backup og meta

Viêm phổi cấp có nguy hiểm không, điều trị và phòng ngừa như thế nào?

Viêm phổi cấp có nguy hiểm không, điều trị và phòng ngừa như thế nào?

Viêm phổi cấp là căn bệnh phổ biến và có nguy cơ gây tử vong hàng đầu trong tất cả các bệnh cấp tính. Vậy, viêm phổi cấp tính là bệnh gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị ra sao?

Nếu cũng đang quan tâm tìm hiểu căn bệnh này, mời bạn cùng tham khảo những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau! 

Viêm phổi cấp tính là gì?

Viêm phổi cấp tính là một đợt nhiễm trùng đường hô hấp do virus, vi khuẩn (phế cầu, haemophilus influenzae, tụ cầu, vi khuẩn không điển hình) hoặc ký sinh trùng tấn công vào hệ hô hấp, mà cụ thể là phế nang phổi.

Vậy viêm phổi cấp tính có nguy hiểm không? Viêm phổi cấp khởi phát và chuyển biến rất nhanh (cấp tính) và có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như áp xe phổi, tràn dịch hoặc tràn mủ màng phổi; suy hô hấp nặng; viêm màng ngoài tim nếu không được điều trị kịp thời.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi cấp tính

Viêm phổi là bệnh lý gây tử vong đứng hàng thứ 4 trong số 10 bệnh lý có nguy cơ tử vong cao nhất (theo WHO – 2012). Trong số đó, người bệnh trên 65 tuổi chiếm tỷ lệ 90%. Bên cạnh đó, bệnh còn nguy hiểm bởi các triệu chứng ở giai đoạn đầu thường rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường nhưng sẽ chuyển biến nhanh chỉ trong vòng vài ngày và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

triệu chứng viêm phổi cấp tính

Triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp tính thường liên quan đến đường hô hấp. Chúng có thể bao gồm:

  • Ho khan ban đầu, sau đó ho có đờm, màu của đờm từ vàng đến xanh, thậm chí ho ra máu
  • Khó thở, hụt hơi
  • Đau ngực khi ho

Ngoài ra, các triệu chứng không liên quan đến hệ hô hấp cũng có thể xuất hiện như:

  • Sốt cao 39 – 40 độ C
  • Mệt mỏi, đau cơ, đau khớp
  • Đổ mồ hôi, ớn lạnh
  • Nhức đầu
  • Buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy
  • Lú lẫn hoặc thay đổi nhận thức ở người trên 65 tuổi
  • Trẻ em có thể co giật
  • Hạ thân nhiệt ở những người trên 65 tuổi và người có hệ miễn dịch kém.

Nếu đến đây bạn vẫn còn băn khoăn viêm phổi cấp có nguy hiểm không, có thể gây ra các triệu chứng gì? Câu trả lời là đối với trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị khó thở nghiêm trọng, sốt cao nhiều ngày kèm theo run rẩy, đau tức ngực, ho ra máu, tím tái do thiếu oxy và cần được cấp cứu kịp thời.

Vậy trẻ mắc viêm phổi cấp có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc căn bệnh này thường sốt hoặc hạ thân nhiệt, ho, bỏ bú/ bỏ ăn, nôn trớ, quấy khóc, thở nhanh, khó thở và mệt mỏi.

Nguyên nhân gây viêm phổi cấp tính là gì?

nguyên nhân viêm phổi cấp tính

Nguyên nhân viêm phổi cấp tính là gì? Một số nguyên nhân gây viêm phổi cấp có thể kể đến như:

  • Viêm phổi cấp do virus: Các loại virus gây viêm phổi cấp phổ biến như virus cúm (chủng cúm A và B, thường tấn công người lớn), virus thể hợp bào gây bệnh lý hô hấp (chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), coronavirus chủng mới, rhinovirus, virus parainfluenza, virus adenovirus, herpes simplex, virus sởi…
  • Viêm phổi cấp do phế cầu: Thủ phạm là phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae. Nguyên nhân này thường gặp ở người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém, có các bệnh lý mãn tính.
  • Viêm phổi do vi khuẩn: Bên cạnh phế cầu khuẩn, một số loại vi khuẩn khác cũng có thể gây bệnh viêm phổi như: vi khuẩn Haemophilus influenzae, các vi khuẩn Legionella spp. (bao gồm cả L.neumophila và L. micdadei ), hỗn hợp vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn Enterobacteriaceae, vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa
  • Các nguyên nhân khác: nấm, ký sinh trùng hoặc nhiễm trùng Mycoplasma.

Nhiều người thường thắc mắc ngoài các nguyên nhân kể trên thì các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi cấp tính là gì? Về cơ bản, viêm phổi cấp là một căn bệnh mà bất cứ người nào cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh:

  • Người cao tuổi, trẻ em và những người có hệ miễn dịch suy yếu như người mắc HIV, bệnh nhân ung thư…
  • Người sinh sống và làm việc thường xuyên trong môi trường ô nhiễm nặng.
  • Người có thói quen hút thuốc lá.
  • Tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, xơ gan…

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm phổi cấp?

điều trị viêm phổi cấp tính

Bệnh viêm phổi cấp được chẩn đoán như thế nào? Viêm phổi cấp rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường. Đầu tiên, bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm phổi cấp dựa trên các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải như: ho, sốt, đau ngực, khó thở…. Sau đó, họ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, các loại thuốc đang dùng nếu có, thói quen sinh hoạt (hút thuốc lá, làm việc trong môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi…)

Bác sĩ cũng nghe phổi để xem có những tiếng ran trong phổi gợi ý tình trạng viêm phổi cấp và đánh giá sơ bộ mức độ viêm phổi nặng hay nhẹ.

Ngoài ra, để việc chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm cần thiết như sau:

  • Xét nghiệm máu: đánh giá tình trạng nhiễm trùng và tìm các bệnh lý phối hợp kèm theo (nếu có). Trong một vài trường hợp bệnh nặng, kéo dài không đáp ứng với điều trị kháng sinh, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cấy máu để tìm vi khuẩn gây viêm phổi trong máu bệnh nhân.
  • Chụp X-quang ngực giúp bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, xác định mức độ và vị trí nhiễm trùng.
  • Nuôi cấy đờm và kháng sinh đồ: thường sử dụng để phân biệt với bệnh cảnh viêm phổi do vi khuẩn lao. 
  • CT Scan ngực thẳng.
  • Đo nồng độ C-reactive protein: đánh giá tình trạng viêm của cơ thể.

Những phương pháp điều trị viêm phổi cấp

Cách chữa bệnh viêm phổi cấp tính sẽ tùy thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, mục tiêu chung vẫn là chữa khỏi nhiễm trùng và ngăn ngừa biến chứng.

Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho tình trạng viêm phổi cấp do vi khuẩn, thuốc kháng virus nếu nguyên nhân là do virus hoặc thuốc kháng nấm trong trường hợp bệnh do nấm gây ra.

Thuốc giảm triệu chứng bao gồm thuốc ho, thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38 độ C, giảm đau.

Bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà hoặc nhập viện. Tuy nhiên, khi bệnh trở nặng hoặc có dấu hiệu của biến chứng, bắt buộc phải nhập viện và điều trị. 

Bệnh nhân nên tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Tuyệt đối không được tự ý ngưng dùng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ bởi có thể gây kháng thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị, tăng nguy cơ biến chứng. Bên cạnh đó, hãy nghỉ ngơi nhiều, ăn uống đầy đủ nhằm sớm lấy lại sức khỏe.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa viêm phổi cấp? Bạn có thể phòng ngừa viêm phổi cấp bằng các biện pháp sau đây:

  • Giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh và không đến gần người đang bị cảm cúm, đặc biệt là với trẻ em, người lớn tuổi, người có sức đề kháng yếu.
  • Vệ sinh răng miệng và cổ họng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý.
  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, giữ gìn không khí trong lành.
  • Tránh xa nơi có không khí ô nhiễm, khói thuốc lá hay các chất độc hại có thể gây kích thích phổi.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hay khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
  • Tiêm phòng vacxin ngừa cúm: đặc biệt là các nhóm đối tượng như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý đường hô hấp mạn tính: COPD, hen, giãn phế quản….
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với đầy đủ các chất dinh dưỡng.
  • Tập thể dục thường xuyên.

Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm phổi cấp, cũng như cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Acute Pneumonia and Its Complications. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7173499/. Ngày truy cập: 22/10/2021

Acute Pneumonia. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7151914/. Ngày truy cập: 22/10/2021

Acute pneumonia. https://medicalguidelines.msf.org/viewport/CG/english/acute-pneumonia-16689522.html. Ngày truy cập: 22/10/2021

Viêm phổi là gì, chữa được không? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị. https://syt.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/6CWBO9WiZqsQ/content/viem-phoi-la-gi-chua-uoc-khong-trieu-chung-nguyen-nhan-va-ieu-tri. Ngày truy cập: 22/10/2021

BỆNH VIÊM PHỔI: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA https://vnvc.vn/benh-viem-phoi-nguyen-nhan-trieu-chung-dieu-tri-va-cach-phong-ngua/ Ngày truy cập: 25/10/2021

6 bệnh đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh. https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/6-benh-uong-ho-hap-thuong-gap-khi-thoi-tiet-chuyen-lanh. Ngày truy cập: 22/10/2021

Phiên bản hiện tại

08/11/2022

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Viêm phổi cộng đồng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm phổi cộng đồng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 08/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo