backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bật mí các bài thuốc chữa lao phổi bằng Đông y

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 10/11/2023

    Bật mí các bài thuốc chữa lao phổi bằng Đông y

    Từ xa xưa, ông bà ta đã áp dụng rất nhiều bài thuốc chữa lao phổi bằng Đông y và đạt được hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, cách thực hiện các bài thuốc nam trị lao phổi này như thế nào để đảm bảo hiệu quả thì không phải ai cũng biết.

    Lao phổi là một căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Các triệu chứng của bệnh này bao gồm: ho kéo dài, ho có đờm, đau tức ngực, khó thở, sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân, ho ra máu…Bên cạnh việc tuân thủ uống thuốc tây y theo phác đồ thì kết hợp thêm một số bài thuốc từ cây thuốc nam trị lao phổi sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị.

    Những vị thuốc, bài thuốc nam chữa lao phổi bằng Đông y phổ biến

    Cây mỏ quạ

    Cây mỏ quạ (Tên khoa học: Maclura cochinchinensis) là loại cây thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Tên gọi khác là móc câu, mỏ diều, hoàng lồ, vàng lồ, gai mang, sọng vàng, xuyên phá thạch… Đây là loại cây thân nhỏ, cành mềm thường mọc hoang ở nhiều nơi ở nước ta, tập trung nhiều ở Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai. Theo Đông y, cây mỏ quạ có tính mát, vị hơi đắng, có tác dụng hoạt huyết phá ứ, giảm sưng đau, giãn gân, khứ phong và làm mát phổi. Bài thuốc từ cây mỏ quạ thường được dùng để chữa ho, bế kinh, phong thấp, trị đau lưng, nhức mỏi, viêm gan và bệnh lao phổi…

    Bài thuốc chữa lao phổi bằng Đông y từ cây mỏ quạ

    Một số bài thuốc chữa lao phổi bằng Đông y từ cây mỏ quạ có thể kể đến như sau:

    • Bài thuốc chữa lao phổi khi bị ho sốt, có đờm vàng: Sử dụng 63g rễ mỏ quạ, 12g bách bộ sắc với nước, chia làm 2 lần uống trong ngày.
    • Bài thuốc chữa ho ra máu do nóng ở phổi: Sử dụng 63g rễ mỏ quạ cạo bỏ vỏ thô bên ngoài, thái lát mỏng, sao xém rồi sắc với nước, cho thêm ít đường sẽ giúp dễ uống.
    • Bài thuốc chữa lao phổi khi bị ho hoặc khạc đờm ra máu: Sử dụng 40g rễ mỏ quạ, 30g dây rung rúc, 20g bách bộ, 20g hoàng liên ô rô đem sắc với nước và dùng để uống trong ngày. Nên uống thuốc khi còn ấm, uống liên tục trong 15 ngày cho 1 liệu trình. Áp dụng lại liệu trình nếu chưa thấy bệnh thuyên giảm.
    • Bài thuốc trị ho lâu ngày do nhiễm khí lạnh: Sử dụng 10g mỏ quạ, 30g rễ rung rúc, 9g cam thảo cho vào ấm sắc với 700ml nước cho tới khi còn 300ml thì tắt bếp. Chia đều làm 3 lần uống trong ngày. Áp dụng bài thuốc trong 10 ngày, nếu bệnh chưa được cải thiện thì có thể nghỉ vài ngày và lặp lại bài thuốc.

    Tuyệt đối không được dùng bài thuốc từ cây mỏ quạ gai cho phụ nữ đang mang thai và tránh nhầm lẫn cây mỏ quạ với dây mỏ quạ.

    Chữa lao phổi bằng Đông y với tỏi

    Tỏi không chỉ được biết đến là một loại gia vị phổ biến trong nhiều món ăn của người Việt mà đây còn là một loại thảo dược giúp chữa nhiều bệnh vô cùng hiệu quả. Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, có tác dụng chỉ khái, trừ đàm, sát trùng giải độc, hỗ trợ tiêu hóa.

    bài thuốc chữa lao phổi bằng Đông y với tỏi

    Tỏi được sử dụng trong bài thuốc trừ đờm, trị ho cho người bị lao phổi, ho gà. Cụ thể như sau:

    • Món cháo từ nước sắc tỏi cho người bị lao phổi: Chuẩn bị tỏi 13 tép, bột bạch cập 4g, gạo nếp 60g. Đun tỏi chín vừa rồi vớt ra, Sau đó, cho gạo nếp vào nấu cháo, cuối cùng, cho tỏi và bột bạch cập vào khuấy đều để ăn. Ăn ngày 1 lần, dùng liên tục trong nửa tháng. Nếu tình trạng bệnh chưa cải thiện, hãy dừng khoảng 10 ngày sau đó thực hiện tiếp 1-2 liệu trình nữa.

    Mạch môn chữa lao phổi thể phế thận âm hư

    Mạch môn (Tên khoa học: Ophiopogon japonicus Wall) là loại cây thuộc họ hành tỏi (Liliaceae). Theo Đông y, mạch môn có tính hàn, vị ngọt, hơi đắng, quy kinh phế, vị, có tác dụng hóa đờm, trừ ho, được dùng để chữa ho lao, ho khạc ra máu. Dược liệu này được dùng trong điều trị lao phổi giai đoạn đầu, khi phổi và thận bị tổn thương. Bên cạnh đó, các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng mạch môn có thể làm tăng thực bào của hệ thống lưới nội mô, tăng bạch cầu ngoại vi, tăng khả năng miễn dịch và sự thích nghi của cơ thể. 

    Các bài thuốc nam chữa lao phổi bằng Đông y từ mạch môn bao gồm:

    • Bài 1: Mạch môn 12g, sa sâm 12g, huyền sâm 12g, thiên môn 8g, sinh địa 12g, a giao 8g, bách bộ 6g. Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi với nước sắc còn ⅓, nên uống khi còn ấm và uống sau bữa ăn 60 phút.
    • Bài 2: Mạch môn 12g, sinh địa 12g, hoài sơn 12g, thiên môn 12g, phục linh 12g, a giao 12g, bách bộ 8g, xuyên bối mẫu 8g, bách hợp 8g; ngọc trúc 8g. Sắc nước uống tương tự như bài trên.
    • Bài 3: Mạch môn 12g, sa sâm 12g, sinh địa 12g, 18g huyền sâm, 18g địa cốt bì, 18g bách bộ, xạ can 6g, hạ khô thảo 16g. Sắc nước uống tương tự.
    • Bài 4: Mạch môn 12g, sa sâm 12g, bách hợp 12g, bách bộ 12g, huyền sâm 12g, hoàng cầm 12g, sinh địa 16g, hạ khô thảo 16g, bạch cập 8g. Sắc nước uống tương tự.

    Đảng sâm điều trị lao phổi thể tỳ phế thận đều hư

    Đảng sâm (Tên khoa học: Campanumoea javanica Blume) thuộc họ Hoa chuông hay còn có tên gọi khác là đẳng sâm, thượng đảng nhân sâm. Theo Đông y, đảng sâm có vị ngọt, tính bình, quy kinh tỳ, phế,  có tác dụng bổ trung, ích khí, sinh tân, kiện tỳ, dưỡng huyết, dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược, khí hư huyết hư, thể trạng mệt mỏi. Ngoài ra, đảng sâm có tác dụng hạ huyết áp, tăng cường miễn dịch của cơ thể, kháng viêm, hóa đàm, giảm ho, kháng khuẩn…, rất tốt cho người bị lao phổi ở giai đoạn sau của bệnh, khi mà cả lách, phổi, thận đều bị tổn thương.

    • Bài 1: Đảng sâm 16g, hoài sơn 16g, ý dĩ 12g, bạch truật 16g, mạch môn 12g, thiên môn 12g, quy bản 12g, a giao 8g. Sắc nước uống chia 2 lần/ngày và nên dùng khi còn ấm.
    • Bài 2: Đảng sâm 16g, bạch truật 12g, phục linh 8g, cam thảo 6g cỏ nhọ nồi 12g ngũ vị tử 6g, bách hợp 8g, tử uyển 12g, bối mẫu 6g. Sắc nước uống tương tự.
    • Bài 3: Đảng sâm 16g, bạch truật 12g, hoài sơn 12g, ngũ vị tử 6g, mạch môn 12g, ngọc trúc 12g, bách bộ (chế) 12g. Sắc nước uống tương tự.

    Chữa lao phổi bằng Đông y với gạo lứt

    chữa lao phổi bằng Đông y với gạo lứt

    Ngoài được biết đến là một loại thực phẩm hỗ trợ giảm cân, tốt cho sức khỏe, gạo lứt còn là một nguyên liệu dùng để nấu các món cháo hỗ trợ chữa lao phổi bằng Đông y khá hiệu quả. Tác dụng là thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ sức khỏe, làm mát phổi, trị ho do lao phổi.

    Các món ăn từ gạo lứt hỗ trợ trị lao phổi bao gồm:

    • Cháo trám, cà rốt: Sử dụng gạo lứt 100g, quả trám 50g, cà rốt 100g, đường trắng 100g. Cách thực hiện: Gạo lứt vo sạch cho vào nồi nấu cháo, trám rửa sạch luộc sôi, bỏ hạt, thái nhỏ, cà rốt rửa sạch thái hạt lựu. Sau khi cháo đã nở, cho trám, cà rốt vào đun nhỏ lửa và ninh nhừ. Thêm đường trắng vào để nguội và ăn.
    • Cháo bách hợp: Sử dụng gạo lứt 100g, bách hợp khô 50g, đường trắng 100g. Cách thực hiện: Vo gạo lứt rồi cho vào nồi, bách hợp đãi sạch cho vào cùng với gạo và 1 lít nước, nấu cho đến khi cháo chín nhừ thì cho đường vào. Mỗi ngày dùng 2 lần.
    • Cháo hoa huệ: Sử dụng gạo lứt 10g, hoa huệ khô 300g. Cách thực hiện: Gạo lứt vo sạch, hoa huệ ngâm nước ấm cho mềm, sau đó cho vào nồi nấu thành cháo để ăn.
    • Cháo câu kỷ tử: Chuẩn bị nguyên liệu là câu kỷ tươi 100g và gạo lứt 60g. Đãi sạch 2 nguyên liệu rồi cho nước vào để nấu cháo ăn. Ngày ăn 2 lần.
    • Cháo địa hoàng, táo nhân: Lấy 30g táo nhân chua cho nước nghiền nát, lấy 100ml nước. Địa hoàng sống 30g đổ nước vào sắc cô đặc lấy 100ml nước. Gạo lứt 100g vo sạch cho nước vào nấu cháo, sau đó, cho nước địa hoàng và nước táo chua vào quấy đều là dùng được. Ngày ăn 2 lần ăn.
    • Cháo phổi lợn: Phổi lợn 250g, gạo lứt 100g. Phổi lợn 250g rửa sạch cắt miếng rồi cho vào nước nấu chín. Sau đó, vớt phổi ra cắt miếng vừa ăn. Gạo lứt 100g vo sạch nấu cháo, sau đó cho phổi lợn đã luộc chín cùng gia vị, gừng, hành vào để ăn. Ngày ăn 2 lần để đảm bảo hiệu quả.

    Những lưu ý khi áp dụng các bài thuốc chữa lao phổi bằng Đông y

    • Tùy vào thể trạng, mức độ nặng nhẹ của bệnh mà tác dụng của các bài thuốc chữa lao phổi bằng Đông y sẽ khác nhau.
    • Trong quá trình áp dụng, nếu cơ thể có xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào thì phải dừng lại và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng tiếp.
    • Tốt nhất, bệnh nhân nên thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ dẫn về liều lượng, cách sử dụng hiệu quả để tránh những tác dụng không mong muốn.
    • Bệnh nhân vẫn phải tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đưa ra, không được tự ý bỏ uống thuốc.
    • Thực hiện chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học, tránh những tác nhân có thể khiến bệnh lao phổi thêm trầm trọng hơn như khói thuốc, bia rượu, chất kích thích,…

    Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các bài thuốc chữa lao phổi bằng Đông y đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Khi áp dụng Đông y vào hỗ trợ điều trị, bạn nên kiên trì để đạt được hiệu quả tốt nhất!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 10/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo