Nứt đầu ti luôn là nỗi ám ảnh cả về thể xác lẫn tinh thần của nhiều bà mẹ bỉm sữa. Có rất nhiều nguyên nhân gây nứt đầu ti, nếu không hiểu và có cách xử lý, mẹ sẽ thường xuyên đối mặt với tình trạng này.
Tổn thương núm vú, núm vú bị nứt, nứt đầu ti hay nứt cổ gà khi nuôi con bằng sữa mẹ là trường hợp rất hay gặp ở các bà mẹ bỉm sữa. Điều này khiến cho việc cho con bú trở nên rất khó khăn. Để hiểu rõ về nguyên nhân của tình trạng này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Núm vú bị nứt khi cho con bú có cần đi khám?
Ở những ngày đầu cho con con bú, việc bạn cảm thấy đau ở vùng vú là điều khá bình thường và tình trạng này sẽ không kéo dài lâu. Tuy nhiên, nếu núm vú bị nứt, đau đến mức chảy máu ở một hoặc cả 2 bên đi kèm với các triệu chứng như:
- Khô da, nứt nẻ
- Da bong tróc, có nhiều vảy trắng xung quanh
- Đầu ti mềm, biến dáng
- Vết nứt có thể rỉ hoặc chảy máu.
Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn nên đi khám. Mặc dù bé không bận tâm về tình trạng nứt đầu ti hay bỏ bú do sữa mẹ lẫn máu nhưng nếu tình trạng nứt đầu ti diễn ra trong thời gian dài có thể khiến bé không bú tốt. Ngoài ra, điều này cũng có thể khiến mẹ bị căng thẳng, mệt mỏi và cảm thấy đau đớn mỗi khi cho con bú.
Hé lộ nguyên nhân khiến đầu ti bị nứt mà mẹ không hề hay biết
Nứt đầu ti khi cho con bú có thể là do nhiều nguyên nhân và phần lớn trong số là những điều mà mẹ ít khi để ý như:
- Tư thế cho con bú không đúng, bé không ngậm đầy miệng khiến núm vú bị nghiền giữa lưỡi và vòm, gây đau nhức cho mẹ. Để giảm nứt đầu ti, bạn có thể thực hiện một số điều chỉnh nhỏ về tư thế cho bé bú. Hoặc nếu không, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.
- Sử dụng dụng cụ hút sữa không đúng, chẳng hạn điều chỉnh máy hút quá mạnh cũng có thể làm tổn thương núm vú. Do đó, để tránh nứt đầu ti khi cho con bú, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn để sử dụng chính xác các dụng cụ bơm hút sữa.
- Bé bị tưa miệng hay nhiễm nấm men ở miệng có thể khiến vi khuẩn truyền sang đầu ti của mẹ, gây đau hoặc tổn thương cho đầu vú.
- Núm vú cũng có thể bị nứt hoặc chảy máu do da khô hoặc nếu bạn bị chàm bội nhiễm với các triệu chứng đặc trưng như da xuất hiện vảy, đỏ, có thể ngứa hoặc đau.
- Bé mắc tật líu lưỡi cũng có thể là nguyên nhân gây nứt đầu ti khi nuôi con bằng sữa mẹ. Tình trạng này khiến các mô nối lưỡi với miệng bị ngắn hoặc kéo quá xa phía trước lưỡi nên khi bé bú sẽ làm bạn đau núm vú, lâu ngày dẫn đến nứt đầu ti. Để chữa trị tật líu lưỡi, mẹ có thể đưa bé đi làm phẫu thuật nhỏ.
Mách mẹ cách chữa nứt đầu ti đơn giản nhưng hiệu quả
Để trị nứt đầu ti, mẹ có thể thử một số bí quyết sau:
- Làm sạch núm vú nhẹ nhàng sau khi cho bé bú để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bạn có thể dùng xà phòng không có mùi thơm, không có chất tẩy rửa để nhẹ nhàng làm sạch núm vú mỗi ngày một lần.
- Vắt sữa mẹ và thoa lên đầu ti. Sữa mẹ với đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn sẽ giúp chữa lành tình trạng viêm, nứt núm vú hiệu quả.
- Dùng thuốc mỡ hoặc lanolin (loại thuốc dùng cho các bà mẹ đang cho con bú) bôi lên núm vú sau mỗi lần cho bú để giảm đau, mau lành và không để lại sẹo.
- Chườm lạnh để làm tê núm vú trước khi bé bú. Điều này sẽ giúp giảm đau khi bé bắt đầu bú.
- Khi cho bé bú, hãy kiểm tra khớp ngậm của bé. Vị trí ngậm tốt nhất là cằm bé phải chạm vào phần dưới của ti
- Thử nhiều tư thế bú khác nhau, chẳng hạn như để bé nằm trong lòng bạn hoặc cho bé nằm bên cạnh để tìm ra được tư thế cho bé bú phù hợp nhất.
- Nếu núm vú bị đau nghiêm trọng, bạn có thể dùng paracetamol hoặc ibuprofen theo lời khuyên của bác sĩ.
Nếu đã thử hết các biện pháp trên mà tình trạng núm vú bị nứt không có dấu hiệu cải thiện, bạn nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
[embed-health-tool-ovulation]