Cúm B là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi virus cúm. Đây là loại virus thường gặp đứng thứ 2 sau virus cúm A. Triệu chứng cúm B có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng tùy mỗi đối tượng. Vậy, một người khi nhiễm cúm B bao lâu thì khỏi?
Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin về cúm B và giúp bạn đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Cúm B bao lâu thì khỏi và nên làm gì để mau khỏi bệnh?”. Cùng tìm hiểu ngay!
Tìm hiểu chung về cúm B
Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra. Có 4 loại virus cúm bao gồm: A, B, C và D. Hai loại thường gặp nhất là cúm A và cúm B và chúng có nhiều điểm tương đồng.
Trước khi trả lời vấn đề “Cúm B bao lâu thì khỏi?”, hãy tìm hiểu các giai đoạn của bệnh cúm B. Đầu tiên là giai đoạn ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh của cúm B dao động trong khoảng từ 1 đến 4 ngày. Sau đó là giai đoạn biểu hiện triệu chứng và lây nhiễm. Cuối cùng là giai đoạn phục hồi.
Các triệu chứng cúm B có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, biểu hiện tại đường hô hấp, tiêu hóa hoặc toàn thân. Cụ thể như sau:
- Triệu chứng trên đường hô hấp: Ho khan, khó chịu ở ngực (phổ biến), nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng (ít gặp hơn). Triệu chứng cúm B kéo dài bao lâu? Hầu hết các triệu chứng hô hấp sẽ hết sau vài ngày đến dưới 2 tuần. Cơn ho nặng có thể kéo dài từ 2 tuần trở lên.
- Triệu chứng dạ dày (hiếm gặp): Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khó chịu bụng.
- Triệu chứng toàn thân: Sốt, nhức mỏi cơ thể, nhức đầu, ớn lạnh, mệt mỏi. Cúm B sốt mấy ngày hay cúm B sốt bao lâu? Hầu hết người bị cúm có triệu chứng sốt sớm và kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Tuy nhiên, không phải ai mắc cúm cũng bị sốt.
Mắc cúm B bao lâu thì khỏi?
Cúm B có thời gian ủ bệnh ngắn. Khoảng 1 đến 4 ngày sau khi tiếp xúc với virus, bạn sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Các triệu chứng cúm thường xuất hiện khá đột ngột và dữ dội. Các triệu chứng nặng nhất thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày – tương ứng lúc tình trạng nhiễm trùng ở mức nặng nhất. Sau giai đoạn này, bạn vẫn sẽ có một số triệu chứng kéo dài cần hồi phục, ví dụ như ho khan, mệt mỏi và suy nhược.
Cúm B ở người lớn bao lâu thì khỏi? Bệnh thường khỏi sau 1 tuần. Nếu các triệu chứng vẫn nặng sau 1 tuần thì có khả năng bạn có một bệnh lý tiềm ẩn khiến cơ thể không thể hồi phục hoặc bệnh cúm đang gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn. Một số đối tượng nguy cơ cao có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như viêm phổi và nhiễm trùng huyết. Lúc này, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Mắc cúm B nên làm gì để nhanh khỏi?
Khi hiểu rõ cúm B bao lâu thì khỏi, bạn cũng nên thực hiện thêm một số biện pháp để nhanh khỏi bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, cúm B có thể điều trị tại nhà bằng các biện pháp sau đây để cơ thể tự chống lại virus và nhanh phục hồi:
- Nghỉ ngơi và ở nhà để tránh lây nhiễm
- Bổ sung đủ nước
- Ăn các thức ăn ấm, lỏng, dễ tiêu
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá
- Xông hơi để giảm nghẹt mũi
- Súc miệng và vệ sinh mũi với nước muối
- Uống nước chanh ấm pha mật ong
- Dùng thuốc không kê đơn để giảm nhẹ các triệu chứng như đau nhức và sốt.
Đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao gặp biến chứng nguy hiểm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus nếu bệnh được chẩn đoán trong vòng 48 giờ đầu tiên khi có triệu chứng. Những đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:
- Trẻ em dưới 2 tuổi
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên
- Phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh
- Người đang thực hiện hóa trị
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc đang mắc các bệnh mạn tính khác.
Bên cạnh đó, khi có dấu hiệu sốt cần hạ sốt ngay vì sốt cao rất nguy hiểm. Bạn cũng có thể dùng các thuốc không kê đơn và các biện pháp thay thế để giúp giảm các triệu chứng khó chịu.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Cúm B bao lâu thì khỏi?”. Thông thường, sau 3 đến 7 ngày, các triệu chứng sẽ khỏi hẳn. Các triệu chứng nặng kéo dài lâu hơn là dấu hiệu của biến chứng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Do đó, nếu chẳng may mắc cúm B, đừng chủ quan mà hãy để ý đến các dấu hiệu cảnh báo biến chứng nguy hiểm và thăm khám kịp thời nhé! Ngoài ra, hãy chủ động thực hiện tiêm chủng để phòng ngừa cúm, bạn có thể tham khảo ngay loại vaccine phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn tại đây!
[embed-health-tool-bmi]