backup og meta

Mách bạn các cách sử dụng lá bạc hà trị ho đơn giản, hiệu quả

Mách bạn các cách sử dụng lá bạc hà trị ho đơn giản, hiệu quả

Bạc hà hay còn gọi là Anh sinh, Bạt đài, Băng hầu úy, Đông đô, Kê tô, Thạch bạc hà, Liên tiền thảo, Nam bạc hà, Phiên hà, Bạc hà diệp, Tô bạc hà; có tên khoa học là  Mentha arvensis Lamiaceae, họ Hoa Môi (Lamiaceae). Đây là một gia vị và vị thuốc rất phổ biến ở nước ta, được dùng trong cả Đông và Tây y. Đặc biệt, bạc hà rất hiệu quả trong điều trị ho, nghẹt mũi, nhức đầu, cảm sốt, viêm họng sưng đau. Trong dân gian có nhiều cách dùng lá bạc hà trị ho.  

Bạc hà có rất nhiều loại, thường trong điều trị có hai loại:

  1. Bạc hà Việt Nam hay Bạc hà nam:  dạng cây thảo, sống lâu năm. Thân mềm, hình vuông. Loại thân ngầm mang rễ mọc bò lan, loại thân đứng mang lá, cao 30-40cm, có khi hơn, màu xanh lục hoặc tím tía. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng. Cuống ngắn. Mép lá khía răng đều. Hoa nhỏ, màu trắng, hồng hoặc tím hồng, mọc tụ tập ở kẽ lá thành những vòng nhiều hoa.
  2. Bạc hà Âu châu hay Bạc hà cay (Mentha piperita L) đó là cây thảo sống lâu năm, thân vuông ít hoặc không có lông. Lá mọc đối, hình bầu dục nhọn, mép khía răng, cụm hoa mọc thành bóng dày đặc ở ngọn cành.

Nhiều người nhầm lẫn rằng bạc hà chính là lá húng lủi. Khi đi uống nước, bạn được nhà hàng trang trí với vài chiếc lá trên ly, gọi đó là bạc hà.  Tuy nhiên đó không phải là bạc hà, đó là lá húng lủi. Cần phải phân biệt hai loại lá này với nhau. Lá húng lủi cũng rất thơm mát, và có hình dáng đẹp mắt, phù hợp cho việc trang trí món ăn đồ uống. Nhưng Bạc hà có mùi thơm mạnh và the mát hơn lá húng lủi rất nhiều.

Bạc hà theo y học cổ truyền có vị cay, mát không độc. Quy vào hai kinh phế và can. Theo y văn cổ, bạc hà có rất nhiều tác dụng được ghi chép lại: 

  • Bạc hà có tác dụng tán phong nhiệt, ra mồ hôi, giảm uất.
  • Bạc hà được sử dụng trong nhiều bệnh lý như ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt không ra mồ hôi, cảm nắng (trúng thử), đau bụng đi ngoài, bụng đầy, chứng ăn không tiêu.
  • Thông các khớp, lạc. Trị cảm, đau đầu, trẻ nhỏ bị phong đờm
  • Trị thương hàn đầu đau, hoắc loạn, thổ tả, ung nhọt, ngứa.
  • Tuyên tán phong nhiệt, thanh đầu, thanh mắt, thấu chẩn. Trị cảm phong nhiệt, phong thấp mới phát, họng đau, miệng lở, ban sởi, mề đay phong ngứa, ngực sườn đầy tức
  • Phát hãn, trừ phong nhiệt, thanh đầu, thanh mắt, sơ uất khí ở Can. Trị cảm phong nhiệt, bệnh thời tiết nóng sốt không ra mồ hôi, mắt đỏ, răng đau, họng đau do phong hỏa, ban sởi không mọc ra được.

Vậy lá Bạc hà trị ho bằng cách nào? Cùng Hello Bacsi qua bài viết sau đây!

Lá bạc hà trị ho bằng cách nào?

Hoạt chất chủ yếu trong Bạc hà là tinh dầu Bạc hà. Tỉ lệ tinh dầu trong Bạc hà thường từ 0,5-1% có khi lên đến 1,3-1,5%.Tinh dầu cũng là thành phần hoạt chất chính tạo nên các tác dụng dược lý của bạc hà. Tinh dầu bạc hà có mùi đặc trưng, vị cay, sau mát. Tinh dầu bạc hà di thực vào Việt Nam chứa menthol, menthon, myrcen, α-pinen, limonen, cineol, isomenthon, pulegon,…

Menthol là một chất khi hít vào tạo ra cảm giác mát lạnh có thể làm dịu hoặc làm tê cổ họng đang ngứa ngáy. Tinh dầu bạc hà có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và chống viêm. Vì lý do này, bạc hà có thể ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng, cảm lạnh thông thường và dị ứng. Bạc hà còn có tác dụng ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: Staphylococcus aureus, Bacillus subtilus, Pseudomonas aeruginosa, micrococcus glutamicus, Diplococcus pneumonie, Escherichia coli, Salmonella Typhy, Shigella. flexneri… và một số vi nấm như: Aspergillus fumigatus, A niger, Candida albicans.

Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy rằng khi một người khỏe mạnh sử dụng dầu bạc hà có thể giúp thư giãn các cơ của khí quản. Điều này giải thích tại sao tinh dầu bạc hà khiến những người bị ho cảm thấy dễ thở hơn.

Ngoài ra, trong cây bạc hà còn chứa các vitamin và khoáng chất như canxi, magie, vitamin A, B6, B12, C, D,… giúp tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Cách trị ho bằng lá bạc hà 

1. Trị ho bằng bạc hà tươi

Nếu bạn bị ho dai dẳng khiến cổ họng đau rát, dùng lá bạc hà tươi có thể giúp trị ho và làm dịu đường thở. Bạn có thể tham khảo những cách dưới đây:

  • Giã nhuyễn một nắm lá bạc hà tươi vắt lấy nước uống hàng ngày. 
  • Hãm lá bạc hà tươi với trà và uống trong 3-4 ngày.
  • Lá bạc hà rửa sạch cho thêm chút mật ong vào xay nhuyễn. Đem hấp cách thủy. Uống mỗi ngày 2 lần liên tục đến khi hết ho.
  • Lấy cây bạc hà đem nấu chung với một số nguyên liệu khác như sả, lá bưởi, cây kinh giới hay hương nhu…để xông hơi.

2. Uống trà bạc hà giảm ho

Hiện nay, trà bạc hà được bán phổ biến ở các siêu thị và cửa hàng với nhiều thương hiệu và mẫu mã. Bạn có thể mua nó ở dạng trà túi lọc, trà lá rời hoặc tự nấu trà từ bạc hà.

Để tự làm trà bạc hà bạn có thể tham khảo cách sau:

  • Cắt nhỏ lá bạc hà thêm vào khoảng 2 cốc nước đun sôi.
  • Đậy nắp và ngâm trong 5 phút.
  • Lọc lấy nước và uống.

Bạn cũng có thể hãm trà bạc hà như sau để sử dụng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt sốt nóng:

  • Cho 16g bạc hà vào ấm. 
  • Thêm nước sôi hãm, có thể cho thêm đường.

Vì trà bạc hà tự nhiên không chứa caffeine nên bạn có thể uống bất cứ lúc nào trong ngày.

lá bạc hà tri ho

3. Sử dụng tinh dầu bạc hà trị ho, sổ mũi

Bạn có thể mua tinh dầu bạc hà và sử dụng để giảm ho, làm thông thoáng mũi xoang theo các cách sau:

  • Thêm vài giọt tinh dầu vào nước sôi và xông hơi. Lưu ý khi xông tinh dầu bạc hà bạn nên hít bằng miệng và thở ra bằng mũi. Việc này sẽ có lợi cho đường thở và cả họng, phát huy tốt hiệu quả ngăn ngừa và chữa cảm lạnh.
  • Thêm tinh dầu vào máy khuếch tán trong phòng.

Hiện nay, nhiều loại dầu bôi có thành phần là menthol. Bạn có thể sử dụng các loại dầu này cũng có hiệu quả.

4. Trị ho bằng siro bạc hà

Làm siro từ lá bạc hà để trị ho cũng đem lại hiệu quả rất tốt. Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau: Lá bạc hà tươi, nước cốt chanh, một ít đường phèn hoặc đường cát.

Cách làm:

  • Nấu đường với một ít nước cho tan hẳn.
  • Sau đó cho lá bạc hà vào đun cùng. Khi bạc hà đã sôi và nước chuyển sang màu xanh thì vắt nước cốt chanh vào.
  • Đun một lúc cho hỗn hợp này cô đặc lại rồi tắt bếp. 
  • Đợi đến khi dung dịch nguội thì cho vào lọ thủy tinh và cất vào tủ lạnh dùng dần trong khoảng 2 tuần.

Siro chanh và bạc hà giúp thông cổ mát họng, sát trùng kháng khuẩn và giảm ho hiệu quả.

5. Bài thuốc tán nhiệt, giải biểu từ bạc hà

  1. Nguyễn Đức Quang – nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội giới thiệu bài thuốc tán nhiệt, giải biểu từ bạc hà như sau:
  • Thang thanh giải: Bạc hà 8g, thuyền thoái (xác ve sầu bỏ chân) 12g, thạch cao 24g, cam thảo 6g. Sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Chữa các chứng cảm mạo mới phát với các chứng phong nhiệt ở biểu.
  • Bột thạch cao bạc hà: Thạch cao sống 40g, bạc hà diệp 20g. Nghiền thật mịn. Mỗi lần uống 2g đến 3g. Ngày uống 3 lần, uống với nước nóng và uống nhiều nước. Trị sốt, sợ nóng, mồ hôi không thoát, miệng khát, tim hồi hộp, đêm ngủ không ngon.

Ai không nên sử dụng bạc hà?

Bạc hà phổ biến trong cả thực phẩm lẫn chữa bệnh nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng được. 

  • Thận trọng khi sử dụng lá bạc hà với những người bị đau dạ dày, hen suyễn
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, phụ nữ từng sảy thai, do lá bạc hà làm xuất hiện kinh nguyệt nên có khả năng đe dọa sảy thai ở phụ nữ đang mang thai, vì vậy để an toàn không nên sử dụng dược liệu này ở phụ nữ mang thai hoặc đang muốn mang thai.
  • Đối với trẻ em, tinh dầu và menthol bôi mũi hay cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế dẫn tới ngừng thở và tim ngừng đập. Người ta đã nhận xét thấy 1 số trường hợp chết do nhỏ mũi 1 giọt dầu Menthol 1% hoặc bôi vào niêm mạc mũi loại thuốc mỡ có Menthol. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi dùng tinh dầu Bạc hà hoặc dầu cù là cho trẻ nhỏ ít tuổi, nhất là trẻ mới đẻ. Tuyệt đối không dùng tinh dầu bạc hà cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh.
  • Không sử dụng lá bạc hà cho: bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản, người bị sốt do âm hư, người đang bị suy nhược, táo bón kéo dài, người mắc các bệnh lý về tim mạch và huyết áp…

lá bạc hà trị ho

Cần lưu ý gì khi sử dụng lá bạc hà trị ho?

Bạn nên thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. Khi dùng, cần chú ý những điểm sau:

  • Việc thoa tinh dầu bạc hà nguyên chất có thể gây kích ứng da. Cần phải pha loãng nó với dầu nền trước khi sử dụng, đặc biệt là khi bôi lên mặt. Không sử dụng tinh dầu bạc hà trên những khu vực vết thương hở. Cẩn thận tránh để tinh dầu dính vào mắt.
  • Mỗi ngày bạn không nên thoa hay hít tinh dầu cây bạc hà quá 3 – 4 lần để tránh nguy cơ bị sung huyết da, khô niêm mạc đường thở. 
  • Chỉ dùng bạc hà hàng ngày với lượng vừa phải, tránh lạm dụng sẽ có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn. Liều lớn có tác dụng kích thích tủy sống, gây tê liệt phản xạ và ngăn sự lên men bình thường trong ruột.
  • Không dùng tinh dầu bạc hà trên những vùng da đang bị lở loét, trầy xước và cẩn thận tránh để tinh dầu dính vào mắt.
  • Ngưng sử dụng bạc hà và các chế phẩm từ bạc hà khi các triệu chứng đã được cải thiện, không được dùng liên tục trong thời gian dài.
  • Lá bạc hà có thể gây tương tác với một số thuốc. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng lá bạc hà khi đang dùng thuốc điều trị bệnh khác.

Có nhiều cách sử dụng lá bạc hà trị ho và hưởng các lợi ích sức khỏe khác. Hãy làm thử các cách chế biến trên khi bị ho, nghẹt mũi, đau họng nhé! Tuy nhiên, bạn cũng cần thận trọng khi sử dụng và đặc biệt không cho trẻ nhỏ dùng bạc hà để tránh các tổn thương đáng tiếc.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Bạc hà – Mentha arvensis, Lamiaceae. Bộ Môn Dược Liệu – khoa Dược, Đại học Y Dược TP. HCM.
https://mplant.ump.edu.vn/index.php/bac-ha-mentha-arvensis-lamiaceae/. Ngày truy cập: 15/12/2023

2. Loài Mentha arvensis L. (Cây Bạc Hà). Bộ Môn Thực vật – khoa Dược, Đại học Y Dược TP. HCM.
http://uphcm.edu.vn/caythuoc/index.php?q=node/73. Ngày truy cập: 15/12/2023

3. Bạc hà. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/bac-ha. Ngày truy cập: 15/12/2023

4. Antibacterial and antioxidant activities of Mentha piperita L.
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1878535211000232. Ngày truy cập: 15/12/2023

5. Protective effects of bioactive phytochemicals from Mentha piperita with multiple health potentials.
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20931070/. Ngày truy cập: 15/12/2023

Phiên bản hiện tại

26/12/2023

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Bị ho nên làm gì? 15 cách trị ho khan tại nhà nhanh nhất

Bài thuốc nam trị ho từ dân gian an toàn và hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 26/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo