Lao hạch là dạng bệnh lao phổ biến thứ hai trong các thể lao ngoài phổi, sau lao màng phổi. Khi điều trị kịp thời, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn nhưng nếu chậm trễ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như dính hạch gây chèn ép hệ thần kinh, hạch to bị nhuyễn hóa và rò mủ dai dẳng, lao lan sang các cơ quan khác… Vì vậy, việc sống chung với người lao hạch cũng khiến nhiều người hoang mang. Liệu rằng lao hạch có lây không và làm thế nào để bảo vệ bản thân tốt nhất.
Dưới đây sẽ là câu trả lời cho bạn về việc hạch lao có lây không, cách để phòng ngừa mắc bệnh lao hiệu quả.
Con đường nào khiến một người bị nhiễm lao hạch?
Cũng giống như các thể lao khác, lao hạch do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Có hai con đường để vi khuẩn này tấn công vào các hạch bạch huyết, gây ra lao hạch. Đó là:
- Vi khuẩn lao đi vào cơ thể, xâm nhập qua các vị trí tổn thương ở amidan và hầu họng, sau đó tấn công vào các hạch bạch huyết (gọi là lao hạch tiên phát).
- Ban đầu, người bệnh bị nhiễm vi khuẩn lao ở những vị trí khác trong cơ thể, chủ yếu là phổi. Sau đó, chúng lan đến hạch theo đường bạch huyết, đường máu hoặc đường tiếp cận (gọi là lao hạch hậu tiên phát).
Bệnh lao hạch có lây không?
Trong tất cả các thể bệnh lao, chỉ có lao phổi và lao vùng hầu họng như thanh quản, phế quản, mới có thể lây lan từ người sang người. Nguyên nhân là vì vi khuẩn lao nằm trong các hạt nhỏ do người bệnh hắt hơi, ho, khạc đờm tạo ra. Nếu người khỏe mạnh hít phải những hạt này sẽ có nguy cơ nhiễm trùng lao, sau đó tiến triển thành bệnh lao.
Còn với lao hạch, vi khuẩn lao nằm trong các hạch bạch huyết chứ không bị rò rỉ ra ngoài môi trường nên không lây lan từ người sang người. Vì vậy, mọi người không cần lo sợ khi chăm sóc, chung sống, làm việc cùng bệnh nhân lao hạch. Thay vào đó, hãy động viên, giúp đỡ để họ sớm khỏi bệnh.
Làm sao để phòng ngừa bệnh lao?
Khi đã giải quyết được trăn trở bệnh lao hạch có lây không, bạn cũng nên biết cách để phòng ngừa bệnh này. Nếu được chẩn đoán mắc bất kỳ bệnh lao thể nào cũng cần điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ để chữa khỏi dứt điểm, tránh để vi khuẩn có cơ hội tấn công vào hạch bạch huyết và các bộ phận khác trong cơ thể.
Bên cạnh đó, dù lao hạch không lây lan nhưng bạn vẫn có nguy cơ mắc phải các thể bệnh lao khác, lây từ một người khác.
Hãy bảo vệ bản thân mình khỏi bệnh lao bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch có chất sát khuẩn hoặc xà phòng trong 20 giây.
- Vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc hằng ngày, đặc biệt là những vật dụng nhiều người cầm nắm như tay nắm cửa, mặt bàn, chuột máy tính…
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, ở những nơi đông người.
- Ăn uống đủ bữa, đa dạng món ăn, nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục thường xuyên và tránh căng thẳng tinh thần để nâng cao sức đề kháng, nhất là cho những người đề kháng yếu như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày.
- Tránh tiếp xúc gần gũi với những người bị lao phổi hoặc các thể lao vùng hầu họng cho đến khi họ khỏi bệnh hoàn toàn. Thời gian tiếp xúc càng dài, nguy cơ mắc bệnh của bạn càng tăng. Còn nếu bản thân bạn là người mắc bệnh, nên chủ động cách ly mọi người.
- Nếu gia đình có trẻ nhỏ, nên cho trẻ đi tiêm phòng lao đầy đủ tại cơ sở có kinh nghiệm. Vì nếu tiêm không đúng kỹ thuật, vắc xin phòng bệnh lao sẽ không có hiệu quả.
Hi vọng bài viết này đã trả lời được cho bạn câu hỏi lao hạch có lây không và những mẹo để phòng tránh bệnh lao hiệu quả. Bệnh lao không khó điều trị khi phát hiện sớm, nhưng không thể loại trừ nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, hãy luôn chủ động phòng ngừa cho mọi thành viên trong gia đình và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị bệnh nếu mắc phải.
[embed-health-tool-bmi]