backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Viêm thanh quản cấp là gì? Có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Song Hào · Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 28/09/2023

    Viêm thanh quản cấp là gì? Có nguy hiểm không?

    Viêm thanh quản cấp tính hay viêm họng thanh quản cấp là một tình trạng khá phổ biến ở Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do virus. Việc hiểu rõ về bệnh sẽ giúp bạn điều trị bệnh nhanh khỏi hơn.

    Cùng tìm hiểu về tình trạng viêm thanh quản cấp qua bài viết sau đây.

    Viêm thanh quản cấp tính là gì?

    Viêm thanh quản cấp là tình trạng viêm lớp niêm mạc của thanh quản trong thời gian ngắn (dưới 3 tuần). Nếu tình trạng viêm kéo dài trên 3 tuần thì được xem là mãn tính.

    Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này và tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân sẽ có triệu chứng viêm thanh quản cấp khác nhau.

    Viêm thanh quản cấp có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng thường phổ biến hơn trẻ em.

    Triệu chứng viêm thanh quản cấp là gì?

    triệu chứng viêm thanh quản cấp

    Các triệu chứng điển hình của viêm thanh quản là:

    • Khàn giọng, nói không rõ câu từ
    • Sốt (trong vài ngày đầu bị nhiễm trùng)
    • Đau họng
    • Thường xuyên hắng giọng
    • Ho 

    Các dấu hiệu viêm thanh quản này thường xuất hiện đột ngột và trầm trọng hơn trong khoảng 3 ngày. Sau 3 tuần, nếu được điều trị đúng cách như uống nhiều nước và cho thanh quản nghỉ ngơi, các triệu chứng như ho và khàn giọng thường thuyên giảm.

    Mặc dù viêm thanh quản cấp thường sẽ tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng nếu bạn có các triệu chứng sau thì nên đến gặp bác sĩ khám:

    • Gặp vấn đề nuốt
    • Ho ra máu
    • Khó thở
    • Sốt 39°C liên tục, không giảm
    • Các vấn đề về hô hấp

    Đây là những dấu hiệu có thể liên quan đến viêm thanh thiệt (viêm nắp thanh quản), một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng cả người lớn và trẻ em.

    Ở trẻ em, các triệu chứng viêm thanh quản cấp cũng tương tự như người lớn. Nếu bệnh xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi thì thường được gọi là viêm thanh khí phế quản (croup). Bệnh thường khỏi sau 5-7 ngày và cần được chăm sóc y tế nếu các triệu chứng nhiễm trùng không cải thiện trong khoảng thời gian này. Thuốc kháng sinh không được sử dụng để điều trị viêm thanh khí phế quản vì nguyên nhân là do nhiễm virus.

    Nguyên nhân viêm thanh quản cấp là gì?

    Có nhiều nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp tính, trong đó phổ biến nhất là do virus gây cúm hoặc cảm lạnh.

    Các nguyên nhân khác có thể gây bệnh như:

    • Sử dụng giọng nói quá nhiều (như giảng dạy, la hét…)
    • Trào ngược dạ dày gây kích ứng niêm mạc thanh quản
    • Chấn thương vùng thanh quản

    Biểu hiện khàn giọng là do thanh quản bị sưng và viêm khiến không khí đi qua khó khăn và tạo ra giọng nói khác bình thường.

    Điều trị viêm thanh quản cấp

    điều trị viêm thanh quản cấp

    Đối với viêm thanh quản cấp nhưng không có triệu chứng khó thở, bác sĩ sẽ chỉ định:

    • Để thanh quản nghỉ ngơi, không nói nhiều và tránh lạnh
    • Thuốc kháng sinh, thuốc giảm viêm, kháng histamin H1, tiêu đờm, giảm ho…
    • Điều trị tại chỗ bằng các thuốc giảm viêm nhóm corticoid, men tiêu viêm, tinh dầu…
    • Nâng cao sức đề kháng, bổ sung dinh dưỡng, điện giải.

    Bạn có thể quan tâm:

    Viêm thanh quản cấp có nguy hiểm không?

    Viêm thanh quản cấp ở người lớn thường không nguy hiểm và có thể hồi phục tốt, nhưng ở trẻ em cần phải theo dõi kĩ vì bệnh dễ gây khó thở, ảnh hưởng đến tính mạng.

    Nếu không được điều trị đúng cách, viêm thanh quản có thể tiến triển thành viêm phế quản, viêm phổi nhưng hiếm gặp.

    Phòng ngừa viêm thanh quản cấp

    Một số phương pháp sau có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh như:

    • Thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm: Nước muối ấm có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm cải thiện tình trạng đau rát cổ. Bạn có thể thực hiện bằng cách hoà tan ¼ – ½ muỗng muối tinh vào 200ml nước ấm, sau đó súc miệng và nhổ ra. Nếu không có thời gian, bạn cũng có thể dùng nước muối sinh lý mua ở ngoài tiệm thuốc.
    • Giữ ấm cơ thể: Vào lúc thời tiết giao mùa hoặc khi trời lạnh, bạn cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ để tránh nhiễm cảm lạnh.
    • Ăn uống khoa học: Một chế độ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng không chỉ giúp phòng ngừa viêm thanh quản mà còn nhiều bệnh khác. Bạn cần đảm bảo bữa ăn có đủ 5 nhóm thực phẩm và tránh ăn những thực phẩm dễ gây kích ứng cổ họng như đồ chua, cay, nóng.
    • Không nên nói quá nhiều: một trong những nguyên nhân gây viêm thanh quản do là la hét và nói quá nhiều trong thời gian dài. Do đó, để phòng ngừa tình trạng này, bạn nên hạn chế la hét và nói chuyện. Ngoài ra, nếu công việc của bạn phải sử dụng giọng nhiều mỗi ngày thì có thể dùng máy tạo độ ẩm trong phòng để hạn chế tình trạng khô họng

    Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng viêm thanh quản cấp và biết cách phòng ngừa căn bệnh phổ biến này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Song Hào

    Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 28/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo