COVID-19 và bệnh cúm có nhiều điểm giống và khác nhau. Giữa thời điểm dịch bệnh hô hấp đang hoành hành thì việc tìm hiểu rõ hơn sẽ giúp bạn bớt hoang mang, kịp thời điều trị đúng hướng. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ biết cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi sự lây lan của bệnh. Vậy, làm sao để phân biệt cảm cúm và covid? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Cảm cúm và covid giống nhau ở những điểm gì?
COVID-19 và bệnh cảm cúm đều là những bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, gây ra bởi virus. Nhiều người thường không thể phân biệt cảm cúm và covid bởi hai căn bệnh này có những điểm giống nhau như sau:
Cách lây lan
Vi-rút gây ra COVID-19 và bệnh cúm đều lây lan theo những cách tương tự nhau. Cả hai loại vi-rút này đều lây nhiễm từ người sang người thông qua đường hô hấp. Chúng có thể lan rộng hơn khi mọi người ở trong nhà hay không gian kém thông thoáng.
Vi-rút lây lan qua các giọt bắn được phát tán vào không khí khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi hoặc ho. Những giọt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi của người ở gần hoặc những người xung quanh vô tình bị hít phải. Ngoài ra, những giọt bắn mang vi-rút cũng có thể dính trên các vật dụng như tay nắm cửa, bàn, chuột máy tính, bát đũa,… Nếu một người chạm vào bề mặt có chứa vi-rút, sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt thì sẽ bị lây bệnh.
Đôi khi khó phân biệt cảm cúm và covid thông qua triệu chứng
Cả COVID-19 và bệnh cúm đều có thể có các mức độ triệu chứng khác nhau, từ không có triệu chứng đến các triệu chứng nghiêm trọng. COVID-19 và bệnh cúm có nhiều triệu chứng tương tự nhau, bao gồm:
- Sốt, ớn lạnh
- Ho khan, ho đàm, đàm có thể là đàm xanh, đàm trắng, đàm vàng
- Thở gấp hoặc khó thở, khò khè
- Hắt hơi
- Mệt mỏi
- Đau họng
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể
- Đau đầu
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tiêu chảy.
Cách phân biệt cảm cúm và covid chỉ dựa trên triệu chứng đôi khi rất khó. Bạn có thể cần thực hiện xét nghiệm để biết chính xác mình có mắc COVID-19 hoặc cúm hay không.
Biến chứng
Cả COVID-19 và bệnh cúm đều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Viêm phổi
- Suy hô hấp
- Hội chứng suy hô hấp cấp tính
- Suy đa cơ quan
- Nhiễm trùng huyết
- Viêm cơ tim
- Tử vong.
Nhiều người bị cúm hoặc có các triệu chứng nhẹ của COVID-19 có thể hồi phục tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, ăn uống bổ sung dinh dưỡng, dùng thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường và truyền dịch (khi có chỉ định của bác sĩ). Tuy nhiên, một số người bị bệnh nặng hơn sẽ cần phải nhập viện để điều trị.
Cả COVID-19 và bệnh cúm đều có thể dẫn đến bệnh nặng và các biến chứng ở những nhóm đối tượng sau:
- Người cao tuổi >60 tuổi
- Những người mắc một số tình trạng bệnh lý tiềm ẩn
- Những người mắc bệnh lý mãn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, COPD, ung thư, suy giảm miễn dịch,…
- Trẻ sơ sinh và trẻ em, nhất là trẻ sinh non
- Phụ nữ đang mang thai.
Có thể phân biệt cảm cúm và covid bằng điểm khác nhau
COVID-19 và bệnh cúm dù có điểm giống như nhưng nhiều trường hợp rất dễ phân biệt cảm cúm và covid thông qua các điểm khác biệt, bao gồm:
Phân biệt cảm cúm và covid thông qua nguyên nhân gây bệnh
COVID-19 và bệnh cúm do các loại vi-rút khác nhau gây ra. Nguyên nhân gây bệnh COVID-19 do một loại vi-rút corona có tên là SARS-CoV-2 gây ra, trong khi đó, nguyên nhân gây ra bệnh cúm là do vi-rút cúm A hoặc B gây ra.
Ngoài ra, vi-rút gây bệnh COVID-19 dường như có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn và lây lan nhanh hơn so với vi-rút cúm.
Thời gian lây bệnh
Nếu một người mắc COVID-19, họ có thể truyền bệnh trong thời gian dài hơn so với khi họ bị cúm.
Cúm
- Những người bị nhiễm vi-rút cúm có khả năng lây nhiễm trong khoảng một ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, cúm thường lây lan chủ yếu bởi những người có triệu chứng bệnh.
COVID-19
- Một người có thể bắt đầu lây lan vi-rút gây ra COVID-19 trong khoảng 2-3 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện, nhưng khả năng lây nhiễm cao nhất là một ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu.
- Bệnh nhân cũng có thể lây lan SARS-CoV-2 mà không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào.
- Thời gian truyền nhiễm kéo dài trong khoảng 8 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu.
Phân biệt cảm cúm và covid thông qua triệu chứng đặc hiệu
So với những người bị cúm, những người bị nhiễm COVID-19 có thể mất nhiều thời gian hơn để biểu hiện thành triệu chứng. Các triệu chứng của COVID-19 và bệnh cúm xuất hiện vào những thời điểm khác nhau. Phân biệt triệu chứng covid và cảm cúm cụ thể như sau:
- Các triệu chứng COVID-19 thường xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc
- Các triệu chứng cúm thường xuất hiện khoảng 1 đến 4 ngày sau khi tiếp xúc.
Với COVID-19, các triệu chứng bệnh thường kéo dài và nghiêm trọng hơn. Bệnh có thể gây khó thở nghiêm trọng và giảm nồng độ oxy bão hòa trong máu.
Ngoài ra, mất vị giác và khứu giác cũng là triệu chứng đặc trưng của COVID-19 mà nhiều người gặp phải trong khi cảm cúm thì không. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể không xảy ra ở tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19.
Mức độ nghiêm trọng
So với bệnh cúm, COVID-19 có thể gây bệnh nặng hơn ở một số bệnh nhân. So với các trường hợp cúm trước đây, COVID-19 có thể khiến nhiều người từ 18 tuổi trở lên phải nhập viện và tử vong hơn, ngay cả những người khỏe mạnh, không có vấn đề sức khỏe nào khác.
COVID-19 có thể gây ra các biến chứng khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như tổn thương phổi nặng hơn, hình thành cục máu đông, biến chứng hậu COVID và hội chứng viêm toàn thân ở trẻ em.
Nhiễm cúm dẫn đến biến chứng nhiễm trùng thứ cấp phổ biến hơn so với nhiễm COVID-19.
Phương pháp điều trị
Bạn cũng có thể phân biệt cảm cúm và covid thông qua cách điều trị. Cụ thể như sau:
Cúm
Điều trị cảm cúm thường chỉ cần điều trị triệu chứng, với các thuốc hạ sốt, giảm đau, chống dị ứng và giảm tiết dịch ở mũi.
Ngoài ra, thuốc uống kháng vi-rút cũng có thể được chỉ định để rút ngắn thời gian mắc bệnh. Vì được dùng bằng đường uống nên các thuốc kháng vi-rút này có thể được bác sĩ kê cho bệnh nhân tại nhà hoặc tại bệnh viện.
Những người nhập viện vì cúm hoặc những người có nguy cơ cao bị biến chứng nặng và có các triệu chứng cúm nên được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút càng sớm càng tốt sau khi phát bệnh.
COVID-19
Chỉ có một loại thuốc kháng vi-rút, được gọi là remdesivir, hiện được chấp thuận để điều trị COVID-19. Thuốc kháng vi-rút có thể được dùng cho những bệnh nhân không nhập viện có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng và những người nhập viện vì COVID-19 nặng.
Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể phải nhập viện và áp dụng các phương pháp điều trị khác, bao gồm: thuốc tiêm tĩnh mạch, liệu pháp oxy bổ sung, hỗ trợ thông khí và các biện pháp hỗ trợ khác.
Những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng nên được điều trị đúng cách trong vòng vài ngày kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
Vắc xin chủng ngừa
Bạn có thể tiêm vắc xin chủng ngừa cúm hàng năm để làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm. Vắc xin cúm cũng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và ngăn nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vắc-xin cúm không ngăn ngừa nhiễm COVID-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Tiêm vắc-xin cúm chỉ có thể làm giảm nguy cơ nhiễm cúm mà thôi.
Vắc xin COVID-19 có thể ngăn nhiễm vi-rút COVID-19 và giảm nguy cơ bệnh nặng nếu mắc bệnh.
Hy vọng thông qua bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhằm giúp bạn phân biệt cảm cúm và covid một cách chính xác hơn. Đây đều là những bệnh có khả năng lây nhiễm rộng và nguy cơ biến chứng cao nên cần thận trọng và điều trị kịp thời nhé!
[embed-health-tool-bmi]