backup og meta

Giải tỏa nỗi lo mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được

Giải tỏa nỗi lo mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được

Sau khi sinh, mẹ bị cương sữa (mà chúng ta quen gọi là căng sữa) là điều bình thường do nguồn cung cấp sữa mẹ trong những ngày đầu chưa được điều chỉnh theo nhu cầu của bé. Tuy nhiên, một số mẹ bị cương hay căng sữa nhưng sữa không tiết ra được sẽ cảm thấy khó chịu và lo lắng vì không biết nguyên nhân do đâu. Lúc này, mẹ cảm thấy bầu ngực căng và đau nhưng khi vắt sữa bằng tay hoặc kể cả bằng máy thì sữa chỉ ra nhỏ giọt, thậm chí vắt không ra sữa.

Thực chất, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ tiết ra và may mắn là các mẹ thường có thể kiểm soát được tình trạng này tại nhà. Vì vậy trước tiên, bạn đừng quá lo lắng mà có thể tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này qua bài viết của Hello Bacsi trước khi nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia.

Trong hầu hết trường hợp, ngực căng nhưng sữa không tiết ra hoặc ra ít là do 4 nguyên nhân chính sau đây. Cùng tìm hiểu chi tiết về các nguyên nhân này và mẹo xử lý tại nhà mẹ nhé!

1. Mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được do sữa chưa về

Trong khoảng 2 đến 5 ngày đầu tiên sau sinh, ngực mẹ sẽ tiết sữa non. Đây là loại sữa cô đặc, màu hơi vàng, giàu dinh dưỡng và kháng thể để bảo vệ bé yêu trong những ngày đầu sau sinh. Sau đó, phải mất ít nhất khoảng 3 ngày thì sữa của mẹ mới chính thức về để cho bé bú no. Tuy nhiên, một số mẹ có thể phải mất nhiều thời gian hơn để đợi sữa về.

mẹ bị căng sữa nhưng không tiết ra được

Về cơ bản, sữa non có tính cô đặc và không lỏng như sữa mẹ chuyển tiếp hoặc sữa mẹ trưởng thành. Vì vậy, trong những ngày đầu sau sinh và tiết sữa non, mẹ vắt sữa thường thấy sữa không ra nhiều mặc dù ngực rất căng. Nếu sau 3 ngày mà mẹ vẫn thấy sữa về chậm, đừng quá hoang mang. Trong trường hợp này, mẹ nên cố gắng tiếp tục vắt sữa, chườm ấm và massage bầu ngực nhẹ nhàng để tránh tắc tia sữa.

Đồng thời, mẹ cần tăng cường tiếp xúc da kề da với con, cho bé bú thường xuyên để thúc đẩy cơ thể tiết sữa. Ngoài ra, tư thế bú của trẻ không đúng, trẻ ngậm bắt vú không đúng có thể là nguyên nhân khiến sữa không chảy ra được. Vì vậy, mẹ cũng cần kiểm tra xem trẻ ngậm bắt vú đúng chưa và có thể nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ, y tá nếu cần thiết nhé!

2. Những cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa mẹ

Những khó khăn sau sinh, thiếu ngủ vì chăm sóc em bé, lịch sinh hoạt đảo lộn… có thể khiến nhiều mẹ cảm thấy căng thẳng, lo lắng, áp lực hoặc thất vọng. Đây là những cảm xúc tiêu cực gây tăng nồng độ một số hormone, chẳng hạn như cortisol có thể làm giảm đáng kể nguồn sữa của mẹ. Đó là lý do mà vì sao có những chị em tiết sữa dồi dào trong 24 giờ sau sinh nhưng sau đó vẫn bị mất sữa do căng thẳng.

Nếu mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được và nhận thấy vấn đề này liên quan đến những căng thẳng, áp lực sau sinh thì có thể tham khảo một số mẹo hỗ trợ bạn điều tiết cảm xúc sau đây:

Gần gũi với em bé mới sinh nhiều hơn

Những tiếp xúc gần gũi với bé yêu như chạm vào con, ôm con, da kề da với bé hoặc cho con bú đều có thể giúp cơ thể mẹ tiết oxytocin, một loại hormone giúp cải thiện tâm trạng và tăng tiết sữa mẹ. Không những vậy, đôi khi chỉ cần nghĩ về bé yêu hoặc ngắm nhìn con cũng có thể giúp oxytocin được giải phóng. Do đó, nếu bạn đang tạm thời không ở gần em bé vì lý do nào đó, bạn cũng có thể xem ảnh bé hoặc video bạn đã quay bé trên điện thoại để cảm thấy tốt hơn cũng như góp phần hỗ trợ cải thiện nguồn sữa nhé!

Thực hành hoạt động giúp bạn thư giãn

Sau sinh vú căng sữa đau phải làm sao? Lời khuyên là mẹ có thể chọn cách tắm bằng vòi sen hoặc bồn tắm nước ấm để giúp thư giãn và thả lỏng cơ thể, tuy nhiên mỗi lần tắm hay ngâm bồn không nên quá lâu nhé. Bên cạnh đó, một số hoạt động như yoga, thiền, các bài tập thở… cũng giúp mẹ xoa dịu sự căng thẳng hiệu quả để cải thiện khả năng tiết sữa.

Massage ngực

mẹ bị căng sữa nhưng không tiết ra được

Trước khi vắt sữa, mẹ nên dành chút thời gian để massage ngực. Việc xoa bóp bầu ngực nhẹ nhàng cũng có thể giảm bớt khó chịu do căng sữa. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần kích thích việc giải phóng oxytocin như khi mẹ gần gũi với em bé hoặc cho bé bú.

Dẫu biết nuôi con bằng sữa mẹ là điều quan trọng nhưng sức khỏe tinh thần tốt mới là chìa khóa giúp bạn chăm sóc em bé đúng cách, thuận lợi. Vì vậy, nếu cảm thấy căng thẳng kéo dài hoặc có dấu hiệu trầm cảm sau sinh thì mẹ nên tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Song song đó, mẹ cũng đừng ngần ngại nhờ đến sự giúp đỡ từ bạn đời hoặc người thân để có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi và cải thiện nguồn sữa mẹ cho con.

3. Mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được do bị viêm tuyến vú

Viêm tuyến vú (viêm vú hoặc viêm tuyến sữa) là tình trạng mô vú của bạn bị viêm và thường dẫn đến sưng đau, đặc biệt là khi chạm vào hoặc khi cho con bú. Trong hầu hết trường hợp, viêm vú thường xảy ra đối với mẹ sau sinh. Ngoài các triệu chứng điển hình như sưng đau, xuất hiện cục u trên ngực, tiết dịch núm vú… thì viêm vú cũng ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa.

Vì vậy, nếu mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được và sưng đau ngực thì nên cẩn trọng với nguy cơ viêm tuyến vú. Vậy mẹ sau sinh bị viêm tuyến sữa căng đau quá phải làm sao? Nếu nghi ngờ gặp tình trạng này, mẹ nên sớm đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị và tư vấn cách chăm sóc bầu ngực giúp giảm triệu chứng sưng đau.

4. Mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được do vấn đề về nguồn sữa

Trên thực tế, một số mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được hoặc ra nhỏ giọt đơn giản là do cơ thể không tạo ra nhiều sữa như những mẹ khác. Một số nguyên nhân dẫn đến suy giảm nguồn sữa mẹ có thể bao gồm:

Mẹ bị bệnh sau sinh

Mặc dù virus gây bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, bệnh dạ dày… không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sữa mẹ nhưng các triệu chứng liên quan như mệt mỏi, tiêu chảy, giảm cảm giác thèm ăn… có thể xảy ra. Điều này thường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và có thể góp phần gây giảm nguồn sữa. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là mẹ nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn giải pháp điều trị và có thể tiếp tục duy trì việc cho con bú.

Trẻ sơ sinh ngậm vú kém và bú ít

mẹ bị căng sữa nhưng không tiết ra được

Trẻ bú sai khớp ngậm hoặc hiểu đơn giản là trẻ ngậm vú mẹ không đúng cách thường không thể bú đủ sữa và thường khiến mẹ sau sinh bị đau ngực khi cho con bú. Trong khi đó, cơ thể mẹ thường dựa trên nhu cầu của con để sản xuất sữa. Vì vậy, nếu trẻ ngậm vú sai cách và bú ít thì cũng là nguyên nhân khiến mẹ giảm tiết sữa hoặc mẹ bị cương sữa nhưng sữa không tiết ra được.

Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến núm vú như núm vú ngắn, núm vú thụt, đau nứt núm vú… cũng có thể khiến mẹ và bé gặp khó khăn khi cho bú. Đối với trường hợp này, mẹ có thể chọn cách dùng núm trợ ti tạm thời. Đồng thời, mẹ cần chú ý thường xuyên vắt sữa để tránh tắc tia sữa.

Mẹ suy giảm nguồn sữa do chế độ ăn uống

Việc ăn quá ít hoặc chế độ ăn kém dinh dưỡng cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Vì vậy, mẹ cần đảm bảo chế độ ăn sau sinh luôn đủ chất, ưu tiên ăn những thực phẩm lợi sữa và nên cân nhắc có thêm bữa ăn nhẹ lành mạnh trong ngày để luôn có đủ năng lượng đáp ứng cho việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Bên cạnh đó, lượng chất lỏng bạn đưa vào cơ thể cũng ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ có thể tạo ra. Nói cách khác, việc bổ sung đủ nước cho cơ thể cũng rất quan trọng đối với việc sản xuất sữa mẹ. Các chuyên gia khuyến khích mẹ sau sinh nên mang theo một chai nước mỗi khi ra ngoài. Đồng thời, mẹ cũng có thể thử cách uống một cốc nước mỗi khi cho con bú. Đây là mẹo giúp mẹ dễ nhớ việc uống đủ nước hơn nhằm duy trì nguồn sữa mẹ hiệu quả.

Nói tóm lại, mặc dù có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được nhưng mẹ đừng quá lo lắng. Trước tiên, mẹ nên chú trọng đến việc cho con bú hoặc hút sữa thường xuyên ít nhất 3 giờ một lần trong 14 ngày đầu sau sinh để đảm bảo nguồn cung cấp sữa mẹ tốt nhất cho con. Trong trường hợp mẹ không cải thiện nguồn sữa thành công với các giải pháp tại nhà thì đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ, chuyên gia hoặc ngân hàng sữa mẹ để được hỗ trợ tốt nhất nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

My Breasts Feel Full, But There’s No Milk When Pumping—What Do I Do?

https://onewillow.com/blog/my-breasts-feel-full-but-there-s-no-milk-when-pumping-what-do-i-do/ Truy cập ngày 11/09/2022

4 factors that can decrease breast milk supply – and how to replenish it

https://utswmed.org/medblog/decrease-breast-milk-supply/#:~:text=Stress%20is%20the%20No.,dramatically%20reduce%20your%20milk%20supply. Truy cập ngày 11/09/2022

Breastfeeding and Delayed Milk Production

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/breastfeeding-and-delayed-milk-production#:~:text=If%20you%20have%20a%20delay,formula%20for%20a%20few%20days. Truy cập ngày 11/09/2022

Breast engorgement

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/breast-engorgement Truy cập ngày 11/09/2022

Breast pain and breastfeeding

https://www.nhs.uk/conditions/baby/breastfeeding-and-bottle-feeding/breastfeeding-problems/breast-pain/#:~:text=Breast%20engorgement,to%2C%22%20says%20Bridget%20Halnan. Truy cập ngày 11/09/2022

Phiên bản hiện tại

29/03/2024

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

4 cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng - Lưu ý gì khi bảo quản sữa mẹ?

Bí quyết chăm sóc sức khỏe mẹ sau sinh đúng cách giúp nhanh hồi phục


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 29/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo