Hội chứng đông đặc phổi là một tình trạng cho thấy các phế nang và đường dẫn khí bị tắc nghẽn do chứa đầy chất đặc thay vì không khí như bình thường. Đây là biểu hiện của một bệnh lý phổi cần xác định và điều trị kịp thời.
Vậy, hội chứng đông đặc phổi là gì, nguyên nhân do đâu, có những cách nào để chẩn đoán và điều trị? Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết sau.
Tìm hiểu chung
Hội chứng đông đặc phổi là gì?
Bình thường, nhu mô phổi có dạng xốp do chứa đầy không khí. Hội chứng đông đặc phổi chỉ tình trạng một khu vực trên chẩn đoán hình ảnh (X quang ngực thẳng hoặc CT scan lồng ngực) của phổi có sự đông đặc (tăng độ mờ nhu mô phổi rõ rệt kèm theo sự mất đi các đặc điểm giải phẫu cơ bản). Điều này là do không khí trong phế nang và đường dẫn khí nhỏ của phổi bị thay thế bằng chất lỏng, chất rắn hoặc vật chất khác như mủ, máu, nước, dịch dạ dày hoặc tế bào gây tắc nghẽn động mạch phổi.
Vùng đông đặc có thể nhỏ, lan rộng hoặc rải rác khắp phổi. Đông đặc phổi là dấu hiệu của bệnh lý phổi. Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây hội chứng này và cách điều trị sẽ tùy thuộc vào căn nguyên bệnh.
Tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ phổi và tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đông đặc phổi
Do không khí không thể lưu thông bình thường, hội chứng đông đặc phổi thường biểu hiện bằng triệu chứng khó thở. Da của người bệnh có thể nhợt nhạt hoặc hơi tái xanh do thiếu oxy.
Các triệu chứng khác, tùy thuộc vào nguyên nhân, có thể bao gồm:
- Thở khò khè, thở nhanh
- Ho khan
- Ho ra đờm đặc màu xanh lá hoặc có lẫn máu
- Ho ra máu
- Đau ngực, nặng ngực
- Sốt
- Mệt mỏi, khó chịu
- Sụt cân
- Đổ mồ hôi ban đêm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hội chứng đông đặc phổi
Rất nhiều bệnh lý có thể gây ra tình trạng phổi đông đặc.
Viêm phổi
Viêm phổi là nguyên nhân phổ biến nhất gây đông đặc phổi. Khi phổi bị nhiễm trùng, cơ thể sẽ gửi các tế bào bạch cầu đến để chống lại tác nhân gây bệnh. Các tế bào chết và mảnh vụn tích tụ tạo ra mủ, lấp đầy các đường dẫn khí nhỏ trong phổi. Viêm phổi thường do vi khuẩn hoặc virus, nhưng cũng có thể do nấm hoặc các sinh vật bất thường khác gây ra.
Phù phổi
Suy tim sung huyết là nguyên nhân phổ biến nhất gây phù phổi. Khi tim không bơm đủ mạnh để đẩy máu đi, máu sẽ ứ đọng tại các mạch máu trong phổi. Áp lực tăng lên sẽ đẩy chất lỏng từ mạch máu vào các đường dẫn khí nhỏ trong phổi.
Người đuối nước cũng bị phù phổi. Trong những trường hợp này, chất lỏng đi vào đường thở từ bên ngoài cơ thể thay vì từ bên trong.
Xuất huyết phổi
Xuất huyết phổi có nghĩa là chảy máu trong phổi. Nguyên nhân thường gặp nhất là do tình trạng viêm mạch máu ở phổi, làm cho các mạch máu yếu đi và bị rò rỉ, máu sẽ di chuyển vào các đường dẫn khí nhỏ gây hội chứng đông đặc. Ngoài ra, chảy máu trong phổi cũng có thể do các chấn thương kín gây rách vỡ các mạch máu trong phổi, hoặc vết thương do vật sắc nhọn đâm vào nhu mô phổi.
Hít sặc
Hít sặc xảy ra khi người bệnh hít phải các mảnh thức ăn hoặc chất chứa trong dạ dày vào phổi. Hít sặc có thể gây viêm phổi hít và trường hợp này thường khó điều trị hơn viêm phổi thông thường.
Acid dạ dày và các chất khác có thể gây viêm, kích ứng hoặc làm tổn thương phổi. Bệnh thường mắc phải ở bệnh nhân nằm viện mất ý thức.
Xẹp phổi
Xẹp phổi đề cập đến sự xẹp của mô phổi. Những trường hợp xẹp phổi nhẹ thường gặp ở những người vừa mới phẫu thuật do tắc nghẽn đường hô hấp nhỏ của phổi khi có dịch tiết. Những người bệnh nặng không thể hít thở sâu, làm hạn chế sự giãn nở của phổi và tăng nguy cơ xẹp phổi. Các nguyên nhân gây xẹp phổi khác bao gồm: tắc nghẽn đường thở lớn ở phổi hoặc phổi bị nén do tích tụ chất lỏng.
Trên hình ảnh, xẹp phổi xuất hiện dưới dạng các vùng đông đặc và thường khó phân biệt với viêm phổi hoặc hít sặc. Việc chẩn đoán chính xác rất phức tạp bởi thực tế là những tình trạng này có thể cùng tồn tại và xảy ra ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tương tự.
Ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất. Đôi khi, dấu hiệu ung thư phổi không xuất hiện rõ ràng trên phim chụp. Nó có thể là một vùng đông đặc khó phân biệt với viêm phổi, xuất huyết phổi hoặc các bệnh khác. Nếu tình trạng đông đặc phổi không biến mất sau khi điều trị, có thể nghi ngờ nguyên nhân do ung thư phổi. Để chẩn đoán xác định ung thư, bác sĩ thường sẽ thực hiện sinh thiết.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hội chứng đông đặc phổi được chẩn đoán như thế nào?
Sự đông đặc phổi dễ dàng được nhìn thấy nhất trên phim chụp X-quang. Các vùng đông đặc của phổi thường có màu trắng hoặc mờ đục trên phim chụp X-quang ngực. Để xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán khác để xác định nguyên nhân và mức độ đông đặc, bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Nuôi cấy đờm
- Chụp CT scan lồng ngực.
Điều trị hội chứng đông đặc phổi
Việc điều trị phụ thuộc căn nguyên gây tình trạng đông đặc. Cụ thể như sau:
- Viêm phổi: Điều trị bằng thuốc nhắm vào tác nhân gây bệnh. Người bệnh có thể được dùng thuốc để kiểm soát cơn ho, đau ngực hoặc sốt.
- Phù phổi: Điều trị phù phổi dựa trên nguyên nhân gây phù, có thể bao gồm dùng thuốc để loại bỏ chất lỏng dư thừa, giảm áp lực trong mạch máu hoặc làm cho tim bơm máu tốt hơn.
- Xuất huyết phổi: Nếu bị viêm mạch, người bệnh thường sẽ được điều trị bằng steroid và thuốc ức chế miễn dịch.
- Hít sặc: Trong trường hợp viêm phổi do hít sặc cần điều trị bằng kháng sinh mạnh. Đồng thời, bác sĩ sẽ đánh giá và điều trị các vấn đề về nuốt để tránh tình trạng này tiếp diễn. Nếu viêm phổi vô trùng, không điều trị bằng kháng sinh. Nếu cần, bác sĩ có thể kê đơn dùng steroid để giảm viêm, nhưng thông thường chỉ chăm sóc hỗ trợ.
- Xẹp phổi: Điều trị bằng cách hút chất nhầy gây tắc nghẽn hoặc sử dụng liệu pháp làm sạch đường thở để làm lỏng chất nhầy nhằm giúp bệnh nhân có thể ho tống chất nhầy ra ngoài và làm thông đường thở.
- Ung thư phổi: Tùy vào giai đoạn bệnh và nhiều yếu tố khác, cách điều trị có thể là hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, điều trị nhắm đích hoặc liệu pháp miễn dịch.
Hội chứng đông đặc phổi xảy ra khi các khoang bình thường thay vì chứa đầy không khí của phổi lại chứa đầy các chất đặc gây tắc nghẽn. Nó thường được phát hiện trên phim chụp X-quang. Cách điều trị và tiên lượng bệnh phụ thuộc vào bệnh lý căn nguyên gây ra tình trạng đông đặc. Việc duy trì một lối sống lành mạnh, không hút thuốc và chăm sóc sức khỏe định kỳ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa hội chứng nguy hiểm này.
[embed-health-tool-bmi]