backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

5 hiểu lầm “kinh điển” về bệnh hen suyễn

Tham vấn y khoa: Liên chi Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM · Miễn dịch học · Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - BV Đại học Y Dược TP.HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 09/06/2022

    5 hiểu lầm “kinh điển” về bệnh hen suyễn

    Tuy không phải là căn bệnh hiếm gặp, nhưng hiện vẫn còn nhiều người có những hiểu lầm về bệnh hen suyễn. Điều này khiến việc điều trị và kiểm soát bệnh bị ảnh hưởng, từ đó gây ra những hậu quả không đáng có.

    Dù hen suyễn là một bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong chỉ xếp sau ung thư(1), nhưng người bệnh vẫn có thể sống cuộc sống bình thường nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị và kiểm soát được các triệu chứng của bệnh.

    Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa tìm hiểu rõ và có những hiểu lầm về bệnh hen suyễn, khiến bệnh bị xem nhẹ hoặc không được kiểm soát tốt. Trong bài viết sau đây, mời bạn cùng làm sáng tỏ 5 hiểu lầm thường gặp về bệnh lý này nhé.

    Hiểu lầm 1: Đôi khi tôi cảm thấy khó thở, nhưng điều đó là bình thường

    Sự thật: Theo số liệu nghiên cứu, có đến 50% các trường hợp hen không được chẩn đoán trong cộng đồng(2)(3). Và khó thở là một trong những triệu chứng điển hình nhất của bệnh, bạn không nên chủ quan!

    Hen suyễn là một bệnh lý đường hô hấp mạn tính, biểu hiện bởi các triệu chứng như: ho, khó thở, nặng ngực… Trong đó, khó thở là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Vì vậy, nếu nhận thấy các biểu hiện vừa kể trên thì bạn đừng nên chủ quan, tiến hành tầm soát nguy cơ mắc bệnh của mình thông qua bài kiểm tra triệu chứng hen suyễn và hỏi ý kiến, thăm khám bác sĩ để được tư vấn nhé.

    Nếu trả lời “CÓ” từ 2 câu trở lên, bạn nên đến các phòng khám và quản lý hen tại địa phương để thăm khám càng sớm càng tốt. Thông qua thăm khám lâm sàng, chụp X- quang phổi, đo hô hấp ký… bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác bạn có mắc hen suyễn hay không.

    Hiểu lầm về bệnh hen suyễn: Khó thở là bình thường

    Hiểu lầm 2: Tôi có thể kiểm soát tốt hen suyễn mà không cần dùng thuốc?

    Sự thật: Với hen suyễn, dùng thuốc chứa corticosteroid dạng hít (ICS) là nền tảng trong việc điều trị bệnh nhờ khả năng giảm tử vong, nhập viện và các triệu chứng nặng do bệnh(4)

    Với hen suyễn, quy tắc quan trọng nhất chính là dùng thuốc kiểm soát hen, điển hình như thuốc chứa corticosteroid dạng hít (ICS) thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, vì có một số hiểu lầm về tác dụng của thuốc điều trị hen suyễn, nên nhiều người bệnh không dùng thuốc thường xuyên mà chỉ dùng khi cơn hen xuất hiện. Chính việc không tuân thủ này đã khiến các triệu chứng của bệnh có cơ hội bộc phát, thậm chí làm gia tăng các đợt khó thở kịch phát, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong(5)

    Đặc biệt, trong mùa dịch COVID-19 như hiện nay, người mắc bệnh hen suyễn từ trung bình đến nặng hoặc không kiểm soát tốt các triệu chứng được cho là đối tượng có nhiều nguy cơ phải nhập viện do COVID-19(6). Do đó, người bệnh càng cần phải tuân thủ việc dùng thuốc kiểm soát chứa ICS thường xuyên cũng như có các biện pháp phòng ngừa khác.

    Hiểu lầm về bệnh hen suyễn 3: Dùng corticosteroid dạng hít thường xuyên sẽ gây nhiều tác dụng phụ

    Sự thật: Corticosteroid dạng hít dung nạp tốt và giúp kiểm soát các triệu chứng hen suyễn hiệu quả!

    Corticosteroid dạng hít giúp kiểm soát bệnh hen suyễn hiệu quả và an toàn đối với mọi người(7). Song song đó, việc điều trị với corticosteroid dạng hít sẽ ngăn ngừa viêm đường thở và kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh, từ đó giúp người bệnh thở dễ dàng hơn(8)(9)(10). Đặc biệt, corticosteroid cũng giúp cải thiện chức năng phổi, giảm các cơn hen kịch phát, giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ phải nhập viện điều trị vì hen suyễn(11).

    Nếu cảm thấy lo lắng quá mức về độ an toàn của thuốc, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được giải thích thêm, và cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Theo số liệu thống kê cho thấy, nếu bệnh nhân hen suyễn càng lo lắng thì càng khiến việc kiểm soát bệnh kém hiệu quả hơn 2,4 lần(12)

    Hiểu lầm 4: Thuốc kiểm soát hen suyễn sẽ giảm tác dụng theo thời gian

    Sự thật: Thuốc kiểm soát hen suyễn là phương pháp điều trị bệnh lâu dài và hiệu quả, nếu được sử dụng thường xuyên và theo đúng chỉ định từ bác sĩ.

    Thực tế, chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy, thuốc kiểm soát hen suyễn sẽ bị giảm tác dụng theo thời gian. Ngược lại, thuốc chứa corticosteroid dạng hít (ICS) còn được giới chuyên môn đánh giá là loại thuốc hiệu quả để kiểm soát hen trong thời gian dài ở mọi người(13).

    Dự phòng bệnh trở nặng là ưu tiên quan trọng đối với người bệnh hen suyễn, vì vậy bạn cần dùng thuốc kiểm soát bệnh mỗi ngày và tuyệt đối không được tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ nhé!

    Hiểu lầm về bệnh hen suyễn: Thuốc sẽ hết tác dụng theo thời gian

    Hiểu lầm về bệnh hen suyễn 5: Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn!

    Sự thật: Đây là một hiểu lầm thường gặp về bệnh hen suyễn. Bệnh không thể được chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể cải thiện bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

    Trước nay, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, bệnh hen suyễn có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý đường hô hấp mạn tính, bạn sẽ phải “sống chung” với bệnh lâu dài và suốt đời. Thậm chí, đường thở của người bệnh hen suyễn vẫn có thể bị viêm ngay cả khi không biểu hiện triệu chứng gì.

    Do đó, bạn không được chủ quan mà vẫn phải theo dõi, chú ý thăm khám thường xuyên, định kỳ. Vì dù không thể chữa khỏi, nhưng việc dùng các thuốc điều trị hen suyễn theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp làm giảm tình trạng viêm, ngăn chặn các cơn hen xảy ra và nếu hen được kiểm soát tốt, người bệnh hoàn toàn có thể có một cuộc sống gần như một người khỏe mạnh bình thường.

    Đối với người chưa được chẩn đoán hen suyễn nhưng có các dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, hãy làm thử bài trắc nghiệm nhanh sau đây để xem mình có nguy cơ bị hen suyễn hay không và đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời nhé!

    Hy vọng bài viết đính chính những hiểu lầm thường gặp về bệnh hen suyễn trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này, từ đó “Hành động – đừng bị động” ngay từ hôm nay để cuộc sống không lỡ nhịp vì hen suyễn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Liên chi Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM

    Miễn dịch học · Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - BV Đại học Y Dược TP.HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 09/06/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo