backup og meta

Bệnh ho gà

Bệnh ho gà

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có hơn 151.000 trường hợp mắc bệnh ho gà trên toàn thế giới vào năm 2018. Bệnh có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Đây là căn bệnh gì mà nguy hiểm đến vậy? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay nhé!

Tìm hiểu chung

Ho gà là bệnh gì?

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan. Trong hầu hết các trường hợp, dấu hiệu điển hình là cơn ho dữ dội hoặc kiểu co thắt, lặp đi lặp lại và kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Cơn ho kết thúc bằng tiếng thở rít the thé như tiếng gà gáy.

Bệnh ho gà hiếm khi gây tử vong, nhưng thường đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh ho gà

triệu chứng bệnh ho gà

Thời gian xuất hiện các dấu hiệu ho gà là khoảng 7-10 ngày sau khi bị nhiễm bệnh, cũng có thể lâu hơn. Triệu chứng ở giai đoạn đầu thường nhẹ và khá giống với cảm cúm thông thường. Chúng bao gồm:

  • Ho nhẹ hoặc thỉnh thoảng mới ho
  • Sổ mũi
  • Nghẹt mũi
  • Mắt đỏ và ướt
  • Sốt nhẹ

Sau một hoặc hai tuần, các dấu hiệu sẽ dần trở nặng. Chất nhầy dày tích tụ bên trong đường thở, gây ho không kiểm soát được. Cụ thể là:

  • Cơn ho nặng tái phát ngắt quãng trong tối đa 10 tuần hoặc hơn
  • Sau khi kết thúc một cơn ho, người bệnh thở hổn hển nhanh và sâu, có thể gây ra âm thanh lớn và chói tai như tiếng the thé của con gà
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Mặt chuyển sang đỏ hoặc tím tái
  • Mệt mỏi, kiệt sức.

Các triệu chứng của bệnh ho gà bắt đầu giảm bớt sau bốn tuần, mặc dù các cơn ho có thể tái phát trong nhiều tháng sau đó.

Nhiều người sẽ không có tiếng thở rít đặc trưng sau cơn ho. Đôi khi, ho khan dai dẳng là dấu hiệu duy nhất cho thấy thanh thiếu niên hoặc người lớn bị ho gà.

Trẻ sơ sinh có thể không ho nhưng lại gặp các triệu chứng khác, chẳng hạn như khó thở hoặc thậm chí bị ngừng thở tạm thời.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu xuất hiện cơn ho kéo dài và có các dấu hiệu sau:

  • Nôn mửa
  • Mặt chuyển đỏ hoặc tím tái
  • Khó thở hoặc ngừng thở tạm thời
  • Tiếng thở vào rít như tiếng gà kêu.

Ngoài ra, nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu mất nước nào, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Các triệu chứng mất nước có thể bao gồm:

  • Khô miệng
  • Khát nước
  • Mệt mỏi
  • Đi tiểu ít (giảm đi tiểu)
  • Yếu cơ
  • Đau đầu
  • Chóng mặt hoặc lâng lâng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh ho gà là gì?

nguyên nhân bệnh ho gà

Nguyên nhân gây bệnh ho gà là một loại vi khuẩn có tên là Bordetella pertussis gây ra. Tình trạng này bắt đầu khi vi khuẩn xâm nhập vào hệ hô hấp. Chúng bám vào các lông mao trên niêm mạc đường hô hấp. Sau đó, chúng giải phóng chất độc làm hỏng lông mao, khiến đường thở bị viêm và sưng lên. Tình trạng sưng tấy này làm tăng tiết dịch nhầy, gây ho dữ dội.

Khi một người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, những giọt nhỏ chứa đầy vi khuẩn gây bệnh cũng sẽ bắn vào không khí. Những người xung quanh hoặc ở gần đó có thể hít phải mầm bệnh trong không khí vào phổi.

Đôi khi, bệnh cũng có thể lây lan khi bạn chạm vào bề mặt bị nhiễm bệnh và sau đó chạm vào mũi hoặc miệng của mình.

Bệnh có thể lây truyền ngay cả trước khi các triệu chứng xuất hiện và khả năng lây bệnh kéo dài cho đến hai tuần sau khi cơn ho bắt đầu.

Các yếu tố nguy cơ

Bệnh ho gà chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, trẻ em còn quá nhỏ chưa hoàn thành quá trình tiêm chủng đầy đủ, cũng như thanh thiếu niên và người lớn đã mất khả năng miễn dịch.

Ngoài ra, thanh thiếu niên hoặc người lớn cũng sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn nếu vắc-xin ho gà được tiêm khi còn nhỏ đã hết tác dụng.

Biến chứng

Bệnh ho gà có nguy hiểm không?

Thanh thiếu niên và người lớn thường khỏi bệnh ho gà mà không gặp vấn đề gì. Các biến chứng xảy ra thường là hậu quả của cơn ho dữ dội, chẳng hạn như:

  • Xương sườn rạn hoặc gãy
  • Thoát vị hoành
  • Các mạch máu dưới da hoặc lòng trắng mắt bị vỡ ra, gây bầm tím dưới da, đỏ mắt.
  • Đi tiểu không tự chủ
  • Giảm cân ngoài ý muốn.

biến chứng bệnh ho gà

Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi chưa được tiêm phòng hoặc chưa được tiêm đầy đủ các loại vắc xin được khuyến nghị có nguy cơ cao nhất bị biến chứng nghiêm trọng và tử vong. Ngoài ra, trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi dễ mắc các biến chứng do ho gà nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng bao gồm:

  • Viêm phổi
  • Ngừng thở
  • Mất nước
  • Sụt cân do khó ăn
  • Co giật
  • Tổn thương não
  • Tử vong.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh ho gà?

Các triệu chứng của ho gà không biểu hiện rõ trong giai đoạn đầu, hoặc có thể giống với các bệnh đường hô hấp thông thường khác, chẳng hạn như cảm lạnh, cúm hoặc viêm phế quản. Điều này gây khó khăn trong việc chẩn đoán chính xác bệnh. 

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng và lắng nghe tiếng ho để chẩn đoán.

Ngoài ra, một số xét nghiệm y tế có thể hỗ trợ chẩn đoán bệnh như:

  • Xét nghiệm dịch mũi họng: Sử dụng tăm bông để lấy dịch ở khu vực giao giữa mũi và cổ họng (tương tự như test Covid 19) để kiểm tra xem có vi khuẩn ho gà hay không.
  • Xét nghiệm máu: Lấy máu tĩnh mạch để kiểm tra số lượng bạch cầu trong cơ thể. Số lượng bạch cầu cao thường là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc viêm. Đây là một xét nghiệm chung và không đặc hiệu cho bệnh ho gà.
  • Chụp X-quang: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để kiểm tra xem phổi có bị viêm hoặc có tích tụ dịch hay không. Điều này xảy ra khi ho gà gây biến chứng viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Những phương pháp điều trị bệnh ho gà

Trẻ sơ sinh thường phải nhập viện để điều trị vì bệnh ho gà nguy hiểm hơn đối với nhóm tuổi đó. Nếu trẻ bị mất nước hoặc gặp khó khăn trong ăn uống, bác sĩ có thể cần phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ được cách ly khỏi những người khác để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.

Cách chữa bệnh ho gà ở trẻ lớn hơn và người trưởng thành thường có thể được thực hiện tại nhà. Sử dụng thuốc kháng sinh nhóm macrolid giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ho gà, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục và giảm lây lan cho người khác. Các thành viên gia đình bị phơi nhiễm có thể được dùng kháng sinh phòng ngừa.

Các loại thuốc giảm ho không kê đơn thường ít có tác dụng đối với bệnh ho gà và không được khuyến khích sử dụng.

Để đối phó với những cơn ho khi điều trị bệnh ho gà tại nhà, bạn nên:

  • Nghỉ ngơi nhiều. Một phòng ngủ mát mẻ, yên tĩnh và tối có thể giúp bạn thư giãn và nghỉ ngơi tốt hơn.
  • Uống nhiều nước. Nước lọc, nước trái cây và súp là những lựa chọn tốt mà bạn nên bổ sung vào chế độ ăn khi mắc bệnh. Đặc biệt, ở trẻ em, hãy theo dõi các dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như môi khô, khóc không ra nước mắt và đi tiểu ít.
  • Ăn các bữa ăn nhỏ hơn. Để tránh bị nôn sau khi ho, hãy ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên hơn thay vì chỉ ăn 3 bữa lớn trong ngày.
  • Làm sạch không khí. Giữ cho không gian sinh hoạt không có các chất kích thích có thể gây ra các cơn ho, chẳng hạn như khói thuốc lá, khói bếp than, bụi.
  • Ngăn chặn sự lây truyền. Che miệng khi ho và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Nếu bạn phải ở gần những người khác, hãy đeo khẩu trang.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh ho gà

phòng ngừa bệnh ho gà

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh ho gà là tiêm phòng vắc-xin ho gà. Các bác sĩ thường tiêm kết hợp vắc-xin ho gà với vắc-xin bạch hầu và uốn ván.

Vắc xin bao gồm một loạt năm mũi tiêm, được tiêm cho trẻ em lần lượt như sau:

  • Mũi 1: 2 tháng tuổi
  • Mũi 2: 4 tháng tuổi
  • Mũi 3: 6 tháng tuổi
  • Mũi 4: 16 đến 18 tháng tuổi
  • Mũi 5: 4 đến 6 tuổi

Tác dụng phụ của vắc-xin thường nhẹ, có thể bao gồm các triệu chứng như: sốt, cáu kỉnh, nhức đầu, mệt mỏi hoặc đau nhức tại chỗ tiêm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cần tiêm mũi tiêm tăng cường, bao gồm:

  • Thanh thiếu niên các bác sĩ khuyên nên tiêm nhắc lại ở tuổi 11 vì khả năng miễn dịch từ vắc-xin ho gà có xu hướng suy yếu ở tuổi này
  • Người lớn tiêm nhắc lại 10 năm một lần. Vắc-xin này cũng sẽ làm giảm nguy cơ truyền bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh.
  • Phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin ho gà trong khoảng thời gian từ 27 đến 36 tuần của thai kỳ. Điều này cũng có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu đời.

Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về bệnh ho gà. Hiểu rõ về bệnh chính là “chìa khóa” quan trọng giúp bạn điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Whooping cough. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/whooping-cough/symptoms-causes/syc-20378973. Ngày truy cập: 13/04/2023

Whooping Cough (Pertussis). https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15661-whooping-cough-pertussis. Ngày truy cập: 13/04/2023

Whooping Cough. https://medlineplus.gov/whoopingcough.html. Ngày truy cập: 13/04/2023

Whooping Cough (Pertussis) in Adults. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/whooping-cough-pertussis-in-adults. Ngày truy cập: 13/04/2023

Whooping cough. https://www.nhs.uk/conditions/whooping-cough/. Ngày truy cập: 13/04/2023

Pertussis (Whooping Cough). https://www.cdc.gov/pertussis/about/signs-symptoms.html. Ngày truy cập: 13/04/2023

Phiên bản hiện tại

24/04/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Thuốc trị ho khan và những lưu ý khi sử dụng

Bị ho nên uống gì để mau khỏi? 13 thức uống trị ho hiệu quả, đơn giản


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 24/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo