất quan tâm để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày lâm bồn và chăm sóc sau sinh.

    Hãy cùng đi tìm lời đáp rõ ràng và đáng tin cậy cho câu hỏi này qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết dưới đây nhé!

    Sa tử cung: Những điều mẹ bầu cần biết

    Sa tử cung là tình trạng tử cung bị sa xuống vị trí thấp hơn bình thường và đè lên âm đạo. Sa tử cung xảy ra ở nhiều mức độ:

    • Mức độ nhẹ: Tử cung có sa xuống nhưng không nhiều và hầu như không gây cảm giác khác thường hay khó chịu.
    • Mức độ vừa: Tử cung ngày càng sa xuống gần cửa âm đạo.
    • Mức độ nặng: Thấy được tử cung sa ra ngoài âm đạo, nguy cơ viêm nhiễm, biến chứng là rất cao.

    Trước khi trả lời câu hỏi “sinh mổ có bị sa tử cung không?”, cần biết nguyên nhân gây sa tử cung sau khi sinh.

    Vì sao mẹ sau sinh dễ bị sa tử cung?

    Khi mang thai, tử cung to dần theo sự phát triển của thai nhi. Cùng với đó, các cơ và dây chằng nâng đỡ tử cung cũng phải thích nghi theo. Sau khi sinh, tử cung cần thời gian để co lại, kèm theo đó các dây chằng và mô nâng đỡ cũng chưa quay về trạng thái như bình thường được, dẫn đến nguy cơ bị sa tử cung. Ai cũng có thể bị sa tử cung sau sinh, tuy nhiên mẹ bầu sẽ dễ bị sa tử cung hơn nếu:

  • Thời gian chuyển dạ kéo dài hoặc sinh khó
  • Sinh đôi trở lên hoặc đã sinh con nhiều lần
  • Sinh con nặng cân
  • Vận động quá sức hoặc mang vác nặng sau sinh
  • Bị táo bón hoặc ho kéo dài sau sinh mà không được điều trị kịp thời
  • Mẹ bị béo phì… 
  • Dấu hiệu bị sa tử cung sau sinh

    Phụ nữ sau sinh có thể đã bị sa tử cung vừa hoặc nặng nếu có những triệu sau:

    • Cảm thấy trì nặng, căng tức ở vùng âm hộ
    • Khó khăn khi tiểu tiện, tiểu lắt nhắt không hết hoặc tiểu không kiểm soát
    • Táo bón kéo dài
    • Bị đau khi quan hệ, cảm giác thành âm đạo lỏng lẻo
    • Thường xuyên đau vùng thắt lưng
    • Các triệu chứng nhẹ hơn khi thức dậy buổi sáng và nặng lên trong ngày, nhất là khi đứng lâu hoặc vận động nhiều
    • Thấy có mô mềm lạ lồi ra ở cửa âm đạo. 

    Khi có những dấu hiệu này, chị em cần nhanh chóng đi khám tại chuyên khoa phụ sản, tránh để lâu sẽ làm tình trạng diễn tiến nhanh, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe và khả năng mang thai về sau.

    Sinh mổ có bị sa tử cung không?

    sinh mổ có bị sa tử cung không

    Thông thường khi sinh mổ chỉ định, tử cung của mẹ không trải qua những cơn co bóp mạnh kéo dài để đưa bé ra ngoài. Do đó, thành âm đạo không bị giãn nở để bé đi qua như khi sinh thường. Bên cạnh đó, dây chằng và các cơ nâng đỡ tử cung cũng không bị kéo giãn nhiều. Những yếu tố này giúp giảm nguy cơ bị sa tử cung so với sinh thường.

    Như vậy sinh mổ có bị sa tử cung không?

    Câu trả lời là mẹ bầu sinh mổ vẫn có nguy cơ bị sa tử cung, ít hay nhiều còn phụ thuộc vào những thay đổi của tử cung, dây chằng, cơ sàn chậu khi mang thai và hoạt động sau sinh như đã đề cập ở trên. Vì vậy mà mẹ bầu cần lưu ý những điều nên và không nên làm sau khi sinh để tránh tình trạng này xảy ra.

    Phòng ngừa sa tử cung sau sinh như thế nào?

    Dù sinh mổ hay sinh thường, những điều nên làm dưới đây sẽ giúp tử cung sau sinh phục hồi tốt hơn, phòng ngừa sa tử cung:

    • Vận động phù hợp giúp các cơ nâng đỡ và tử cung sớm quay về tình trạng trước khi mang thai. Mẹ sinh mổ nên bắt đầu tập vận động sau khi sinh khoảng 24 giờ, tuy nhiên cần hết sức nhẹ nhàng và nên có sự giúp đỡ của người thân để đảm bảo an toàn.
    • Để nhanh chóng lấy lại sức khỏe sau sinh, cũng như hạn chế tối đa tình trạng táo bón có thể gây sa tử cung, bạn nên ăn đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng. Trong đó cần chú trọng ăn đầy đủ và đa dạng các loại rau quả và trái cây. Không nên kiêng khem quá mức mà không có cơ sở khoa học.
    • Cần uống đủ nước để khỏe mạnh và chống táo bón sau sinh mổ. Mẹ có thể bổ sung một phần nước mỗi ngày bằng các loại sữa, nước trái cây…
    • Một số nghiên cứu cho thấy hormone oxytocin được tạo ra khi bé bú mẹ có tác động giúp tử cung phục hồi và giảm chảy máu sau sinh.

    bài tập chữa sa tử cung

    • Các bài tập Kergel rất phù hợp giúp cơ sàn chậu của mẹ sau sinh nhanh chóng phục hồi, giảm thiểu tình trạng sa tử cung. Tập Kergel sau khi sinh mổ bao lâu thì an toàn là khác nhau ở mỗi người, vì vậy bạn nên hỏi bác sĩ để biết cụ thể.

    Lời kết, sinh mổ có bị sa tử cung không?

    Mong rằng với những thông tin trên đây, chị em đã có câu trả lời cho thắc mắc “sinh mổ có bị sa tử cung không”. Dù được chỉ định sinh con theo hình thức nào, việc nắm rõ những thông tin hữu ích và chuẩn bị trước cũng như lưu ý sau sinh sẽ giúp mẹ bầu giảm thiểu nguy cơ gặp phải tình trạng này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 27/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo