Giãn phế quản là tình trạng đường dẫn khí của phổi (phế quản) bị tổn thương và giãn rộng vĩnh viễn, dẫn đến tích tụ chất nhầy dư thừa khiến phổi dễ bị nhiễm trùng. Vì đây là một tình trạng liên quan đến đường hô hấp, gây ho liên tục nên nhiều người thắc mắc rằng bệnh giãn phế quản có lây không, nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa như thế nào?
Nếu chẳng may bạn hay những người xung quanh mắc bệnh giãn phế quản thì hẳn bạn sẽ rất lo lắng về khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác. Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm câu trả lời chính xác để giải tỏa nỗi lo lắng này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh giãn phế quản có lây không?
Để trả lời chính xác cho thắc mắc bệnh giãn phế quản có lây không, bạn sẽ cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh là gì. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể mà giãn phế quản có thể lây lan hoặc không.
Bệnh giãn phế quản có lây không nếu nguyên nhân do bẩm sinh hoặc di truyền?
Một số tình trạng di truyền có thể là nguyên nhân giãn phế quản bao gồm:
- Bất thường về lông mao: Lông mao là những cấu trúc nhỏ giống như sợi lông nằm trên phế quản, có nhiệm vụ bảo vệ đường thở và loại bỏ chất nhờn dư thừa. Nếu lông mao gặp vấn đề ngay từ khi còn nhỏ (chẳng hạn như trong hội chứng rối loạn vận động nhung mao) sẽ khiến chúng không thể loại bỏ chất nhầy hiệu quả như bình thường, dẫn đến giãn phế quản.
- Hội chứng Mounier-Kuhn: Trong hội chứng này, phế quản bị phì đại bất thường do khuyết tật trong cấu trúc liên kết ở thành phế quản làm cho phế quản bị giãn rộng.
- Hội chứng Williams-Campbell: Do khuyết tật ở cấu trúc sụn phế quản làm cho phế quản phình ra khi hít vào và xẹp xuống khi thở ra.
- Hội chứng móng tay vàng: Hội chứng này là do bẩm sinh cơ thể giảm sản xuất hệ thống bạch huyết. Bệnh nhân có các biểu hiện như móng tay dày, cong, có màu vàng nhạt, kèm theo phù bạch huyết và giãn phế quản.
- Bệnh xơ nang: Xơ nang là một rối loạn di truyền khiến phổi bị tắc nghẽn bởi chất nhầy. Khi đó, chất nhầy tích tụ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn, dẫn đến các triệu chứng của bệnh giãn phế quản.
Bệnh giãn phế quản có lây không trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh là do bẩm sinh hoặc di truyền? Câu trả lời là KHÔNG. Bệnh sẽ không thể lây nhiễm từ trẻ em mắc bệnh sang người khác nhưng lại có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái.
Nguyên nhân giãn phế quản do mắc phải
Bệnh giãn phế quản có lây không nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng đường hô hấp?
Các vi sinh vật như vi khuẩn (Mycobacterium, Haemophilus influenzae, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus, Mycoplasma), virus (virus hợp bào hô hấp và virus gây bệnh sởi) hoặc nấm có thể xâm nhập vào đường thở và làm tổn thương phế quản. Đây là nguyên nhân giãn phế quản phổ biến nhất.
Theo thống kê, khoảng 1/3 trường hợp giãn phế quản có liên quan đến vi sinh vật gây bệnh viêm phổi, ho gà, bệnh lao và bệnh sởi. Trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm trùng, bệnh giãn phế quản hoàn toàn có khả năng lây nhiễm. Vi sinh vật gây bệnh có thể lây truyền từ người bị bệnh sang một người khỏe mạnh nếu không có biện pháp phòng ngừa cẩn thận.
Hệ thống miễn dịch suy yếu
Một số trường hợp giãn phế quản xảy ra do người bệnh bị suy giảm hệ thống miễn dịch khiến phổi dễ bị tổn thương hoặc nhiễm khuẩn hơn. Một số người sinh ra đã bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh do các vấn đề trong gen di truyền nhưng cũng có người bị suy giảm miễn dịch mắc phải sau khi bị nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh HIV/AIDS. Trong trường hợp này, mặc dù bệnh xảy ra là do vấn đề ở hệ thống miễn dịch của từng cá nhân bị suy giảm, tuy nhiên nguyên nhân chính gây bệnh vẫn là do tình trạng nhiễm trùng ở phổi. Vì vậy bệnh vẫn có thể lây truyền qua người khác.
Bệnh nhiễm nấm Aspergillosis
Những người mắc căn bệnh hiếm gặp này sẽ bị dị ứng với một loại nấm có tên là Aspergillus fumigatus. Nếu họ hít phải bào tử nấm này, nó có thể gây ra phản ứng dị ứng, gây viêm thành phế quản dai dẳng và tiến triển thành giãn phế quản.
Vậy, giãn phế quản có lây không trong trường hợp này? Bệnh sẽ không thể lây lan khi nguyên nhân là do dị ứng.
Tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc dị vật lọt vào đường thở
Nếu thường xuyên hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc hít thở không khí ô nhiễm nghiêm trọng trong thời gian dài, phế quản sẽ bị tổn thương và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, phổi cũng rất nhạy cảm với sự hiện diện của các vật thể lạ, chẳng hạn như mẩu thức ăn, chất lỏng hoặc thậm chí là axit dạ dày. Khi chúng vô tình đi vào phổi thay vì xuống đường tiêu hóa có thể chèn ép phế quản, kích hoạt tình trạng viêm dẫn đến giãn phế quản.
Trong trường hợp này, chắc chắn bạn không phải lo lắng bệnh giãn phế quản có lây không vì chắc chắn là không. Tuy nhiên, nếu những người trong cùng gia đình có người hút thuốc lá hoặc hít chung 1 bầu không khí bị ô nhiễm, thì họ cũng có nguy cơ cao mắc phải bệnh giãn phế quản.
Nguyên nhân giãn phế quản do các bệnh lý khác
Ngoài ra, một số các bệnh lý sau đây cũng làm tăng khả năng mắc bệnh giãn phế quản:
- Các bệnh tự miễn. Đây là các loại bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch có vấn đề, tấn công nhầm vào mô khỏe mạnh ở phế quản và gây giãn phế quản, chẳng hạn như: viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
- Mắc bệnh phổi lâu năm. Bệnh nhân mắc các bệnh phổi như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm tiểu phế quản,… trong nhiều năm có thể tiến triển thành giãn phế quản.
Nhìn chung, muốn biết bệnh giãn phế quản có lây không thì bạn nên thăm khám sớm với bác sĩ để tìm đúng nguyên nhân. Điều này cũng giúp điều trị hiệu quả từ sớm và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Hiểu bệnh giãn phế quản có lây không để biết cách phòng ngừa
Khi đã biết bệnh giãn phế quản có lây không, bạn hẳn cũng biết bệnh hoàn toàn có khả năng lây lan nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm trùng. Vậy nên việc phòng ngừa và bảo vệ bản thân khỏi nhiễm bệnh là điều cần thiết. Bạn có thể tránh làm tổn thương phổi bằng những mẹo sau đây:
- Tiêm phòng vacxin sởi, ho gà, viêm phổi và cảm cúm theo chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị kịp thời bất kỳ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào nếu không may mắc phải.
- Nếu trẻ em hoặc người lớn hít phải dị vật, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
- Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá.
- Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và có phương pháp bảo hộ kỹ lưỡng nếu phải làm việc trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại.
- Tránh xa các chất trong không khí có thể làm tổn thương phổi chẳng hạn như khói bụi, hơi và khí độc.
- Uống đủ nước và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc bệnh giãn phế quản có lây không? Bệnh lây trong những trường hợp nào và cách phòng ngừa ra sao. Đừng bao giờ chủ quan, lơ là mà hãy thăm khám sớm để được điều trị bệnh kịp thời nhé!
[embed-health-tool-bmi]