Tràn khí màng phổi là bệnh lý ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tùy vào nguyên nhân cũng như tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân…
Tin vui là sau khi điều trị, người bệnh tràn khí màng phổi hoàn toàn có thể trở về cuộc sống bình thường. Bên cạnh đó, ho cần điều chỉnh lối sống sinh hoạt lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Tràn khí màng phổi là gì?
Màng phổi gồm có 2 lớp, một lớp trong bao bọc lấy hai lá phổi, một lớp ngoài lót thành ngực. Khoang màng phổi là khoảng trống giữa 2 lớp màng phổi này. Bình thường, trong khoang màng phổi có chứa một lớp dịch để các lá phổi di động dễ dàng khi chúng ta hít thở.
Tuy nhiên vì một lý do nào đó mà không khí đi vào lớp này, gây tích tụ khí trong khoang màng phổi. Điều này cũng gây áp lực lên phổi, khiến nó không thể nở ra nhiều như bình thường mỗi khi hít vào. Tình trạng này được gọi là tràn khí màng phổi, hay xẹp phổi.
Biểu hiện và các triệu chứng của tràn khí màng phổi
Nếu tràn khí màng phổi ít, bệnh nhân có thể không gặp triệu chứng rõ ràng nào. Dấu hiệu tràn dịch màng phổi phổ biến nhất là đau ngực và khó thở. Đau ngực kiểu màng phổi là cơn đau nhói, dữ dội và lan lên vai cùng bên. Khó thở với mức độ tăng lên theo diễn biến bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có những triệu chứng như:
- Thở nhanh
- Hụt hơi
- Mũi phồng lên do khó thở.
Nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ có biểu hiện:
- Da xanh xao do thiếu oxy, cơ thể mệt mỏi.
- Tức ngực
- Choáng váng, suýt ngất xỉu
- Kiểu thở bất thường hoặc phải rất cố gắng để thở
- Tim đập nhanh
- Sốt.
Nguyên nhân gây tràn khí màng phổi?
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, tràn khí màng phổi có thể chia thành:
Tràn khí màng phổi nguyên phát
Tràn khí màng phổi nguyên phát xảy ra ở những người không có bệnh lý về phổi trước đó, thường gặp nhiều hơn ở người có thể trạng cao, gầy. Nguyên nhân là do vỡ những bóng khí bất thường trên bề mặt phổi, chẳng hạn như trong điều kiện thay đổi áp suất đột ngột (lặn biển, đi máy bay…).
Ngoài ra, thói quen hút thuốc lá cũng làm gia tăng đáng kể nguy cơ tràn khí màng phổi nguyên phát. Chất độc trong khói thuốc khiến thành màng phổi mỏng hơn, dễ rách hơn.
Yếu tố nguy cơ của dạng bệnh này còn có thể là do mang thai, hội chứng Marfan hoặc tràn khí màng phổi gia đình.
Tràn khí màng phổi thứ phát
Tràn khí màng phổi thứ phát xảy ra ở những người có mắc bệnh phổi như phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, lao phổi, hen phế quản, ung thư phổi, xơ phổi…
Ngoài ra còn có các dạng tràn khí màng phổi khác gồm:
- Do chấn thương: Xẹp phổi sau gãy xương sườn, bị đánh mạnh vào ngực, bị dao đâm hoặc súng bắn…
- Do điều trị: Sau một số thủ thuật y tế như sinh thiết, đặt ống thông tĩnh mạch…
- Do lạc nội mạc tử cung: Mô tử cung của phụ nữ phát triển trong ngực, tạo thành u nang gây chảy máu vào khoang màng phổi, khiến phổi bị xẹp.
Tràn khí màng phổi có nguy hiểm không?
Các biến chứng tiềm ẩn của hội chứng này là khác nhau, tùy thuộc vào kích thước tràn khí, mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân và cách điều trị. Chúng có thể bao gồm:
- Phù phổi
- Nhiễm trùng
- Suy hô hấp
- Suy tim
- Tử vong.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin dưới đây được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tràn khí màng phổi?
Ngoài dựa trên các triệu chứng bệnh, thường các bác sĩ sẽ chụp Xquang ngực chẩn đoán tràn khí màng phổi.
Một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp điện tử (CT scan), làm khí máu động mạch hoặc siêu âm để thấy những hình ảnh chi tiết hơn của phổi, kết hợp điện tâm đồ kiểm tra chức năng tim.
Phương pháp điều trị tràn khí màng phổi
Đối với những trường hợp tràn khí màng phổi mức độ nhẹ, bệnh có thể tự cải thiện theo thời gian nên chỉ cần thở oxy và theo dõi.
Bác sĩ có thể chọc dò màng phổi để lượng khí dư thừa trong khoang màng phổi ra ngoài, giúp phổi nở tốt khi hít thở.
Nếu tràn dịch màng phổi lớn, bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu màng phổi để dẫn khí ra ngoài. Ống dẫn lưu này có thể được đặt trong vài ngày và bạn phải nhập viện. Nếu ống dẫn lưu nhỏ hoặc sử dụng van rung, bạn có thể về nhà tạm thời cho tới ngày tháo thiết bị.
Nếu phương pháp trên không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần phẫu thuật để điều trị hoặc ngăn ngừa tái phát xẹp phổi trong tương lai. Bác sĩ có thể bơm một hóa chất đặc biệt vào vùng phổi bị xẹp, tạo sẹo để gây dính màng phổi, giảm thể tích khoang màng phổi nhằm hạn chế tích tụ dịch.
Có tới 50% bệnh nhân bị tràn khí màng phổi sẽ bị bệnh khác, nhưng không có biến chứng lâu dài sau khi điều trị thành công.
Cách chăm sóc người bệnh
Sau khi điều trị, người bệnh có chất lượng cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, có tới 30% bệnh nhân tràn khí màng phổi nguyên phát và 43% bệnh nhân thứ phát bị tái phát bệnh trong vòng 5 năm sau lần đầu. Nguy cơ tái phát tăng dần mỗi năm sau đó.
Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi và chăm sóc đầy đủ, giúp phục hồi chức năng hô hấp cũng như phòng ngừa bệnh tái phát.
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dừng hoặc đổi thuốc. Trường hợp gặp bất kỳ vấn đề gì khi sử dụng thuốc cần báo ngay với bác sĩ để được điều chỉnh phù hợp.
- Tránh các vận động nặng, gắng sức. Thay vào đó, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng kết hợp với các bài tập thở để tăng cường sức khỏe.
- Giữ chế độ ăn lành mạnh, ưu tiên các loại thực phẩm tăng cường sức khỏe phổi như cá béo, quả hạch, dầu ô liu, trái bơ, thịt nạc, thịt gia cầm, trứng, bông cải xanh, đậu, quả mọng, dứa, chuối, táo, cà chua… Giảm lượng muối ăn, hạn chế tiêu thụ các sản phẩm từ sữa, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán, rượu bia…
- Tái khám định kỳ.
Người bệnh cần lưu ý, nếu có các triệu chứng như khó thở, đau ngực thì nên đi khám bác sĩ ngay để được theo dõi và kiểm tra.
Biện pháp phòng ngừa tràn khí màng phổi
Trên thực tế, không có cách nào để phòng ngừa bệnh tràn khí màng phổi tự phát. Tuy nhiên, có một số biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ:
- Bỏ hút thuốc lá.
- Hạn chế lặn sâu hoặc đi lại bằng các phương tiện thay đổi độ cao đột ngột như máy bay.
- Đi khám sức khỏe định kỳ đúng hẹn.
Hội chứng tràn khí màng phổi nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chính vì vậy, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, bạn cần sớm thăm khám và điều trị. Sau điều trị, bạn nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để có được sức khỏe tốt nhất, ngăn ngừa bệnh tái phát.
[embed-health-tool-bmi]