backup og meta

Vì sao mẹ rối loạn kinh nguyệt sau sinh? Làm gì để điều hòa kinh nguyệt?

Vì sao mẹ rối loạn kinh nguyệt sau sinh? Làm gì để điều hòa kinh nguyệt?

Trong thời gian bầu bí, kinh nguyệt của mẹ đã “vắng bóng” suốt 9 tháng. Hơn nữa, cơ thể mẹ khi mang thai và sau sinh cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt là về nội tiết tố nên tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh là rất phổ biến. Trong giai đoạn hậu sản, mặc dù chu kỳ kinh diễn ra có chút “khó lường” và không thể đoán trước nhưng mẹ yên tâm rằng hầu hết trường hợp là bình thường.

Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng về tình trạng kinh nguyệt bất thường sau sinh hoặc nghi ngờ mắc bệnh lý phụ khoa nào đó thì cách tốt nhất là nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc sức khỏe và điều trị nếu cần thiết.

Sau sinh bao lâu thì có kinh nguyệt?

Đối với vấn đề sau sinh bao lâu mẹ có kinh nguyệt trở lại, trên thực tế sẽ không có câu trả lời chính xác. Thời điểm có kinh lần đầu sau sinh của mỗi mẹ sau sinh là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Mẹ có cho trẻ có bú mẹ hoàn toàn không? Trẻ bú mẹ với tần suất như thế nào?
  • Bạn có thường xuyên cho bé bú bình không?
  • Cơ thể mẹ phản ứng với những thay đổi hormone ra sao?

Đối với chị em nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, hormone tạo sữa prolactin sẽ khiến cơ thể ngừng rụng trứng và tạm thời không hành kinh. Điều này có nghĩa là sau vài tháng cho đến 1 năm sau sinh, khi trẻ không còn bú mẹ hoàn toàn hoặc đã cai sữa mẹ thì bạn mới có kinh nguyệt trở lại. Mặt khác, nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ chỉ bú sữa công thức hoặc kết hợp bú mẹ và bú sữa công thức thì chu kỳ của mẹ sẽ trở lại nhanh hơn, thường vào thời điểm nào đó trong khoảng tuần thứ 3 đến tuần thứ 12 sau sinh.

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có sao không?

rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Sau khi mang thai và sinh con, chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể không hoàn toàn giống như trước nữa. Tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra, bao gồm một số biểu hiện như:

  • Sau sinh kinh nguyệt không đều, chu kỳ có thể dài hơn, ngắn hơn hoặc kinh nguyệt tháng có tháng không. Đặc biệt là khi mẹ có kinh trở lại trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ
  • Lượng máu kinh nhiều hơn hoặc ít hơn tùy vào các nguyên nhân khác nhau
  • Chuột rút, đau bụng nhiều hơn so với trước khi mang thai
  • Xuất hiện cục máu đông nhỏ trong kỳ kinh nguyệt.

Việc mang thai và sinh con đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ một số nội tiết tố trong cơ thể. Vì vậy mà trong hầu hết trường hợp, rối loạn kinh nguyệt sau sinh chẳng hạn như thay đổi lưu lượng máu kinh, sau sinh kinh nguyệt tháng có tháng không cũng là điều bình thường. Sau khoảng 1 năm thì kinh nguyệt của mẹ lại có thể đều đặn như trước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ được chủ quan.

Nếu kinh nguyệt ra nhiều, nặng hơn bình thường hoặc chu kỳ kinh quá dài thì bạn nên đi khám để bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân khác ngoài việc cho con bú. Bác sĩ có thể chỉ định mẹ thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính xác nhằm có hướng điều trị phù hợp.

“Điểm danh” 4 nguyên nhân chính khiến mẹ rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh chủ yếu là do sự thay đổi hormone. Do đó, bất cứ yếu tố nào làm ảnh hưởng đến hormone cũng có thể là nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt thay đổi. Có thể kể đến một số nguyên nhân chính sau đây mẹ nên quan tâm:

1. Trọng lượng cơ thể thay đổi

Phụ nữ thường tăng cân khi mang thai và có thể kéo dài đến sau khi sinh. Ngược lại, một số chị em lại sụt cân trầm trọng do chế độ ăn uống, ngủ nghỉ không hợp lý. Trong cả hai trường hợp, cân nặng của mẹ đều có sự thay đổi và ảnh hưởng đến lượng hormone trong cơ thể. Từ đó gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh.

2. Nuôi con bằng sữa mẹ

rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Những mẹ cho con bú hoàn toàn sau sinh thì hormone chịu trách nhiệm về việc tiết sữa prolactin có thể ngăn cản trứng rụng nhờ ức chế hormone FSH và LH (hormone liên quan đến sự trưởng thành và rụng trứng cũng như chu kỳ kinh nguyệt), làm cho mẹ vô kinh. Sự ảnh hưởng này là không hằng định và tuyệt đối giống nhau ở tất cả mọi trường hợp, cũng như đa số các bà mẹ thường không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn nên có thể gây ra những thay đổi.

3. Tránh thai bằng phương pháp nội tiết tố

Hiện nay, nhiều chị em có xu hướng dùng thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú để kiểm soát việc mang thai lần nữa sau sinh. Thế nhưng, không chỉ dùng thuốc viên mà bất cứ phương pháp tránh thai nào bằng nội tiết tố cũng có thể gây rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Vì vậy, mẹ có thể nhờ bác sĩ tư vấn biện pháp tránh thai khác hiệu quả và phù hợp hơn nhé!

4. Rối loạn kinh nguyệt sau sinh liên quan đến bệnh lý

Nếu trước khi sinh con, mẹ có tiền sử hoặc đang mắc phải một số bệnh lý ảnh hưởng đến nội tiết tố như rối loạn tuyến giáp, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang… thì cũng có thể dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến lớp nội mạc tử cung như polyp lòng tử cung, u xơ tử cung dưới niêm mạc, mô sẹo tử cung… cũng sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của chị em. Vì vậy, mẹ cần sớm đi khám nếu nghi ngờ mắc phải một trong những bệnh lý này để được chữa trị kịp thời.

Bên cạnh đó, sự thay đổi tâm lý sau sinh, stress vì chăm con, áp lực từ gia đình, công việc, con ốm, con bệnh, con không lên cân, con biếng ăn…cũng có thể là nguyên nhân của sự rối loạn nội tiết mà hệ quả là kinh nguyệt xáo trộn.

Mẹ nên làm gì để cải thiện sức khỏe và các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt sau sinh?

rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh có thể tự khỏi khi cơ thể mẹ đã ổn định về nồng độ hormone. Tuy nhiên, chị em có thể áp dụng thêm một số mẹo chăm sóc sức khỏe giúp đẩy nhanh sự phục hồi để kinh nguyệt của mẹ sớm trở lại bình thường.

Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh

Việc đảm bảo có một chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất sau sinh là rất quan trọng để giúp mẹ nhanh phục hồi, bù đắp lại những dưỡng chất đã hao hụt trong quá trình mang thai và sinh nở. Trong đó, các loại hạt, trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt là nguồn thực phẩm không thể “vắng mặt” trong chế độ ăn của mẹ. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất quan trọng và tạo điều kiện cho cơ thể điều chỉnh lại sự mất cân bằng nội tiết tố.

Bổ sung vitamin

Sự thiếu hụt một số vitamin chẳng hạn như vitamin D hoặc vitamin nhóm B có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Vì vậy, mẹ cần chú ý bổ sung nguồn thực phẩm giàu các loại vitamin này. Mẹ có thể chọn bổ sung vitamin D từ việc tắm nắng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Bên cạnh đó, đảm bảo chế độ ăn có đủ các loại đậu, loại hạt, ngũ cốc, thịt, các loại rau lá xanh… để giúp mẹ hấp thu các vitamin nhóm B cần thiết. Có thể nói, việc đảm bảo cơ thể mẹ được bổ sung đủ các loại vitamin sẽ hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt hiệu quả hơn.

Tập thể dục sau sinh

Mặc dù tập thể dục sau sinh có thể không thuận tiện đối với nhiều mẹ nhưng việc thúc đẩy bản thân vận động thực sự rất quan trọng. Việc tập thể dục sau sinh một cách điều độ thường giúp ích rất nhiều trong việc ổn định cân nặng và cả nội tiết tố. Vì vậy, mẹ hãy cố gắng sắp xếp thời gian dành cho việc tập luyện sau sinh hiệu quả nhé!

Cố gắng kiểm soát sự căng thẳng

Có thêm thành viên trong gia đình đồng nghĩa với việc trách nhiệm và vai trò của phụ nữ tăng lên. Nhiều mẹ sẽ vì chăm sóc, nuôi dưỡng em bé mà cảm thấy áp lực và căng thẳng. Tình trạng này là một trong những yếu tố tác động đến nồng độ hormone trong cơ thể và khiến mẹ dễ bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Do đó, ngoài việc chăm sóc sức khỏe thể chất thì việc quan tâm đến sức khỏe tinh thần – tâm lý sau sinh cũng rất quan trọng. Nếu mẹ cảm thấy lo lắng, áp lực thì nên chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân hoặc nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ tâm lý nhé.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

When will my periods start again after pregnanc

https://www.nhs.uk/common-health-questions/pregnancy/when-will-my-periods-start-again-after-pregnancy/ Truy cập ngày 03/04/2022

Do Your Periods Change After Pregnancy?

https://health.clevelandclinic.org/do-your-periods-change-after-pregnancy/ Truy cập ngày 03/04/2022

Periods while breastfeeding

https://www.healthdirect.gov.au/breastfeeding-and-periods Truy cập ngày 03/04/2022

Will my period change after pregnancy?

https://utswmed.org/medblog/period-changes-after-pregnancy/ Truy cập ngày 03/04/2022

Irregular Periods After Pregnancy: Should You Worry?

https://parenting.firstcry.com/articles/irregular-periods-after-pregnancy-should-you-worry/ Truy cập ngày 03/04/2022

The Relationship between Vitamin D Status and the Menstrual Cycle in Young Women: A Preliminary Study

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6265788/  Ngày truy cập 06/4/2022

Phiên bản hiện tại

08/04/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Dấu hiệu băng huyết sau sinh là gì? Ai có nguy cơ bị băng huyết sau sinh?

Biện pháp tránh thai sau sinh nào phù hợp cho bạn?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 08/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo