Nhiễm khuẩn hậu sản là biến chứng sản khoa không hiếm gặp với mức độ nguy hiểm cao. Việc bị nhiễm trùng sau sinh không chỉ khiến sức khỏe giảm sút, chậm phục hồi sau sinh, mà thậm chí có thể cướp đi tính mạng của một số sản phụ.
Dân gian có câu “cửa sinh là cửa tử” hay “người chửa cửa mả” để nói đến sự nguy hiểm mà bất kỳ mẹ bầu nào cũng phải đối mặt trong quá trình “vượt cạn”. Trong đó, nhiễm khuẩn hậu sản là nguyên nhân phổ biến nhất trong số những biến chứng có thể xảy ra sau khi sinh, có thể làm gián đoạn quá trình phục hồi và làm hao tổn nghiêm trọng sức khỏe của mẹ sau sinh.
Vậy nhiễm khuẩn hậu sản là gì? Làm thế nào để có thể phát hiện sớm các triệu chứng cung như phòng ngừa những biến chứng trong giai đoạn này? Tất cả sẽ được Hello Bacsi bật mí qua bài viết dưới đây, mời bạn cùng tìm hiểu!
Nhiễm khuẩn hậu sản là gì?
Nhiễm khuẩn hậu sản hay nhiễm trùng hậu sản hay nhiễm trùng sau sinh là tên gọi chung cho tất cả những bệnh lý nhiễm trùng ở tử cung hoặc các mô xung quanh, xảy ra trong thời kỳ hậu sản – vào khoảng 6 tuần đầu sau khi sinh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC, Hoa Kỳ), ước tính, cứ 10.000 ca sinh sống ở Hoa Kỳ thì có 13,9% ca tử vong liên quan đến nhiễm trùng hậu sản. Tại Việt Nam, các chuyên gia sản khoa ước tính mỗi năm có khoảng 800 sản phụ tử vong do biến chứng sản khoa này và đây cũng là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở mẹ sau sinh.
Triệu chứng nhiễm khuẩn hậu sản ra sao?
Nhiễm khuẩn hậu sản hay nhiễm trùng hậu sản có nhiều dạng và mỗi dạng sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nhưng nhìn chung sẽ có một vài triệu chứng điển hình chẳng hạn như:
- Sốt cao, thường trong vòng 1 đến 3 ngày sau khi sinh
- Cơ thể đau nhức,
- Nhiệt độ cơ thể thay đổi thường xuyên, ớn lạnh
- Da xanh xao do mất nhiều máu
- Ăn uống không ngon miệng hoặc chán ăn
- Đau vùng bụng dưới hoặc vùng xương chậu do tử cung bị viêm
- Dịch âm đạo có mùi hôi và lượng dịch mỗi ngày không đều nhau. Dịch đôi khi có lẫn máu
- Tử cung sưng tấy, lây lan nhiễm trùng ở các mô xung quanh, khiến chúng sưng lên và gây đau nhức.
Trong thời kỳ hậu sản, các triệu chứng nhiễm trùng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, ví dụ như vài ngày sau sinh hoặc vài tuần sau sinh. Do đó, các chị em mới sinh nên hết sức chú ý các dấu hiệu nhiễm trùng để kịp thời đi khám, điều trị sớm nhằm hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
Điểm mặt các dạng nhiễm khuẩn hậu sản thường gặp
Mỗi dạng nhiễm trùng hậu sản lại có những biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thế nên hãy cùng Hello Bacsi theo dõi phần tiếp theo đây để xem chi tiết hơn về các dạng nhiễm khuẩn hậu sản bạn nhé!
1. Viêm nội mạc tử cung
Đây là dạng nhiễm trùng phổ biến nhất trong giai đoạn hậu sản, xảy ra trong buồng tử cung. Một vài nguyên nhân như bế sản dịch, bị sót nhau hoặc dụng cụ mổ lấy thai không được vô trùng trước khi sử dụng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào tử cung, hoặc ngược dòng qua đường âm đạo, gây viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, viêm phúc mạc… thậm chí nặng hơn là phải cắt tử cung…; biến chứng lâu dài có thể gây dính buồng tử cung, tắc vòi trứng và nghiêm trọng nhất là vô sinh. Các triệu chứng của viêm nội mạc tử cung gồm:
- Sốt, mạch nhanh…
- Tử cung to, mềm, đau
- Sản dịch có mùi hôi và có thể lẫn mủ.
2. Nhiễm trùng vết mổ lấy thai
Nhiễm trùng vết mổ lấy thai là một biến chứng sinh mổ, một tình trạng nhiễm trùng hậu sản. Các yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng vết mổ bao gồm:
- Cuộc mổ kéo dài
- Chuyển dạ kéo dài, viêm màng ối
- Mất máu nhiều
- Dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn
- Mẹ có bệnh tiểu đường kiểm soát kém
- Suy giảm miễn dịch…
Nhiễm trùng vết mổ có thể tại thành bụng hoặc nhiễm trùng sâu, lây lan các cơ quan trong ổ bụng, nhiễm trùng huyết… Chính vì thế, bạn cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời nếu sau sinh phát hiện một số triệu chứng:
- Vết mổ bị sưng, nóng, đỏ, đau mưng mủ
- Ra huyết bất thường từ vết mổ, hở vết mổ
- Sản dịch đục (có màu vàng hoặc xanh) và có mùi hôi.
Có thể bạn quan tâm
3. Viêm tầng sinh môn
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản này là do tầng sinh môn bị rách phức tạp khi sinh, việc khâu lại tầng sinh môn không đúng kỹ thuật hoặc không khâu, các dụng cụ hỗ trợ sinh không đảm bảo vô khuẩn trước khi đưa vào âm đạo, sản phụ có cơ địa giảm miễn dịch, chăm sóc vết thương tầng sinh môn sau sinh không đúng cách, vệ sinh kém, kinh tế xã hội khó khăn… Khi bị viêm nhiễm, sản phụ có thể gặp một số triệu chứng như:
- Vết khâu tầng sinh môn sưng tấy gây đau nhức và đôi khi mưng mủ
- Sốt nhẹ, khoảng 38-38,5 độ C
4. Viêm vú nhiễm trùng
Đây là tình trạng nhiễm trùng ở vú có thể ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn bé, do ống dẫn sữa bị tắc nghẽn, gây tích tụ sữa và viêm nhiễm bên trong bầu vú. Khi đó, mẹ sau sinh thường gặp phải một số triệu chứng như:
- Vú bị sưng đỏ, nóng đau nhức
- Núm vú tiết dịch trắng hoặc đỏ như máu
- Sốt
- Sờ vú có các khối lỗn nhổn cứng hoặc lùng nhùng.
5. Các dạng nhiễm khuẩn hậu sản ít gặp khác
Bên cạnh các dạng nhiễm trùng hậu sản kể trên, phụ nữ sau sinh có thể gặp một vài dạng nhiễm khuẩn khác như:
- Viêm âm đạo hoặc viêm Parametritis (viêm mô tế bào vùng chậu)
- Viêm cơ tử cung, viêm dây chằng rộng và phần phụ
- Nhiễm trùng tiểu hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nhiễm trùng phổi do không thể hít thở sâu khi sinh mổ…
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hậu sản là do đâu?
Những vi khuẩn sống tự nhiên trên da như liên cầu khuẩn (Streptococcus), tụ cầu khuẩn (Staphylococcus), khuẩn E.coli… có thể thông qua các vùng da bị tổn thương như vết mổ, tầng sinh môn hoặc các dụng cụ không được vô trùng và xâm nhập vào âm đạo đến cổ tử cung, đi qua vòi tử cung, vào phúc mạc và gây nhiễm trùng hậu sản. Tiếp đó, những vi khuẩn này sẽ phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt và ấm áp như vùng bụng dưới, nên có khả năng sẽ xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng máu. Sau đây là một số đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn, gồm:
- Phụ nữ mang thai bị thiếu dinh dưỡng
- Mẹ bầu mắc một số bệnh lý như thiếu máu, nhiễm độc thai nghén, béo phì, đái tháo đường, huyết áp cao, nhiễm khuẩn âm đạo hoặc bệnh lý về đường tình dục
- Khám âm đạo nhiều lần và không đảm bảo yếu tố vô trùng
- Theo dõi thai nhi thông qua các dụng cụ trong buồng tử cung
- Thời gian chuyển dạ kéo dài
- Sản phụ bị ứ sản dịch sau sinh
- Sót nhau
- Băng huyết sau sinh
- Sử dụng ống thông để làm mềm lỗ tử cung khi sinh…
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán
Tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản thường được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng. Bên cạnh đó, các bác sĩ thường sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để tìm vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng. Đồng thời, bạn cũng có thể cần lấy dịch tử cung bằng tăm bông để làm xét nghiệm giúp chẩn đoán nhiễm trùng hậu sản chính xác hơn.
Điều trị
Tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng, giúp bao phủ nhiều loại vi khuẩn hoặc được sử dụng khi chưa xác định được loại vi khuẩn gây viêm nhiễm sau khi sinh; loại thuốc, đường dùng, liều dùng tuỳ thuộc vào mức độ và cơ quan bị nhiễm khuẩn. . Sau khi các triệu chứng đã được ổn định, một số kháng sinh đường uống có thể được chỉ định để điều trị tận gốc viêm nhiễm.
Biến chứng cần cảnh giác
Với chị em phụ nữ sau sinh, các biến chứng có thể xảy ra nếu tình trạng nhiễm trùng hậu sản không được phát hiện sớm bao gồm:
- Vết thương bị áp xe hoặc mưng mủ
- Viêm tắc tĩnh mạch vùng chậu hoặc hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch vùng chậu
- Thuyên tắc phổi do hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch trong phổi
- Sốc nhiễm khuẩn khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu.
Bí quyết ngăn ngừa nhiễm khuẩn hậu sản
Nhiễm trùng hậu sản là một vấn đề tương đối nguy hiểm nên các mẹ sau sinh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ. Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng sau sinh mà chị em phụ nữ có thể tham khảo:
- Trước khi mang thai: Khám phụ khoa và sức khỏe định kỳ, đặc biệt là điều trị ổn định các bệnh lý viêm nhiễm như viêm âm đạo, tử cung, tuyến vú…
- Trong thai kỳ: Tuân thủ lịch khám thai định kỳ để phát hiện sớm và điều trị các tình trạng viêm nhiễm phụ khoa. Đồng thời, đảm bảo chế độ ăn, vận động thể chất, kiểm soát cân nặng hợp lý kiểm soát đường huyết tốt nếu có rối loạn dung nạp đường.
- Trước khi sinh: Lựa chọn cơ sở y tế đảm bảo và trao đổi với bác sĩ về những vấn đề ngăn ngừa nhiễm trùng trong khi sinh.
- Sau khi sinh: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và không kiêng khem quá mức, vận động sớm sau sinh (cả sinh thường và sinh mổ), vệ sinh thường xuyên và giữ sạch sẽ vùng kín, vết mổ, vết khâu tầng sinh môn.
Tóm lại, tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng. Hy vọng những thông tin mà Hello Bacsi cung cấp trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về nhiễm trùng hậu sản và biết cách để chăm sóc tốt cho bản thân sau khi sinh con.
[embed-health-tool-ovulation]