Bạn đọc hỏi:
Chào bác sĩ, tôi năm nay 30 tuổi. Dạo gần đây, tôi bị sốt, ho kèm đờm màu xanh hoặc vàng. Tôi có dùng thuốc uống vì nghĩ là bị viêm phổi. Tuy nhiên, đã 7 ngày rồi mà tình trạng vẫn chưa đỡ và còn ho nhiều, tôi lo mình bị lao phổi. Xin hỏi bác sĩ viêm phổi và lao phổi khác nhau như thế nào? Và tôi cần làm gì nếu nghi ngờ mình mắc bệnh lao? Cảm ơn bác sĩ nhiều.
Anh Khang (30 tuổi)
Bác sĩ trả lời:
Chào bạn,
– Với câu hỏi Viêm phổi và lao phổi khác nhau như thế nào?, bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng, Nội khoa – Nội tổng quát, Bệnh viện quận Bình Thạnh – TP. HCM, giải đáp như sau:
Viêm phổi và lao phổi khác nhau như thế nào?
Sự khác nhau của viêm phổi và lao phổi được thể hiện qua 7 mục sau đây:
1. Định nghĩa
- Viêm phổi: là tình trạng nhiễm trùng tại nhu mô phổi, bệnh nằm trong nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Bệnh có nhiều mức độ khác nhau từ những ca bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà, đến những ca bệnh nặng với biến chứng suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, và có thể tử vong.
- Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể nhưng phổi là nơi thường gặp nhất (chiếm 80-85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho những người xung quanh.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi và lao phổi
- Viêm phổi: nguyên nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn (Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus, Moraxella catarrhalis, Legionella pneumophila, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae), trực khuẩn gram âm (Pseudomonas aeruginosa, E. coli …), virus (virus cúm, virus cúm gia cầm, SARS, Coronavirus..)
- Lao phổi: nguyên nhân gây bệnh chỉ duy nhất là trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis)
3. Yếu tố tạo điều kiện thuận lợi mắc bệnh
- Viêm phổi
-
- Mùa đông, tiếp xúc thời tiết lạnh
- Tuổi cao, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV, ung thư,..)
- Chấn thương sọ não, hôn mê, mắc các bệnh phải nằm lâu trong bệnh viện, sử dụng kháng sinh kéo dài, giãn phế quản,… dễ mắc viêm phổi do vi khuẩn Gram âm hoặc P. aeruginosa.
- Động kinh, suy giảm miễn dịch, suy tim, hút thuốc lá, nghiện rượu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hồng cầu hình liềm,… dễ mắc viêm phổi do S. pneumoniae.
- Lao phổi:
-
- Nhiễm HIV, sử dụng chất gây nghiện (như ma túy,..)
- Điều trị chuyên biệt bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh Crohn
- Cấy ghép nội tạng
- Bệnh thận nặng, bệnh bụi phổi silic, ung thư đầu, cổ
- Tiểu đường
- Suy dinh dưỡng
- Sử dụng corticoid kéo dài
4. Triệu chứng bệnh viêm phổi và lao phổi
- Viêm phổi:
-
- Bệnh lý cấp tính, biểu hiện điển hình như: sốt cao, rét run, ho khạc đờm, đờm có thể có màu rỉ sắt, khó thở, thở nhanh, đau ngực tăng khi hít vào,..
- Lao phổi:
-
- Sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, chán ăn, sụt cân, mệt mỏi.
- Ho, khạc đờm, ho ra máu, khó thở, đau ngực.
5. Xét nghiệm chẩn đoán viêm phổi và lao phổi
- Viêm phổi:
-
- Công thức máu: số lượng bạch cầu tăng (> 10 Giga/lít) hoặc giảm (< 4,4 Giga/lít). Tốc độ lắng máu tăng.
- CRP tăng, procalcitonin tăng.
- X-quang phổi thường quy: mờ đồng nhất hoặc không đồng nhất, khu trú hoặc rải rác, thâm nhiễm dạng nốt, 1 hoặc 2 bên phổi.
- Lao phổi:
-
- Nhuộm soi đờm trực tiếp tìm AFB
- Xét nghiệm Xpert MTB/RIF: để chẩn đoán bệnh lao và bệnh lao kháng Rifampicin
- Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao
- X-quang phổi thường quy: thâm nhiễm, nốt, hang có thể 1 hoặc 2 bên phổi.
6. Điều trị viêm phổi và lao phổi
Cả viêm phổi và lao phổi đều điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên tùy thuộc vào tình trạng bệnh, cơ địa bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp cho từng trường hợp.
7. Chăm sóc và phòng ngừa
- Viêm phổi
-
- Giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh, loại bỏ các kích thích có hại: thuốc lá, rượu bia,..
- Tiêm phòng cúm mỗi năm cho các đối tượng: người > 50 tuổi, người mắc bệnh tim phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận nặng, suy giảm miễn dịch
- Tiêm phòng phế cầu cho các đối tượng: người mắc bệnh tim, phổi mạn, đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh gan mạn tính, dò dịch não tủy, cắt lách, suy giảm miễn dịch.
- Cai thuốc lá
- Lao phổi
-
- Sử dụng thuốc theo toa bác sĩ
- Luôn che miệng bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi hoặc cười
- Tự cách ly với gia đình và người thân, bạn bè để tránh nguy cơ lây nhiễm
- Không khí trong phòng ở phải luôn thông thoáng, sạch sẽ
Cần làm gì nếu nghi ngờ mình mắc bệnh lao?
- Bệnh lao phổi là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, tỉ lệ tử vong, kháng thuốc cao. Vì vậy, nếu nghi ngờ mắc bệnh lao phổi cần phải đến ngay trung tâm y tế để được các bác sĩ thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
- Ngừng sử dụng thuốc lá và các chất kích thích cũng sẽ giúp hỗ trợ bệnh nhanh khỏi.
- Có chế độ ăn hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và khoáng chất giúp nhanh lành bệnh và hạn chế biến chứng.
Trân trọng!
[embed-health-tool-bmi]