backup og meta

Biết cách sống chung với người bị bệnh lao để giúp bạn bớt lo lắng

Biết cách sống chung với người bị bệnh lao để giúp bạn bớt lo lắng

Nếu chẳng may trong gia đình có người thân bị bệnh lao thì cách sống chung với người bị bệnh lao như thế nào để giảm nguy cơ lây nhiễm? Nếu trong giai đoạn này, bản thân bạn cũng không may bị nhiễm bệnh thì nên làm gì?

Bạn không cần phải quá lo lắng bởi trên thực tế không phải bất kỳ ai tiếp xúc với người bị lao cũng sẽ chắc chắn lây nhiễm bệnh. Cùng theo dõi bài viết sau đây của Hello Bacsi để biết cách sống chung với người bị bệnh lao, luôn chủ động khi chăm sóc bản thân và người bệnh nhé!

Đường lây nhiễm của bệnh lao

Bệnh lao có nhiều cách phân loại, trong đó phổ biến nhất là phân loại bệnh lao dựa trên vị trí, gồm có lao phổi (80 – 85%) và lao ngoài phổi.

Trong đó, lao phổi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vi trùng lao được đưa vào không khí thông qua các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao khi người bệnh ho, khạc, nói, cười, hát hoặc hắt hơi. Ai ở gần người bệnh đều có thể hít phải các hạt khí dung chứa vi trùng lao vào phổi và mắc bệnh. Những người tiếp xúc với bệnh nhân hằng ngày trong không gian chật hẹp như người nhà, đồng nghiệp, bạn trong lớp sẽ có nguy cơ cao. Lao phổi không lây qua quần áo, ly nước, chén đũa, nhà vệ sinh hay khi bắt tay.

Riêng các thể lao ngoài phổi như lao hạch, lao màng tim, lao màng bụng… thì không lây nhiễm. Do đó, bạn chỉ cần lưu ý tới cách sống chung với người bị bệnh lao phổi nhằm tránh lây nhiễm còn các thể lao còn lại thì vẫn sinh hoạt với họ như bình thường.

cách sống chung với người bị bệnh lao và làm sao để giảm nguy cơ nhiễm bệnh

Cách sống chung với người bị bệnh lao phổi và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh?

Người bị lao phổi có phải cách ly không?

Câu trả lời là có. Như đã đề cập ở trên, lao phổi lây truyền qua đường hô hấp thông qua giọt bắn hoặc trong các hạt bụi nhỏ trong không khí. Do vậy nó dễ dàng lây nhiễm cho những người xung quanh.

Ai cũng có thể mắc bệnh lao phổi. Trẻ sơ sinh chưa có miễn dịch bảo vệ nên rất dễ mắc bệnh. Phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị HIV, đái tháo đường, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch điều trị một số bệnh khác… là những người có nguy cơ cao dễ mắc lao phổi hoặc lao các cơ quan khác. Những đối tượng này cần cách ly tuyệt đối với người bị bệnh lao.

Cách sống chung với người thân trong nhà bị bệnh lao phổi

Khi có người thân trong nhà bị bệnh lao phổi, bạn nên:

  • Cách ly bệnh nhân trong phòng riêng để điều trị, đặc biệt là người mắc bệnh lao hoạt động (lao AFB +) hoặc lao đa kháng thuốc, cho đến khi bác sĩ thăm khám và xác nhận người bệnh đã không còn nguy cơ lây nhiễm nữa.
  • Hỗ trợ chăm sóc người bệnh bằng cách cho họ uống thuốc trị lao theo chỉ định của bác sĩ. Động viên người bệnh nghỉ ngơi và ngủ đu giấc. Tái khám định kỳ.
  • Quan tâm đến chế độ ăn giàu dinh dưỡng: Các chất dinh dưỡng sau cần thường xuyên có mặt trong bữa ăn của người bệnh lao như: kẽm, vitamin A, E, C, sắt, vitamin K, B6. Không cần ăn uống riêng biệt, bát đũa riêng vì bệnh lao phổi thường không lây theo đường ăn uống. 
  • Khi tiếp xúc với bệnh nhân lao, đặc biệt là khi tiếp xúc gần, cần đeo khẩu trang che mũi miệng cho người bệnh cũng như cho bản thân.
  • Không để các chất có trực khuẩn lao phát tán ra ngoài. Hướng dẫn người bệnh không khạc nhổ bừa bãi. Đờm của người có bệnh phải được khạc vào ca hoặc cốc chứa vôi bột… Vứt bỏ khẩu trang an toàn vào thùng rác có nắp đậy, rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt là sau khi chăm sóc người bệnh lao.
  • Giúp người bệnh dọn dẹp nhà cửa và phòng ốc luôn sạch sẽ, phòng nên có cửa sổ và ánh nắng để đảm bảo thông khí tự nhiên. Cho bệnh nhân tắm giặt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thay quần áo mỗi ngày.
  • Bản thân cố gắng ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh, ngủ đủ giấc và bảo vệ cơ thể bằng cách hạn chế hút thuốc lá, giảm rượu.
  • Hạn chế để người bệnh tiếp xúc với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền và những người có hệ miễn dịch kém bởi đây là những đối tượng dễ bị lây nhiễm vi trùng lao nhất.
  • Không đến những nơi công cộng, đông người, hạn chế các cuộc gặp gỡ không thật sự cần thiết.

Làm thế nào để biết mình đã bị nhiễm vi trùng lao?

Dù đã thực hiện triệt để các lưu ý trong cách sống chung với người bị bệnh lao để đảm bảo an toàn tối đa, nhưng cũng không thể loại trừ tình huống bạn vẫn nhiễm vi khuẩn lao trong những lần tiếp xúc với bệnh nhân lao. 

Hơn thế nữa, vi khuẩn lao có thể ẩn náu trong cơ thể mà không gây bệnh (hay còn được gọi là nhiễm trùng lao tiềm ẩn). Lúc này, bạn không có triệu chứng của bệnh lao cũng như không lây nhiễm được cho người khác. Chỉ khi hệ miễn dịch yếu đi, vi khuẩn lao có cơ hội phát triển và hoạt động trở lại mới gây ra triệu chứng. Thời gian có thể là sau vài ngày, vài tháng thậm chí vài năm.

cách sống chung với người bị bệnh lao xét nghiệm lao là cần thiết

Nếu bạn nghĩ rằng mình đã từng tiếp xúc với người bị bệnh lao phổi hoặc có người thân trong gia đình mắc bệnh nên cần làm xét nghiệm chẩn đoán lao.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao hiện nay bao gồm:

  • Nhuộm soi đờm trực tiếp tìm vi khuẩn lao
  • Xét nghiệm Xpert MTB/RIF
  • Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao
  • X-quang phổi thường quy
  • CT scan ngực.

Bạn phải làm gì nếu không may bị nhiễm trùng lao?

Nếu đã thực hiện và phòng ngừa theo các cách sống chung với người bị bệnh lao kể trên nhưng vẫn bị nhiễm thì cũng không nên quá lo lắng. Lao thường ở dạng tiềm ẩn chứ chưa gây bệnh ngay, bạn nên ăn uống đầy đủ, tập luyện thể dục thể thao và thả lỏng tinh thần để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, ngăn không cho vi khuẩn có cơ hội hoạt động.

Nếu chẳng may vẫn phát triển bệnh, hãy điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ. Hiện nay, hầu hết các trường hợp lao phổi đều có thể chữa khỏi bằng thuốc theo phác đồ điều trị lao của chương trình phòng chống lao Quốc gia.

Bệnh lao phổi có đi làm được không?

Nhiều người thắc mắc rằng người bệnh lao phổi có đi làm được không? Nhìn chung lao phổi dễ lây qua không khí, khi tiếp xúc thường xuyên trong không gian kín. Tuy nhiên, khi bệnh được phát hiện và điều trị sớm theo đúng phác đồ nguy cơ lây lan bệnh sẽ giảm mạnh sau 2-4 tuần điều trị. Vì vậy, tốt hơn là không nên đi làm, đi học trực tiếp mà hãy tự cách ly tại nhà trong thời gian này.

cách sống chung với người bị bệnh lao và làm gì khi bản thân nhiễm bệnh

Trong thời gian này, ngoài việc thực hiện tương tự các bước như cách sống chung với người bị bệnh lao kể trên, bạn nên:

  • Mở cửa sổ để đón không khí trong lành, dùng quạt để lưu thông không khí, ngăn vi khuẩn tích tụ.
  • Tập thể dục hằng ngày với những hoạt động thể chất vừa sức.
  • Thư giãn tinh thần, không nên suy nghĩ lo lắng quá nhiều để sớm bình phục.
  • Hạn chế sử dụng xe buýt, xe lửa, taxi, máy bay hoặc các phương tiện công cộng khác.
  • Hạn chế tiếp xúc nơi đông người, trừ khi là phải đi tái khám.
  • Khạc đờm vào giấy hoặc ca cốc, bỏ đúng nơi quy định, rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Khoảng thời gian cần thiết để cách ly tại nhà đối với mỗi người là khác nhau. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm cho bạn biết khi nào bạn có thể ngừng cách ly. Sau quá trình điều trị, bệnh lao sẽ thuyên giảm, bác sĩ đánh giá bệnh không còn nguy cơ lây lan thì bạn có thể quay trở lại cuộc sống như bình thường.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về cách sống chung với người bị bệnh lao để giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, đồng thời có được câu trả lời cho thắc mắc bệnh lao phổi có đi làm được không!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tuberculosis Facts. https://www.cdc.gov/tb/publications/factseries/exposure_eng.htm. Ngày truy cập: 13/10/2021

Exposure to TB. https://www.cdc.gov/tb/topic/basics/exposed.htm. Ngày truy cập: 13/10/2021

Home Isolation for Tuberculosis (TB). https://www.healthlinkbc.ca/healthlinkbc-files/home-isolation-tuberculosis. Ngày truy cập: 13/10/2021

Tuberculosis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tuberculosis/symptoms-causes/syc-20351250. Ngày truy cập: 13/10/2021

FAQS. https://www.thetruthabouttb.org/talking-tb/questions-answers/. Ngày truy cập: 13/10/2021

Home Respiratory Precautions for Patients with Potentially Infectious Tuberculosis. https://www.health.state.mn.us/diseases/tb/basics/factsheets/homeresp.html. Ngày truy cập: 13/10/2021

Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh lao phổi. https://hcdc.vn/nhung-luu-y-khi-cham-soc-nguoi-benh-lao-phoi-ceb8b2232b79e5667d5b532670985aa5.html. Ngày truy cập: 19/02/2024

Cần làm gì khi có người nhà mắc bệnh lao? https://tytphuongsoky.medinet.gov.vn/giao-duc-suc-khoe/can-lam-gi-khi-co-nguoi-nha-mac-benh-lao-c8164-20752.aspx.

Phiên bản hiện tại

19/02/2024

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Nguyễn Ngọc Phượng


Bài viết liên quan

Tiêm dưới da xác định bệnh lao

Phác đồ điều trị lao hạch mới nhất và những điều bạn cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 19/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo